Tiếp tục đổi mới việc học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân

          Trong những năm qua, công tác giáo dục lý luận chính trị đã được triển khai sâu rộng trong Đảng và trong hệ thống chính trị.

        Trong đó, việc học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân đóng vai trò quan trọng làm cho chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, chủ trương của Đảng giữ vai trò chủ đạo trong đời sống xã hội; góp phần nâng cao nhận thức, tư duy, trình độ lý luận chính trị cho cán bộ đảng viên; đảm bảo cho thế hệ trẻ luôn trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng, trung thành với chế độ xã hội chủ nghĩa.

        Tuy nhiên, công tác giáo dục lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân hiện nay đang đặt ra nhiều khó khăn, thách thức như: một số vấn đề lý luận chính trị đến nay không còn phù hợp, phương pháp học tập chậm được đổi mới; đội ngũ cán bộ giảng dạy lý luận chưa mạnh, còn ít chuyên gia về giỏi lý luận; nội dung, chương trình, giáo trình lý luận chính trị còn trùng lắp, chậm đổi mới, chưa thực sự gắn kết với những vấn đề thực tiễn đặt ra…

        Từ thực tế nêu trên, ngày 28/3/2014, Ban Bí thư đã ban hành Kết luận số 94-KL/TW về việc tiếp tục đổi mới việc học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân. Xác định việc đổi mới từ nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy, xây dựng đội ngũ giảng viên, giáo viên trong quá trình học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân là nhiệm vụ có tầm quan trọng chiến lược.

        Trên địa bàn tỉnh ta, Kết luận 94-KL/TW có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công tác đào tạo, nâng cao hiểu biết, bản lĩnh chính trị cho thế hệ trẻ trước sự chống phá trước hết về mặt tư tưởng chính trị của các thế lực thù địch. Xác định được tầm quan trọng của Kết luận 94 - KL/TW; thực hiện sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã có Hướng dẫn số 119-HD/BTGTU, trong đó đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh; thường trực các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Kết luận 94 - KL/TW của Ban Bí thư, đảm bảo theo đúng hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương. Thực hiện Kết luận 94-KL/TW chính là “chìa khóa” để nâng cao chất lượng cho công tác giáo dục lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân hiện nay cũng như tạo nền tảng vững chắc về nhận thức, tư duy lý luận cho thế hệ trẻ; là “vũ khí” để đấu tranh xóa bỏ những tư duy lạc hậu, những quan điểm sai trái, thù địch.

         Để việc thực hiện Kết luận 94 - KL/TW đạt hiệu quả cao nhất, cần có sự chung tay của nhiều cơ quan, đơn vị, các sở, ban, ngành từ tỉnh đến cơ sở và sự phối hợp đồng bộ nhiều biện pháp. Trước hết, cần phải xác định thực hiện Kết luận 94 - KL/TW là nhiệm vụ mang tính chiến lược trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giáo dục đào tạo trên địa bàn tỉnh ta; được tiến hành đồng thời, gắn liền với triển khai những nhiệm vụ trọng tâm được xác định trong Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương và Chương trình hành động số 25-NQ/TU, ngày 11/12/2013 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XII) về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ này, yêu cầu các cấp ủy phải tiến hành tốt từ khâu học tập, quán triệt nghị quyết, kết luận đến khâu xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện; đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác thực hiện các nhiệm vụ đã đặt ra.

        Tiếp theo là cần thực hiện đổi mới phương pháp dạy và học các chương trình học tập lý luận chính trị, đạo đức và giáo dục công dân ở các cấp học phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ đề ra. Phương pháp giảng dạy và học tập phải sinh động, gắn với thực tiễn, không máy móc, khô cứng; gắn với chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Hiện nay, phương pháp thuyết trình, thầy đọc, trò ghi chép vẫn là phương pháp chủ đạo trong giảng dạy, học tập các môn lý luận chính trị, đạo đức, giáo dục công dân. Phương pháp này tuy là chọn lựa tương đối an toàn cho giáo viên nhưng không thực sự mang lại hiệu quả trong điều kiện hiện nay. Cũng giống như các môn học khác, phương pháp dạy học các môn chính trị, giáo dục công dân cần thực hiện theo xu hướng phát huy tính tích cực của quá trình nhận thức; cần cụ thể hóa và xử dụng các phương pháp vào quá trình giảng dạy. Các phương pháp này không chỉ đòi hỏi người dạy phải truyền đạt tri thức cho người học mà còn phải giúp người học biết cách sáng tạo, tự nhận thức và tìm ra tri thức mới. Thay vì là người cung cấp thông tin, lý luận đơn thuần, giảng viên, giáo viên lý luận chính trị còn phải là người vận dụng các công nghệ hiện đại trong giảng dạy, hướng dẫn học trò cách chủ động nghiên cứu, sưu tầm, xử lý tài liệu, vận dụng những quan điểm của chủ nghĩa duy vậy biện chứng vào những vấn đề của thời đại, để học thuyết chính trị luôn mang hơi thở của cuộc sống, tạo hứng thú cho người học.

