GIỚI THIỆU

Quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và hoạt đông của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

- Căn cứ Quyết định số 690-QĐ/TU, ngày 11/7/2017 của Tỉnh ủy (khóa XIII) về việc ban hành Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIII, nhiệm kỳ 2015 – 2020 (bổ sung, điều chỉnh);

- Căn cứ Quy định số 01-QĐi/TU, ngày 31/5/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về quản lý tổ chức, phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử;

 - Căn cứ Quy định số 04-QĐi/TW, ngày 25/7/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc tỉnh uỷ, thành uỷ;

- Căn cứ Kết luận số 641-TB/TU, ngày 07/9/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong của Văn phòng Tỉnh ủy và các ban của Tỉnh ủy;

Ban Thường vụ Tỉnh uỷ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy và mối quan hệ công tác của Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, như sau:

I. CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN

           Điều 1. Chức năng

           1. Là cơ quan tham mưu của Tỉnh uỷ mà trực tiếp, thường xuyên là Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Thường trực Tỉnh uỷ về công tác xây dựng Đảng thuộc các lĩnh vực chính trị tư tưởng, tuyên truyền, lý luận chính trị, báo chí, xuất bản, văn hoá, văn nghệ, khoa giáo, biên soạn lịch sử Đảng bộ tỉnh.

           2. Là cơ quan chuyên môn, nghiệp vụ về công tác tuyên giáo của Tỉnh uỷ.

Điều 2. Nhiệm vụ

          1. Nghiên cứu, đề xuất và thực hiện:

          a) Nghiên cứu, theo dõi, tổng hợp tình hình tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, dư luận xã hội, những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch trên lĩnh vực chính trị tư tưởng trên địa bàn tỉnh. Dự báo những diễn biến, xu hướng chính trị tư tưởng có thể xảy ra, kịp thời báo cáo, kiến nghị với Tỉnh uỷ, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về phương hướng, nhiệm vụ, nội dung, biện pháp giải quyết.

          b) Đánh giá hoạt động, nghiên cứu, đề xuất các đề án, nghị quyết, quyết định, chỉ thị, quy định, quy chế, cơ chế, chính sách, giải pháp trong lĩnh vực tuyên giáo trình Tỉnh uỷ, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành và tổ chức thực hiện; sưu tầm, biên soạn lịch sử Đảng bộ tỉnh.

          c) Chỉ đạo nội dung giáo dục lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong hệ thống giáo dục, đoàn thể chính trị - xã hội ở địa phương. Tổ chức tuyên truyền, giáo dục, phát huy truyền thống cách mạng của địa phương, đất nước. Tổ chức nghiên cứu, tuyên truyền, quán triệt nghị quyết, quyết định, chỉ thị, quy định, quy chế, kết luận của Đảng.

         d) Nghiên cứu, tham mưu Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo, định hướng, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát về chính trị, tư tưởng trong hoạt động của các cơ quan báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ, cơ quan thông tin, tuyên truyền, các hội văn học – nghệ thuật, hội nhà báo đảm bảo hoạt động đúng đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Khi cần thiết, chủ trì hoặc phối hợp kiểm tra về mặt quan điểm chính trị, tư tưởng các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí, xuất bản...thuộc phạm vi phụ trách.

          đ) Giúp Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo công tác chính trị, tư tưởng trong đội ngũ trí thức, nhà khoa học và trong sinh viên, học sinh. Tổ chức và chỉ đạo hoạt động mạng lưới báo cáo viên, tuyên truyền viên theo phân cấp.

          e) Tham gia với chính quyền địa phương trong việc vận dụng, thể chế các quy định của cấp trên về các lĩnh vực liên quan đến công tác tuyên giáo.

          g) Thực hiện việc báo cáo định kỳ và đột xuất với Ban thường vụ Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Trung ương theo quy định.

          h) Là cơ quan thường trực một số ban chỉ đạo của Tỉnh uỷ thuộc lĩnh vực tuyên giáo. Thực hiện các công việc khác do Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Thường trực Tỉnh uỷ giao.

i) Nghiên cứu, tham mưu, đề xuất cho Ban Thường vụ Tỉnh uỷ các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả tổ chức triển khai việc học tập và làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

          k) Sơ kết, tổng kết về công tác tuyên giáo.

