Làm gì để nâng cao chất lượng giảng dạy của đội ngũ giảng viên kiêm chức ở các trung tâm BDCT cấp huyện

       Theo quy định của Ban Bí thư Trung ương, trung tâm BDCT cấp huyện (sau đây gọi tắt là trung tâm) là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Cấp ủy và Ủy ban Nhân dân cấp huyện, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và thường xuyên của Ban Thường vụ cấp ủy huyện, làm nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên ở cơ sở, chịu sự hướng dẫn trực tiếp về nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.

       Để thực hiện chức năng, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị và nghiệp vụ, ngoài đội ngũ giảng viên chuyên trách của các trung tâm (hiện nay có biên chế từ 3 - 5 người), theo hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương, trung tâm BDCT cấp huyện được thực hiện chế độ giảng viên kiêm chức và cộng tác viên theo quy định.

        Thực hiện các quy định, hướng dẫn của Trung ương, nhiều năm qua, các trung tâm trên địa bàn tỉnh ta đã tham mưu với cấp ủy quan tâm củng cố, bổ sung đội ngũ giảng viên chuyên trách, đồng thời chú trọng xây dựng đội ngũ giảng viên kiêm chức. Đến nay, 10/10 trung tâm bồi dưỡng chính trị các huyện, thị xã, thành phố có 91 đồng chí giảng viên kiêm chức, nhiều nhất là 13 đồng chí (trung tâm BDCT Hàm Thuận Bắc), ít nhất có 04 đồng chí (trung tâm BDCT Phú Quý). Giảng viên kiêm chức của trung tâm là những cán bộ công tác tại các cơ quan đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể huyện, thị xã, thành phố được giám đốc trung tâm đề nghị và cấp ủy huyện ra Quyết định công nhận. Hầu hết, đều có trình độ chuyên môn đại học và trình độ cao cấp lý luận chính trị, có kinh nghiệm thực tiễn ở những lĩnh vực đang công tác.

         Thực tiễn những năm qua cho thấy, đội ngũ giảng viên kiêm chức đã đóng vai trò quan trọng trong việc giảng dạy các chuyên đề, góp phần hoàn thành chỉ tiêu đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị hàng năm tại các trung tâm. Tỷ lệ giảng viên kiêm chức tham gia giảng dạy thường xuyên đạt 60%, một số trung tâm đạt 75 – 85% (Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình,…). Nhiều đồng chí giảng viên kiêm chức đã tham gia tích cực và nêu cao tinh thần trách nhiệm trong quá trình chuẩn bị bài và lên lớp giảng dạy; đặc biệt một số giảng viên kiêm chức tại các huyện: Hàm Tân, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, … đã chuẩn bị giáo án điện tử, trình chiếu trên powerpoint, tạo nên sự hấp dẫn đối với học viên khi giảng bài.

          Tuy nhiên, đội ngũ giảng viên kiêm chức trong hoạt động còn có những hạn chế, bất cập.

         Một là, nhiều giảng viên kiêm chức tham gia giảng dạy không bảo đảm theo đúng tiến độ kế hoạch, phải luôn điều chỉnh lịch giảng, nhất là những giảng viên giữ chức vụ lãnh đạo chủ chốt các ban, ngành, đoàn thể của địa phương. Nguyên nhân của tình hình trên là do các giảng viên kiêm chức, nhất là các đồng chí giữ chức vụ chủ chốt bận công tác đột xuất nên không thể lên lớp theo như kế hoạch, do vậy nếu như trung tâm nào thiếu giảng viên hoặc không có phương án dự phòng giảng viên thay thế thì sẽ bị động, lúng túng và chất lượng sẽ hạn chế.

          Hai là, còn một số giảng viên chưa thực sự tập trung dành thời gian cần thiết nghiên cứu, tìm tòi tài liệu để chuẩn bị giáo án và giảng bài. Một số giảng viên giáo án chuẩn bị còn sơ sài, chưa thể hiện rõ mục đích, yêu cầu và phương pháp thể hiện nội dung bài giảng, chưa bám sát tài liệu và hướng dẫn học tập các chuyên đề. Việc nghiên cứu cập nhật thông tin kiến thức mới và vận dụng thực tiễn vào bài giảng còn hạn chế, chất lượng bài giảng nói chung chưa cao. Nguyên nhân là do mỗi giảng viên kiêm chức chỉ được phân công giảng dạy rất ít bài trong chương trình bồi dưỡng trong năm (thông thường, mỗi giảng viên kiêm chức chỉ tham gia 1 đến 3 chuyên đề (hay bài) trong một năm), không phải là công việc chủ yếu, vì vậy nảy sinh tâm lý ngại nghiên cứu, cập nhật kiến thức mới, việc tìm tòi, nghiên cứu về phương pháp để nâng cao chất lượng bài giảng lại càng hạn chế hơn; việc trao đổi đề cương, giáo án để bảo đảm nội dung và chất lượng giảng dạy chưa được duy trì giữa ban giám đốc trung tâm và giảng viên kiêm chức.

