An toàn giao thông - trách nhiệm cộng đồng

  • /
  • 22.7.2011 - 0:0

Xã hội càng phát triển, các phương tiện giao thông ngày càng nhiều và tai nạn giao thông ngày càng tăng.

          Giảm thiểu tai nạn giao thông không chỉ là trách nhiệm cơ quan chuyên môn mà là của cả hệ thống chính trị, của cả cộng đồng.

          Tai nạn giao thông ở nước ta từ lâu đã trở thành vấn đề nóng bỏng của xã hội, mỗi năm cướp đi sinh mạng của hàng vạn người và làm hàng vạn người khác phải mang thương tật suốt đời. Tài sản vật chất bị hủy hoại lên đến hàng trăm tỷ đồng. Tai nạn giao thông đã trở thành một thảm họa đáng báo động và phải được coi là một vấn nạn cần phòng ngừa hàng đầu ở Việt Nam. Tai nạn giao thông xảy ra hàng ngày, hàng giờ ở tất cả các địa phương trên tất cả các phương tiện. Các thành phố lớn như Hà Nội, Tp. HCM mật độ giao thông dày đặc, người dân phải đối đầu với tai nạn giao thông đã đành, ngay cả vùng nông thôn hẻo lánh, cuộc sống cũng không an toàn khi tham gia giao thông trên những con đường nhỏ với phương tiện thô sơ hoặc trên những con đò chòng chành giữa dòng nước xiết. Giao thông đường bộ đứng đầu về số vụ tại nạn (chiếm hơn 90%), tiếp theo là đường thuỷ, đường sắt. Còn đường không tuy ít nhưng không thể nói là an toàn tuyệt đối. Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, năm 2010, cả nước xảy ra 14.442 vụ tai nạn giao thông, làm 11.449 người chết, 10.633 người bị thương, so với năm 2009 tăng 1.778 vụ. Chỉ trong hơn 20 ngày của tháng 3 và tháng 4 năm 2011, trong cả nước liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, đó là: vụ tai nạn tại dốc cầu Phụng Hiệp (Hậu Giang, ngày 28-3) làm 6 người chết và 2 người bị thương nặng; vụ va chạm giữa tàu SE 8 và ô tô tại km 18+800 thuộc địa phận Thường Tín (Hà Nội, 30-3) làm 9 người chết, 4 người bị thương; vụ tai nạn trên địa bàn huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa, ngày 12-4) làm 4 người chết, 2 người bị thương; vụ tai nạn xảy ra trên Quốc lộ 1A đoạn qua địa bàn xã Kỳ Long, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh, ngày 18-4), làm 3 người chết 18 người bị thương... Đặc biệt, chỉ trong 3 ngày nghỉ dịp Giỗ Tổ Hùng Vương đã xảy ra 133 vụ tai nạn giao thông, làm 115 người chết và 95 người bị thương... Mỗi lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về mất an toàn giao thông đường bộ. Nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tai nạn giao thông, có đến 70% số vụ tai nạn giao thông là do ý thức của người tham gia giao thông. Thực trạng người tham gia giao thông cố tình vi phạm luật, vượt đèn đỏ, phóng nhanh vượt ẩu, chạy quá tốc độ, uống rượu bia, lái xe không có giấy phép, đi, đậu xe không đi đúng phần đường của mình...là rất phổ biến. Đáng trách hơn nhiều thanh, thiếu niên chạy xe máy phân khối lớn, lạng lách, đua xe để chứng tỏ mình. Hệ thống hạ tầng yếu kém, không đáp ứng được mật độ phương tiện giao thông ngày càng tăng. Bên cạnh đó, việc khen thưởng, xử phạt chưa nghiêm. Những người có công ít được khen, hoặc khen chưa kịp thời còn những người vi phạm thì dùng tiền đút lót, hối lộ, quen biết…

