“Thủ tục nhập hồn” - việc không nên làm khi bốc mộ liệt sĩ

  • /
  • 16.1.2012 - 8:51

Trải qua hai cuộc kháng chiến, đất nước giành nhiều thắng lợi nhưng cũng chịu không ít mất mát, đau thương.

               Hàng vạn người ngã xuống trên khắp các chiến trường, để lại nổi tiếc thương vô hạn cho người ở lại suốt thời gian dài. Nhân dân miền Bắc có người thân hy sinh trên chiến trường miền Nam đều mong muốn tìm và đưa hài cốt liệt sĩ về quê nhà. Nguyện vọng chính đáng đó được Đảng, Nhà nước tạo mọi điều kiện về pháp lý, ăn ở, đi lại trong quá trình tìm hài cốt liệt sĩ.

Những ngày đầu năm chuẩn bị đón xuân Canh Thìn 2012, báo Bình Thuận có đăng bài viết “Nhức nhối nạn trộm hài cốt liệt sĩ” (phần 1-Mệt mỏi vì canh hài cốt, phần 2- Nhà ngoại cảm chỉ đâu, tìm đó…) của Khánh Ngọc – Nguyễn Luân. Qua bài báo, chắc hẳn người đọc cũng không ngờ việc tìm mộ liệt sĩ lại diễn ra theo chiều hướng không bình thường (chưa muốn nói tiêu cực). Sở dĩ có tình trạng đó, thiết nghĩ do thân nhân quá mong muốn tìm được hài cốt liệt sĩ sau thời gian dài chờ đợi. Từ nguyện vọng tha thiết, cùng với đời sống tâm linh của vùng miền Bắc Bộ dẫn đến những việc làm không bình thường như: đào trộm mộ, cầu cứu nhà ngoại cảm, gọi vong hồn… Một số thân nhân liệt sĩ còn tin tưởng “vong hồn tồn tại” nên làm nhiều việc không hay ở nơi tôn nghiêm, nhất lại là nghĩa trang liệt sĩ.
Chuyện xảy ra trong một lần bốc mộ liệt sĩ là cán bộ cơ quan Đảng tỉnh Bình Thuận tại nghĩa trang liệt sĩ tỉnh. Thân nhân liệt sĩ ngoài Bắc vào được các cơ quan tiếp đón, lo nơi ăn ở, kiểm tra hồ sơ rõ ràng và nhanh chóng nhận ra mộ liệt sĩ. Buổi chiều làm lễ tiễn hài cốt liệt sĩ về quê nhà có đại diện các ban ngành, bạn bè, đồng nghiệp của liệt sĩ. Đến giờ quy định, chủ lễ bước lên giới thiệu mọi người có mặt, đọc điếu văn tiễn đưa hài cốt liệt sĩ, một phút tưởng niệm và thắp hương viếng mộ liệt sĩ lần cuối. Khi đang tưởng niệm liệt sĩ trong không khí im lặng, chỉ nghe tiếng nhạc Hồn tử , thì vợ liệt sĩ (một bà cụ đã lớn tuổi), chợt hét toáng lên, nói lảm nhảm. Hành động xảy ra đột ngột đó làm cho đại biểu có mặt trong buổi lễ bất ngờ, nhưng thân nhân tỏ ra rất bình thường, lại còn muốn cho người khác hiểu là: vong hồn liệt sĩ đang nhập vào người bà cụ. Có đại biểu thấy vậy không để ý đến, có người nói nhỏ với thân nhân liệt sĩ đừng để bà cụ xúc động quá, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Sau khi thắp hương, một người đàn ông lớn tuổi (giới thiệu là con liệt sĩ), lại có biểu hiện khác lạ, lừng khừng, loạng choạng như người say rượu đi đến từng đại biểu bắt tay và nói lời chào tạm biệt. Một người khác trong gia đình đi theo, chỉ vào người đàn ông đó, bảo rằng vong hồn liệt sĩ đang nhập vào… Tất cả “thủ tục nhập hồn đó” trong buổi lễ đều được thân nhân liệt sĩ chụp ảnh, quay phim.
Vấn đề “vong hồn ở thế giới bên kia” không còn lạ lẫm đối với thời đại thông tin hiện nay. Chỉ tiếc rằng, ở nhiều vùng quê một số người dân vẫn vịn vào đó để tự huyễn hoặc bản thân và người khác. Họ cho rằng vong hồn người chết tồn tại, biết được nhiều chuyện mà người sống không biết, có thể gọi vong hồn về để trò chuyện với người sống, để tìm hiểu những điều mình không biết. Tuy nhiên đó là chuyện cá nhân mỗi người dân, không nên làm chuyện đó ở những nơi nhất là nghĩa trang liệt sĩ, vì vô tình xúc phạm đến tập thể, đến người khác, nhất là xúc phạm đến danh dự liệt sĩ.
Vì vậy, cơ quan chức năng khi hoàn thành các thủ tục, trước lúc thân nhân bốc mộ liệt sĩ, cần nói rõ không nên để diễn ra những việc như trên. Ngoài ra, nên tuyên truyền rộng rãi cho nhân dân hiểu, thực hiện đúng quy định của Nhà nước về cất bốc mộ liệt sĩ.
Năm 2007, Chính phủ ban hành Nghị định số 16, nội dung quy định về tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, quản lý mộ, nghĩa trang, đài tưởng niệm, bia ghi tên liệt sĩ, đã đáp ứng tâm tư, tình cảm của nhân dân. Theo nghị định, nếu thân nhân có nguyện vọng mang hài cốt liệt sỹ đã an táng tại các nghĩa trang liệt sĩ thì được chấp nhận với các thủ tục cần thiết do Sở Lao động Thương binh và Xã hội nơi quản lý mộ xem xét. Ngoài ra, thân nhân liệt sĩ được hỗ trợ tiền ăn, chi phí đi lại và 2.000.000 đồng để cất bốc, di chuyển hài cốt liệt sĩ. Nội dung nghị định cũng không nói đến việc giám định ADN, nhưng Sở Lao động Thương binh và Xã hội nơi quản lý hài cốt có thể yêu cầu giám định ADN của người thân và hài cốt liệt sĩ, nếu thủ tục chưa đầy đủ, hoặc để bảo đảm tính chính xác mộ liệt sĩ của thân nhân./.
                                                                                        Nguyễn Thành Tài

  • |
  • 1543
  • |

Các tin khác

TIN NỔI BẬT

 

TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN

TƯ LIỆU LỊCH SỬ

THÔNG TIN CÔNG TÁC TUYÊN GIÁO

Bộ câu hỏi trắc nghiệm

SINH HOẠT CHI BỘ