91 NĂM NGÀY BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VIỆT NAM (21/6/1925 – 21/6/2016) LỊCH SỬ TRUYỀN THỐNG VÀ NIỀM TỰ HÀO

       Trong lịch sử báo chí Việt Nam, từ những năm 60 của thế kỉ 19 đã có “Gia Định báo” và một số báo khác lần lượt ra đời tại Sài Gòn, Hà Nội và một vài địa phương khác. 

       Những năm đầu thế kỷ 20, hàng loạt tờ báo của người Việt Nam được xuất bản, tập hợp nhiều nhà văn, nhà báo, nhà trí thức theo từng nhóm nhỏ nhưng do có các khuynh hướng chính trị khác nhau nên không thể tập hợp vào chung một tổ chức thống nhất.   

Gia Định Báo những năm 60 thế kỷ 19                  

                                           Gia Định Báo những năm 60 thế kỷ 19

       Đến ngày 21/6/1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), báo “Thanh niên” do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập, ra mắt số đầu tiên thì nền báo chí cách mạng Việt Nam mới bắt đầu hình thành. Từ khi có báo “Thanh niên” – tờ báo cách mạng Việt Nam đầu tiên - báo chí Việt Nam đã giương cao ngọn cờ cách mạng, nói lên ý chí, khát vọng của dân tộc Việt Nam và chỉ rõ phương hướng đấu tranh của nhân dân Việt Nam vì độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Nói khái quát là, báo Thanh niên đã mở đầu cuộc cách mạng tư tưởng, đưa nền tảng tư tưởng truyền thống của dân tộc Việt Nam lên một tầm cao mới. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là người đào tạo lớp người làm báo vô sản đầu tiên của Việt Nam như: Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Lê Duy Điềm, Trương Văn Lĩnh…  

Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người sáng lập Báo Thanh Niên (21/6/1925)

           Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người sáng lập Báo Thanh Niên (21/6/1925)

                      Báo Thanh Niên (21/6/1925) – Tờ Báo cách mạng Việt Nam đầu tiên

       Báo Thanh niên số 1, ra ngày 21/6/1925, tại số nhà 13 đường Văn Minh, Quảng Châu, Trung Quốc đã đánh dấu sự ra đời của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Ngôi nhà số 13 đường Văn Minh cũng chính là trụ sở Tổng bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội – tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tại đây, báo được chuyển về nước bằng nhiều con đường bí mật và được phổ biến rộng rãi trong nhân dân, tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam.

       Do ý nghĩa đó, ngày 5/02/1985, Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã có Quyết định số 52-QĐ/TW lấy ngày 21/6 hằng năm làm Ngày báo chí Việt Nam nhằm nâng cao vai trò và trách nhiệm xã hội của báo chí, thắt chặt mối quan hệ giữa báo chí với công chúng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí. Ngày 21/6/2000, nhân kỉ niệm 75 năm Ngày báo chí Việt Nam, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đồng ý gọi Ngày báo chí Việt NamNgày báo chí cách mạng Việt Nam.

       Vào những năm 20 đầu thế kỷ 20, Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập ra tổ chức Thanh niên Cộng sản Đoàn làm nòng cốt cho tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội – một tổ chức yêu nước Việt Nam đầu tiên đi theo con đường cách mạng vô sản, đồng thời xuất bản báo Thanh niên làm cơ quan ngôn luận của tổ chức này. Ngày 21/6/1925, Thanh niên, tờ báo đầu tiên của Cách mạng Việt Nam đã ra số 1. Tháng 6/1929, Đông Dương Cộng sản Đảng ra đời, cho xuất bản báo Búa liềm làm cơ quan Trung ương của Đảng, Ban Công vận Trung ương của Đảng ra báo Công hội đỏ, Tổng Công hội Bắc kỳ ra báo Lao động. Tháng 9/1929, An Nam Cộng sản Đảng cho ra báo Đỏ. Những tờ báo của các tổ chức Cộng sản sơ khai này có tác dụng rất quan trọng trong việc giáo dục ý thức giai cấp, đấu tranh giai cấp và lý tưởng cộng sản chủ nghĩa cho quần chúng lao động.

       Tháng 2/1930, Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản được triệu tập dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyết định thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, thông qua một số văn kiện quan trọng, quyết định Trung ương và địa phương sẽ ra báo của Đảng Cộng sản Việt Nam thống nhất. Ngày 5/8/1930, Trung ương cho ra báo Tạp chí đỏ; ngày 15/8/1930, báo Tranh đấu ra mắt. 