          Về phía cơ quan chức năng, theo đánh giá của Bộ Giao thông vận tải, cơ quan quản lý an toàn giao thông chưa đủ mạnh; sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức chịu trách nhiệm về an toàn giao thông chưa chặt chẽ; việc thực hiện các biện pháp an toàn giao thông còn chậm, chưa kiên trì và liên tục. Tại các thành phố lớn, chức năng quản lý giao thông đô thị còn nhiều bất cập. Hệ thống vận tải công cộng đô thị phát triển chậm, chưa đáp ứng nhu cầu. Các biện pháp an toàn cho những người tham gia giao thông còn hạn chế, đặc biệt đối với người đi bộ và xe đạp. Việc quản lý hành lang an toàn giao thông còn lỏng lẻo. Trang thiết bị an toàn giao thông nhìn chung còn thiếu. Hiện tượng sử dụng xe quá niên hạn, chở quá tải, xe chở khách đường dài vi phạm quy định vẫn còn phổ biến. Các trung tâm cấp cứu y tế chưa được triển khai đồng bộ, hầu hết dọc các quốc lộ chưa được xây dựng các trạm y tế cấp cứu. Chất lượng đào tạo lái xe cũng rất đáng quan tâm, khi hàng loạt vụ “xe điên” gây tai nạn cho người lái “nhầm lẫn” chân phanh với chân ga. Ngoài ra, còn một “lỗ hổng” nữa trong khâu đào tạo là phần lớn cơ sở dạy lái ô tô đều trang bị xe số sàn, trong khi xe số tự động đang ngày càng phổ biến. Tại Hội thảo quốc tế “Chiến lược đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 của Việt Nam” do Bộ Giao thông vận tải, Tổ chức y tế thế giới, Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Tổ chức hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), đã được xây dựng, với mục tiêu đến năm 2020 giảm số người chết do tai nạn giao thông đường bộ từ 13 người (năm 2009) xuống 8 người/100.000 người dân và đến năm 2030 giảm xuống còn 4-6 người/100.000 người dân. Kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được đầu tư xây dựng hiện đại, đáp ứng các tiêu chí về an toàn giao thông. Khoa học công nghệ trong lĩnh vực an toàn giao thông được áp dụng phổ biến. Chiến lược cũng đề xuất các chương trình, dự án đầu tư để giảm thiểu số vụ tai nạn giao thông, số người chết và bị thương do tai nạn giao thông. Theo đó, Việt Nam ưu tiên đầu tư 77 dự án, chương trình đảm bảo an toàn giao thông cho hai giai đoạn 2011-2015 và 2016-2020 với tổng kinh phí hơn 41.000 tỷ đồng. Trước mắt, giai đoạn 2011-2015, sẽ thực hiện đầu tư 45 chương trình, dự án ưu tiên với tổng số vốn trên 34.000 tỷ đồng. Trong đó, tập trung đầu tư vào kết cấu cơ sở hạ tầng trên 32.000 tỷ, ứng dụng giao thông thông minh (ITS) với 500 tỷ. Giai đoạn 2016-2020, sẽ đầu tư vào 32 dự án với số vốn trên 6.500 tỷ, chủ yếu vẫn tập trung vào kết cấu hạ tầng giao thông, ứng dụng ITS và tổ chức giao thông.
          Để giải quyết tận gốc của vấn đề tai nạn giao thông không gì khác là phải “huy động cả hệ thống chính trị, các cấp các ngành triển khai tích cực, đồng bộ các giải pháp giảm thiểu tai nạn giao thông. Nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành luật pháp, đồng thời xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật giao thông” (Báo cáo chính trị tại ĐH XI của Đảng). Phải kiên quyết với tiêu cực, cán bộ quản lý ngành giao thông, cảnh sát giao thông phải thật sự trong sáng. Không để tồn tại những trung tâm đào tạo lái xe, lái tàu thiếu trung thực; những phương tiện giao thông không đúng tiêu chuẩn vẫn được lưu thông. Di dời những nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất lớn, các trường đại học… ra khỏi trung tâm thành phố. Đó không chỉ là nhiệm vụ cấp bách của cơ quan chức năng, mà còn là trách nhiệm của toàn thể người dân và cộng đồng xã hội./.

                                                        Nguyễn Thị Bích Hoàn


  • |
  • 799
  • |

Các tin khác

TIN NỔI BẬT

 

TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN

TƯ LIỆU LỊCH SỬ

THÔNG TIN CÔNG TÁC TUYÊN GIÁO

Bộ câu hỏi trắc nghiệm

SINH HOẠT CHI BỘ