10 năm thực hiện Nghị quyết 04 (khoá X) về phát triển dân sinh, kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Bình Thuận (2002-2012)

         Nhiều năm nay, công tác dân tộc được Đảng, Nhà nước chỉ đạo các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương đẩy mạnh thực hiện. Các vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS), vùng cao, miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo trong cả nước được quan tâm, đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói, giảm nghèo.

      Năm 2002, Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khoá X) ban hành một chủ trương nhằm thay đổi bộ mặt vùng ĐBDTTS trong tỉnh. Qua thời gian, chủ trương phát triển vùng ĐBDTTS càng phát huy hiệu quả, tạo được niềm tin của đồng bào vào chính sách của Đảng, Nhà nước.

       Tính đến năm 2014, toàn tỉnh có 34 dân tộc thiểu với hơn 86.000 người, tỷ lệ trên 7% dân số, chủ yếu cư trú tập trung ở 8/10 huyện, thị, thành phố. Trong đó, có 11 xã thuần ĐBDTTS vùng cao; 04 xã thuần dân tộc Chăm; 02 xã thuần dân tộc Tày, Nùng, Hoa và 32 thôn xen ghép. Đồng bào dân tộc trong tỉnh luôn đoàn kết, giúp nhau cùng sản xuất kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa – xã hội; lòng tin của đồng bào đối với Đảng và Nhà nước luôn bền chắc. Trước năm 2002, bằng nhiều nguồn vốn, tỉnh đã đầu tư phát triển dân sinh, kinh tế, văn hoá, xã hội vùng ĐBDTTS tạo được bước phát triển trên nhiều lĩnh vực. Tuy vậy, tình hình các mặt vùng ĐBDTTS vẫn còn nhiều khó khăn.  

       Ngày 27-5-2002, Hội nghị Đảng bộ tỉnh lần thứ 7 (khóa X) ra Nghị quyết số 04 về xây dựng và phát triển toàn diện dân sinh, kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số đến năm 2005. Mục tiêu tổng quát đến năm 2005, hoàn thành đầu tư xây dựng cơ bản vùng ĐBDTTS, chuyển biến rõ nét và toàn diện về kinh tế – văn hóa – xã hội; xóa hộ đói, giảm hộ nghèo còn dưới 20%, giữ được chuẩn quốc gia về xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học; hệ thống chính trị được củng cố, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới; giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội toàn vùng.

        Tỉnh chọn 5 xã làm điểm, sau đó mở rộng ra các xã còn lại. Một số sở, ngành cấp tỉnh được phân công theo dõi các xã vùng ĐBDTTS như: Bưu điện tỉnh triển khai dự án trồng nấm, làm đũa, đan lát, đưa lao động đi học nghề, đầu tư bưu điện văn hóa, kéo điện phục vụ đồng bào xã La Dạ (huyện Hàm Thuận Bắc); Sở Nông nghiệp – phát triển nông thôn hướng dẫn kỹ thuật thâm canh cây trồng, con nuôi, thực hiện mô hình trình diễn nông nghiệp ở xã Phan Sơn (huyện Bắc Bình)… Ngoài ra, tỉnh điều động 44 cán bộ về các xã vùng ĐBDTTS công tác.  

        Sau hội nghị sơ kết 01 năm, các sở, ngành đã xây dựng chương trình hành động và thành lập Tổ chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 04 của đơn vị mình. Hàng năm, trên cơ sở kết luận của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh có kế hoạch triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS

        Tháng 2 - 2006, sau hội nghị tổng kết 03 năm thực hiện, Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XI) có Thông báo 12 về việc chuyển giao nhiệm vụ tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 04 giai đoạn II đến năm 2010.  Đến tháng 6 - 2011, sau hội nghị tổng kết 08 năm thực hiện Nghị quyết 04, Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XII) ban hành Kết luận 123 chỉ đạo tiếp tục phát huy kết quả đạt được. Tháng 11-2011, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ (khóa XII) thông qua Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020.

          Tháng 10 - 2013, Tỉnh ủy tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết 02 năm thực hiện Kết luận số 123 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XII) đánh giá kết quả tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 04 của Tỉnh ủy (khóa X).  

         Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 04 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa X) đã đạt một số kết quả. Hơn 14.700 hộ ĐBDTTS được cấp 14.800 ha đất sản xuất, bình quân 01 ha/hộ. Có 21,86% số hộ và 36,56% diện tích được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sản xuất. Tỉnh giao khoán cho 2.378 hộ quản lý, bảo vệ 86.431 ha rừng, bình quân mỗi hộ thu nhập hơn 7 triệu đồng/năm; có 3.160 hộ vay hơn 22 triệu đồng (ngân sách tỉnh hỗ trợ lãi suất) mua 4.680 con trâu, bò và 186 hộ được nhận chăm sóc 186 con bò đực giống để thực hiện phối giống cho đàn bò cái sinh sản; nhiều hộ sau khi bán bò trả nợ Ngân hàng vẫn còn 5 - 6 con bò để chăn nuôi. Năng suất lúa nước đạt 55 tạ/ha, bắp lai 68 tạ/ha (có nơi đạt 70 - 80 tạ/ha). 03 làng nghề truyền thống vùng ĐBDTTS gồm: làng gốm Bình Đức (xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình), làng dệt thổ cẩm xã Phan Thanh (huyện Bắc Bình), làng dệt thổ cẩm xã La Dạ (huyện Hàm Thuận Bắc) được khôi phục và phát triển. Toàn tỉnh có 11 cửa hàng và 13 đại lý phục vụ việc mua, bán sản phẩm, hành hóa của đồng bào. 

         Toàn vùng ĐBDTTS có 52 trường, 505 lớp/425 phòng học ở các cấp và đầu tư nâng cấp hàng năm. Đội ngũ giáo viên được chuẩn hoá, chất lượng dạy và học nâng lên. 100% xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi và Phổ cập giáo dục Trung học cơ sở. Học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học lớp 10 đạt 82,2%. Đến năm 2012, 100% xã có trạm y tế có bác sĩ, nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi và có 04 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Công tác vệ sinh phòng dịch được duy trì, kiểm soát tốt các loại dịch bệnh cơ bản không để xảy ra thành dịch. Trên 95% trẻ em tiêm phòng đủ 8 bệnh truyền; 100% đồng bào có thẻ bảo hiểm y tế; 88,3% hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. 

        Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” được đẩy mạnh thực hiện, cuối năm 2012, 17/85 thôn được công nhận “Thôn văn hóa” và hơn 20.700 hộ đạt “Gia đình văn hóa”. Các hoạt động thể dục - thể thao, lễ hội truyền thống được duy trì, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc trong tỉnh. 100% trụ sở làm việc xây dựng kiên cố, có đường giao thông nhựa hóa đến trung tâm xã. Thường xuyên củng cố hệ thống chính trị, phát huy hiệu lực và hiệu quả hoạt động. Đến năm 2012, có 318 cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số và 276 đồng bào hoạt động không chuyên trách được phân công công tác tại địa phương. Đảng viên dân tộc thiểu số đạt 1.210/ 25.860 đảng viên toàn tỉnh (chiếm 4,6%); xóa thôn (bản) vùng ĐBDTTS không có đảng viên. 

        Qua 10 năm được đầu tư xây dựng, phát triển, bộ mặt vùng ĐBDTTS trong tỉnh trở nên khởi sắc hơn trước. Tuy vậy, bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế. Sản xuất nông nghiệp phát triển chưa đồng đều giữa các vùng ĐBDTTS trong tỉnh; làng nghề truyền thống hiệu quả hoạt động còn thấp; tình trạng lấn chiếm, mua bán, sang nhượng đất trái phép vẫn còn diễn ra ở một số địa phương, chưa có giải pháp ngăn chặn hữu hiệu; cơ sở hạ tầng được đầu tư chưa phát huy tốt, một số nơi xuống cấp và sử dụng còn lãng phí; tình hình an ninh chính trị và trật tự xã hội có lúc, có nơi còn diễn biến phức tạp.

        Trong những năm đến, tiếp tục thực hiện Nghị quyết 04 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa X); thiết thực triển khai tốt Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020, toàn tỉnh đang tiếp tục triển khai các nhiệm vụ:

       Thứ nhất, phát huy tối đa hiệu quả sử dụng đất sản xuất được cấp từ những năm trước; tăng cường rà soát, kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp đồng bào bán đất sản xuất dẫn đến tái nghèo.  

       Thứ hai, tăng cường công tác quản lý và phát huy hiệu quả các công trình đã được đầu tư trên địa bàn. 

       Thứ ba, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; đẩy mạnh công tác chăm sóc sức khỏe, cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho ĐBDTTS theo quy định; tuyên truyền, giáo dục nâng cao kiến thức giữ gìn vệ sinh và phòng, chống dịch bệnh.

       Thứ tư, đẩy mạnh các phong trào thi đua; có giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa, gắn với phát triển các loại hình dịch vụ du lịch; kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn, kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc.

        Thứ năm, thường xuyên chăm lo xây dựng hệ thống chính trị ở vùng ĐBDTTS./.


Các tin khác

TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN

TƯ LIỆU LỊCH SỬ

THÔNG TIN CÔNG TÁC TUYÊN GIÁO

Bộ câu hỏi trắc nghiệm

SINH HOẠT CHI BỘ