Quản lý đới bờ - biển Bình Thuận

  • /
  • 8.2.2012 - 16:0

Đới bờ là không gian mà ở đó lục địa gặp nhau với biển, là không gian bao quanh đường bờ biển và vùng biển ven bờ liền kề, bao gồm đồng bằng ven biển, vùng đất thấp, cửa sông, các cồn cát, các bãi biển, các rạn đá ngầm, các vũng vịnh, hải đảo ven bờ, đầm phá.

              Theo Công ước Luật Biển (1982), đới bờ là vùng tiếp xúc giữa đất và biển, nơi có cả khối nước và đất dưới đáy, trong đó quá trình sử dụng lục địa và sử dụng lãnh thổ đều có ảnh hưởng trực tiếp đến các quá trình sử dụng biển, hay nói một cách khác thì “Đới bờ là khu vực có sự gặp nhau giữa nước và đất như vùng đất thấp, vùng vịnh, bãi biển, cửa sông, lưu vực sông”.

Với cách hiểu trên thì không gian của đới bờ biển được xác định một cách mềm dẻo tuỳ thuộc vào quan điểm chính trị, mục đích kinh tế-xã hội, chủ quyền và quản lý lãnh thổ của từng quốc gia có biển.

Việt Nam có 3.260 km bờ biển, với vùng lãnh thổ rộng tới 226.000km2, là quốc gia có nguồn tài nguyên biển và đới bờ rất phong phú. Tuy nhiên, việc khai thác và bảo vệ đới bờ biển đang là vấn đề rất cấp bách. Với không gian được xác định như trên, các nguồn tài nguyên đới bờ, biển có thể kể tới như:

- Tiềm năng dầu khí: Biển đông là nơi tiếp nối của 3 mảng Âu Á- Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương. VN có các bồn trũng dầu khí Mê Công, Nam Côn Sơn với các mỏ Bạch Hổ, Mỏ Rồng, Đại Hùng và Rồng Xanh, ước tính trữ lượng khoảng 878 triệu, 500 triệu, 700 triệu thùng tương ứng. (ngành công nghiệp dầu khí: nhà máy điện đạm Phú Mỹ, Bà Rịa-Vũng Tàu, khu lọc dầu Dung Quất…)

- Tiềm năng khoáng sản rắn: ven biển chứa đựng lớn sa khoáng titan, zicon, thiếc, vàng, đất hiếm và cát thuỷ tinh. Trong các vùng biển đã biết khoảng 35 loại hình khoáng sản thuộc các nhóm nhiên liệu, kim loại, vật liệu xây dựng, đá quý và bán quý và khoáng sản lỏng.

- Hệ sinh thái đa dạng: về thực vật ước tính có 12.000 loài (7.000 loài thực vật lớn, 1.400 loài nấm); động vật có 237 loài có vú, 638 loài chim, 349 loài động vật lưỡng cư, bò sát, hơn 500 loài cá nước ngọt, hơn 2.000 loài cá biển, 300 loài san hô cứng và hàng ngàn loài thực vật.

- Tài nguyên hải sản: Với 2.000 loài cá thì có khoảng 110 loài có giá trị kinh tế. Tổng trữ lượng nguồn lợi cá biển ước tính khoảng 2,77 triệu tấn, khả năng khai thác là 1,2 triệu tấn. Riêng vùng biển ven bờ trữ lượng sơ bộ khoảng 3 triệu tấn và khả năng khai thác khoảng 1,4 triệu tấn mỗi năm. Biển nước ta còn giàu về tôm biển, sản lượng khai thác đạt 80 nghìn tấn/năm, đứng thứ 7 thế giới. Nguồn lợi thân mềm gồm 43 loài ốc, 43 loài trai, hàu, sò... Tổng khai thác mực hàng năm khoảng 50 nghìn tấn, trong đó mực nang đạt 26 nghìn tấn/năm, 24 nghìn tấn mực ống.

- Tài nguyên giao thông hàng hải và du lịch biển: Bờ biển khúc khuỷu cấu tạo địa chất rất thuận lợi cho việc xây dựng các loại cảng nội địa, cảng nước sâu. Hiện nay đội tàu biển có 824 chiếc tương đương 2,3 triệu tấn. Dọc bờ biển có 90 cảng lớn nhỏ và 10 khu chuyển tải hàng hoá. Do hoàn cảnh tự nhiên, đảo biển có những sắc thái riêng không đâu có, là nơi lý tưởng để phát triển du lịch như du lịch sinh thái đảo biển, tài nguyên du lịch biển.

Bình Thuận là một tỉnh thuộc dải ven biển miền Trung, có bờ biển dài hơn 192 km. Tuy nhiên những thách thức đối với khai thác tài nguyên đới bờ và các vấn đề môi trường: cạn kiệt tài nguyên; suy thoái các hệ sinh thái và tính đa dạng sinh học; môi trường bị ô nhiễm; sự gia tăng dân số vùng ven biển; những tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, tình hình xâm thực, xói lở bờ khá nghiêm trọng thiệt hại đối với nhà cửa của nhân dân, công trình công cộng, các khu du lịch nổi tiếng: Hàm Tiến-Mũi Né, Đồi Dương- Đức Long, Phú Lộc -La Gi, Phước Thể -Tuy Phong. Một số các công trình đê, kè chống xói lở đê biển đã được xây dựng qua nhiều thời kỳ nhưng chưa có quy hoạch tổng thể, thiếu thống nhất về tuyến, các chỉ tiêu kỹ thuật về công trình phần lớn chưa phục vụ đa mục tiêu, thiếu tầm nhìn phát triển bền vững và lâu dài.

Việc quản lý vùng bờ ở tỉnh ta xuất hiện nhiều mâu thuẫn. Mâu thuẫn giữa phát triển nông nghiệp với môi trường. Chủ trương không tăng diện tích nông nghiệp mà tập trung vào thâm canh tăng năng suất. Mâu thuẫn giữa nuôi trồng và đánh bắt thuỷ hải sản với môi trường đây là ngành kinh tế mũi nhọn. Việc bùng nổ diện tích nuôi trồng thuỷ sản để lại nhiều hậu quả như các vùng nước tăng hàm lượng NO3, PO43, dư lượng formalin, thuốc kháng sinh...; ao hồ làm thay đổi lạch nước, cản trở thoát lũ...; khai thác quá mức ảnh hưởng hệ sinh thái. Mâu thuẫn giữa phát triển du lịch-dịch vụ và môi trường. Đã đầu tư xây dựng các quần thể du lịch, nghỉ mát, thể thao, leo núi, du thuyền, câu cá, đánh gôn, nghỉ dưỡng, chữa bệnh đã tác động đến tài nguyên đất và cảnh quan ven biển. Mâu thuẫn giữa các ngành kinh tế. Chất thải từ đất liền đổ ra biển gây ô nhiễm...Trong khi đó, việc quản lý vùng ven biển do phát triển kinh tế và đô thị hoá nhanh chóng dẫn đến gia tăng nhu cầu nước và ô nhiễm nước ngày càng nghiêm trọng; khai thác đánh bắt thuỷ hải sản dùng thuốc độc và thuốc nổ; năng lực quản lý vùng ven biển yếu và thiếu nhân lực có trình độ trong lĩnh vực này.

Thiết nghĩ quản lý vùng ven bờ biển không phải là bàn kế hoạch mà là cả một quá trình phụ thuộc rất nhiều yếu tố như: quá trình chuẩn bị cơ sở khoa học, xây dựng những thiết chế, chính sách khả thi, đánh giá, kiểm soát và điều chỉnh. Quản lý vùng ven bờ đòi hỏi sự hợp tác đa ngành, nhằm phục vụ cho đa mục tiêu và huy động được sự nỗ lực của toàn thể cộng đồng vì lợi ích chung, phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái.                                           

            (Nguồn tài liệu tập huấn TTKH &PT NNL Á Châu)

                                        Bích Hoàn


  • |
  • 1908
  • |

Các tin khác

TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN

TƯ LIỆU LỊCH SỬ

THÔNG TIN CÔNG TÁC TUYÊN GIÁO

Bộ câu hỏi trắc nghiệm

SINH HOẠT CHI BỘ