CẦN QUAN TÂM ĐẾN SỰ THAM GIA CỦA NGƯỜI DÂN KHI TỔ CHỨC LỄ HỘI

  • /
  • 18.9.2012 - 16:3

Thời gian qua, không thể phủ nhận sự cố gắng của ngành du lịch Bình Thuận đang vươn lên trở thành thương hiệu du lịch hàng đầu trong nước và quốc tế.

              Vào những dịp lễ lớn, nhiều địa chỉ quen thuộc như Nha Trang, Đà Lạt, Vũng Tàu thưa vắng, thì Phan Thiết – Mũi Né vẫn duy trì được lượng khách, thậm chí còn tăng vọt hơn ngày thường. Ngành du lịch Bình Thuận đã và đang làm tốt vai trò quản lý, điều hành hoạt động trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên gần đây, việc tổ chức các hoạt động lễ hội nhằm thu hút du lịch đang tạo nên những dư luận.

Chỉ tính một năm, Bình Thuận diễn ra nhiều lễ hội truyền thống dân gian (dinh Thầy Thím, cầu Ngư, nghinh Ông, Trung thu, Ka tê, Ramưwan), cũng như các hoạt động lễ hội, thể thao do các ngành liên quan phối hợp tổ chức (đua thuyền trên sông Cà Ty, chạy vượt đồi cát Mũi Né, leo núi Tà Cú). Nổi bật gần đây, một số hoạt động thể thao mang tính quốc tế được thử nghiệm, tạo thành điểm nhấn thu hút du khách đến với địa phương như: thi lướt ván buồm quốc tế, lễ hội khinh khí cầu quốc tế.

Dễ nhận thấy, những lễ hội mang tính truyền thống dân gian ngoài việc thu hút du khách đến lưu trú, vui chơi, tăng doanh thu cho ngân sách tỉnh nhà, còn là nét sinh hoạt, nhu cầu giải trí tinh thần, với sự tham gia đông đảo của người dân Bình Thuận. Ngược lại, những hoạt động lễ hội mang tính quốc tế như cuộc thi lướt ván buồm, hay lễ hội khinh khí cầu thì người dân Bình Thuận có muốn hòa mình cùng lễ hội cũng rất khó toại nguyện, thỏa mãn kỳ vọng như lễ hội truyền thống dân gian. Những hoạt động lễ hội có tính chất quốc tế này khi được tổ chức, vô hình mang lại cảm giác, nó chỉ dành riêng cho du khách, nhất là du khách nước ngoài. Và trên thực tế, chỉ có du khách nước ngoài tham gia nhiệt tình, còn người dân Bình Thuận hoặc du khách trong nước muốn chiêm ngưỡng những nét đặc sắc, tinh túy lần đầu tiên xuất hiện ở địa phương cũng rất khó khăn. Tất nhiên, khi tổ chức một hoạt động lễ hội, ai cũng mong muốn lễ hội thành công, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước, qua đó quảng bá hình ảnh du lịch địa phương, tăng doanh thu. Tuy nhiên, không vì thế mà bỏ quên người dân địa phương, những người đã, đang và sẽ cùng nhà nước chung tay xây dựng nên một diện mạo đẹp cho du lịch tỉnh nhà.

Nhìn sang địa phương khác, ngoài những lễ hội truyền thống hàng năm, các tỉnh, thành đều cố gắng tạo dựng cho mình thương hiệu lễ hội gắn với du lịch. Thành phố Đà Nẵng tổ chức festival pháo hoa quốc tế, tỉnh Thừa Thiên Huế nổi tiếng festival Huế, tỉnh Lâm Đồng với thương hiệu festival hoa Đà Lạt, tỉnh Khánh Hòa cùng festival biển… Tất cả có sự tham gia từ các đoàn nghệ thuật nước ngoài, du khách nước ngoài cũng như du khách trong nước. Đặc biệt, người dân địa phương đều được thưởng thức, hòa mình sống cùng lễ hội; người dân cùng nhà nước chung tay thực hiện lễ hội, người dân góp phần cùng nhà nước làm nên thành công lễ hội. Đạt được như vậy, các tỉnh thành mới duy trì lễ hội quốc tế và ngày càng đổi mới, phát triển để tạo nét mới lạ, thu hút hấp dẫn.

Mong rằng, ngành du lịch tỉnh nhà cũng sẽ tìm cách tiếp cận, tổ chức lễ hội quốc tế như cách làm và đã làm thành công từ các tỉnh, thành bạn. Đừng để người dân địa phương đứng ngoài lễ hội; đừng để họ phải quay lưng với lễ hội, dù đó là điều không ai mong muốn.

 

                         Nguyễn Thành Tài


  • |
  • 845
  • |

Các tin khác

TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN

TƯ LIỆU LỊCH SỬ

THÔNG TIN CÔNG TÁC TUYÊN GIÁO

Bộ câu hỏi trắc nghiệm

SINH HOẠT CHI BỘ