          2. Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát:

          a) Hướng dẫn tổ chức nghiên cứu, tuyên truyền, quán triệt và kiểm tra, giám sát việc học tập, quán triệt nghị quyết, quyết định, chỉ thị, quy định, quy chế, kết luận của Đảng. Kiểm tra, giám sát các tổ chức đảng, các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh về thực hiện các nghị quyết, quyết định, chỉ thị, quy định, quy chế, kết luận của Trung ương và của Tỉnh uỷ trong lĩnh vực tuyên giáo.

          b) Hướng dẫn tổ chức bồi dưỡng lý luận chính trị, thông tin thời sự, tuyên truyền chính sách theo chương trình, kế hoạch triển khai của Trung ương và của Tỉnh uỷ. Bồi dưỡng và hướng dẫn nghiệp vụ công tác tuyên giáo cho Ban Tuyên giáo cấp uỷ cấp dưới, các đảng bộ cơ sở, Trường Chính trị tỉnh, trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện.

          c) Hướng dẫn, sưu tầm, biên soạn lịch sử đảng bộ các huyện, thị xã, thành phố, đảng uỷ trực thuộc tỉnh, lịch sử truyền thống của các sở, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể tỉnh và đảng bộ xã, phường, thị trấn.

          3. Thẩm định, thẩm tra:

          Đề án, văn bản của các cơ quan đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị- xã hội tỉnh có liên quan đến lĩnh vực tư tưởng - văn hoá, khoa giáo, lịch sử Đảng bộ địa phương trước khi trình Tỉnh uỷ, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Thường trực Tỉnh uỷ.

          4. Phối hợp:

          a) Với các cơ quan liên quan đề xuất về cơ chế, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng, quản lý và đãi ngộ đối với đội ngũ trí thức, nhà khoa học và văn nghệ sĩ ở địa phương; quản lý báo chí, xuất bản và xử lý những sai phạm trong hoạt động báo chí, xuất bản.

          b) Với các cơ quan chức năng tham mưu Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của các cơ quan trong khối tuyên giáo trực thuộc Tỉnh uỷ.

          c) Với Ban Tổ chức Tỉnh uỷ trong công tác cán bộ theo quy định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phân cấp quản lý cán bộ và giới thiệu cán bộ ứng cử; trong việc quản lý tổ chức bộ máy, biên chế và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; đề xuất chủ trương đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, quản lý, đãi ngộ nhân tài.

           5. Thực hiện một số nhiệm vụ khác do Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh uỷ giao.

          Điều 3. Quyền hạn

          1. Tổ chức hội nghị hướng dẫn về nghiệp vụ công tác tuyên giáo; triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, của Tỉnh uỷ về công tác này đối với cấp uỷ trực thuộc và các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh.

          2. Trưởng phòng và chuyên viên chính được tham dự các hội nghị Tỉnh uỷ mở rộng để quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương và của Tỉnh uỷ về công tác xây dựng Đảng do Tỉnh uỷ tổ chức; công chức của Ban được dự các cuộc họp của các sở, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể chính trị-xã hội tỉnh và của địa phương bàn về lĩnh vực công tác tuyên giáo theo yêu cầu và nhiệm vụ được phân công.

          3. Biên soạn và phát hành các tài liệu học tập, tuyên truyền, tài liệu thông tin công tác tuyên giáo, đề cương thời sự cho báo cáo viên, tuyên truyền viên theo chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng và của Tỉnh uỷ, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ.

          4. Có ý kiến bằng văn bản thoả thuận với ban thường vụ các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc khi thay đổi, đề bạt chức danh trưởng ban tuyên giáo cấp uỷ. Trường hợp có ý kiến khác nhau, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, quyết định.

          5. Được yêu cầu các tổ chức, cá nhân báo cáo hoặc cung cấp tài liệu liên quan đến công tác tuyên giáo của tỉnh.

II. TỔ CHỨC BỘ MÁY, BIÊN CHẾ, CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC

          Điều 4. Lãnh đạo Ban

Gồm Trưởng ban là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy và có từ 02 đến 03 phó trưởng ban do Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, quyết định cụ thể theo quy định của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tổng số cấp phó của các cơ quan tham mưu, giúp việc của Tỉnh ủy.

          Điều 5. Các phòng chuyên môn nghiệp vụ trực thuộc

          1. Phòng Thông tin -  Tuyên truyền;  

2. Phòng Lý luận chính trị - Khoa giáo;

          3. Phòng Tổng hợp - Lịch sử Đảng.

Chức năng, nhiệm vụ, biên chế của từng phòng chuyên môn do Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ quy định. Phòng có dưới 10 người được bố trí trưởng phòng và 01 phó trưởng phòng; Phòng có từ 10 người trở lên được bố trí Trưởng phòng và không quá 02 phó trưởng phòng.

          Điều 6. Biên chế

Biên chế của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy do Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định phân bổ trong tổng số biên chế của khối cơ quan Đảng, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, vị trí việc làm, cơ cấu cán bộ, công chức của cơ quan Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Đồng thời thực hiện nghiêm tinh giản biên chế theo tinh thần Nghị quyết, Kết luận của Trung ương và Bộ Chính trị.

