Bảo hiểm y tế toàn dân là cơ hội để mọi người dân được chăm sóc sức khỏe

  • /
  • 30.7.2013 - 15:7

Bảo hiểm y tế (BHYT) là một chính sách xã hội ưu việt của Đảng, Nhà nước Việt Nam, có ý nghĩa nhân đạo sâu sắc, tạo sự công bằng và phát triển trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

                  Từ năm 1975 đến 1986 chính sách BHXH được thực hiện thống nhất trong cả nước, bao gồm: trợ cấp hưu trí, mất sức lao động và tử tuất, cùng với các chế độ ốm đau, thai sản và tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp do cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp đóng góp. Trong đó, chi phí khám chửa bệnh (KCB) được bao cấp toàn diện, người dân đi KCB không phải tốn tiền. Tuy nhiên, do sự gia tăng về chi phí y tế, mô hình bệnh tật ngày càng đa dạng nên ngân sách nhà nước không đủ đáp ứng nhu cầu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. Năm 1986, Đại hội VI của Đảng đã đánh dấu mốc lịch sử quan trọng khởi xướng công cuộc đổi mới kinh tế ở nước ta; từ mô hình kinh tế tập trung quan liêu bao cấp sang mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Cùng với việc đổi mới này, những quy định về BHYT có sự thay đổi. Đó là người dân khi đi KCB sẽ cùng hỗ trợ, chi trả một phần chi phí nhằm bổ sung kinh phí cho các cơ sở y tế (tuy nhiên, một bộ phận người dân không đủ khả năng chi trả); đồng thời, tiến hành xây dựng mô hình thí điểm BHYT ở một số tỉnh và áp dụng trên toàn quốc vào năm 1992. Sau 3 năm thực hiện thí điểm ở một số địa phương, ngày 15/8/1992, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị định 299-HĐBT. Đây là văn bản pháp lý đầu tiên, chính thức khai sinh ra chính sách BHYT ở Việt Nam, gồm những quy định, như: những quy định chung (quy định nguồn thu hình thành Quỹ BHYT do từng địa phương quản lý; đối tượng, quyền lợi tham gia BHYT...); mức đóng góp và trách nhiệm đóng BHYT; quy định rõ quyền và trách nhiệm của các bên tham gia BHYT; quy định về sử dụng thẻ và Quỹ BHYTviệc giải quyết khiếu nại và xử lý vi phạm...Qua một thời gian, Nghị định 299 thể hiện nhiều bất cập, như Quỹ BHYT bị phân tán, thiếu tập trung; chính sách chi trả không thống nhất, dẫn đến bội chi cục bộ ở một số vùng, địa phương...Đối tượng tham gia BHYT giai đoạn này chiếm 10% dân số.

            Nhằm khắc phục những bất cập của tổ chức mô hình BHYT theo Nghị định 299, ngày 13/8/1998 Chính phủ ban hành Nghị định số 58/1998/NĐ-CP về ban hành điều lệ BHYT, trong đó sửa đổi một số nội dung, như: Quỹ BHYT được quản lý thống nhất, sử dụng để thanh toán chi phí khám, chữa bệnh và chi quản lý sự nghiệp BHYT; cơ quan Bảo hiểm y tế Việt Nam được tổ chức theo hệ thống dọc và quản lý thống nhất từ Trung ương đến địa phương; được Nhà nước cấp kinh phí để xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật; được thực hiện các biện pháp nhằm bảo tồn và tăng trưởng quỹ BHYT theo quy định của pháp luật; cơ chế thanh toán được mở rộng hơn nhưng có giới hạn. triển khai BHYT tới đối tượng học sinh, sinh viên... Đối tượng tham gia BHYT lúc này lên đến 20% dân số. Nhưng mức đóng BHYT không đáp ứng nhu cầu chi phí thực tế. Cùng với việc, Ngành y tế tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ tiên tiến đã đẩy nhanh tốc độ chi phí đã dẫn đến tình hình bội chi Quỹ BHYT. Trước tình hình đó, đòi hỏi Đảng, nhà nước cần đề ra giải pháp quan trọng tạo cơ sở mở rộng hơn nữa quyền lợi của bệnh nhân và phát triển BHYT trong thời gian tới.

            Nghị định 63/2005/NĐ-CP, ngày 16/5/2005 ra đời thay thế Nghị định 58, với quy định: mở rộng đối tượng tham gia BHYT tới thân nhân và người nghèo; mở rộng quyền lợi, bỏ cơ chế cùng chi trả, thanh toán cho tai nạn giao thông và phục hội chức năng; thanh toán điều trị bệnh, dị tật bẩm sinh và HIV/AIDS; chi phí vận chuyển một nhóm đối tượng...Đối tượng tham gia BHYT lên đến 41% dân số. Nhưng đến 31/12/2009, Quỹ BHYT  bội chi, vay Quỹ hưu trí trên 3.000 tỷ đồng.

