Kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2014): Những chỉ đạo quan trọng của Trung ương Đảng trong chiến dịch Điện Biên Phủ

      Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, với đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ đã kết thúc thắng lợi 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, chấm dứt vĩnh viễn sự thống trị của Pháp ở toàn cõi Đông Dương.

            Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá đó là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta, mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Chiến thắng Điện Biên Phủ càng làm sáng ngời chân lý của chủ nghĩa Mác – Lê nin trong thời đại ngày nay: chiến tranh xâm lược của bọn đế quốc nhất định thất bại, cách mạng giải phóng của các dân tộc nhất định thành công.

             Một trong những nguyên nhân thắng lợi và cũng là bài học sâu sắc nhất, đó là sự chỉ đạo chiến lược quan trọng của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt 9 năm đất nước trường kỳ kháng chiến (1945 -1954), cũng như trong thời điểm quyết định nhất: chiến dịch Điện Biên Phủ.

            Tháng 1-1953, tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương 4 (khóa II), Tổng Bí thư Trường Chinh nêu rõ phương châm chỉ đạo kháng chiến của Đảng là không chủ quan, khinh địch, không nóng vội, không mạo hiểm. Đánh ăn chắc, tiến ăn chắc. Chắc thắng thì kiên quyết đánh cho kỳ thắng. Không chắc thắng thì kiên quyết không đánh. Nếu chủ quan mạo hiểm mà một lần thua nặng, thì sẽ tai hại lớn. Chiến trường của ta hẹp, người của ta không nhiều, nên nói chung ta chỉ có thắng chứ không được bại, vì bại là hết vốn.

            Cuối tháng 9-1953, Bộ Chính trị họp bàn kế hoạch chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954, chủ trương chưa tập trung đánh địch ở đồng bằng, mà trước hết, phải phá được âm mưu tập trung lực lượng của địch. Một bộ phận chủ lực của ta sẽ hoạt động theo ba hướng: lên Tây Bắc, tiến sang Trung Lào và Hạ Lào, buộc địch phải phân tán lực lượng để đối phó.

            Pháp phán đoán Việt Minh không tấn công đồng bằng Bắc Bộ mà hướng chính là Tây Bắc nên cũng chuyển hướng hoạt động. Tháng 11-1953, Pháp mở cuộc hành quân Castor, nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, coi đây là cuộc hành quân thứ yếu, phòng vệ chiến lược và chính trị địa phương, chứ chưa có ý định xây dựng Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược. Khi toàn bộ khu vực Lai Châu lọt vào tay Việt Minh, Điện Biên Phủ bị uy hiếp từ phía Bắc, Pháp mới nghĩ đến một kiểu phòng ngự kinh điển quân sự, để nghiền nát quân chủ lực Việt Minh.

            Những tháng cuối năm 1953, khi ta thực hiện một số trận đánh và chuẩn bị tổ chức chiến dịch cách xa hậu phương, công tác hậu cần ngày càng quan trọng và cấp bách. Ngày 9-11-1953, Trung ương Đảng có Thông tri chỉ đạo các Liên khu Việt Bắc, Tây Bắc, Liên khu III và IV đẩy nhanh nhiệm vụ cung cấp cho bộ đội và tiền tuyến mau chóng, cơ động, đầy đủ hơn. Các liên khu tăng cường sử dụng các loại phương tiện (xe đạp, thuyền) để giảm sức vận tải của lực lượng dân công; làm tốt công tác tư tưởng, lãnh đạo lực lượng dân công vận chuyển đạt năng suất cao.    

