20 năm phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận (1992-2012)

  • /
  • 1.3.2012 - 16:47

Năm 1992 là mốc thời gian đặc biệt đối với mỗi người dân đã từng sinh sống tại Bình Thuận.

 Bởi lẽ, đó là năm tỉnh Thuận Hải tách thành 02 tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận. Năm nay, tỉnh tổ chức Kỷ niệm 37 năm giải phóng quê hương và 20 năm tái lập tỉnh Bình Thuận. Đây cũng là dịp ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh nhà nhìn lại 20 năm thay đổi, trưởng thành và phát triển.

 Với một Sở được tách ra từ ngành Văn hoá Thông tin, Thể thao vào năm 1994, ghép thêm một mảng Du lịch từ Sở Thương mại và Du lịch năm 2005 và năm 2008 thêm lĩnh vực gia đình thuộc Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em (giải thể). Tuy xuất phát điểm không giống nhau về chức năng, nhiệm vụ và thời gian thành lập nhưng 20 năm qua được sự quan tâm của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, đơn vị đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trên các lĩnh vực Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đặc biệt điểm chú ý nhất chính là hoạt động Du lịch đang từng bước làm thay đổi bộ mặt quê hương. Bình Thuận có bờ biển dài 192km, từ Vĩnh Hảo (huyện Tuy Phong) giáp với Cà Ná (Ninh Thuận) đến Tân Thắng (Hàm Tân) giáp Bình Châu (Bà Rịa-Vũng Tàu), có 4 vịnh là Cà Ná-Vĩnh Hảo, La Gàn, Phan Thiết và Lagi. Dọc bờ biển có 5 mũi đá nhô ra biển như: Mũi La Gàn, Duồng, Mũi Nhỏ, Mũi Né, Khe Gà. Ngoài biển gần bờ có 4 hòn đảo như: Cù Lao Câu, Hòn Nghề, Hòn Lao, Hòn Bà và ngoài khơi cách đất liền 120km có đảo Cù Lao Thu (đảo Phú Quý). Do tác động của núi và sông đổ ra biển tạo nên dọc bờ biển có 9 cửa biển thuận lợi cho tàu thuyền ra vào như: La gàn, Duồng, Mũi Né, Liên Hương, Phan Rí, Phú Hải, Cồn Chà, Tân Hải và Lagi. Ngoài đảo Phú Quý có Tam Thanh và Long Hải. Bờ biển có nhiều bãi, gành như: Khe Gà, Khe Cả, Quán Thùng, Ngọc Lâm, Đá Ông Địa, Rạng, Hòn Rơm, Suối Nước ... tạo thành cảnh quan đẹp, phục vụ cho khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng nhưng mãi sau sự kiện nhật thực toàn phần (24/10/1995), Ngành Du lịch Bình Thuận mới thực sự phát triển. Địa danh Mũi Né-Hòn Rơm được mệnh danh thiên đường nghỉ dưỡng và nay Bình Thuận với thương hiệu biển xanh, cát trắng, nắng vàng đã trở thành Thủ đô Resort của cả nước. Lượng khách du lịch đến tỉnh tăng trưởng ổn định, khách quốc tế tăng 13->15%/năm, doanh thu tăng bình quân 32->35%/năm.

 

Sự đầu tư của tỉnh cùng với công tác xã hội hoá văn hoá, thể thao và du lịch đã góp phần làm thay đổi diệu mạo quê hương Bình Thuận. Nhiều công trình được đầu tư xây dựng đã góp phần đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá tinh thần, rèn luyện thể chất của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Tiêu biểu là các công trình: nhà thi đấu tổng hợp Trung tâm TDTT tỉnh (2001); trụ sở Trường Năng khiếu nghiệp vụ TDTT tỉnh (2004), nhà luyện tập của trường (năm 2008); đường chạy phủ nhựa tổng hợp sân vận động tỉnh (năm 2011); nhà làm việc của Nhà hát ca múa nhạc Biển xanh (2004); Trung tâm trưng bày văn hoá Chăm ở huyện Bắc Bình (2010); 17 nhà Văn hoá xã cho các vùng dân tộc thiểu số miền núi; trùng tu nâng cấp và đổi mới đai trưng bày Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh Bình Thuận (năm 2009 và 2010); trùng tu di tích lịch sử văn hoá đền thờ Công chúa Bàn Tranh (2009), đền thờ Vạn An Thạnh, huyện Phú Quý (năm 2011).

 

Có thể nói, thành tựu 20 năm phát triển sự nghiệp Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cho thấy sự hợp nhất đúng hướng của tỉnh. Sự gắn kết, hỗ trợ lẫn nhau giữa các lĩnh vực là tiền đề bảo đảm cho  sự nghiệp Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh nhà tiếp tục phát triển toàn diện.   

                                                                                                         

 Bích Hoàn


  • |
  • 831
  • |

Các tin khác

TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN

TƯ LIỆU LỊCH SỬ

THÔNG TIN CÔNG TÁC TUYÊN GIÁO

Bộ câu hỏi trắc nghiệm

SINH HOẠT CHI BỘ