          Ba là, phương pháp giảng dạy của nhiều giảng viên kiêm chức còn hạn chế, chưa nắm chắc và vận dụng linh hoạt các phương pháp giảng dạy lý luận chính trị vào các bài giảng hoặc chuyên đề bồi dưỡng lý luận chính trị; chưa phân biệt rõ phương pháp giảng bài lý luận chính trị khác với phương pháp tuyên truyền của người báo cáo viên, tuyên truyền viên, giới thiệu nghị quyết, nhiều đồng chí giảng viên chưa thể hiện rõ “chất giảng” trong bài giảng lý luận chính trị...

          Những hạn chế nêu trên, chủ yếu là do nhiều nguyên nhân: chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị và nghiệp vụ tại các trung tâm hiện nay rất đa dạng, phong phú, liên quan đến nhiều lĩnh vực công tác. Bài giảng liên quan đến từng lĩnh vực, đòi hỏi kiến thức và phương pháp đặc thù, trong khi đó, giảng viên được mời tham gia giảng bài chưa được trang bị đầy đủ những yếu tố đó, nhất là phương pháp truyền thụ. Nhiều giảng viên kiêm chức có chuyên môn, nghiệp vụ giỏi và nhiều kinh nghiệm công tác, song việc truyền thụ tới học viên qua bài giảng chuyên đề lại lúng túng, vì vậy chất lượng bài giảng chưa cao. Đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập, lấy hoạt động của người học làm trung tâm, tăng cường đối thoại, hướng dẫn bài tập xử lý tình huống, thực hành lãnh đạo, quản lý nhằm trang bị cho người học vừa nắm được lý luận cơ bản, vừa nắm vững kỹ năng thực hành vẫn là một điểm yếu lớn nhất hiện nay, đòi hỏi đội ngũ giảng viên, nhất là giảng viên kiêm chức phải cố gắng rất nhiều trong thời gian tới.

          Để khắc phục những hạn chế nêu trên, nâng cao chất lượng các bài giảng lý luận chính trị và nghiệp vụ hiện nay ở các trung tâm cần phải chú ý một số vấn đề sau:

         Trước hết, cần tham mưu lựa chọn những giảng viên kiêm chức phù hợp với các chuyên đề bồi dưỡng, chú trọng tới những đồng chí có chuyên môn giỏi, có kinh nghiệm công tác, có khả năng thuyết trình tốt; không nhất thiết giảng viên cứ phải là trưởng ban, ngành, đoàn thể. Gửi trước chương trình, tài liệu bồi dưỡng cho đồng chí giảng viên kiêm chức để nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện đề cương bài giảng.

          Đề cương bài giảng của giảng viên nên có sự tham gia ý kiến góp ý của Ban giám đốc, cả về nội dung và phương pháp thể hiện bài giảng. Đây là điều khó, vì nhiều đồng chí giảng viên kiêm chức là trưởng các ban, ngành, đoàn thể cấp huyện, có đồng chí là thường vụ cấp ủy, do vậy các trung tâm rất ngại khi phải tham gia góp ý đối với bài giảng của giảng viên kiêm chức. Tuy nhiên, nếu cả 2 phía trung tâm và đồng chí giảng viên kiêm chức xác định đó là nhiệm vụ và yêu cầu chuyên môn cần thiết thì chắc chắn hiệu quả của bài giảng sẽ tốt hơn. Bên cạnh đó, các trung tâm và cơ quan quản lý, hướng dẫn về chuyên môn cấp trên cần xây dựng những chuyên đề bồi dưỡng về phương pháp trong đó có sự tham gia của đông đảo giảng viên kiêm chức.

          Điều cuối cùng có ý nghĩa quyết định là mỗi giảng viên kiêm chức cần nêu cao trách nhiệm, chuẩn bị bài giảng thực sự chu đáo, công phu, bám sát các tài liệu hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đối với các chương trình và chuyên đề bồi dưỡng cụ thể, trăn trở với những nội dung bài giảng, nhất là phương pháp truyền thụ thích hợp để làm sao giúp cho học viên dễ hiểu nhất, hấp dẫn nhất.


Các tin khác

TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN

TƯ LIỆU LỊCH SỬ

THÔNG TIN CÔNG TÁC TUYÊN GIÁO

Bộ câu hỏi trắc nghiệm

SINH HOẠT CHI BỘ