GIỚI THIỆU

Quá trình hình thành và phát triển công tác Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Thuận (1930 - 2011)

                Với ý nghĩa đó, Thường vụ Bộ Chính trị Trung ương Đảng (khóa VIII) đã chuẩn y lấy ngày 01-8 hàng năm là ngày truyền thống công tác Tuyên giáo của Đảng.

Đối với tỉnh Bình Thuận, tổ chức Đảng hình thành từ năm 1930. Trãi qua hơn 80 năm, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo nhân dân hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội ở quê hương. Trong công tác lãnh đạo của Đảng bộ, có sự đóng góp từ công tác Tuyên giáo qua từng chặng đường lịch sử.  
1. Công tác tuyên truyền cách mạng khi chưa thành lập Tuyên giáo của Đảng (1930 - 1948).
Từ năm 1930, Bình Thuận đã phát triển đảng viên và hình thành Chi bộ Đảng ở làng Tam Tân (La Gi ngày nay). Tuy chưa phân công đảng viên phụ trách công tác tuyên huấn, nhưng tất cả đảng viên đều làm nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục quần chúng, xây dựng cơ sở cách mạng.
Để tuyên truyền về Đảng, các đảng viên tổ chức in tờ “Nhân đạo” bằng xu xoa, trên khổ giấy học trò. Đây là tờ báo đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Bình Thuận, đến tháng 8-1931 xuất bản được 03 số. Do điều kiện hoạt động bí mật, công tác tuyên truyền vừa kết hợp tuyên truyền miệng, vừa dùng truyền đơn. Biện pháp đó đã có tác dụng nhất định, thức tỉnh tinh thần yêu nước của nhân dân theo đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Sau đợt đấu tranh tháng 8-1931, tổ chức đảng ở Bình Thuận tạm thời tan rã do địch đàn áp, bắt tù đày các đảng viên cốt cán. Đến năm 1935, các đồng chí bị giam cầm mãn hạn tù, trở về quê hương tiếp tục hoạt động. Từ năm 1936 - 1939, tổ chức đảng được xây dựng lại, tiếp tục lãnh đạo tuyên truyền quần chúng nhân dân đấu tranh đòi dân sinh dân chủ. Hình thức tuyên truyền mới là đảng viên đến vận động từng người dân tham gia. Qua đó, nhân dân đấu tranh thắng lợi việc chống tô nước cao (tháng 02-1937); bãi thị không họp chợ Phan Thiết vào tết Thanh Minh (tháng 3-1937); giảm thuế xe ngựa, xe kéo…
Để chuẩn bị Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945, Ban vận động Việt Minh lâm thời tỉnh thành lập. Được sự phân công của tổ chức, dưới danh nghĩa Việt Minh, các đồng chí đảng viên đi vào cơ sở cốt cán ở các địa phương xây dựng phong trào. Thực hiện chủ trương của Đảng, Ban vận động Việt Minh lâm thời tỉnh tuyên truyền, kêu gọi nhân dân đứng lên đánh đổ phát xít Nhật. Ngày 24-8-1945, nhân dân Bình Thuận giành chính quyền thành công.  
Tháng 9-1945, Mặt trận Việt Minh tỉnh thành lập chính thức, phân công cán bộ phụ trách công tác tuyên truyền. Đồng thời, các đoàn thể quần chúng được thành lập gồm nông dân, công nhân, phụ nữ và thanh niên cứu quốc. Tháng 11-1945, Đảng chủ trương “tự giải tán” rút vào hoạt động bí mật, tỉnh Bình Thuận hình thành Hội Nghiên cứu Chủ nghĩa Các Mác hoạt động công khai ở các cấp.
Tháng 01-1946, thực dân Pháp xâm lược nước ta một lần nữa, đưa quân đàn áp phong trào cách mạng ở Bình Thuận. Dưới sự lãnh đạo của Việt Minh tỉnh, nhân dân Bình Thuận tiến hành kháng chiến chống kẻ thù. Thời gian này, công tác tuyên truyền cách mạng tập trung giáo dục lòng yêu nước cho cán bộ, nhân dân và bảo vệ thành quả mới giành được. Do đó, ta vừa ổn định tổ chức, các cơ quan kháng chiến, vừa củng cố lực lượng vũ trang các cấp… Sau hội nghị cán bộ tháng 4-1947, Đảng bộ tỉnh chỉ đạo Mặt trận, các đoàn thể cứu quốc và chính quyền các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền cách mạng. Cấp ủy, lãnh đạo các ngành, đoàn thể và lực lượng vũ trang tuyên truyền chủ trương của Đảng trong ngành, đoàn thể mình.