       Tháng 10/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam đổi tên thành Đảng Cộng sản Đông Dương. Trung ương Đảng cho ra báo Cờ vô sản và tạp chí Cộng sản. Các xứ ủy, tỉnh ủy, nhiều huyện ủy và chi bộ cũng ra báo. Báo chí trong thời kỳ này đóng vai trò quan trọng trong việc phát động cao trào cách mạng của công nông chống đế quốc, phong kiến, đỉnh cao là cao trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh. Cũng trong thời kỳ này, Ban lãnh đạo ở nước ngoài của Đảng được thành lập làm nhiệm vụ tạm thời của Trung ương, xuất bản tạp chí Bônsêvích làm cơ quan lý luận để thống nhất Đảng.

       Tháng 3/1935, Đại hội Đảng lần thứ nhất họp, quyết định chuyển tạp chí Bônsêvích thành tạp chí lý luận Trung ương của Đảng. Các chi bộ cộng sản trong một số nhà tù lớn cũng đã xuất bản báo và tạp chí.

       Báo chí trong những năm 1930 - 1936 đã phục vụ tích cực cho xây dựng Đảng, tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin và đường lối cách mạng dân quyền của Đảng, kiên quyết chống đế quốc, phong kiến, chống chủ nghĩa cải lương của giai cấp tư sản và chủ nghĩa dân tộc tư sản của Việt Nam quốc dân Đảng, chuẩn bị điều kiện để đón thời cơ đưa cách mạng tiến lên một cao trào mới. 

       Tranh thủ điều kiện quốc tế có nhiều thuận lợi, Mặt trận nhân dân chống phát xít được thành lập ở nhiều nước; trong đó, có nước Pháp và hình thành Mặt trận nhân dân thế giới chống phát xít. Lợi dụng khả năng hoạt động nửa hợp pháp, nửa bất hợp pháp, Đảng chủ trương đưa báo chí ra xuất bản công khai, hợp pháp. Một số tờ báo cách mạng bằng chữ Pháp được xuất bản ở Hà Nội, cùng với đó, một loạt các tờ báo tiếng Việt đã được xuất bản công khai hợp pháp, trong đó có tờ Dân chúng, cơ quan Trung ương của Đảng. Báo chí thời kỳ vận động dân chủ (1936 – 1939) in ty-pô số lượng lớn, có tờ chiếm kỷ lục như Dân chúng số Xuân 1939 in đến 15.000 bản. Trình bày bài vở trên mặt báo đã mang dáng dấp hiện đại, biên tập và in nhanh, phát hành nhanh, rộng trong cả nước và ra nước ngoài.

      Tháng 5/1941, Mặt trận Việt Minh thành lập. Tháng 8/1941, báo Việt Nam độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lấy danh nghĩa Việt Minh tỉnh Cao Bằng, sau mở rộng thành Việt Minh Cao Bằng - Bắc Cạn, rồi Cao Bằng -Bắc Cạn - Lạng Sơn. Ngày 25/1/1942, báo Cứu quốc, cơ quan của Tổng bộ Việt Minh ra đời. Ngày 10/10/1942, báo Cờ giải phóng, cơ quan Trung ương của Đảng xuất bản số 1. Trung ương còn xuất bản tạp chí Cộng sản làm cơ quan lý luận. Các kỳ bộ Việt Minh và tỉnh bộ Việt Minh lần lượt cho xuất bản báo của địa phương cùng với báo của các đoàn thể cứu quốc ở Trung ương: Công nhân, Thanh niên, Học sinh, Văn hóa, Tự vệ…Báo chí phục vụ tích cực cho xây dựng lực lượng vũ trang, kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang.

