Dư luận trái chiều xung quanh lệnh bắt giữ nhà lãnh đạo LIBI MOAMMER KADHAFI của ICC

  • /
  • 12.8.2011 - 8:21

Ngày 27-6-2011, sau 100 ngày triển khai chiến dịch quân sự đầy bất ổn của NATO tại Libi, Tòa án hình sự quốc tế (ICC) đã ra lệnh bắt giữ nhà lãnh đạo Libi Moammer Kadhafi (Môamơ Cađaphi) cùng con trai Saif al-Islam (Xaíp An Ixlam) và Giám đốc cơ quan tình báo Libi Abdullah al-Senussi (Ápđula An Xenuxi) với tội danh chống lại loài người.

    Đây là lần thứ hai ICC ra lệnh bắt giữ một nguyên thủ quốc gia, sau khi phát lệnh bắt Tổng thống Xuđăng Omar al-Bashir (Ôma An Baxia) hồi tháng 3-2009.

Hình ảnh chính sự tại Libi

 Kể từ khi những quả bom đầu tiên trút xuống mảnh đất Libi cách đây hơn 3 tháng, đến nay các máy bay của NATO đã tiến hành tổng cộng 5.000 lần xuất kích với bình quân 50 mục tiêu tấn công mỗi ngày. Phần lớn các vụ tấn công diễn ra ở trong hoặc xung quanh thủ đô Tripôli (Tripoli), thành phố Mixrata (Misrata) ở miền Tây, Bengadi (Benghazi) ở miền Đông và vùng núi Naphuxa (Nafusa) ở phía Tây Nam thủ đô. Mục tiêu của chiến dịch, như tuyên bố của NATO, là nhằm hỗ trợ lực lượng chống đối chế độ của nhà lãnh đạo Moammer Kaddafi (Môamơ Cađaphi), song không ít vụ oanh tạc đã nhằm vào mục tiêu là nơi trú ngụ của ông Kaddafi và một trong số đó đã cướp đi sinh mạng một người con trai của ông. Sau 100 ngày của chiến dịch, có thể nói liên quân do NATO cầm đầu đã đạt được một số thành công trong việc đẩy lùi lực lượng chính phủ Libi ra khỏi Bengadi và Mixrata, những nơi hiện do phe chống đối chiếm giữ. Tuy nhiên, những thành công đó chưa mang lại ưu thế quyết định cho lực lượng này. Mục tiêu của phương Tây lật đổ nhà lãnh đạo Cađaphi không những chưa thực hiện được, mà còn có nguy cơ không đủ nguồn lực để duy trì chiến dịch. Trong khi đó, bản thân nội bộ NATO lại xuất hiện nhiều bất đồng. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates, các tướng lĩnh đứng đầu hải quân Anh, Pháp hiện đang bày tỏ sự nghi ngại về việc liệu NATO có đủ phương tiện để hoàn tất chiến dịch tại Libi hay không? Ông Gates cho rằng, các nước không còn đủ đạn dược cho chiến dịch tại Libi, trong khi Đức, Tây Ban Nha, Hà Lan và Bồ Đào Nha có nguồn lực quân sự có thể đóng góp, nhưng lại từ chối. Hơn một nửa trong tổng số 28 thành viên NATO bỏ phiếu ủng hộ chiến dịch tiến công Libi đang đứng ngoài cuộc chiến. Bởi họ có quá ít quân số và đạn dược để đóng góp, nhất là trong thời kỳ kinh tế khó khăn như hiện nay. Một số quốc gia thành viên đã tỏ ra quan ngại về nguy cơ sa lầy tại chiến trường mới này. Ngoài ra, việc máy bay NATO liên tiếp không kích vào các mục tiêu dân sự, giết hại dân thường Libi cũng khiến NATO phải chịu sức ép của dư luận. Mới đây, chính quyền Italia thậm chí còn lên tiếng kêu gọi NATO xem xét ngừng bắn.
          Theo con số thống kê của LHQ, xung đột ở Libi đã giết chết hàng ngàn người, khiến 650.000 người phải ra nước ngoài lánh nạn, trong khi khoảng 243.000 người phải sơ tán đến các vùng khác tại Libi.

