VIỆT NAM - LÀO - MỐI QUAN HỆ ĐẶC BIỆT

  • /
  • 16.6.2011 - 0:0

Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng, cùng sống chung trên bán đảo Đông Dương, núi liền núi, sông liền sông, cùng uống chung dòng nước Mekong, cùng dựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ và có mối quan hệ gắn bó với nhau từ lâu đời để cùng đấu tranh chống kẻ thù chung là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.

Chính những đặc điểm, hoàn cảnh đó đã gắn kết hai nước lại với nhau thành một khối thống nhất, gắn bó chặt chẽ, cùng chia sẻ ngọt bùi và đồng cam cộng khổ. Nhận rõ tầm quan trọng của việc giữ gìn và phát triển mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam và Bộ Chính trị Đảng nhân dân cách mạng Lào thống nhất tổ chức, chỉ đạo biên soạn công trình “Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam” (1930 - 2007). Đây là công trình có giá trị khoa học cao, có ý nghĩa to lớn, phản ánh tình hữu nghị truyền thống, mối quan hệ đặc biệt giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt - Lào trong suốt hơn 80 năm qua.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng tình đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc Việt - Lào, đó vừa là nghĩa vụ quốc tế, vừa là lợi ích sống còn của mỗi nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chăm chú theo dõi và dìu dắt, giúp đỡ phong trào cách mạng ở Lào với tinh thần “giúp bạn là tự giúp mình”. Trong tư tưởng chỉ đạo và hoạt động thực tiễn, Người luôn luôn phát huy cao độ tính độc lập và chủ động của đồng bào các bộ tộc Lào. Sự nghiệp cách mạng của hai nước Lào - Việt Nam có mối quan hệ và ảnh hưởng lẫn nhau một cách đặc biệt. Người hiểu rõ điều đó và thường xuyên căn dặn: “Cách mạng Lào không thể thiếu sự giúp đỡ của cách mạng Việt Nam và cách mạng Việt Nam cũng không thể thiếu sự giúp đỡ của cách mạng Lào.”

Cũng với tình cảm đặc biệt, Đảng, Chính phủ và nhân dân Lào đã dành phần đất của mình để giúp Việt Nam xây dựng “Đường Hồ Chí Minh,” “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước,” giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975, đồng thời tạo điều kiện cho cách mạng Lào giành thắng lợi hoàn toàn và thiết lập nên nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào ngày 2/12/1975.

Thắng lợi to lớn và có ý nghĩa lịch sử trọng đại đó là minh chứng hùng hồn cho tình hữu nghị đoàn kết đặc biệt, thủy chung, trong sáng và khẳng định lời nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Việt Nam kháng chiến có thành công, thì kháng chiến Miên, Lào mới thắng lợi; và kháng chiến Miên, Lào có thắng lợi, thì kháng chiến Việt Nam mới hoàn toàn thắng lợi”

Kế thừa di sản quý báu của Chủ tịch Hồ chí Minh, từ sau ngày hai nước được hoàn toàn giải phóng, quan hệ hai nước bước vào giai đoạn mới chặt chẽ hơn, toàn diện hơn, giúp nhau khắc phục những hậu quả nặng nề của chiến tranh, xây dựng đất nước hoà bình, độc lập, dân chủ với nền kinh tế, văn hóa, khoa học phát triển, giữ vững quốc phòng - an ninh, làm thất bại âm mưu bao vây cấm vận, phá hoại của các thế lực thù địch.

Ngày 18/7/1977, Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Lào được ký kết, là cơ sở pháp lý quan trọng, đánh dấu mốc phát triển mới của mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước, nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh bảo đảm cho sự nghiệp xây dựng phát triển và bảo vệ đất nước của mỗi nước.

Trải qua hơn 30 năm, nhất là từ khi hai nước thực hiện công cuộc đổi mới, trong tình hình hội nhập với nhiều biến động, nhiều khó khăn và thách thức do tác động của tình hình thế giới và khu vực, nhưng với truyền thống tốt đẹp của mối quan hệ đặc biệt và dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân cách mạng Lào và Đảng Cộng sản Việt Nam, quan hệ giữa hai nước ngày càng được tăng cường, mở rộng và nhất định sẽ giành được những thắng lợi to lớn hơn, chất lượng và hiệu quả cao hơn, thiết thực góp phần vun đắp cho mối quan hệ hữu nghị đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện Lào - Việt Nam mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững như câu thơ bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh:

“Thương nhau mấy núi cũng trèo,

Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua.

Việt - Lào hai nước chúng ta,

Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”

Chủ tịch Kaysone Phomvihane cũng đã khẳng định: “Sông có thể cạn, núi có thể mòn nhưng tình đoàn kết giữa hai dân tộc Việt Nam - Lào mãi mãi bền vững.”

Quan hệ đặc biệt ấy được xây dựng bằng mồ hôi, xương máu của biết bao thế hệ chiến sĩ cách mạng hai nước và đã trở thành mối quan hệ mẫu mực, hiếm có trên thế giới. Thực tế đã chứng minh tình đoàn kết đặc biệt Việt - Lào luôn là nguồn sức mạnh giúp hai nước chiến đấu và chiến thắng trên con đường giải phóng dân tộc, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và xây dựng đất nước phồn vinh, nhân dân hạnh phúc.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định chính sách nhất quán của Viêt Nam luôn coi trọng và giữ gìn tình đoàn kết thủy chung trong sáng - tài sản vô giá của hai dân tộc và sẽ dành ưu tiên cao để củng cố và tăng cường tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện với Lào.

Có thể khẳng định, trong quan hệ quốc tế, hiếm có mối quan hệ nào bền vững, thuỷ chung như quan hệ Việt Nam - Lào. Tình hữu nghị trong sáng đó được các thế hệ lãnh đạo của hai Đảng, hai Nhà nước dày công vun đắp và được vun đúc bằng công sức, xương máu của bao thế hệ các anh hùng liệt sĩ của hai dân tộc luôn kề vai sát cánh bên nhau trong suốt quá trình lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Ngày nay, những quan hệ hợp tác anh em đặc biệt đó hoà cùng xu thế hội nhập kinh tế quốc tế đã và đang giúp cả hai nước gặt hái những thành tựu ngày một lớn hơn trên con đường phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định và phát triển vì lợi ích của nhân dân mỗi nước, vì hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới.

                                                       Lê Thị Phương

                                                                        


  • |
  • 1888
  • |

Các tin khác

TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN

TƯ LIỆU LỊCH SỬ

THÔNG TIN CÔNG TÁC TUYÊN GIÁO

Bộ câu hỏi trắc nghiệm

SINH HOẠT CHI BỘ