Điều 7. Chế độ làm việc

          1. Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ làm việc theo chế độ thủ trưởng. Trưởng Ban chịu trách nhiệm trước Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Thường trực Tỉnh uỷ và Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng về toàn bộ công việc của Ban.

          2. Các phó trưởng ban giúp Trưởng Ban chỉ đạo, quản lý, điều hành các mặt công tác của Ban theo sự phân công và chịu trách nhiệm trước Trưởng Ban; đồng thời, chịu trách nhiệm liên đới với Trưởng Ban trước cấp trên về công việc được phân công. Khi Trưởng Ban đi vắng, một phó trưởng ban được Trưởng Ban uỷ quyền điều hành công việc.

          3. Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ thực hiện chế độ giao ban định kỳ với các ban, ngành, Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh và các cơ quan, đơn vị trong khối theo quy chế làm việc của Ban.

III. MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC

          Điều 8. Đối với Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng và Viện Lịch sử Đảng thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

          Chịu sự hướng dẫn kiểm tra, giám sát về chuyên môn nghiệp vụ và thực hiện chế độ, báo cáo định kỳ, báo cáo chuyên đề theo yêu cầu.

          Điều 9. Đối với Tỉnh uỷ và Ban Thường vụ Tỉnh uỷ

          Chịu sự lãnh đạo và chỉ đạo về mọi mặt của Tỉnh ủy, trực tiếp và thường xuyên là, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và Thường trực Tỉnh ủy; tham mưu, đề xuất và báo cáo định kỳ hoặc theo yêu cầu kết quả hoạt động cho Tỉnh uỷ, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và Thường trực Tỉnh ủy.

          Điều 10. Đối với các cơ quan tham mưu, giúp việc của Tỉnh ủy

          Phối hợp trong nghiên cứu, tham mưu giúp Tỉnh uỷ, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ triển khai, kiểm tra, giám sát, tổng kết thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh uỷ về công tác xây dựng Đảng, công tác tư tưởng - văn hoá, khoa giáo và lịch sử Đảng.

          Điều 11. Đối với các sở, ban, ngành, Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội và các tổ chức xã hội cấp tỉnh

          Phối hợp để chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, tham gia ý kiến vào các hoạt động thuộc lĩnh vực tư tưởng - văn hoá, khoa giáo và lịch sử Đảng:

          - Đối với các cơ quan trong khối tư tưởng - văn hoá: Hướng dẫn, định hướng và kiểm tra, giám sát nội dung hoạt động thuộc lĩnh vực xuất bản, báo chí, thông tin, tuyên truyền, tư tưởng - văn hoá, văn nghệ.

          - Đối với các ngành trong khối khoa giáo: Phối hợp, hướng dẫn, định hướng và kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương và của Tỉnh uỷ trong lĩnh vực khoa giáo.

         Điều 12. Đối với Thường trực Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh

        Quan hệ giữa Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy với Thường trực Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh là quan hệ phối hợp.

 1. Khi triển khai thực hiện nhiệm vụ tham mưu về công tác tuyên giáo có gắn với công tác quản lý nhà nước thì Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, Uỷ ban nhân dân tỉnh để tạo điều kiện, hỗ trợ lẫn nhau cùng hoàn thành nhiệm vụ.

          2. Các kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh và Uỷ ban nhân dân tỉnh bàn về các vấn đề có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Ban thì Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh và Uỷ ban nhân dân tỉnh mời đại diện lãnh đạo Ban dự. Những trường hợp cần thiết, lãnh đạo Ban làm việc trực tiếp với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh và Uỷ ban nhân dân tỉnh để phối hợp thực hiện nhiệm vụ.

          Điều 13. Đối với các huyện, thị, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc; ban tuyên giáo (tuyên huấn), trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện và các đảng ủy trực thuộc

          - Phối hợp, trao đổi, hướng dẫn, tham gia ý kiến vào các hoạt động thuộc lĩnh vực chính trị tư tưởng - văn hoá, khoa giáo, lịch sử Đảng của các huyện, thị, thành ủy và các đảng ủy trực thuộc.

          - Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra ban tuyên giáo (ban tuyên huấn) của các huyện, thị, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc và trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện về phương hướng, nội dung, nghiệp vụ công tác tuyên giáo.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

          Điều 14. Căn cứ Quy định này, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy xây dựng quy chế làm việc; quy định chức năng, nhiệm vụ và biên chế cụ thể của các Phòng chuyên môn trực thuộc để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Điều 15. Quy định này thay thế Quy định số 1361-QĐ/TU, ngày 15/7/2014  của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

          Trong quá trình thực hiện, nếu có điểm nào chưa phù hợp, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy kịp thời báo cáo để Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, quyết định./.


TIN NỔI BẬT