Tỉnh Bình Thuận tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại vùng đồng bào dân tộc

       Trong những năm qua, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã được Đảng, Nhà nước ta quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, coi đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong việc tăng cường quản lý xã hội bằng pháp luật.

       Với sự nỗ lực và cố gắng của các cấp, các ngành, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã có những chuyển biến tích cực, góp phần xây dựng ý thức sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật trong mọi tầng lớp nhân dân.

       Với địa bàn vùng đồng bào dân tộc, điều kiện kinh tế - xã hội còn có nhiều khó khăn, trình độ dân trí nhiều nơi còn thấp, nhận thức của đội ngũ cán bộ và nhân dân còn hạn chế thì việc phổ biến, giáo dục pháp luật lại càng cần thiết, đòi hỏi các cấp, các ngành phải coi đó là nhiệm vụ chính trị quan trọng của cơ quan, đơn vị mình.

       Trong thời gian qua, bên cạnh những việc đã làm được, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại địa bàn vùng đồng báo dân tộc vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Một số ngành, địa phương, đơn vị chưa xác định rõ trách nhiệm của mình và chưa thực sự quan tâm đến công tác này; thiếu chủ động trong việc triển khai phổ biến, giáo dục pháp luật hoặc triển khai không thường xuyên, mang tính hình thức. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các cơ quan chuyên trách nhiều khi còn hình thức, thiếu chặt chẽ và đồng bộ; chưa thực sự hướng về cơ sở nhất là địa bàn đông đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa nên kết quả đạt được còn thấp so với yêu cầu; sự hiểu biết pháp luật, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng của cán bộ và nhân dân tại đây còn có nhiều hạn chế.v.v…

       Trước yêu cầu đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; thực hiện tốt công tác dân tộc, tôn giáo trong tình hình mới càng đòi hỏi công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cần được tăng cường thường xuyên, liên tục và ở tầm cao hơn. Thực hiện Chỉ thị số 32 - CT/TW, ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân”; Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận đã đề ra nhiều chủ trương, biện pháp và chỉ đạo các sở ban, ngành ban hành nhiều văn bản triển khai thực hiện nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân; công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được thực hiện theo các chương trình, kế hoạch cụ thể được phê duyệt.

       Phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục tồn tại, hạn chế; để công tác phổ biến giáo dục pháp luật tại địa bàn vùng đồng bào dân tộc trong thời gian tới có hiệu quả, từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả của pháp luật trong thực tế; làm thay đổi nhận thức và hành động của cán bộ và nhân dân cần thực hiện tốt một số công tác sau đây:

       Thứ nhất: Tăng cường sự chỉ đạo của Đảng đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua Chương trình, Nghị quyết, phương hướng hoạt động của Đảng cũng như sự nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật của cán bộ, đảng viên.

       Tổ chức cơ sở Đảng, Cấp ủy, chính quyền cũng như các cấp, các ngành cần phải xác định rõ phổ biến, giáo dục pháp luật là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị tư tưởng, là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Do đó, cần tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện thật tốt công tác này để góp phần chuyển biến căn bản về ý thức tôn trọng pháp luật và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật của nhân dân, nhất là chính quyền cơ sở, chức sắc và quần chúng các dân tộc.

       Thứ hai: Cần tập trung xây dựng kế hoạch, chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật thiết thực trên cơ sở nhiệm vụ chuyên môn của các cấp, các ngành. Việc xây dựng nội dung tuyên truyền, hình thức và phương pháp phổ biến, giáo dục pháp luật phải phù hợp với từng địa bàn, đối tượng .v.v…

       Công tác phổ biến giáo dục pháp luật phải được tiến hành thường xuyên, đồng bộ, rộng khắp, chú trọng hướng về cơ sở nhất là địa bàn vùng có đông đồng bào dân tộc. Cần lựa chọn nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến như: thông qua Bản tin tư pháp và phổ biến trực tiếp; cơ quan tư pháp các cấp cần tăng cường phối hợp với các ngành có liên quan không ngừng đổi mới hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; phát hành thường xuyên các tài liệu phổ thông về pháp luật; sử dụng hệ thống đài truyền thanh cơ sở; tiếp tục xây dựng và khai thác có hiệu quả tủ sách pháp luật tại các xã, phường, thị trấn. Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật hướng về cơ sở; đẩy mạnh việc phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các hoạt động tư vấn, trợ giúp pháp lý, hoà giải; thông qua các lễ hội và các hoạt động văn hóa ở địa phương.v.v…

       Thứ ba: Cũng cố, tăng cường đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật cơ sở, nhất là cấp xã, phường, thị trấn vừa đủ về số lượng, vừa đảm bảo về trình độ chuyên môn nghiệp vụ đủ sức thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong giai đoạn mới.

       Phải thực sự coi đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật cơ sở là cầu nối quan trọng giữa nhân dân với Đảng, với Nhà nước; là người truyền tải đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến được với nhân dân, với quần chúng được thuận lợi và có hiệu quả hơn.

       Thứ tư: Tăng cường vai trò, công tác phối kết hợp giữa các Hội, đoàn thể tại địa phương, nhất là cấp xã, phường, thị trấn, thôn, khu phố, bản trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

       Thứ năm: Các cấp, các ngành cần quan tâm bố trí một khoản ngân sách cần thiết cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; có chính sách trợ giá các loại sách, tài liệu phục vụ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hoặc phát miễn phí các loại sách và tài liệu phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân, nhất là vùng có đông đồng bào dân tộc.

 


Các tin khác

TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN

TƯ LIỆU LỊCH SỬ

THÔNG TIN CÔNG TÁC TUYÊN GIÁO

Bộ câu hỏi trắc nghiệm

SINH HOẠT CHI BỘ