       Từ sau khi có Chỉ thị về việc sửa soạn khởi nghĩa của Tổng bộ Việt Minh (5/1944) và nhất là sau cuộc đảo chính Nhật - Pháp (3/1945), Đảng phát động cao trào kháng Nhật cứu nước tiến tới Tổng khởi nghĩa, một số báo của các lực lượng vũ trang từ các căn cứ kháng Nhật và khu giải phóng được xuất bản. Hai tờ báo Cờ giải phóngCứu quốc có cống hiến lớn nhất trong việc đẩy mạnh cao trào cách mạng và giành thắng lợi trong cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945. Từ tháng 8/1945 trở đi, dưới chế độ dân chủ nhân dân, báo chí cách mạng xuất bản công khai, in ty-pô với số lượng lớn. Báo Cứu quốc xuất bản hàng ngày là tờ báo lớn nhất cả nước. Cuối năm 1945, Đảng ta chuyển vào bí mật, báo Cờ giải phóng ngừng xuất bản; báo Sự Thật ra đời với danh nghĩa cơ quan của Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở Đông Dương (tên gọi bí mật của Đảng khi ấy) .Trong năm đầu của chính quyền cách mạng, báo chí phục vụ tích cực cho nhiệm vụ bảo vệ chính quyền non trẻ. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp lần thứ hai bùng nổ và lan rộng. Báo chí cách mạng có một bộ phận xuất bản công khai ở các vùng tự do và các căn cứ kháng chiến, một bộ phận xuất bản trong vùng địch tạm chiếm. Những văn kiện của Đảng, bài nói và viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo của Đảng được in trên các báo Trung ương và các báo địa phương. Năm 1951, báo Nhân Dân, cơ quan Trung ương của Đảng bắt đầu xuất bản, tạp chí Cộng sản, tạp chí Sinh hoạt nội bộ, báo Quân đội Nhân dân ra đời.

       Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi, nước ta tạm thời chia làm 2 miền với 2 nhiệm vụ chiến lược khác nhau nhưng có một nhiệm vụ chung: Đánh đổ đế quốc Mỹ và tay sai, hoàn thành cách mạng giải phóng dân tộc. Báo chí của ta hình thành báo chí tự do ở miền Bắc và báo chí xuất bản bí mật bất hợp pháp trong vùng địch tạm chiếm ở miền Nam.

Trong điều kiện mới, báo chí ở miền Bắc có những bước tiến vượt bậc. Báo Nhân Dân ra hàng ngày, in với số lượng lớn nhất bằng kỹ thuật tiên tiến. Trung ương cho ra tạp chí lý luận, lúc đầu tên là Học tập, sau đổi là tạp chí Cộng sản. Nhiều cơ quan nghiên cứu khoa học, tuyên truyền, lý luận, tổ chức, kỹ thuật và các tỉnh đều xuất bản báo. Ngày 2/6/1950, Hội Nhà báo Việt Nam được thành lập đã đoàn kết rộng rãi các nhà báo trong nước và tháng 7/1950 gia nhập Tổ chức Quốc tế các nhà báo (OIJ).

      Sau ngày thống nhất đất nước, báo chí ở nước ta đã phát triển khá nhanh về số lượng và chất lượng, hình thành hệ thống thông tấn, báo chí, phát thanh, truyền hình rộng khắp cả nước. Từ sau Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng, báo chí như được thổi luồng không khí mới. Trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, chống tiêu cực và các tệ nạn xã hội, báo chí cả nước đã phát huy vai trò xung kích, thể hiện rõ chức năng giám sát của nhân dân. Nội dung thông tin của báo chí ngày càng phong phú, hiệu quả, hình thức đẹp, sinh động và hấp dẫn. Nhờ có công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, báo chí đã có bước tiến nhảy vọt về chất và lượng.

       Ở Bình Thuận, sau khi tổ chức Nông hội hình thành và phát triển, trong năm 1930 và đầu năm 1931, nhằm cổ vũ, hướng dẫn, tập hợp lực lượng để xây dựng và phát triển phong trào cách mạng trong tỉnh, tổ chức Cộng sản của Bình Thuận đã cho ra đời tờ báo nội bộ lấy tên là “Báo Nhân Đạo” do đồng chí  Nguyễn Gia Tú là người trực tiếp tổ chức in ấn, phát hành tờ báo. “Báo Nhân Đạo” là tờ báo cách mạng đầu tiên của tỉnh Bình Thuận, mở đầu cho hàng loạt tờ báo cách mạng ra đời sau đó như: tờ báo “Sáng”, Chiến Thắng”, “Liên Hữu”, “Chiến Đấu”, v.v... . Lúc bấy giờ, các nhà báo, phóng viên chuyên nghiệp không nhiều, chủ yếu là cán bộ dân chính đảng và lực lượng vũ trang tỉnh làm báo và cùng là những người chiến đấu trực tiếp chiến đấu trên chiến trường nên đã đưa tin, phản ánh sinh động cuộc kháng chiến hào hùng, đầy ác liệt, hy sinh, gian khổ của quân và dân Bình Thuận, đã động viên, cổ vũ tinh thần chiến đấu quyết tâm giành chiến thắng của quân và dân Bình Thuận. Thắng lợi của quân và dân Bình Thuận đã góp phần vào chiến thắng của cả dân tộc Việt Nam trong ngày 30/4/1975 lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.  