           Ngày 6-12-1953, Bộ Chính trị họp nghe Quân ủy Trung ương báo cáo phương án tác chiến tại Điện Biên Phủ. Quân ủy Trung ương nhận định, khi ta uy hiếp Tây Bắc, địch đối phó bị động, phân tán một bộ phận lực lượng lên Điện Biên Phủ, hòng yểm trợ cho Tây Bắc, che chở Thượng Lào, phá kế hoạch tiến công của ta; cho dù địch thay đổi thế nào, nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, cơ bản đều có lợi cho chiến lược của ta. Điện Biên Phủ sẽ là một trận công kiên lớn nhất từ trước đến nay, thời gian dự kiến khoảng 45 ngày, với tinh thần “đánh chắc, tiến chắc”. Bộ Chính trị đồng ý mở chiến dịch Điện Biên Phủ, thông qua phương án tác chiến của Quân ủy Trung ương. Điện Biên Phủ trở thành điểm quyết chiến chiến lược, hoàn toàn nằm ngoài kế hoạch của Pháp.

           Thực hiện chỉ đạo chiến lược của Trung ương Đảng, trên khắp các chiến trường, hậu phương và vùng sau lưng địch trong cả nước, đã tiến hành nhiều hoạt động, tổ chức lực lượng, huy động sức người, sức của phục vụ mặt trận. Ta liên tục mở các cuộc tiến công trên năm hướng nhằm phân tán lực lượng địch: Lai Châu, Trung Lào, Hạ Lào, Thượng Lào và Tây Nguyên. Ngoài ra, trên các chiến trường Bắc Bộ, Nam Bộ, Bình Trị Thiên, Cực Nam Trung Bộ, quân và dân ta đều tổ chức đánh phá, gây nhiều khó khăn, buộc địch phải lún sâu vào thế bị động, phân tán lực lượng để đối phó.   

           Ngày 01-01-1954, Bộ Chính trị thành lập cơ quan lãnh đạo và chỉ huy chiến dịch do Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng tư lệnh quân đội làm Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy chiến dịch. Trước khi lên đường ra mặt trận, tại Khui Tát, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Tổng tư lệnh ra mặt trận, tướng quân tại ngoại, trao cho chú toàn quyền. Có vấn đề gì khó khăn, bàn thống nhất trong Đảng ủy, thống nhất với cố vấn thì cứ quyết định, rồi báo cáo sau. Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh. Không chắc thắng không đánh”. 

            Để thực hiện phương án “đánh chắc, tiến chắc” trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ngày 8-2-1954, Bộ Chính trị có chỉ thị gửi Quân ủy các Liên khu động viên cán bộ và nhân dân tiếp tục đánh giặc, phục vụ tiền tuyến. Đảng ủy các Liên khu, cán bộ và nhân dân cần biết rõ tình hình, phát huy truyền thống khắc phục khó khăn, liên tục chiến đấu, ra sức phối hợp thực hiện chủ trương quân sự của Trung ương. Trong quãng thời gian đợi đến ngày nổ súng mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ, cán bộ và chiến sĩ ở mặt trận nhận được thư động viên tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bức thư có đoạn:“…Các chú vừa được chỉnh quân chính trị và chỉnh huấn quân sự và đã thu được nhiều thắng lợi về tư tưởng và chiến thuật, kỹ thuật. Nhiều đơn vị đã đánh thắng trên các mặt trận. Bác tin rằng các chú sẽ phát huy thắng lợi vừa qua, quyết tâm vượt mọi khó khăn gian khổ để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang sắp tới”. 

             Sau đợt I (từ 13-3 đến 17-3-1954) và hơn một nửa thời gian đợt II (từ 30-3 đến 30-4-1954) nổ súng tấn công, ta đạt thắng lợi, tiêu diệt hơn 2/5 sinh lực địch, chiếm lĩnh những điểm cao ở phía Bắc và phía Đông khu Mường Thanh, đánh chiếm sân bay, hạn chế tiếp tế theo đường hàng không. Tuy nhiên, trong cán bộ chiến sĩ cũng phát sinh một số khuyết điểm như chủ quan khinh địch, tự mãn, ngại thương vong, mỏi mệt, thiếu tinh thần trách nhiệm, tác phong quan liêu đại khái…Vì vậy, đã gây nên ít nhiều tổn thất không cần thiết và hạn chế một phần thắng lợi của ta.

