BIỂN ĐÔNG - Bằng chứng lịch sử của Việt Nam

  • /
  • 29.10.2012 - 11:35

Các tác phẩm và các văn kiện chứng minh quyền phát hiện và chủ quyền của VN trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa có niên đại chỉ từ thế kỷ XV.

           Tác phẩm cỗ nhất có nói về sự tồn tại của các đảo là Toàn tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư (1630  - 1653) do Đỗ Bá, tự Công Đạo soạn. Tài liệu này bao gồm các bản đồ An Nam từ thế kỷ XV trong đó có tấm vẽ các quần đảo Paracels và Spratlys trong biển Đông dưới tên gọi Bãi Cát VàngTrường Sa, thuộc phủ Quảng Ngãi:

“Giữa  biển    một  dải  cát  dài,  gọi    Bãi Cát Vàng, dài độ 400 dặm, rộng 20 dặm, đứng dựng giữa biển, từ cửa Đại Chiêm đến cửa Sa Vĩnh. Một lần có gió Tây Nam thì thương thuyền các nước đi ở phía trong trôi dạt ở đấy, có gió Đông Bắc thì thương thuyền  chạy    ngoài  cũng  trôi  dạt    đấy,  đều  cùng chết đói cả, hàng hóa thì đều để ở nơi đó”.

Một trong những bản đồ của cuốn sách Phủ biên tạp lục do Lê Quý Đôn biên soạn năm 1776, mô tả tỉ mỉ tình hình địa lý, tài nguyên ở Hoàng Sa và Trường Sa và công việc khai thác của Chúa Nguyễn đối với hai quần đảo này.

            Trong Phủ biên  tạp  lục (1776), Lê Quý Đôn, Hiệp trấn Thuận Hóa viết:

“Phủ  Quảng  Ngãi,  huyện  Bình  Sơn, có    An Vĩnh, ở  gần  biển, ngoài  biển  về  phía Đông Bắc, có nhiều cù lao, các núi linh tinh hơn một trăm ba mươi ngọn, cách nhau bằng biển, từ hòn này sang hòn kia hoặc đi một ngày hoặc vài canh thì đến. Trên núi có chỗ có suối nước ngọt. Trong đảo có bãi cát vàng dài ước hơn ba mươi dặm, bằng  phẳng,  rộng  lớn, nước trong suốt đáy”.

Đại  Nam  thực  lục  tiền  biên,  phần  về  các  chúa Nguyễn  (1600  -  1775),  quyển X ghi nhận địa danh Hoàng Sa và Trường Sa và các hoạt động quản lý của các chính quyền VN:

           “Xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, phủ Quảng Ngãi, ở ngoài  biển, có  hơn  một  trăm ba  mươi  bãi cát, cách nhau hoặc một ngày đường hoặc vài  trống  canh, kéo dài  không  biết  mấy  ngàn dặm, tục gọi  là Vạn Lý Hoàng Sa, trên bãi có giếng nước ngọt. Sản vật có hải sâm, đồi mồi, ốc hoa, vích… Hồi  đầu  dựng  nước,  đặt  đội  Hoàng  Sa  gồm  70 người,  lấy dân xã An Vĩnh sung vào, hằng năm đến tháng 3 đi thuyền ra đảo, độ ba ngày đêm thì đến, thu lượm hóa vật, đến tháng 8 trở về nộp. Lại có đội Bắc Hải, mộ dân ở phường Tư Chính, ở Bình Thuận hoặc xã Cảnh Dương sung vào, được lệnh đi thuyền ra các vùng Bắc Hải, Côn Lôn, thu  lượm hóa vật. Đội này cũng do đội Hoàng Sa kiêm quản”.

Các  tác phẩm chính thức khác do Quốc Sử quán biên soạn và in dưới thời nhà Nguyễn như Đại Nam thực lục chính biên (1848), Khâm định Đại Nam hội diễn sử lệ (1843 - 1851), Đại Nam nhất thống chí (1865  -  1882), Lịch  triều  hiến chương  loại chí (1821), Hoàng Việt địa dư chí (1833), Việt sử cương giám khảo lược (1876) đều chép tương tự về Hoàng Sa và Trường Sa. Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ quyển 165 còn khẳng định sự đánh giá của Bộ Công  tâu  lên Vua  năm  Bính  Thân,  niên  hiệu Minh Mạng  thứ 17  (1836,  tức năm Đạo Quang  thứ 16 đời Thanh): “Xứ  Hoàng  Sa  thuộc  cương  vực  mặt  biển nước ta rất là hiểm yếu”. Đại Nam nhất thống chí, bộ sách địa lý lịch sử chung  thống nhất của Đại Nam, phần Hình thể nói về tỉnh Quảng Ngãi “phía đông có đảo Hoàng Sa liền với biển xanh làm hào che…”. Đó đều là các nguồn chính thức và có giá trị chân thực.

Bản đồ Việt Nam do Đỗ Bá soạn vẽ vào thế kỷ XVII. Lời chú giải trên bản đồ khu vực phủ Quảng Ngãi ghi rõ "Giữa biển có một dải cát dài, gọi là Bãi Cát Vàng", "do họ Nguyễn mỗi năm vào tháng cuối mùa đông đưa 18 chiếc thuyền đến lấy hóa vật..." 

 Viện Hán Nôm Hà Nội còn lưu trữ hàng chục châu bản  triều Nguyễn gồm các bản  tấu, phúc tấu của các Bộ Công, Bộ Hộ, các cơ quan khác, các dụ của các vua về các hoạt động thực thi chủ quyền của VN trên quần đảo.

Một số bản đồ VN vẽ các đảo này như bộ phận của lãnh  thổ VN, nhất  Đại Nam nhất thống toàn đồ (1838). Ngoài ra các sách địa lý lịch sử như Sử  học bị khảo của Đặng Xuân Bảng, Địa dư toát  yếu (niên  hiệu Duy Tân 1907-1916), Quảng Thuận đạo sử tập, Trung kỳ địa dư lược, Quảng Ngãi tỉnh chí đều có những đoạn văn và bản đồ xác nhận Hoàng Sa thuộc Quảng Ngãi. Trong gia phả của các họ Phạm, họ Đặng trên đảo Lý Sơn còn lưu giữ các sắc chỉ của vua Minh Mạng giao cho dòng họ chọn những  thanh niên khỏe mạnh và giỏi bơi lội để gia nhập đội Hoàng Sa...

                                                                            Dương Tự

                                                                             (tổng hợp)


  • |
  • 867
  • |

Các tin khác

TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN

TƯ LIỆU LỊCH SỬ

THÔNG TIN CÔNG TÁC TUYÊN GIÁO

Bộ câu hỏi trắc nghiệm

SINH HOẠT CHI BỘ