Hoàn thiện hồ sơ khoa học đề nghị UNESCO công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” là di sản văn hóa phi vật thể nhân loại

  • /
  • 6.1.2012 - 10:7

Chẳng phải ngẫu nhiên nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm viết: “...Hàng năm ăn đâu, làm đâu Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ tổ”.

             Theo truyền thuyết, thời kỳ Hùng Vương gắn với một nhà nước thời cổ đại khu vực châu thổ Bắc Bộ. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã tồn tại và phát triển trong cuộc sống cộng đồng người Việt hàng ngàn năm nay. Tín ngưỡng này không chỉ thể hiện trong đời sống văn hóa tâm linh và đức tin của người Việt vào các vị thánh thần bảo hộ, mà còn trở thành đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, biết ơn những bậc tiền nhân có công dựng nước. Nó góp phần hun đúc lòng tự hào, tạo nên tinh thần đoàn kết, yêu nước thương nòi của người Việt Nam. Từ hàng ngàn đời nay, người Việt Nam vẫn hành hương về đền Hùng để tri ân Tiên Tổ vào ngày mùng 10/3 âm lịch.
            Các vua Hùng được nhân dân lập bàn thờ chính tại núi Nghĩa Lĩnh, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ và còn rất nhiều các đền miếu thờ cúng Hùng Vương và tướng lĩnh dưới thời các vua Hùng ở Phú Thọ và nhiều địa phương trong cả nước. Lòng biết ơn, thành kính Tổ tiên đã được cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng phát biểu trong ngày giỗ tổ Hùng Vương năm 1969: “Từ lòng biết ơn đến sự tôn kính các thế hệ tiền nhân và tổ tiên gia đình, dòng họ, dân tộc ta đã phát triển hình thức sinh hoạt văn hóa tinh thần ấy thành một đạo lý và tín ngưỡng dân tộc độc đáo, là tín ngưỡng và phụng thờ một Tổ tiên chung của toàn dân tộc - các vua Hùng”.

Tín ngưỡng thờ Hùng Vương là đỉnh cao tâm thức dân tộc và giỗ tổ Hùng Vương đã trở thành lễ hội văn hóa lớn của dân tộc. Từ năm 2000, 5 năm 1 lần, lễ hội Đền Hùng được tổ chức theo nghi thức Quốc giỗ.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có nhiều lớp văn hóa phong phú và một không gian rộng, chồng xếp lên nhau. Lớp đầu tiên là nghi lễ thờ thần núi sau đó, tín ngưỡng thờ cúng được chuyển hóa trở thành thờ cúng ông Tổ tại 73 làng xung quanh núi Nghĩa Lĩnh (theo một cuốn sách chữ Hán ở thế kỷ XVII); kết quả điều tra năm 1938 của Viễn Đông Bắc cổ (Pháp) và kết quả điều tra năm 1964 của Ty văn hóa tỉnh Phú Thọ khẳng định, có hơn 100 làng và hiện nay, tín ngưỡng thờ Hùng Vương tồn tại ở 122 làng, xã của các huyện ở Phú Thọ. Người Việt trong gia đình, gia tộc thì thờ cúng tổ tiên của gia tộc mình, ra làng xã thì thờ những người có công lao với làng xã, đến với cộng đồng thì thờ cúng Hùng Vương. Không gian của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có sức lan tỏa rộng vì thờ cúng Hùng Vương là thờ cúng tổ tiên của người Việt.
            Chính vì thế, Ban xây dựng hồ sơ đã tiến hành hai đợt kiểm kê di sản tín ngưỡng thờ Hùng Vương theo hướng dẫn của UNESCO tại 226 di tích thuộc 106 xã trên địa bàn 12 huyện, thành, thị xã; thực hiện việc ghi hình, chụp ảnh mọi tư liệu sưu tầm tại 226 địa điểm thờ Hùng Vương; mua tư liệu ảnh, làm sách “Tuyển tập các công trình nghiên cứu về Hùng Vương” điều tra thu thập tư liệu trong và ngoài nước về tín ngưỡng thờ Hùng Vương gửi UNESCO lần hai. Đặc biệt, nhân dịp giỗ tổ Hùng Vương-Lễ hội Đền Hùng năm 2011, tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng đã diễn ra cuộc hội thảo quốc tế “Tín ngưỡng thờ Hùng Vương”. Đây là một bước quan trọng nhằm hoàn thiện Hồ sơ khoa học đề nghị UNESCO công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại./.                                               
                                                                 Nguồn: Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam.
                                                                                                Bích Hoàn

  • |
  • 678
  • |

Các tin khác

TIN NỔI BẬT

 

TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN

TƯ LIỆU LỊCH SỬ

THÔNG TIN CÔNG TÁC TUYÊN GIÁO

Bộ câu hỏi trắc nghiệm

SINH HOẠT CHI BỘ