Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy về việc triển khai thí điểm Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn; Ban Tuyên giáo Thị ủy đã tham mưu cho Ban Thường vụ Thị ủy ban hành Công văn số 215-CV/TU ngày 23/8/2011 về việc chỉ đạo cấp ủy các xã, phường xây dựng kế hoạch tiếp nhận, quản lý và sử dụng sách và tài liệu được cấp theo Đề án; Công văn 920-CV/TU ngày 29/8/2013 về triển khai thành lập tủ sách ở cơ sở; Ban Tuyên giáo Thị ủy ban hành Công văn số 170-CV/BTG, ngày 30/3/2015 về hướng dẫn việc triển khai thành lập và khai thác, sử dụng tủ sách ở cơ sở và chỉ đạo cấp ủy cơ sở kịp thời phổ biến, tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về chủ trương trang bị sách cho cơ sở.
Đến nay, 9/9 xã, phường đã phân công cán bộ tiếp nhận sách được cấp và xây dựng quy chế quản lý và sử dụng sách trang bị của đề án phù hợp với thực tiễn cơ sở. Sau khi nhận được các ấn phẩm từ đề án, đảng ủy cơ sở xã, phường đã bố trí nơi trưng bày, lưu giữ và chỉ đạo phân công cán bộ phụ trách, quản lý và đưa vào khai thác, sử dụng các ấn phẩm trên theo quy định. Hầu hết các xã, phường phân công cán bộ Ban Tuyên giáo cấp ủy phụ trách, quản lý sách.
Qua khảo sát thực tế tại một số xã, phường trên địa bàn thị xã, nhìn chung, các ấn phẩm được phân loại và sử dụng khá phù hợp. Mỗi bộ sách nhận đều được lên danh mục bổ sung vào tủ sách xã, phường làm tư liệu để cán bộ, đảng viên và nhân dân nghiên cứu, tìm hiểu.
Đối tượng đọc sách và các tài liệu chủ yếu là cán bộ, đảng viên cơ sở xã, phường. Nhân dân chủ yếu đọc các sách hỏi- đáp, những vấn đề liên quan đến pháp luật như: Bồi thường thiệt hại, hỗ trợ tái định cư, hoạt động thu, nộp thuế, địa chính, đất đai, luật hôn nhân - gia đình; tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; nghiệp vụ quản lý nhà nước, công tác Đảng, …
Nhìn chung, các bộ sách đã cung cấp những kiến thức cơ bản về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức chính trị- xã hội ở cơ sở, trang bị kiến thức về văn hóa - xã hội, về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và một số ấn phẩm hướng dẫn công tác chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ ở cơ sở … Đây là những tài liệu bổ ích, cần thiết để trang bị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cơ sở. Các ấn phẩm đã góp phần quan trọng trong việc cung cấp các văn bản, tài liệu hướng dẫn cho cơ sở thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, góp phần tuyên truyền cho nhân dân các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Tuy nhiên, việc đầu tư kinh phí cho hoạt động của thư viện, tủ sách ở cấp cơ sở còn ít và chưa thường xuyên, nên chưa đảm bảo cơ sở vật chất phục vụ cho nhu cầu người đọc, nhất là việc đảm bảo không gian cho việc nghiên cứu, tham khảo; cán bộ quản lý sách chủ yếu là kiêm nhiệm nên chưa dành nhiều thời gian cho việc quản lý và bảo quản sách. Ở một số xã, phường bố trí tủ sách chưa hợp lý, khi tiếp nhận sách còn chậm đưa vào danh mục và trưng bày cho cán bộ và nhân dân sử dụng. Thói quen đọc sách, tìm hiểu thông tin từ sách, báo, tài liệu…, của cán bộ, đảng viên và một bộ phận nhân dân ở cơ sở còn chưa thường xuyên, do đó đã ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác, sử dụng sách thuộc Đề án.
Từ hiệu quả trong việc quản lý, sử dụng và khai thác sách của Đề án cần phải thực hiện tốt một số công việc sau: Coi trọng đầu tư về cơ sở vật chất; sự tận tình của cán bộ được phân công quản lý sách sẽ thu hút được sự quan tâm của cán bộ, đảng viên và nhân dân đến tra cứu, cập nhật thông tin, vận dụng vào thực tiễn.
Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, có tác dụng tốt, là công cụ, phương tiện giúp cho cán bộ, đảng viên và nhân dân ở cơ sở tiếp cận, tìm hiểu và vận dụng đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống./.