Như vậy, từ 1930 – 1948, do tình hình đặc thù tỉnh Bình Thuận, ngành Tuyên huấn chưa được thành lập. Tuy vậy, tổ chức Đảng, Mặt trận Việt Minh đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, đoàn thể thực hiện công tác tuyên truyền cách mạng trong cán bộ, nhân dân.
2. Thành lập Ban Tuyên huấn Bình Thuận góp phần đánh thắng thực dân Pháp xâm lược (1949 - 1954).
Trước tình hình cách mạng Việt Nam có sự chuyển biến mới, tháng 3-1949 Ban Văn hóa Trung ương được thành lập; tháng 4-1951, Ban Tuyên huấn Trung ương hình thành để làm công tác tư tưởng của Đảng. Đối với Bình Thuận, tháng 9/1949, Đảng bộ tỉnh quyết định thành lập Ban Tuyên huấn. Từ khi thành lập đến năm 1954, kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp, Tỉnh ủy phân công các đồng chí trong Ban Thường vụ phụ trách công tác này. Đầu năm 1952, thực hiện chủ trương của Liên Khu ủy V, Ban Tuyên huấn Bình Thuận sáp nhập với Ban Tổ chức thành Ban Đảng vụ. Sau đó tiếp tục tinh gọn tổ chức để đáp ứng nhiệm vụ, chỉ còn một số cán bộ Tuyên huấn tổ chức theo dõi, báo cáo trực tiếp công việc với Thường trực Tỉnh ủy. Từ năm 1949 trở đi, Tuyên huấn cấp ủy cơ sở được thành lập như: Tuyên huấn Hàm Thuận, Tuyên huấn Bắc Bình, Tuyên huấn Hàm Tân…
Ban Tuyên huấn Bình Thuận đã có nhiều hoạt động chuyên môn về mở lớp, tuyên truyền cách mạng. Tháng 9, 10-1949, Ban giúp Tỉnh ủy mở lớp học chính trị cho cán bộ tỉnh, huyện, thời gian một tháng với gần 50 học viên tham dự. Đầu năm 1950, Tỉnh ủy tổ chức học tập nội dung về Dân chủ mới, Sửa đổi lề lối làm việc của XYZ. Từ năm 1950 - 1952, Tuyên huấn Bình Thuận tiếp tục giúp cấp ủy mở lớp, giảng bài cho cán bộ, đảng viên cấp huyện, ban ngành, đoàn thể; đồng thời, tuyên truyền các chủ trương như: tích cực chuẩn bị chuyển mạnh sang tổng phản công, thi đua phát triển Đảng đông đảo và mạnh mẽ, tuyên truyền Đảng Lao động Việt Nam ra hoạt động công khai, Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ II (8-1952)… Ban còn ra tờ “Nội san” - bản tin của Tỉnh ủy để kịp thời tuyên truyền nhiệm vụ cách mạng.
Từ khi thành lập đến kháng chiến chống Pháp thắng lợi năm 1954, Tuyên huấn Bình Thuận đã tổ chức tuyên truyền giáo dục chính sách, đường lối kháng chiến của Đảng, Chính phủ đi vào chiều sâu. Các hình thức mở lớp, tuyên truyền được thực hiện chặt chẽ, sâu rộng xuống địa phương và đều khắp địa bàn.            
3. Tuyên huấn Bình Thuận góp phần cùng Đảng bộ và nhân dân đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược (1954 - 1975).
Từ năm 1955, Tuyên huấn Bình Thuận gặp nhiều khó khăn. Phần lớn cán bộ thực hiện Hiệp định Genever tập kết ra Bắc, chỉ bố trí một số ít đồng chí bí mật ở lại thành lập Tỉnh ủy. Trước tình hình địch đàn áp phong trào cách mạng khốc liệt, cơ quan Tỉnh ủy phải di chuyển nhiều nơi xa dân. Công tác tuyên huấn thiếu cán bộ, hoạt động bí mật, xa dân, nên chưa thành lập được bộ máy mà do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp lãnh đạo. Đến năm 1957, phân công 01 Tỉnh ủy viên lãnh đạo công tác Tuyên huấn.