             Ngày 19-4-1954, Bộ Chính trị có nghị quyết gửi toàn bộ các đơn vị, cán bộ, chiến sĩ đang tham gia chiến dịch, phải nắm vững phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, quyết tâm tích cực giành thắng lợi hoàn toàn. Toàn thể cán bộ, chiến sĩ phải nhận rõ những thắng lợi qua hai đợt tấn công, nhận rõ ta có đủ khả năng và điều kiện tiêu diệt toàn bộ quân địch. Đồng thời, cần nghiêm túc khắc phục tư tưởng hữu khuynh, kiên quyết sửa chữa khuyết điểm vừa qua. Bộ Chính trị khẳng định quyết tâm của toàn dân, toàn Đảng và Chính phủ, đem toàn lực chi viện và nhất định làm mọi việc cần thiết để giành toàn thắng cho chiến dịch này. Nghị quyết Bộ Chính trị ngày 19-4-1954 cũng chỉ đạo các chiến trường trong cả nước phối hợp với chiến trường Điện Biên Phủ, quán triệt phương châm “đánh nhỏ ăn chắc”, đẩy mạnh hoạt động liên tục trong thời gian dài, lợi dụng triệt để sơ hở và khó khăn của địch tiến hành chiến tranh du kích để tiêu diệt và tiêu hao thêm nhiều sinh lực địch. Ngày 24-4-1954, Ban Bí thư gửi thư cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nêu rõ nhiệm vụ trước mắt phải củng cố quyết tâm giành toàn thắng, nhất là cán bộ các cấp, nắm vững phương châm “đánh chắc, tiến chắc” và bảo đảm hậu cần cho tiền tuyến. Hàng ngày, Bộ chỉ huy chiến dịch báo cáo về Trung ương kết quả vận chuyển lương thực và đạn được lên hỏa tuyến.

             Sự lãnh đạo đúng đắn, kịp thời của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát huy tinh thần, ý chí khắc phục khó khăn, vượt qua gian khổ, anh dũng chiến đấu, sẵn sàng hy sinh của bộ đội tại mặt trận Điện Biên Phủ, cũng như các chiến trường trong cả nước “chia lửa” với mặt trận Điện Biên Phủ. Sự lãnh đạo đúng đắn, kịp thời đó đã huy động toàn sức mạnh dân tộc Việt Nam, đóng góp sức người, sức của ở hậu phương phục vụ tiền tuyến, đồng thời, tranh thủ được sự ủng hộ của nhân dân Lào, Campuchia anh em và nhân dân yêu hòa bình trên thế giới. Sự lãnh đạo đúng đắn, kịp thời đó đã động viên tinh thần quyết chiến, quyết thắng của toàn quân, toàn dân cho trận quyết chiến cuối cùng. Tổng Quân ủy, Bộ Tổng tư lệnh và Đảng ủy mặt trận đã vững vàng, chỉ đạo chính xác trong mọi tình huống. Qua 56 ngày đêm chiến đấu anh dũng và gian khổ, chiều 07-5-1954, bộ đội ta đã làm chủ hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. 

           Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi. Đó là dấu ấn kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược; cũng là dấu mốc mở ra cục diện chính trị mới, góp phần quyết định vào thắng lợi của Hội nghị Genever, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Miền Bắc hoàn toàn giải phóng, trở thành căn cứ địa vững chắc, trở thành hậu phương lớn của tiền tuyến lớn, tiếp tục con đường cách mạng giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc./.


Các tin khác

TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN

TƯ LIỆU LỊCH SỬ

THÔNG TIN CÔNG TÁC TUYÊN GIÁO

Bộ câu hỏi trắc nghiệm

SINH HOẠT CHI BỘ