            Kỳ họp thứ 4, ngày 14 tháng 11 năm 2008, Quốc hội khóa 12, thông qua Luật BHYT, với một số quan điểm chính: mở rộng đối tượng tham gia BHYT và tiến tới BHYT toàn dân vào năm 2014; Quỹ BHYT đảm bảo nguồn tài chính chủ yếu là phục vụ KCB cho nhân dân và đề cao vai trò trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong tổ chức thực thực hiện mô hình BHYT toàn dân. Kết quả có59,4 triệu người tham gia (chiếm 67,5 % dân số), tăng 19 triệu người so với mô hình BHYT giai đoạn trước. Trong đó 100% người hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người đặc biệt khó khăn, người già, trẻ em được cấp BHYT. Mở rộng quyền lợi KCB, như: được sử dụng các dịch vụ kiểm tra trong chẩn đoán, điều trị; được cấp các loại thuốc được phép lưu hành ở Việt Nam; được chi trả cho điều trị bệnh bẩm sinh, tai nạn giao thông và không giới hạn chi phí...

            Đề án thực hiện lộ trình BHYT toàn dân giai đoạn 2012-2015 và 2020 của cả nước,với mục tiêu chung là hướng đến năm 2015 đạt trên 75% dân số tham gia BHYT, năm 2020 là 80% dân số tham gia BHYT;  nhưng để thực hiện được cần thực hiện tốt và đồng bộ các giải pháp mà Đề án đã xây dựng: (1). Xây dựng và hoàn thiện chính sách BHYT; (2).Có sự tham gia của hệ thống chính trị; (3). Tăng tỷ lệ bao phủ y tế; (4). Nâng cao chất lượng KCB y tế; (5). Đẩy mạnh công tác y tế dự phòng và chăm sóc sức khỏe ban đầu; (6). Tuyên truyền pháp luật về BHYT; (7). Đổi mới cơ chế tài chính và thanh toán KCB BHYT; (8). Tăng cường công tác thanh, kiểm tra; (9). Nâng cao năng lực quản lý và hệ thống tổ chức, thực hiện BHYT; (10). Cân đối và bảo toàn Quỹ BHYT; (11). Ứng dụng CNTT trong quản lý; (12). Nghiên cứu KH và hộp tác quốc tế.

            Theo lộ trình của Đề án, Bình Thuận triển khai thực hiện Kế hoạch BHYT toàn dân đến năm 2014, phấn đấu hằng năm có thêm từ 10 - 15% số dân tham gia BHYT (tính cuối năm 2012, toàn tỉnh Bình Thuận đã có 699.464 người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 55,6% dân số), và đến năm 2014 có từ 80 đến 100% dân số toàn tỉnh đi khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT. Để có cơ sở thực hiện Kế hoạch này, ngân sách tỉnh hỗ trợ 15% cho người cận nghèo mua thẻ BHYT; UBND tỉnh Bình Thuận vừa có Quyết định số 1283/QĐ-UBND ngày 04/6/2013 về việc thực hiện chính sách BHYT đối với người thuộc hộ cận nghèo trên địa bàn, theo Quyết định số 797/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, từ ngày 04/6/2013, ngoài mức hỗ trợ 70% từ ngân sách trung ương, người thuộc hộ gia đình cận nghèo sẽ được ngân sách địa phương hỗ trợ 15% chi phí mua thẻ BHYT. Như vậy, hộ gia đình cận nghèo được hỗ trợ đến 85% chi phí mua thẻ BHYT và chỉ phải đóng 15% mức phí còn lại trên mỗi thẻ BHYT. Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh, toàn tỉnh hiện còn 48.069 người thuộc hộ gia đình cận nghèo, nhưng mới có 7% số người cận nghèo mua thẻ BHYT.

            Thực hiện BHYT (tiến tới bao phủ toàn dân vào năm 2020), mục đích cuối cùng là tạo cơ hội để mọi người dân được chăm sóc sức khỏe một cách tốt nhất. Để đạt được mục tiêu này, công tác truyền thông vẫn được xem là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia BHYT. Và đây cũng là một trong những nhiệm vụ cần sự chung tay góp sức của Ngành Tuyên giáo chúng ta.

 

                                                           Hồng Hạnh


  • |
  • 769
  • |

Các tin khác

TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN

TƯ LIỆU LỊCH SỬ

THÔNG TIN CÔNG TÁC TUYÊN GIÁO

Bộ câu hỏi trắc nghiệm

SINH HOẠT CHI BỘ