Hàng quý, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị thông báo thời sự tình hình quốc tế, trong nước và trong tỉnh cho cán bộ, đảng viên bằng hình thức trực tuyến đến các điểm cầu của 10 huyện, thị, thành ủy; các huyện, thị, thành ủy đã phối hợp với các ban ngành cùng cấp mở các lớp bồi dưỡng các chuyên đề dân tộc, tôn giáo, nghiệp vụ công tác văn phòng, nghiệp vụ công tác dân vận, nghiệp vụ công tác kiểm tra, giám sát, kỹ năng xử lý tình huống,…; phối hợp Trường Chính trị tỉnh mở lớp Trung cấp lý luận chính trị - hành chính tại chức cho cán bộ, đảng viên trên địa bàn các huyện: Tuy Phong, Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Tánh Linh, Đức Linh, Phú Quý, Hàm Tân, Thị xã La Gi, Thành phố Phan Thiết và Đảng ủy Khối các Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh. Các huyện, thị, thành ủy đã chỉ đạo trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện thường xuyên cập nhật, bồi dưỡng lý luận chính trị theo chương trình mới của Ban Tuyên giáo Trung ương, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và các nghị quyết Hội nghị Trung ương khóa XII. Hoạt động tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị được coi trọng và có bước phát triển góp phần quan trọng trong công tác xây dựng đảng, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
Trên cơ sở tài liệu hướng dẫn, giáo trình của Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã xây dựng và ban hành Giáo án điện tử chương trình lý luận chính trị dành cho học viên lớp đối tượng kết nạp Đảng và chương trình bồi dưỡng đảng viên mới để các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện và ban tuyên giáo, ban tuyên huấn các đảng ủy triển khai thực hiện. Một số trung tâm bồi dưỡng chính trị đã nghiên cứu, bổ sung biên soạn giáo án các chương trình cho phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương, đảm bảo tính chính trị tư tưởng, thiết thực và mới; gắn nội dung bài giảng với tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp; gắn với giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phong trào xây dựng nông thôn mới, tình hình quốc tế và trong nước. Tùy từng loại hình lớp và đối tượng học viên có phương pháp giảng dạy cho phù hợp: Một số trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện Hàm Tân, Bắc Bình, Tánh Linh, Tuy Phong, ... đã biên soạn tài liệu đưa nội dung giới thiệu khái quát lịch sử đảng bộ địa phương vào giảng dạy tại một số lớp học nhằm giúp học viên có thêm hiểu biết về lịch sử truyền thống cách mạng của địa phương. Hầu hết, các trung tâm đều tổ chức lớp bồi dưỡng cập nhật kiến thức dành cho cán bộ, đảng viên. Trước nhu cầu học tập ngày càng cao của học viên, đa số các trung tâm đã mạnh dạn đổi mới phương pháp, đưa công nghệ thông tin vào phục vụ giảng dạy. Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện Tánh Linh, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Tuy Phong, Bắc Bình đã năng động trong việc phối hợp mở các lớp tại các cơ sở, đặc biệt là các xã vùng sâu, vùng xa, những nơi đi lại khó khăn để tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở được học tập bồi dưỡng. Việc thông tin hai chiều giữa các trung tâm bồi dưỡng chính trị và các đơn vị, cơ sở được duy trì thường xuyên. Các lớp đào tạo, bồi dưỡng và việc cấp giấy chứng nhận hoặc bằng tốt nghiệp được bảo đảm đúng hướng dẫn, quy định
Trung tâm bồi dưỡng chính trị các huyện, thị, thành phố, ban tuyên giáo, ban tuyên huấn các đảng ủy trực thuộc đã tích cực chủ động tổ chức nhiều loại hình lớp học, bồi dưỡng lý luận chính trị và nghiệp vụ công tác Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể phù hợp với điều kiện của từng địa phương, đơn vị. Đã tổ chức mở 709 lớp các loại hình học tập với 73.862 lượt người tham gia học tập; gồm: lớp bồi dưỡng đối tượng kết nạp đảng, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đảng viên mới, bồi dưỡng Bí thư chi bộ và cấp ủy, sơ cấp lý luận chính trị, bồi dưỡng công tác đoàn thể, các chương trình chuyên đề, công tác tuyên giáo ở cơ sở, bồi dưỡng nghiệp vụ tuyên giáo lĩnh vực lý luận chính trị, chuyên đề công tác tuyên truyền miệng và báo cáo viên, cập nhật kiến thức, lớp nghiên cứu - triển khai nghị quyết,… Ngoài ra, các trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, thị, thành phố đã phối hợp với các ban ngành cùng cấp mở các lớp bồi dưỡng các chuyên đề dân tộc, tôn giáo; bồi dưỡng công tác khuyến học, công tác văn phòng, bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra, quản lý nhà nước; bồi dưỡng kỹ năng xử lý tình huống.
