NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ LUẬT BIỂN 1982 CỦA LIÊN HIỆP QUỐC

  • /
  • 15.7.2011 - 0:0

Theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982, các quốc gia ven biển có các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền gồm: nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa.

Trong đó, nội thủy và lãnh hải là hai vùng biển thuộc chủ quyền; vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa là ba vùng biển thuộc quyền chủ quyền của quốc gia ven biển.

Quốc gia ven biển căn cứ các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (sau đây gọi tắt là Luật biển 1982) xác định đường cơ sở làm cơ sở để xác định phạm vi các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của mình.

Đường cơ sở là đường ranh giới phía trong của lãnh hải và phía ngoài của nội thuỷ. Theo Luật biển 1982, có hai loại đường cơ sở, đó là đường cơ sở thẳng và đường cơ sở thông thường. Đường cơ sở thẳng là đường cơ sở nối liền các điểm thích hợp và được áp dụng “ở nơi nào bờ biển bị khoét sâu và lồi lõm hoặc nếu có một chuỗi đảo nằm sát ngay và chạy dọc theo bờ biển, phương pháp đường cơ sở thẳng nối liền các điểm thích hợp”, hoặc “ở nơi nào bờ biển cực kỳ không ổn định do có một châu thổ và những đặc điểm tự nhiên khác, các điểm thích hợp có thể được lựa chọn dọc theo ngấn nước triều thấp nhất” (Điều 7). Đường cơ sở thông thường là đường cơ sở “… dùng để tính chiều rộng lãnh hải là ngấn nước triều thấp nhất dọc theo bờ biển, như được thể hiện trên các hải đồ tỷ lệ lớn đã được quốc gia ven biển chính thức công nhận” (Điều 5). “Trong trường hợp những bộ phận đảo cấu tạo bằng san hô hoặc các đảo có đá ngầm ven bờ bao quanh, thì đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải là ngấn nước triều thấp nhất ở bờ phía ngoài cũng của các mỏm đá, như đã được thể hiện trên các hải đồ được quốc gia ven biển chính thức công nhận” (Điều 6).

Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam căn cứ Công ước Luật biển 1982 ra Tuyên bố đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam vào ngày 12-11-1982 là những đường thẳng gãy khúc nối liền 11 điểm, gồm: điểm A1 tại hòn Nhạn thuộc quần đảo Thổ Chu, tỉnh Kiên Giang; điểm A2 tại hòn Đá Lẻ thuộc quần đảo Hòn Khoai, tỉnh Cà Mau; điểm A3 tại hòn Tài Lớn, điểm A4 tại hòn Bông Lang, điểm A5 tại hòn Bảy Cạnh thuộc huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu; điểm A6 tại Hòn Hải, tỉnh Bình Thuận; điểm A7 tại Hòn Đôi, tỉnh Khánh Hòa; điểm A8 tại Mũi Đại Lãnh, tỉnh Phú Yên; điểm A9 tại hòn Ông Căn, tỉnh Bình Định; điểm A10 tại đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi; điểm A11 tại đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị. Hiện nay đường cơ sở của Việt Nam còn để ngỏ hai điểm: điểm Ao nằm trên giao điểm giữa đường thẳng nối liền Hòn Nhạn (quần đảo Thổ Chu) với hòn Ông (quần đảo Poulowai- Campuchia) và điểm kết thúc ở cửa vịnh Bắc Bộ là giao điểm đường cửa vịnh Bắc Bộ với đường phân định biển trong vịnh Bắc Bộ.

          Nội thủy, Điều 8 của Luật biển 1982 quy định “các vùng nước ở phía bên trong đường cơ sở của lãnh hải thuộc nội thủy của quốc gia”. Như vậy, nội thủy là vùng nước nằm phía bên trong đường cơ sở và giáp với bờ biển. Tại nội thủy, quốc gia ven biển có chủ quyền hoàn toàn và tuyệt đối như với lãnh thổ đất liền của mình.

Lãnh hải là vùng biển nằm ngoài đường cơ sở. Chiều rộng của lãnh hải theo Điều 3 Luật biển 1982 quy định “Mọi quốc gia đều có quyền ấn định chiều rộng lãnh hải của mình; chiều rộng này không vượt quá 12 hải lý kể từ đường cơ sở được vạch ra theo đúng Công ước”.

Tuy nhiên, “khi hai quốc gia có bờ biển kề nhau hoặc đối diện nhau, không quốc gia nào được quyền mở rộng lãnh hải ra quá đường trung tuyến mà mọi điểm nằm trên đó cách đều các điểm gần nhất của các đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của mỗi quốc gia, trừ khi có sự thỏa thuận ngược lại. Tuy nhiên, quy định này không áp dụng trong trường hợp do có những danh nghĩa lịch sử hoặc có các hoàn cảnh đặc biệt khác cần phải hoạch định ranh giới lãnh hải của hai quốc gia một cách khác” (Điều 15).

          Các quốc gia ven biển có chủ quyền đối với lãnh hải của mình, kể cả đáy biển và lòng đất dưới đáy biển của lãnh hải, vùng trời phía trên lãnh hải. Tuy nhiên, chủ quyền ở đây không tuyệt đối như trong nội thủy, vì ở lãnh hải tàu thuyền của các quốc gia khác được hưởng quyền qua lại không gây hại.

Vùng tiếp giáp lãnh hải là vùng biển nằm ngoài và tiếp giáp với lãnh hải. Chiều rộng của vùng tiếp giáp lãnh hải không quá 12 hải lý. Quốc gia ven biển có thể thi hành sự kiểm soát cần thiết, nhằm ngăn ngừa những phạm vi đối với các luật và quy định hải quan, thuế khóa, y tế hay nhập cư trên lãnh thổ hay trong lãnh hải của mình; trừng trị những vi phạm đối với các luật và quy định nói trên xảy ra trên lãnh thổ hay trong lãnh hải của mình. Vùng tiếp giáp không thể mở rộng quá 24 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng của lãnh hải (Điều 33 công ước).

