Kỷ niệm 102 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (01/7/1915 – 01/7/2017)

       Đồng chí Nguyễn Văn Linh, tên thật là Nguyễn Văn Cúc (còn gọi là Mười Cúc), sinh ngày 1 tháng 7 năm 1915, trong một gia đình công chức ở làng Yên Phú, xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên.

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (1915 -1998)

Tiếp thu truyền thống yêu nước của dân tộc, ngay từ lúc còn trẻ tuổi, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã tham gia các hoạt động yêu nước và sớm giác ngộ cách mạng.

Năm 1929, đồng chí tham gia phong trào Học sinh đoàn do Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên lãnh đạo (tiền thân của Đảng Cộng sản Đông Dương).

Ngày 1 tháng 5 năm 1930, đồng chí tham gia rải truyền đơn chống thực dân Pháp, bị địch bắt, kết án tù chung thân và đày đi Côn Đảo và là một trong những tù nhân trong án chính trị trẻ nhất lúc bấy giờ.

Năm 1936, do thắng lợi của Mặt trận Bình dân Pháp, chính quyền thực dân Pháp phải trả tự do cho một số tù chính trị; trong đó, có đồng chí. Cũng trong năm đó, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và được phân công đi vận động công nhân lao động ở Hà Nội, rồi về Hải Phòng hoạt động. Tại đây, đồng chí đã cùng các đồng chí của mình xây dựng xây dựng được nhiều cơ sở cách mạng trung kiên và tổ chức quần chúng tin cậy, thành lập Đảng bộ lâm thời thành phố Hải Phòng.

Năm 1939, đồng chí được điều động vào công tác ở Sài Gòn, tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố. Cuối năm 1939, chiến tranh thế giới bùng nổ, do chính sách khủng bố trắng trợn của thực dân Pháp, nhiều cơ sở cách mạng trong cả nước bị khủng bố và tan rã, đồng chí được phân công ra Trung kỳ bắt liên lạc với cơ sở Đảng còn lại ở các tỉnh để lập lại Xứ ủy Trung kỳ.

Đầu năm 1941, đồng chí bị địch bắt ở Vinh, đưa vào Sài Gòn, xử 5 năm tù và đày ra Côn Đảo lần thứ hai.

Năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí được đón về Nam bộ hoạt động ở miền Tây, sau trực tiếp tham gia lãnh đạo cuộc kháng chiến ngay trong lòng thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn với các cương vị Bí thư Thành uỷ, Bí thư Đặc khu uỷ.

Năm 1947, đồng chí được bầu vào Xứ uỷ Nam bộ. Từ năm 1949, đồng chí tham gia Ban Thường vụ Xứ ủy Nam Bộ. Từ năm 1957 đến năm 1960, đồng chí phụ trách Quyền Bí thư Xứ ủy Nam Bộ.

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (1960), đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được Trung ương chỉ định làm Bí thư Trung ương Cục miền Nam (1961) và sau đó là Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam (1964).

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ở miền Nam, trên cương vị Phó Bí thư và Bí thư, đồng chí đã cùng Trung ương Cục miền Nam lãnh đạo quân và dân miền Nam làm cuộc kháng chiến thần thánh chống Mỹ cứu nước từ những năm tháng đen tối đến Mùa Xuân lịch sử toàn thắng (30/4/1975).

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh về thăm và nói chuyện với bà con nông dân HTX Tùng Phong, xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh (từ 23 đến 27-5-1990),
nhân dịp kỷ niệm lần thứ 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN

Năm 1976, đồng chí là Bí thư Thành uỷ thành phố Hồ Chí Minh.

Tháng 12 năm 1976, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng, đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, rồi được Trung ương bầu vào Bộ Chính trị, Ban Bí thư và đảm nhiệm các chức vụ: Trưởng Ban Cải tạo xã hội chủ nghĩa Trung ương, Trưởng Ban Dân vận Mặt trận Trung ương, Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam đến tháng 12 năm 1980. Sau đó, đồng chí được phân công theo dõi thực hiện nghị quyết của Đảng và Chính phủ ở các tỉnh miền Nam.

Tháng 12-1981, đồng chí được Trung ương Đảng phân công trở lại làm Bí thư Thành uỷ thành phố Hồ Chí Minh.

