Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và những kỳ vọng

       Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII (nhiệm kỳ 2016-2021) diễn ra từ ngày 20-28/1/2016 với sự tham dự của 1.510 đại biểu đại diện hơn 4,5 triệu đảng viên. Đây là đại hội quan trọng của Đảng, đánh giá kết quả lãnh đạo và phát triển đất nước qua 30 năm đổi mới. Đại hội cũng đánh giá quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI (2011-2015), đề ra nhiệm vụ phát triển đất nước từ 2016-2021.

       Hơn 4,5 triệu đảng viên kỳ vọng đại hội lần này sẽ tập trung trí tuệ, dân chủ, đoàn kết vạch ra bước đi đổi mới, sáng tạo để tiếp tục đưa đất nước phát triển. Đất nước qua 30 năm đổi mới đã đạt được những thành tựu quan trọng, nhưng cũng còn đó những hạn chế. Trước xu hướng hội nhập hiện nay, đất nước đang đứng trước những thời cơ và thách thức lớn.

       Hiệp định TPP mà Việt Nam vừa kết thúc đàm phán với 12 nước thành viên sẽ mở ra cho chúng ta cơ hội mở rộng quan hệ thương mại với  một thị trường rộng lớn và sôi động, kích thích và tạo ra nhiều việc làm trong nước, góp phần vào sự phát triển của đất nước trong tương lai. Tuy nhiên, TPP cũng sẽ tạo ra môi trường cạnh tranh mạnh mẽ, thậm chí là khốc liệt. Các doanh nghiệp trong nước cần phải nâng cao năng lực, mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ để cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài. Vì vậy, phương hướng phát triển đất nước trong thời gian đến, chắc chắn việc tạo ra môi trường làm ăn, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp khi gia nhập TPP sẽ là một trong những nội dung sẽ được đề cập trong quá trình đại biểu dự đại hội thảo luận cũng như khi nghị quyết đại hội được hoàn chỉnh, công bố.

       Cộng đồng kinh tế ASEAN (gọi tắt là AEC) vừa hình thành vào ngày 31-12-2015 cũng mang lại nhiều cơ hội, cũng như thách thức. AEC đánh dấu sự hội nhập toàn diện nền kinh tế 10 quốc gia Đông Nam Á với thị trường chung của khu vực 600 triệu người, GDP hàng năm khoảng 2.000 tỉ USD. Cơ hội nghề nghiệp dễ dàng, thuận lợi hơn rất nhiều với việc thực hiện cam kết “tự do dịch chuyển của lao động có chứng chỉ đào tạo”. Một cách dễ hiểu, công dân Việt Nam thuộc 8 loại nghề nghiệp (bác sỹ, nha sỹ, hộ lý, kỹ sư, kiến trúc sư, kiểm toán viên, giám sát viên và nhân viên du lịch) chỉ cần đáp ứng được tiêu chí ngành nghề, có thể tìm kiếm công việc ở bất cứ nơi nào trong khu vực, với thu nhập cao. Ngược lại, một làn sóng lao động được đào tạo bài bản và có chất lượng sẽ  tràn vào Việt Nam, tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt với lao động trong nước. Và AEC mang lại cho các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, thu hút đầu tư, hạ giá thành sản phẩm… Tuy nhiên, thách thức đề ra là một số ngành, doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, thậm chí rút khỏi thị trường do cạnh tranh dịch vụ đầu tư; doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh yếu sẽ gặp khó khăn trước các doanh nhiệp nước ngoài (đa số doanh nghiệp Việt Nam nhỏ, năng lực cạnh tranh hạn chế). Vì vậy, phương hướng 2016-2021 của đất nước sẽ đề cập đến việc cải cách thể chế, tái cơ cấu kinh tế, nâng cao trình độ khoa học - công nghệ và năng lực cạnh tranh, sự chuyển dịch lao động tay nghề cao từ AEC vào Việt Nam... Việc cải cách và đổi mới là rất lớn nếu không muốn tụt hậu so với các nước trong khu vực. Đây là hai trong ba “đột phá” chiến lược để phát triển đất nước mà văn kiện Đại hội XI của Đảng đã chỉ rõ.

       Tình hình tham nhũng hiện nay là vấn đề đáng báo động. Trên thực tế, có thể nhận thấy một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có lối sống cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài. Từ đó bản thân thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, gây mất niềm tin với tổ chức và nhân dân. Nhiều vụ án tham nhũng đã được đưa ra xử lý nghiêm minh, tuy nhiên vẫn còn những vụ việc chưa được đưa ra trước ánh sáng của pháp luật. Lịch sử các kỳ đại hội đảng đều đặt vấn đề phòng chống tham nhũng là một trong những vấn đề quan trọng, mang tính sống còn của đảng, đại hội XII cũng không ngoại lệ. Phòng chống tham nhũng quyết liệt mang lại kết quả cao, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức sẽ làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân ngày càng tin tưởng vào Đảng.

       Dựng nước và giữ nước đã trở thành lịch sử ngàn đời nay của dân tộc Việt Nam. Chủ quyền quốc gia, dân tộc là trên hết. Không một quốc gia nào, thế lực nào, cá nhân nào có thể xâm phạm chủ quyền thiêng liêng đó, dù một tất đất, vùng trời, lãnh hải. Trong các nghị quyết đại hội đảng toàn quốc trước đây, chủ quyền quốc gia dân tộc đều được đặt lên hàng đầu. Trong thời điểm hiện nay, vấn đề này càng thêm quan trọng.

       Hơn 4,5 triệu đảng viên trên cả nước chung một niềm tin, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII sẽ tập trung trí tuệ, dân chủ, đoàn kết, sáng tạo để vạch ra bước đi tiếp tục đổi mới, đưa đất nước phát triển trong thời đại mới./.  


Các tin khác

TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN

TƯ LIỆU LỊCH SỬ

THÔNG TIN CÔNG TÁC TUYÊN GIÁO

Bộ câu hỏi trắc nghiệm

SINH HOẠT CHI BỘ