Võ Văn Kiệt- đứa trẻ "bú thép", một chiến sĩ cách mạng, một nhà lãnh đạo tinh tường, một "kiến trúc sư" của công cuộc đổi mới

  • /
  • 29.11.2012 - 10:2

Ông Võ Văn Kiệt, sinh năm 1922, quê ở ấp Bình Phụng, một ấp nghèo thuộc xã Trung Lương, huyện Vũng Liêm, Vĩnh Long. Trong ấp lúc ấy chỉ có vài hương chức có nhà ngói, dân làng phần lớn phải thuê đất, thuê ruộng.

            Cha ông, ông Phan Văn Dựa, cũng nghèo như số đông trong làng, từ đất ở, đất ruộng, đến trâu cày đều đi thuê hết. Tên khai sinh của ông Võ Văn Kiệt là Phan Văn Hòa, con út trong một gia đình có năm anh trai và hai chị gái. Gọi theo thứ bậc trong các gia đình Nam Bộ là Chín Hòa. Mẹ ông, bà Võ Thị Quế, cùng lúc phải nuôi hai đứa trẻ đang còn bú sữa mẹ (ông và người con của người bà con do hoàn cảnh gửi mẹ ông nuôi nhờ); do đó, bữa thì ông Kiệt bú mẹ, bữa phải đi bú nhờ mà dân gian vẫn hay gọi là bú thép. Trong xóm, có một ông chú họ tên là Phan Văn Chi, ông không vợ con, về gia cảnh thì còn nghèo hơn cả gia đình ông Dựa. Ông Hai Chi phần thấy chị dâu mình vất vả, phần cũng lo nghĩ tới tuổi già, bèn sang xin Chín Hòa về nuôi. Ông bà Phan Văn Dựa bấm bụng đồng ý và ông lại phải tiếp tục sống những ngày bú thép.