Trung tâm bồi dưỡng chính trị các huyện, thị, thành phố, ban tuyên giáo, ban tuyên huấn các đảng ủy trực thuộc mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng, nghiệp vụ đúng thời gian, đúng đối tượng theo kế hoạch; chất lượng dạy và học được nâng lên, kết quả các bài kiểm tra, bài thi 100% đạt yêu cầu, trong đó khá giỏi đạt từ 75-80%. Sự phối hợp giữa trung tâm bồi dưỡng chính trị với các phòng, ban, ngành, đoàn thể liên quan trong tổ chức mở lớp được tăng cường; công tác tổ chức quản lý các lớp chặt chẽ, đảm bảo đúng chương trình. Các loại sổ sách phục vụ cho công tác quản lý, đào tạo, bồi dưỡng thực hiện khá nghiêm túc theo quy chế. Hầu hết, các trung tâm bồi dưỡng chính trị được trang bị máy vi tính và đèn chiếu phục vụ giảng dạy, học tập. Một số giảng viên của các trung tâm (Tuy phong, La Gi, Hàm Thuận Bắc, Tánh Linh, và thành phố Phan Thiết,…) đã chú trọng đổi mới phương pháp, ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy lý luận chính trị. Các Trung tâm bồi dưỡng chính trị kịp thời quán triệt bổ sung các quan điểm mới nêu trong Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIII, tình hình trong tỉnh, trong nước và thế giới vào trong các bài giảng.
Một số trung tâm bồi dưỡng chính trị đã tổ chức cho học viên đi thăm quan các di tích lịch sử, các điển hình về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương... gắn lý luận với thực tiễn, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị ở trung tâm bồi dưỡng chính trị trong giai đoạn hiện nay.
Đạt được kết quả như trên là nhờ sự cố gắng rất lớn của các trung tâm bồi dưỡng chính trị dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của cấp ủy, chính quyền địa phương, của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, sự phối kết hợp chặt chẽ của các ban, ngành đoàn thể và sự tham gia nhiệt tình trong công tác giảng dạy của đội ngũ giảng viên kiêm chức. Việc thực hiện các chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị ở các trung tâm bồi dưỡng chính trị đã phục vụ đắc lực cho việc nâng cao bản lĩnh chính trị và tinh thần cảnh giác cách mạng, góp phần chuẩn hóa và nâng cao nhận thức, năng lực hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương, đơn vị.
Tuy nhiên, một số trung tâm bồi dưỡng chính trị cơ sở vật chất, trang thiết bị còn khó khăn, việc đổi mới phương pháp, chất lượng giảng dạy của một số giảng viên nhất là giảng viên kiêm chức còn hạn chế, còn nặng lý thuyết, chưa chú ý nhiều đến xử lý tình huống trong thực tiễn công tác ở cơ sở. Chế độ cán bộ, viên chức cấp huyện, cán bộ ở các xã, phường, thị trấn cử đi học ở các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện còn bất cập.
Năm 2020 công tác giáo dục lý luận chính trị sẽ tập trung vào việc đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, nghiệp vụ. Để thực hiện nhiệm vụ trên, công việc chính cần triển khai là: Tiếp tục kiện toàn và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của trung tâm chính trị cấp huyện theo Quyết định số 208-QĐ/TW, ngày 08/11/2019 của Ban Bí thư Trung ương, Tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác giáo dục lý luân chính trị năm 2020 theo Hướng dẫn số 99-HD/BTGTU, ngày 29/10/2019 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Tiếp tục tổ chức, phối hợp mở các lớp cho các đối tượng theo kế hoạch; Chủ động cập nhật những nội dung mới được nêu trong các kết luận, nghị quyết của các Hội nghị Trung ương (khóa XII). Tổ chức bồi dưỡng về nghiệp vụ sư phạm nhằm đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa giảng viên lý luận chính trị hiện nay theo quy định của Ban Tuyên giáo Trung ương. Phối hợp với Sở giáo dục - Đào tạo kiểm tra, giám sát một số trường trung học phổ thông trong việc giáo dục chính trị, đạo đức, giảng dạy lịch sử địa phương. Tăng cường hướng dẫn nghiệp vụ, kiểm tra thực hiện kế hoạch chỉ tiêu năm 2020 và các quy định về giảng dạy và học tập của trung tâm bồi dưỡng các huyện, thị, thành phố. Thông tin những vấn đề mới về lý luận và thực tiễn cho cán bộ, đảng viên, đặc biệt là những vấn đề cấp bách ở địa phương; tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tích cực nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ, đảng viên ở cơ sở trong tình hình mới./.