          Bên cạnh đổi mới phương pháp, đổi mới nội dung, điều chỉnh các chương trình học tập lý luận chính trị, đạo đức, giáo dục công dân trong hệ thống giáo dục quốc dân cũng chiếm vai trò rất quan trọng. Trong Hướng dẫn số 127-HD/BTGTW của Ban Tuyên giáo Trung ương về việc thực hiện Kết luận 94 - KL/TW, Ban Tuyên giáo Trung ương đã có những hướng dẫn cụ thể, rõ ràng cho việc xây dựng, điều chỉnh chương trình giảng dạy các môn chính trị đối với từng đối tượng khác nhau và ứng với từng giai đoạn cụ thể. Ở tỉnh ta, chúng ta chưa có trường đại học, cao đẳng chuyên đào tạo về lý luận chính trị. Các môn lý luận chính trị, đạo đức, giáo dục công dân hiện nay trong tư tưởng, suy nghĩ của nhiều giáo viên và hầu hết học sinh, sinh viên là các môn phụ, không mấy quan trọng. Trên thực tế, có lúc, có nơi công tác đổi mới nội dung, chương trình học tập lý luận chính trị bị buông lỏng, khiến nội dung chương trình ít được cập nhật kiến thức mới, không tạo được sự cuốn hút về nội dung với người học. Chính vì vậy, công tác đổi mới nội dung, chương trình học tập lý luận chính trị, đạo đức, giáo dục công dân trong hệ thống giáo dục muốn đạt hiệu quả, ngoài việc các đơn vị trường học, ngành giáo dục trong tỉnh phải thực hiện tốt Hướng dẫn số 127-HD/BTGTW, còn phải thay đổi về mặt nhận thức cho đội ngũ giáo viên và học sinh, sinh viên về tầm quan trọng, vị trí, vai trò nền tảng của công tác dạy và học các môn chính trị trong trường học. Song song với đó là cần có sự đầu tư về thời gian, công sức, trí tuệ… để điều chỉnh nội dung, chương trình học tập các môn chính trị sao cho thật khoa học, hợp lý, phù hợp với từng đối tượng tiếp thu, tránh trùng lắp và bảo đảm tính liên thông. Từ đó, đưa các bộ môn lý luận chính trị, đạo đức, giáo dục công dân đứng vào đúng vị trí, tầm vóc của nó trong hệ thống giáo dục quốc dân.

         Cần chủ động đào tạo và thu hút đội ngũ giảng viên, giáo viên chuyên về lý luận chính trị và giáo dục công dân, đảm bảo về năng lực, trình độ chuyên môn, có tâm huyết, yêu nghề và quan trọng là có lập trường, bản lĩnh chính trị vững vàng. Có như vậy đội ngũ giảng viên, giáo viên mới đáp ứng yêu cầu đổi mới những vẫn đảm bảo đúng định hướng chính trị trong học tập các mộn lý luận chính trị. Đối với điều kiện đặc thù của tỉnh ta, thiết nghĩ bên cạnh việc thu hút đội ngũ giảng viên, giáo viên giỏi chuyên về lý luận chính trị; có cơ chế ưu tiên đối với sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi các chuyên ngành lý luận chính trị, giáo dục công dân thì việc trước mắt cần sớm thực hiện là kiện toàn, nâng cao trình độ, năng lực giảng dạy cho lực lượng giáo viên, giảng viên lý luận hiện trị hiện có. Để thực hiện điều này, nhiệm vụ đầu tiên chính là rà soát, đánh giá về số lượng, chất lượng đội ngũ giảng viên, giáo viên dạy lý luận chính trị, đạo đức, giáo dục công dân trong hệ thống các trường học trên địa bàn tỉnh. Các đơn vị trường học cần xây dựng chương trình, kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao trình độ lý luận cho đội ngũ giảng viên, giáo viên. Thường xuyên đầu tư về tài liệu, trang thiết bị dạy và học để đội ngũ giảng viên, giáo viên có thể vận dụng những phương pháp dạy học mới, tích cực vào trong công tác giảng dạy theo hướng hiện đại, phù hợp với tình hình mới.

           Thực tế cho thấy, khi thực hiện bất kỳ một kết luận, chỉ thị, nghị quyết nào cũng cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, cụ thể của cấp trên đối với cấp dưới cũng như vai trò quan trọng của người đứng đầu trong các cơ quan, đơn vị, các cấp, các ngành. Việc thực hiện Kết luận 94 - KL/TW cũng không phải là ngoại lệ. Công tác quản lý, chỉ đạo trong việc thực hiện Kết luận 94 - KL/TW cần phải được tiến hành nghiêm túc và liên tục. Cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng trong các đơn vị tiến hành công tác giảng dạy, học tập các môn chính trị; nâng cao tính hiệu lực của các văn bản pháp quy và phải có chế tài xử lý nghiêm khắc đối với các trường hợp vi phạm. Sở Giáo dục và đào tạo, Trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh cần nghiên cứu thành lập bộ phận chuyên trách để tham mưu, chỉ đạo, quản lý công tác giảng dạy, học tập lý luận chính trị, đạo đức và giáo dục công dân.

         Kết luận 94-KL/TW về việc tiếp tục đổi mới việc học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân được ban hành xuất phát từ tình hình, yêu cầu cấp thiết của xã hội. Việc thực hiện thành công, có hiệu quả Kết luận 94-KL/TW sẽ là động lực để tạo sự chuyển biến về chất trong công tác dạy và học các môn lý luận chính trị, đạo đức giáo dục công dân hiện nay. Việc dạy và học tốt các môn chính trị, đạo đức, giáo dục công dân sẽ tạo ra “sức đề kháng” cho thế hệ trẻ trong giai đoạn bùng nổ thông tin toàn cầu và sự giao thoa văn hóa như hiện nay nên các cấp, các ngành và trước hết là các trường học trong tỉnh, cơ sở đào tạo cần chú ý, quan tâm thực hiện. 


Các tin khác

TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN

TƯ LIỆU LỊCH SỬ

THÔNG TIN CÔNG TÁC TUYÊN GIÁO

Bộ câu hỏi trắc nghiệm

SINH HOẠT CHI BỘ