“Vùng đặc quyền về kinh tế là một vùng nằm ở phía ngoài lãnh hải và tiếp liền với lãnh hải” (Điều 55). Vùng đặc quyền về kinh tế không được mở rộng ra quá 200 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải (Điều 57). Trong vùng đặc quyền về kinh tế, quốc gia ven biển có các quyền thuộc chủ quyền về việc thăm dò khai thác, bảo tồn và quản lý các tài nguyên thiên nhiên, sinh vật hoặc không sinh vật, của vùng nước bên trên đáy biển, của  đáy biển và lòng đất dưới  đáy biển, cũng như về những hoạt động khác nhằm thăm dò và khai thác vùng này vì mục đích kinh tế, như việc sản xuất năng lượng từ nước, hải lưu và gió. Quyền tài phán theo đúng những quy định thích hợp của Công ước về việc: lắp đặt và sử dụng các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình; nghiên cứu khoa học về biển; bảo vệ và gìn giữ môi trường biển (Điều 56).

Mọi tổ chức, cá nhân nước ngoài muốn khai thác tài nguyên trên vùng đặc quyền kinh tế phải xin phép và có sự đồng ý của quốc gia ven biển. “Trong việc thực hiện các quyền thuộc chủ quyền về thăm dò, khai thác, bảo tồn và quản lý các tài nguyên sinh vật của vùng đặc quyền về kinh tế, quốc gia ven biển có thể thi hành mọi biện pháp cần thiết, kể cả việc khám xét, kiểm tra, bắt giữ và khởi tố tư pháp để bảo đảm việc tôn trọng các luật và quy định mà mình đã ban hành theo đúng Công ước” (Điều 73).

Thềm lục địa của một quốc gia ven biển bao gồm đáy biển và lòng đất dưới đáy biển bên ngoài lãnh hải của quốc gia đó, trên toàn bộ phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền của quốc gia đó cho đến bờ ngoài của rìa lục địa, hoặc đến cách đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải 200 hải lý, khi bờ ngoài của rìa lục địa của quốc gia đó ờ khoảng cách gần hơn.

Rìa lục địa là phần kéo dài ngập dưới nước của lục địa của quốc gia ven biển, cấu thành bởi đáy biển tương ứng với thềm, dốc và bờ, cũng như lòng đất dưới đáy của chúng. Rìa lục địa không bao gồm các đáy của đại dương ở độ sâu lớn, với các dải núi đại dương của chúng, cũng không bao gồm lòng đất dưới đáy của chúng. Các điểm cố định xác định trên đáy biển, đường ranh giới ngoài cùng của thềm lục địa nằm cách điểm cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải một khoảng cách không vượt quá 350 hải lý hoặc nằm cách đường đẳng sâu 2500m là đường nối liền các điểm có chiều sâu 2500m, một khoảng cách không quá 100 hải lý (Điều 76).

Quốc gia ven biển có chủ quyền đối với thềm lục địa về mặt thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên của mình. Các quyền này có tính chất đặc quyền, nghĩa là các quốc gia ven biển không thăm dò thềm lục địa hay không khai thác tài nguyên thiên nhiên của thềm lục địa, thì không ai có quyền tiến hành các hoạt động như vậy, nếu không có sự thỏa thuận rõ ràng của quốc gia đó. (Điều 77).

Ngoài ra, còn có vùng biển quốc tế (là vùng biển nằm ngoài vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia ven biển). Ở vùng biển quốc tế, các quốc gia đều có quyền tự do hàng hải, tự do hàng không, đặt dây cáp và ống ngầm, đánh bắt cá, nghiên cứu khoa học… nhưng phải tôn trọng lợi ích của các quốc gia khác cũng như phải tuân thủ các quy định có liên quan của công ước Luật biển năm 1982; và đáy biển quốc tế (hay còn gọi là đáy đại dương) là di sản chung của nhân loại, không quốc gia nào có quyền đòi hỏi chủ quyền hay các quyền chủ quyền ở đáy biển quốc tế, kể cả tài nguyên ở đó.

*

 Việt Nam có chiều dài bờ biển trên 3260 km. Biển nước ta nằm bên bờ Tây của Biển Đông. Biển Đông có diện tích khoảng 3.447.000 km2, tiếp giáp với các nước Malaysia, Indonesia, Philippines, Brunei, Singapore, Thái Lan, Campuchia, lãnh thổ Đài Loan và lục địa Trung Quốc, với địa chính trị, địa kinh tế và địa quân sự rất quan trọng. Căn cứ quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, diện tích biển của n­­­ước ta có khoảng 1 triệu km2, chiếm gần 30% diện tích Biển Đông. Biển nước ta có gần 3.000 hòn đảo ven bờ và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa nằm giữa biển, được phân bố theo chiều dài bờ biển đất nước, tạo thành tuyến bảo vệ và phòng thủ đặc biệt quan trọng cho sườn phía Đông của đất nước. Theo luật pháp quốc tế về biển, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 và các Tuyên bố, các văn bản quy phạm pháp luật của nhà nước được ban hành trong hàng chục năm qua, Việt Nam có chủ quyền và quyền tài phán đối với những vùng biển và hải đảo của mình./.

                                             Nguyễn Năm


  • |
  • 18883
  • |

Các tin khác

TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN

TƯ LIỆU LỊCH SỬ

THÔNG TIN CÔNG TÁC TUYÊN GIÁO

Bộ câu hỏi trắc nghiệm

SINH HOẠT CHI BỘ