Phương thức công tác tuyên truyền lúc này hoàn toàn bí mật. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh triển khai cho cán bộ huyện, thị. Từ huyện, thị đưa xuống cán bộ xã và từ đây bí mật triển khai vào cơ sở bên trong. Một số cán bộ có khả năng chuyên môn được phân công nắm bắt tin tức qua Đài tiếng nói Việt Nam, qua nội dung các báo chí do địch phát hành, biên soạn thành bản tin phát hành xuống các địa phương, tuyên truyền trong nhân dân. Tỉnh ủy phát hành tờ “Hòa bình - Thống nhất”, đăng tải các chủ trương của Đảng, âm mưu phá hoại Hiệp định của địch, gương đấu tranh dũng cảm của cơ sở… Tờ báo duy trì được một thời gian thì đình bản, chuyển thành tài liệu tuyên truyền loại nhỏ để phục vụ cán bộ hoạt động bí mật.
Cuối năm 1960, cách mạng Bình Thuận chuyển sang giai đoạn mới. Tháng 8-1961, sau khi củng cố lại Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị Đảng bộ bàn kế hoạch công tác thời gian đến và củng cố các ngành chuyên môn, trong đó có Tuyên huấn. Tỉnh ủy ra quyết định thành lập Ban Tuyên – Văn – Giáo, phân công các đồng chí Ủy viên Thường vụ lãnh đạo.
Hội nghị Tỉnh ủy tháng 8-1961 và tháng 2-1962 đề ra nhiệm vụ cho ngành Tuyên giáo: “tăng cường công tác tư tưởng trong Đảng, củng cố phát triển Đảng, Đoàn đều khắp, nhất là ở những hướng quan trọng; gấp rút đào tạo cán bộ kịp đáp ứng nhu cầu phong trào trước mắt”. Hoạt động của ngành đã phát triển thành nhiều bộ phận chuyên môn như: giáo dục, tuyên truyền, văn nghệ, báo chí, huấn học. Cuối năm 1963, trường Đảng tỉnh được thành lập, trực thuộc Ban. Các lớp học tập giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên bắt đầu được tổ chức từ thời gian này trở đi. Nội dung học tập gồm các bài như: Những điều thường thức về chủ nghĩa Cộng sản; Đường lối, nhiệm vụ, phẩm chất, phối hợp cách mạng miền Nam; Công tác dân vận; Chính sách dân tộc; Chính sách vận động binh lính và nhân viên chính quyền địch; Những điều cơ bản về xây dựng Đảng; Năm bước công tác vận động cách mạng… Sau mỗi đợt học tập, các học viên làm bản tự kiểm điểm liên hệ nhiệm vụ, vì vậy đã có tác động tốt đến công tác xây dựng Đảng bộ.
Từ năm 1968 - 1975, địa bàn Bình Thuận chia thành hai tỉnh Bình Thuận, Bình Tuy. Đáp ứng tình hình mới, ngành Tuyên huấn cững được hình thành, hoạt động ở hai địa phương. Năm 1969, với thành tích xuất sắc trong công tác, Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Bình Thuận được Hội đồng Cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng Huân chương Giải phóng hạng III.
Công tác tuyên truyền từ sau khi có Hiệp định Paris về Việt Nam được đẩy mạnh, nhất là giai đoạn quyết định đầu năm 1975. Ban Tuyên huấn Bình Thuận phát hành bản tin đều kỳ phục vụ nhiệm vụ tuyên truyền chiến thắng cả tuyền tuyến và hậu phương. Nội dung đưa tin trong tỉnh, tin mới nhận, tin chiến thắng các tỉnh khu vực Cực Nam Trung bộ (khu VI), tin toàn Miền và những trận đánh địch điển hình. Công tác Tuyên huấn tỉnh Bình Thuận đã góp phần cùng Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh giải phóng quê hương 19-4-1975, giành thắng lợi hoàn toàn, mở sang một trang sử mới.
4. Tuyên giáo Bình Thuận trong chặng đường xây dựng và phát triển quê hương (1975 - 2011).
 Đầu năm 1976, thực hiện chủ trương của Trung ương, tỉnh Thuận Hải được thành lập. Ngày 22-11-1976, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có quyết định số 1352-QĐ/TU thành lập Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, do các đồng chí Ủy viên Thường vụ phụ trách. Các bộ phận chuyên môn của Ban (lúc này chưa gọi là phòng) gồm: huấn học, tuyên truyền, khoa giáo và văn phòng. Đầu năm 1986, Tỉnh ủy quyết định nhập Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng tỉnh vào thành bộ phận trực thuộc Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  
Cùng với sự hình thành Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, bộ máy Tuyên giáo huyện, thị cũng được củng cố, thành lập. Đến cuối năm 1984, các Ban Tuyên giáo huyện, thị được củng cố và hình thành được 3 bộ phận: tuyên truyền, huấn học và khoa giáo.