Tháng 3-1982, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng, đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Tháng 6-1985, tại Hội nghị Trung ương lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá V), đồng chí được bầu vào Bộ Chính trị, tiếp tục làm Bí thư Thành uỷ thành phố Hồ Chí Minh.

Tháng 6-1986, đồng chí được bầu vào Ban Bí thư Trung ương Đảng và được phân công Thường trực Ban Bí thư.

Tháng 12-1986, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng - Đại hội mở đầu thời kỳ đổi mới, đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Năm 1987, đồng chí kiêm chức Bí thư Đảng uỷ Quân sự Trung ương. Tháng 6-1987, đồng chí được bầu làm Đại biểu Quốc hội khoá VIII.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII (tháng 6-1991) và lần thứ VIII (tháng 6-1996) của Đảng, đồng chí được cử làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Đồng chí Nguyễn Văn Linh mất ngày 27-4-1998 tại thành phố Hồ Chí Minh, hưởng thọ 83 tuổi.

Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Văn Linh gắn liền với những chặng đường cam go, gian khổ, hào hùng của Đảng và dân tộc ta. Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí thật oanh liệt và phong phú, trải rộng trên cả ba miền của đất nước; được Đảng tin cậy giao nhiều trọng trách quan trọng. Dù ở trong hoàn cảnh nào, với nhiệm vụ gì, đồng chí đều hoàn thành xuất sắc và có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của đất nước và nhân dân. Đồng chí Nguyễn Văn Linh là một trong những nhà lãnh đạo của Đảng khởi xướng đường lối đổi mới, xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, chuyển sang kinh tế nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Năm 1987 đồng chí đã phát biểu và viết nhiều bài quan trọng làm sáng tỏ quan điểm đổi mới, đặc biệt là những vấn đề đồng chí nêu ra dưới tiêu đề “Những việc cần làm ngay” mang bút danh N.V.L đã tạo luồng sinh khí mới trong xã hội: dân chủ, công khai, nói thẳng, nói thật, có tác dụng thúc đẩy các cấp, các ngành, các tổ chức giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc trong thực tế cuộc sống hàng ngày, đấu tranh chống tiêu cực tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nếp nghĩ, cánh làm của mỗi người.

Trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã từng trải biết bao gian khổ về vật chất và tinh thần, đã bình tĩnh trước mọi hiểm nguy và biến cố, có niềm tin vững chắc vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, có tầm nhìn chiến lược và tình thương yêu đồng bào, đồng chí sâu sắc nên dù ở bất cứ cương vị và hoàn cảnh nào, đồng chí cũng mang hết sức lực cống hiến cho Đảng, cho nhân dân.

Trên cơ sở tổng kết thực tiễn, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã có những đóng góp quan trọng và có hiệu quả vào việc hoạch định đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Là Tổng Bí thư của Đảng trong nhiệm kì đầu tiên của thời kì đổi mới, đồng chí đã cùng với Trung ương Đảng chủ động sáng tạo, chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua những bước hiểm nghèo trong thời kì đất nước ta đang lâm vào khủng hoảng kinh tế - xã hội sâu sắc, chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ. Đồng chí đã kiên trì thực hiện đổi mới có nguyên tắc – đổi mới nhưng luôn giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện “Dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra”.

Trong cuộc sống hàng ngày, đồng chí Nguyễn Văn Linh luôn thẳng thắn, trung thực, sâu sát với thực tế. Đồng chí là một mẫu mực về sự giản dị, liêm khiết, dân chủ và kiên quyết chống tham ô, lãng phí, phô trương hình thức. Đồng chí rất được đồng bào, đồng chí tin yêu, kính phục.

Đồng chí đã được Đảng, Nhà nước ta tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác; được Nhà nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào tặng thưởng Huân chương Vàng quốc gia; Nhà nước Cuba tặng thưởng Huân chương Hôxê Mácti; Nhà nước Campuchia tặng thưởng Huân chương Ăngco.  


Các tin khác

TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN

TƯ LIỆU LỊCH SỬ

THÔNG TIN CÔNG TÁC TUYÊN GIÁO

Bộ câu hỏi trắc nghiệm

SINH HOẠT CHI BỘ