Hình ảnh người dân bị thiệt mạng trong cuộc nỗi dậy tại Libi

 Trong bối cảnh sự can thiệp quân sự tại Libi của NATO đang có nguy cơ bế tắc và sa lầy, một câu hỏi nữa đã được đặt ra là tại sao ICC lại phát lệnh bắt giữ đối với nhà lãnh đạo Kadhafi? ICC đưa ra lệnh bắt giữ trên trong lúc Chính phủ Libi tiếp tục đẩy mạnh các cuộc thương lượng với “nhiều quan chức nước ngoài” nhằm tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng kéo dài tại đây. Trong khi đó, Liên minh châu Phi (AU) cho biết nhà lãnh đạo Kadhafi cũng đã có động thái nhượng bộ đáng kể khi ông tuyên bố sẽ không tham gia các cuộc hòa đàm về tương lai của quốc gia Bắc Phi này. Các nhà phân tích cho rằng, lệnh bắt giữ của ICC dường như là một điều tốt nhất mà NATO có thể hy vọng. Vì từ lệnh bắt giữ này của ICC sẽ làm giảm phần nào sự ủng hộ đối với ông Kadhafi, khi những người trung thành với ông quyết định đào ngũ, rời bỏ ông chứ không muốn bị mang ra xét xử tại toà án La Hay. Tuy nhiên, một số chuyên gia phân tích cho rằng, lệnh bắt giữ ông Kadhafi khó có thể làm thay đổi tình trạng bế tắc trong chiến dịch quân sự do NATO cầm đầu hiện nay ở Libi, thậm chí có thể khiến xung đột kéo dài hơn và có thể trở thành lý do để ông Kadhafi chống lại bất cứ giải pháp ngoại giao nào dẫn đến việc ông phải rời khỏi Libi. Dư luận các nước đã có phản ứng khác nhau về việc ICC phát lệnh bắt giữ ông Kadhafi cùng hai nhà lãnh đạo khác của Libi. 

        - Về phía Libi, Chính quyền Libi đã ngay lập tức lên án lệnh bắt giữ. Bộ trưởng Tư pháp Libi, ông Mohammed al-Gamudi, cho rằng lệnh truy nã của ICC là “vỏ bọc cho chiến dịch đánh bom của NATO nhằm ám sát ông Kadhafi”. Ông Gamudi cho biết Libi không phải là thành viên của Hiệp ước Rô-ma về thành lập ICC tại La Hay (Hà Lan), vì vậy “không chấp nhận quyền tài phán của tòa án này.”
          - Tổng thống Nam Phi Jacop Duma đã bày tỏ thất vọng về phán quyết của ICC. Ông nói: “Thật đáng tiếc là ICC lại đưa ra một quyết định như vậy trong khi Liên minh châu Phi (AU) đang nỗ lực hết sức để giải quyết xung đột tại Libi.” Trước đó, một ủy ban đặc biệt của AU đã đạt tiến bộ khi xuất hiện nhiều dấu hiệu cho thấy có thể có được một cam kết từ chính quyền Libi và phe đối lập. Người phát ngôn của Tổng thống Duma cho rằng lệnh bắt giữ của ICC đang hủy hoại nỗ lực của ủy ban này.
          - Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov bày tỏ hy vọng lệnh bắt giữ của ICC sẽ không làm tổn hại tới các nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng ở Libi và hy vọng nó sẽ không gây tác động tiêu cực.
          - Trung Quốc kêu gọi ICC “thận trọng” và “công bằng”. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói: “Trung Quốc hy vọng ICC sẽ có thái độ thận trọng, khách quan và công bằng khi đảm đương các trách nhiệm của mình nhằm đảm bảo việc làm của Tòa sẽ có lợi cho hòa bình và ổn định ở khu vực này”. Ông Hồng Lỗi tuyên bố Trung Quốc trước sau như một phản đối các động thái được cho là can thiệp vào công việc của những nước khác. Ông tái khẳng định lời kêu gọi giải quyết cuộc khủng hoảng Libi thông qua “các cuộc đàm phán hòa bình”.
          - Trong khi đó, quyết định của ICC lại nhận được sự hoan nghênh của phe đối lập ở Libi và phương Tây. Ông Mustafa Abdel Jalil, Chủ tịch Hội đồng chuyển tiếp dân tộc (NTC) của lực lượng đối lập, cho rằng “công lý đã được thực hiện” và tuyên bố “sẽ làm tất cả có thể để đưa ông Kadhafi ra tòa”. Song theo ông Jalil, không cần một lực lượng nước ngoài để truy bắt nhà lãnh đạo này.
          - Về phía mình, Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen (Anđơ Phốc Raxmuxen) tuyên bố lệnh bắt giữ của ICC chứng tỏ chính quyền của ông Kadhafi đang ngày càng bị cô lập.
          - Pháp và Anh - hai nước đứng đầu chiến dịch không kích Libi - cũng lên tiếng hoan nghênh phán quyết của ICC. Ngoại trưởng Anh William Hague kêu gọi các thành viên trong chế độ hiện nay của Libi nên rời bỏ ông Kadhafi.
          - Tại Mỹ, Nhà Trắng tuyên bố ông Kadhafi “đã mất tính hợp pháp” và Italia thì cho rằng sau lệnh bắt giữ của ICC, ông Kadhafi không thể đóng một vai trò gì trong tương lai của Libi. Dư luận, xung quang việc Toà án hình sự quốc tế ICC ra lệnh bắt giữ ông Kadhafi xem ra vấn đề còn trái chiều nhau./.

                                  (Nguồn tin từ  BTGTW cung cấp)

 

 


  • |
  • 703
  • |

Các tin khác

TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN

TƯ LIỆU LỊCH SỬ

THÔNG TIN CÔNG TÁC TUYÊN GIÁO

Bộ câu hỏi trắc nghiệm

SINH HOẠT CHI BỘ