            Năm tám tuổi, ông được đi học, lớp học do những gia đình trung nông rước thầy về dạy, dạy mùa, nên tiền học chỉ phải trả "rất nhẹ”. Ông Hai Mẹo, một trong hai người thầy "dạy mùa" của ông, kể: "Năm 1932, lấy được cái certificate, tôi về đình, ông chú thấy tôi có chữ, kêu thì tôi cũng dạy cho trẻ con lối xóm. Chín Hòa thông minh và ăn nói lễ độ lắm, nhưng dạy được hai năm sau ngày mùa cất hết chữ, rồi thôi". Thật khó định lượng những gì Chín Hòa học được trong các trường làng, nhưng chính những lớp học đó đã giúp cậu đọc thông, viết thạo, thắp cho cậu ngọn lửa hiểu biết, tạo nền tảng cho cậu tiếp tục con đường đi tìm tri thức trong suốt chặng đường hoạt động về sau.
            Cũng từ đám tang của mẹ, Chín Hòa biết đến cách mạng, Chín Hòa gặp ông Hà Văn Út - rể của một người bà con cô cậu. Ông Út nói chuyện với mấy anh lớn, chuyện áp bức, chuyện bình đẳng... Ở làng không ai nói chuyện như thế. Chín Hòa nghe, cứ như nuốt từng lời. Ông Hà Văn Út nhớ, lần sau về, tìm cậu, Chín Hòa lại nghe và lại càng thêm hứng thú. Sau vài lần gặp, Chín Hòa bắt đầu được giao việc, vừa kết hợp gặp các anh chị, vừa đưa tài liệu, Chín Hòa rất thích, có khi đi hai ba ngày. Chín Hòa rất mê làm cách mạng nên không còn thời gian giúp đỡ người bố nuôi của mình. Một lần, bố nuôi than thở: "Tao lớn tuổi rồi, chỉ nhờ mày đỡ đần, mày đi thế, tao không biết rồi sao". Chín Hòa thương lắm, nhưng lại mê hoạt động không rứt ra được. Những ngày hoạt động ấy, đã đưa Chín Hòa trở thành một con người khác và khi cần lấy tên mới cho hoạt động cách mạng, nhớ ơn tấm lòng người mẹ sinh thành ông đã lấy họ Võ và Võ văn Kiệt - một cái tên bắt đầu và gắn liền với một sự nghiệp mà chắc chắn sẽ còn được nhắc tới.
            Năm 1940, Quận ủy Vũng Liêm chủ trương làm một cuộc mittinh thật vang dội để bắt mạch phong trào chuẩn bị khởi nghĩa. Ông Võ Văn Kiệt lúc đó là bí thư xã, được phân công học thuộc một bài do trên gửi xuống về "thanh niên phản đế”. Khi nói đến "đánh đuổi đế quốc thực dân, đánh đổ phong kiến địa chủ, giành bình đẳng tự do", thanh niên bật dậy hô to khẩu hiệu. Quần chúng cảm tình Đảng và những đảng viên trẻ hát vang "Bài ca xích vệ". Chính quyền sửng sốt trước cuộc mittinh. Dân chúng thì xôn xao về vụ cộng sản diễn thuyết quốc sự. Sau đó, cũng chính ông Võ Văn Kiệt là một trong những người chỉ huy cuộc dấy binh đêm 23-11-1940 ở Vĩnh Long: "Đêm cộng sản dậy", theo cách nói của dân chúng lúc đó; và "Nam kỳ khởi nghĩa" theo cách gọi của lịch sử Đảng Cộng sản.           
           Trong quá trình cùng nhân dân đấu tranh giành tự do, độc lập đồng chí đã có nhiều cống hiến nổi bật, thể hiện tầm nhìn của một nhà lãnh đạo tinh tường đó là kiến nghị xứ ủy Nam Bộ cho phép sát nhập Sài Gòn - Chợ Lớn với Gia Định thành khu Sài Gòn - Gia Định, hình thành một địa bàn chiến lược, tạo nên một thế trận mới có sự gắn kết, hỗ trợ chặt chẽ giữa phong trào đấu tranh nội thị với phong trào ven đô, giữa Sài Gòn với vùng nông thôn Nam Bộ. Cống hiến thứ hai là không chấp nhận ngừng bắn khi chính quyền Sài Gòn vi phạm Hiệp định Pari; kiên quyết, chủ động và liên tục tấn công trên các mặt trận; tạo nên sức mạnh tổng hợp của các lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân, góp phần to lớn cho Chiến thắng Mùa xuân 1975, thống nhất đất nước.
            Ông cũng được ví như một "kiến trúc sư" của công cuộc đổi mới, trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mở cửa và hội nhập quốc tế. Đồng chí Võ Văn Kiệt có những đóng góp to lớn trong hoạch định và tổ chức thực hiện đường lối đổi mới đất nước. Đồng chí là "Tổng công trình sư" của nhiều dự án lớn, quan trọng của đất nước, như Thủy điện Trị An, Thác Mơ, Yaly, Hàm Thuận - Đami, Sông Hinh, đường Hồ Chí Minh, đường cao tốc Láng - Hòa Lạc…Các chương trình lớn, như: Chương trình khai thác kinh tế - xã hội Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên, chương trình thoát lũ ra biển Tây, chương trình ngọt hóa bán đảo Cà Mau…Cùng với các nhà lãnh đạo khác, Đồng chí Võ Văn Kiệt đã lãnh đạo nhân dân ta tiến hành sự nghiệp đổi mới, đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nâng cao đời sống nhân dân, ổn định tình hình chính trị và không ngừng mở rộng quan hệ đối ngoại, nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế.
            Với những đóng góp to lớn của mình, đồng chí đã được trao tặng Huân chương sao vàng, huân chương cao quý nhất của Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và nhiều huân chương, huy chương khác. Tên của ông đã được đặt cho một con đường dài 23,6 km, chạy từ ngã tư Bình Long ra Cảng Dung Quất - Quãng Ngãi và ngày 29/4/2011, Sở Giao thông Vận tải và UBND quận 1, thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức lễ đặt tên đường Võ Văn Kiệt cho Đại lộ Đông – Tây, một trong những tuyến đường hiện đại và quan trọng trong hệ thống hạ tầng giao thông của thành phố Hồ Chí Minh. Cưộc đời, sự nghiệp của đồng chí Võ Văn Kiệt gắn liền với những chặng đường đấu tranh đầy hy sinh, gian khổ, song rất đỗi hào hùng, vẻ vang của Đảng. Đất nước và dân tộc ta mãi nhớ công lao của đồng chí.
 
                                                               Hồng Hạnh

  • |
  • 5507
  • |

Các tin khác

TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN

TƯ LIỆU LỊCH SỬ

THÔNG TIN CÔNG TÁC TUYÊN GIÁO

Bộ câu hỏi trắc nghiệm

SINH HOẠT CHI BỘ