Từ năm 1976 - 1986, Đảng bộ tỉnh lãnh đạo nhân dân cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ tổ quốc. Nhiệm vụ chính trị của ngành Tuyên giáo tỉnh cũng được phân định rõ ràng hơn: “tham mưu cho cấp ủy về công tác tư tưởng”. Công tác Tuyên giáo không trực tiếp làm các nhiệm vụ giáo dục, trường Đảng, văn hóa, văn nghệ, báo chí, nhà in như trong kháng chiến, mà được xác định là cơ quan tham mưu, triển khai tuyên truyền – giáo dục các chủ trương của Đảng thông qua hệ thống ngành Tuyên giáo; qua đó nắm bắt, theo dõi kết quả, báo cáo, đề xuất kịp thời cho cấp ủy. Ban Tuyên giáo từ tỉnh đến cơ sở đã có nhiều cố gắng bám sát nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ và sự chỉ đạo của cấp ủy, hướng mọi hoạt động của ngành về cơ sở.
Việc biên soạn tài liệu, đề cương, kế hoạch, hướng dẫn tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên và nhân dân có nhiều tiến bộ. Công tác tuyên truyền phát động quần chúng, bước đầu tạo sự chuyển biến mới về chính trị và tinh thần, tạo niềm tin tưởng của nhân dân đối với Đảng và chế độ. Ngành Tuyên giáo tỉnh đã thực hiện nhiều đợt sinh hoạt chính trị lớn như: tuyên truyền Nghị quyết 24 của TW Đảng về công tác cách mạng miền Nam trong tình hình mới (tháng 1-1976); về khôi phục, cải tạo và phát triển kinh tế - xã hội từ năm 1977-1979; hành trình rước đuốc Hồ Chí Minh (tháng 2-1980); Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV, V, VI; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ I, II, III…Từ sau Đại hội VI (1986) của Đảng đề ra đường lối đổi mới, ngành Tuyên giáo tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, khắc phục khó khăn, tham mưu cho cấp ủy về công tác tư tưởng, xây dựng xã hội chủ nghĩa, bảo vệ tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế.
Tháng 4-1992, thực hiện chủ trương của Trung ương, tỉnh Thuận Hải được chia thành hai tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Thuận được thành lập lại, củng cố tổ chức và đi vào hoạt động. Qua quá trình sáp nhập, kiện toàn bộ máy, Ban được quy định rõ ràng hơn chức năng, nhiệm vụ: là cơ quan tham mưu cho cấp ủy về công tác tư tưởng – văn hóa, khoa giáo và lịch sử Đảng. Đến năm 2011, ngoài 5 phòng chuyên môn: Tuyên truyền, Giáo dục lý luận chính trị, Khoa giáo, Lịch sử Đảng, Văn phòng, Ban đã thành lập thêm phòng Trung tâm Thông tin Công tác Tuyên giáo.
Về chuyên môn, công tác tuyên truyền thời gian này tiếp tục thực hiện sự nghiệp đổi mới đất nước của Đảng và từ Đại hội VIII (1996), đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nhiều đợt sinh hoạt chính trị như: tuyên truyền các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương và Tỉnh ủy về quản lý nông nghiệp, thương nghiệp, kinh tế ngoài quốc doanh; nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc từ lần thứ VII - XI; nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh từ lần thứ VII - XII; cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh (bắt đầu từ năm 2007)… Trước nhu cầu thông tin của cán bộ, đảng viên, từ năm 1992, Ban chủ trương phát hành tậpTài liệu tham khảo, nay là tập Thông tin Công tác Tuyên giáo Bình Thuận. Bên cạnh đó, Ban còn biên soạn Đề cương hướng dẫn tuyên truyền thời sự, chính sách gửi đến Tuyên giáo cơ sở để định hướng, làm tư liệu tuyên truyền ra diện rộng.  
Trong chặng đường hơn 80 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, công tác Tuyên giáo Bình Thuận tuy còn một số mặt hạn chế, nhưng trong hoàn cảnh nào cũng bám sát nhiệm vụ chính trị qua các giai đoạn cách mạng, bảo đảm sự nhất trí ngày càng cao trong nội bộ đối với chủ trương đường lối của Đảng. Ngành Tuyên giáo tỉnh đã có nhiều cố gắng tìm tòi, sáng tạo, đổi mới nội dung và phương pháp công tác; nâng cao chất lượng, hiệu quả các mặt; góp phần quan trọng vào tuyên truyền chủ trương đường lối của Trung ương Đảng, Đảng bộ tỉnh trong các giai đoạn cách mạng. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Thuận đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến, vững bước tiếp tục góp phần phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ quê hương.
 
                                        BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY