Kết quả bước đầu thực hiện chủ trương thí điểm bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã và địa phương không tổ chức HĐND

  • /
  • 21.4.2011 - 0:0

Thí điểm chủ trương “Bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân ở cấp xã và địa phương không tổ chức hội đồng nhân dân” là chủ trương mới, chưa được quy định trong Điều lệ Đảng, Luật Tổ chức hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân.

          Việc làm cần thiết này nhằm tiếp tục nghiên cứu, xây dựng mô hình để đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, tạo sự đồng bộ, thống nhất, kịp thời trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành các mặt công tác của địa phương. Từ đó, góp phần nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực quản lý của Nhà nước, đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu.

           Sau gần hai năm thực hiện, tính đến đầu tháng 11-2010, trong 10 tỉnh, thành phố thí điểm bỏ hội đồng nhân dân cấp huyện, quận, phường (theo Nghị quyết số 26/2008 QH12 ngày 15-11-2008 của Quốc hội khóa XII), đã có 133/569 đơn vị (tức 19,86%) đưa vào thực hiện, trong đó có 116 phường, 4 quận, 13 huyện. Trong tổng số 133 bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân, có 56 đồng chí bí thư cấp ủy được bổ nhiệm đồng thời là chủ tịch; 55 đồng chí chủ tịch được bầu đồng thời là bí thư; 5 đồng chí phó bí thư cấp ủy được bầu và bổ nhiệm là bí thư - chủ tịch; 16 trường hợp được điều động, hoặc luân chuyển từ nơi khác đến làm bí thư đồng thời là chủ tịch.

            Ở 61 tỉnh, thành phố trong cả nước, có 464 xã đưa chủ trương vào thí điểm. Trong số 464 bí thư đảng ủy xã đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân, 204 đồng chí được bầu đồng thời là chủ tịch; 211 chủ tịch được bầu đồng thời là bí thư; 10 phó bí thư được bầu làm bí thư đồng thời là chủ tịch; 4 phó chủ tịch được bầu làm bí thư đồng thời là chủ tịch; 35 trường hợp được điều động, hoặc luân chuyển từ nơi khác đến xã làm bí thư đồng thời là chủ tịch. Các đơn vị thực hiện thí điểm bí thư đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân được chọn đại diện ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam và trên các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau đều thực hiện tốt việc đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và xây dựng đội ngũ cán bộ, nội bộ đoàn kết, thống nhất.

           Trong xây dựng, rà soát, bổ sung quy chế làm việc ở một số đơn vị làm điểm đã làm rõ hơn chức trách, nhiệm vụ của bí thư - chủ tịch và mối quan hệ với tập thể đảng ủy, ủy ban nhân dân, hội đồng nhân dân. Công tác nhân sự bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch ủy ban nhân dân đều được thực hiện theo Hướng dẫn số 25-HD/BTCTW...

           So sánh mô hình truyền thống trước đây với mô hình thí điểm bí thư đồng thời là chủ tịch ở cùng một đơn vị, có thể thấy: Hầu hết các đơn vị thí điểm, đều tốt hơn so với trước khi thí điểm, kinh tế ổn định và tiếp tục phát triển, văn hóa - xã hội có chuyển biến tiến bộ, trật tự an toàn trên địa bàn được bảo đảm, công tác xây dựng Đảng, vận động quần chúng được tăng cường, nội bộ đoàn kết, vai trò cá nhân của đồng chí bí thư - chủ tịch được khẳng định...

Một số ưu điểm trong quá trình thực hiện

        - Việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các nhiệm vụ chính trị của địa phương đồng bộ, linh hoạt hơn. Từ đó, tạo sự thống nhất giữa việc ra nghị quyết của cấp ủy với tổ chức thực hiện nghị quyết của chính quyền, góp phần nâng cao vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng ở địa phương.

         - Vai trò lãnh đạo của cấp ủy và chức năng quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện của chính quyền được phát huy tốt hơn; các nhiệm vụ được triển khai kịp thời và có hiệu quả hơn...

         - Hoạt động của các đoàn thể quần chúng được quy về một mối, sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, đặc biệt là bí thư cấp ủy - chủ tịch ủy ban nhân dân đã giúp cho các đoàn thể chủ động, sáng tạo, nâng cao trách nhiệm và phát huy hiệu quả hơn trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình.

         - Tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy và ủy ban nhân dân được đề cao. Từ đó, tích cực góp phần đào tạo, bồi dưỡng, phát hiện cán bộ giỏi, cán bộ nguồn...

         - Phù hợp với chủ trương cải cách hành chính, tinh giản tổ chức, biên chế giảm bớt cồng kềnh, chồng chéo, tiết kiệm về chi phí mua sắm, thời gian hội họp và nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức hiện nay.

Một số hạn chế

         - Trình độ, năng lực một bộ phận cán bộ còn hạn chế, nên việc lựa chọn cán bộ có thể đảm nhiệm và thực hiện tốt cả hai chức danh này gặp khó khăn.
         - Ranh giới giữa nhiệm vụ, quyền hạn của bí thư và chủ tịch ủy ban nhân dân chưa được phân định rõ, khó xác định được khi nào thể hiện vai trò của bí thư, khi nào thể hiện vai trò của chủ tịch ủy ban nhân dân.

         - Bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân thường phải giải quyết nhiều công việc cụ thể của ủy ban nhân dân; phải tham dự nhiều cuộc họp do cấp ủy, ủy ban nhân dân cấp trên triệu tập nên mất nhiều thời gian đi họp, giải quyết nhiều công việc, ảnh hưởng tới vai trò lãnh đạo toàn diện của cấp ủy.
         - Công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn của cấp ủy cấp trên chưa chặt chẽ. Việc bố trí cán bộ dôi dư sau sắp xếp gặp nhiều khó khăn.

                                                                                Dương Tự


  • |
  • 2307
  • |

Các tin khác

TIN NỔI BẬT

 

TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN

TƯ LIỆU LỊCH SỬ

THÔNG TIN CÔNG TÁC TUYÊN GIÁO

Bộ câu hỏi trắc nghiệm

SINH HOẠT CHI BỘ