       Sau ngày giải phóng 30/4/1975, hoạt động báo chí của tỉnh ta được tổ chức ngày càng phù hợp hơn với việc hình thành 3 cơ quan báo chí của tỉnh là: Báo Bình Thuận, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Tạp chí Văn nghệ Bình Thuận. Trong quá trình hoạt động, các cơ quan báo chí của tỉnh không chỉ phản ánh kịp thời những diễn biến các mặt của đời sống xã hội; tuyên truyền đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước và của tỉnh đến với cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh; tham gia đấu tranh, bài trừ các tệ nạn tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội..., mà còn là kênh thông tin để nhân dân bày tỏ ý kiến, nguyện vọng của mình đối với các cơ quan Đảng, chính quyền, các tổ chức xã hội trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh... trên địa bàn tỉnh nhà. Các cơ quan báo chí của tỉnh đã xây dựng được đội ngũ làm báo ngày càng chuyên nghiệp, có mạng lưới cộng tác viên rộng khắp, đảm bảo thông tin, phản ánh kịp thời, sinh động mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh. Trên địa bàn tỉnh hiện nay còn có Phân xã Thông tấn xã Việt Nam, cơ quan thường trú Báo Nhân Dân và các báo, đài của Trung ương,...; các trang tin điện tử của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các huyện, thị, thành phố; bản tin của các ngành, đoàn thể... Tất cả đã hình thành một hệ thống thông tin đa dạng, làm cho hoạt động thông tin, báo chí trên địa bàn tỉnh thêm phong phú, sinh động, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thông tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

       Chưa bao giờ, báo chí cách mạng Việt Nam phát triển như hiện nay, cả về số lượng và chất lượng, về nội dung và hình thức Từ vài chục cơ quan báo chí trong ngày đầu giành chính quyền, đến nay (theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2015), cả nước hiện có trên 849 cơ quan báo chí với hơn 1.016 ấn phẩm báo chí, 01 Hãng Thông tấn quốc gia, 02 Đài Phát thanh và Truyền hình quốc gia, 01 đài truyền hình kỹ thuật số, 64 đài phát thanh, truyền hình ở các tỉnh, thành phố. Cả nước có 98 báo, tạp chí điện tử, 191 mạng xã hội, hơn 1000 trang tin điện tử tổng hợp. Đội ngũ báo chí điện tử, báo chí trực tuyến phát triển mạnh mẽ cùng với các nhà cung cấp dịch vụ Internet tạo nên một mạng thông tin báo chí điện tử sôi động có sức thu hút hàng triệu lượt người truy cập hàng ngày. Đội ngũ những người làm báo phát triển nhanh chóng, từ 300 người trong kháng chiến chống Pháp lên hơn 22.000 hội viên nhà báo hiện nay. Hệ thống báo chí hiện nay lớn mạnh hơn bao giờ hết với 4 loại hình báo chí: báo in, báo hình, báo phát thanh, báo điện tử. Sự cập nhật thông tin thường xuyên, liên tục với khối lượng nguồn tin khổng lồ về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu thông tin ngày càng cao của nhân dân.

       Hoạt động của báo chí trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước, trong quá trình hội nhập quốc tế và cơ chế thị trường, trong thời đại “bùng nổ” thông tin đang phát triển không ngừng.  Báo chí đã đi sâu vào thực tiễn đời sống, phát hiện, giới thiệu, cổ vũ các mô hình kinh tế mới, cách làm ăn mới, nhân tố mới, người tốt, việc tốt. Báo chí đã thể hiện rõ quan điểm bảo vệ và phát huy bản sắc, truyền thống văn hóa dân tộc, tuyên truyền cổ vũ toàn dân phát huy có chọn lọc nền văn hóa tiên tiến của các nước trên thế giới, góp phần nâng cao dân trí. Báo chí đã tổ chức khơi dậy và biến nhiều hoạt động xã hội từ thiện trở thành phong trào của toàn xã hội. Nội dung thông tin của báo chí ngày càng phong phú, hiệu quả, hình thức đẹp, sinh động và hấp dẫn.

      Báo chí cách mạng Việt Nam là tiếng nói của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, là diễn đàn tin cậy của nhân dân. Báo chí tuyên truyền, phổ biến đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, phản ánh nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân. Báo chí cũng là một vũ khí sắc bén chống lại các thế lực thù địch của cách mạng, đấu tranh chống tiêu cực bảo vệ lợi ích của nhân dân.

      Trong những năm qua, đất nước đạt nhiều thành tựu nhưng cũng phải đối mặt với rất nhiều thách thức, khó khăn. Trong bối cảnh đó, báo chí đã “đồng hành” cùng Đảng, Nhà nước, Nhân dân vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Báo chí đã góp phần rất lớn tạo sự đồng thuận xã hội, phản ánh kịp thời những khó khăn, bất cập, vướng mắc trong thực tiễn cuộc sống để Đảng, Nhà nước kịp thời ban hành, điều chỉnh chủ trương, chính sách, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

       Những người làm báo chúng ta cần thấy rõ vinh dự và trách nhiệm lớn lao của nghề làm báo - một nghề cao quý và thiêng liêng - nhất là trong giai đoạn hiện nay để từ đó không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao nhận thức chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đặc biệt là đạo đức nhà báo. Càng đi vào phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, nhà báo càng phải nêu cao tính tiên phong trên mặt trận tư tưởng, tiếp thu các giá trị văn hóa tiên tiến của nhân loại, giữ gìn và phát huy những giá trị đạo đức và bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, làm cho mọi người, nhất là thế hệ trẻ hình thành và phát triển nhân cách, lối sống, đạo đức và tâm hồn của con người Việt Nam.

       Trong thời đại bùng nổ thông tin, nhà báo cách mạng lại càng phải có bản lĩnh cách mạng, giữ vững vai trò định hướng thông tin; đồng thời, đáp ứng tốt nhất quyền thông tin của các tầng lớp nhân dân. Nói cách khác, nhà báo cách mạng phải có tinh thần cách mạng, đó là tinh thần tiến công, đấu tranh loại bỏ cái xấu, bảo vệ cái tốt, vì sự nghiệp chung của đất nước, của nhân dân; là tinh thần tự đổi mới, tự hoàn thiện chính bản thân mình.

       Các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí cần nâng cao chất lượng công tác tham mưu, xây dựng chủ trương, đường lối phát triển và quản lý báo chí, bảo đảm nguyên tắc: Báo chí luôn đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, phù hợp với thực tiễn đất nước và xu thế phát triển chung hiện nay; báo chí phải là vũ khí sắc bén, công cụ đắc lực của Đảng trên mặt trận tư tưởng. Báo chí cách mạng không chỉ là phương tiện thông tin thuần túy, càng không phải là công cụ giải trí đơn thuần mà nó có chức năng tuyên truyền, cổ động, tập hợp và tổ chức quần chúng đấu tranh cách mạng, giáo dục và hướng dẫn hành động của các tầng lớp xã hội. Báo chí phải là người đi tiên phong trên mặt trận tư tưởng, tỉnh táo, cảnh giác, lấy chính thực tiễn sinh động của đất nước đổi mới để tấn công, vạch trần âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch, phản động, củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ ta. Báo chí cách mạng Việt Nam đã, đang và sẽ phát huy vai trò là diễn đàn của nhân dân, là tiếng nói của Đảng và Nhà nước, góp phần tạo sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

       Suốt 91 năm qua, báo chí cách mạng Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc, lớn lên cùng cách mạng, phục vụ cách mạng, phụng sự nhân dân. Người làm báo thật sự là chiến sĩ, với cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén, góp phần xứng đáng vào công cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Trước sự phát triển không ngừng trên mọi mặt của đời sống xã hội, đòi hỏi báo chí phải phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của mình. Những người làm báo cần bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh nhà và của đất nước để thông tin tuyên truyền kịp thời, đầy đủ đến nhân dân; chú trọng hơn nữa việc phản ánh kịp thời những cái mới, nhân tố điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt; góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ thông tin đối nội và thông tin đối ngoại trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội và hội nhập quốc tế; tuân thủ pháp luật, thực hiện tốt Luật Báo chí 2016 mới được Quốc hội khóa XIII thông qua; không ngừng cải tiến cả về nội dung và hình thức nhằm tăng sức hấp dẫn, thu hút người đọc, người xem để báo chí thật sự là sản phẩm thông tin, sản phẩm văn hóa không thể thiếu đối với mỗi người chúng ta.

 

          


Các tin khác

TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN

TƯ LIỆU LỊCH SỬ

THÔNG TIN CÔNG TÁC TUYÊN GIÁO

Bộ câu hỏi trắc nghiệm

SINH HOẠT CHI BỘ