Công tác giáo dục công dân; giáo dục tư tưởng, đạo đức cho học sinh khối trung học phổ thông tỉnh Bình Thuận

  • /
  • 28.1.2013 - 17:5

Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương, Thường trực Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã phối hợp với Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn và Sở Giáo dục & Đào tạo tổ chức kiểm tra 26/27 trường Trung học phổ thông trong toàn tỉnh về triển khai thực hiện công tác giáo dục công dân; giáo dục tư tưởng, đạo đức (GDCD; GDTT, ĐĐ) cho học sinh khối trung học phổ thông. Qua kiểm tra, nổi lên những mặt được và hạn chế như sau:

                  Trong những năm qua công tác GDCD; GDTT, ĐĐ cho học sinh khối trung học phổ thông trong toàn tỉnh được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo sâu sát mang lại nhiều kết quả khả quan. Đặc biệt là đảng ủy, ban giám hiệu các trường Trung học phổ thông đã thể hiện sự chủ động, sát sao trong công tác lãnh đạo, thường xuyên chỉ đạo các tổ chức đoàn thể, tổ giáo viên bộ môn Giáo dục công dân quan tâm đến việc xây dựng kế hoạch và triển khai nghiên cứu các chuyên đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Nội dung, chương trình đều được thực hiện trên cơ sở khung phân phối chương trình theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục & Đào tạo, biên soạn các tài liệu để giảng dạy và học tập phù hợp với từng đối tượng, mô hình học tập, hoạt động ngoại khóa đều thực hiện đảm bảo. Việc đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng phát huy tính tích cực chủ động của học sinh, gắn liền việc học tập lý thuyết với thực hành, được chú trọng liên hệ thực tiễn.

Đội ngũ giáo viên giảng dạy bộ môn Giáo dục công dân được phân công đúng chuyên ngành đã học, được hưởng chế độ theo Thông tư số 28/2009/TT-BGD&ĐT ngày 21/10/2009 của Bộ Giáo dục & Đào tạo và được hưởng mọi quyền lợi như giáo viên giảng dạy các môn khác. Đa phần giáo viên giảng dạy môn Giáo dục công dân đều trẻ, được đào tạo chuyên môn theo hệ chính quy, nhiệt tình chịu khó học hỏi, tìm kiếm tài liệu; áp dụng công nghệ thông tin trong soạn giảng để góp phần nâng cao hiệu quả của giờ dạy. Nhiều giáo viên chủ động tổ chức theo lối phát huy khả năng tư duy, sáng tạo, độc lập, tự chủ của học sinh bằng nhiều hình thức tự viết kịch bản tình huống, xử lý tình huống và kết hợp sáng tạo, hiệu quả các phương pháp dạy học truyền thống (thuyết trình, giảng giải, kể chuyện, vấn đáp, tranh ảnh, thảo luận nhóm, đóng kịch, giải quyết tình huống. ..) Một số trường như: Trung học phổ thông Phan Thiết tổ chức thi học sinh giỏi môn Giáo dục công dân cấp trường hàng năm để động viên tinh thần học tập cho học sinh toàn trường; Trung học phổ thông Hùng Vương tổ chức hình thức giao học sinh soạn kịch bản, sắm vai truyền tải các nội dung chuẩn kiến thức cần học; Trung học phổ thông Phan Bội Châu tổ chức cho học sinh tham dự phiên tòa xét xử một vụ án theo chuyên đề bài học, sau đó viết thu hoạch nhằm giúp học sinh có kiến thức thực tiển, truyền tải tốt nội dung cần giáo dục; Trung học phổ thông Phan Chu Trinh xây dựng và triển khai mô hình hoạt động đàm thoại tại lớp về trách nhiệm của công dân với chính sách quốc phòng - an ninh…Ngoài ra, các trường còn tổ chức các hoạt động giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục truyền thống các ngày lễ lớn như: tổ chức học sinh tham quan học tập tại Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Bình Thuận, thắp hương, chăm sóc các bia chiến tích, nghĩa trang liệt sĩ, quán triệt 6 bài học chính trị của Đoàn, các chương trình “Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo lời Bác”, chương trình “Góp đá xây trường sa”, kỷ niệm ngày thành thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh 26/3…

Tuy nhiên: Công tác GDCD; GDTT, ĐĐ cho học sinh khối trung học phổ thông vẫn còn một số hạn chế tồn tại. Việc cập nhật kiến thức, thông tin mới, các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước - nhất là Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng cộng sản Việt Nam vào nội dung giảng dạy của một số trường chưa kịp thời, sát hợp với tình hình thực tế. Việc lồng ghép các chuyên đề học tập và theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh một số trường chưa cụ thể hóa nên còn lúng túng trong việc truyền đạt cho học sinh.

Việc giảm tải chương trình giáo dục công dân có một số bài chưa hợp lý, nội dung chương trình còn mang tính hàn lâm, ít ví dụ minh họa, chưa phù hợp đối tượng.

 Một số giáo viên giảng dạy mới ra trường còn thiếu kinh nghiệm trong việc soạn giảng và lên lớp; một số trường còn thiếu giáo viên phải sử dụng giáo viên dạy chéo ban nên phần nào cũng ảnh hưởng đến chất lượng GDCD; GDTT, ĐĐ.

Một số học sinh chưa thật sự ý thức tầm quan trọng của việc học GDCD; GDTT, ĐĐ, chưa chấp hành hết nội quy nhà trường cũng như tuân thủ pháp luật, các hiện tượng tiêu cực, các tệ nạn xã hội đã ảnh hưởng đến nhận thức học sinh; tình trạng bạo lực học đường, học sinh cá biệt vẫn xảy ra thường xuyên.

Nhằm nâng cao chất lượng công tác GDCD; GDTT, ĐĐ cho học sinh khối trung học phổ thông cần tập trung thực hiện tốt một số vấn đề sau:

Một là: Hoàn thiện chương trình, giáo trình, sách giáo khoa tài liệu giảng dạy phù hợp từng đối tượng.

Hai là: Tăng cường công tác phổ biến, quán triệt sâu rộng; thường xuyên cập nhật những chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt, là Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng cộng sản Việt Nam vào giáo án giảng dạy.

Ba là: Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào công tác giảng dạy; đổi mới phương pháp, nâng cao hơn nữa chất lượng giảng dạy theo hướng nâng cao tính chủ động, tích cực của học sinh và tính thực tiễn trong bài giảng của giáo viên. Tổ chức tốt các hoạt động ngoại khóa cho học sinh bằng nhiều hình thức phong phú, phù hợp từng đối tượng.

Bốn là: Xây dựng kế hoạch phối hợp, cơ chế làm việc, chế độ chính sách hợp lý với các cấp, các ngành liên quan. Đặc biệt, là ngành Tư pháp, Tuyên giáo, Đoàn thanh niên…trong việc GDCD; GDTT, ĐĐ cho học sinh.

Năm là: Xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, trong sáng, tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh tự rèn luyện. Nên tổ chức cho giáo viên giảng dạy môn Giáo dục công dân nghiên cứu quán triệt, học tập các lớp học tập Nghị quyết của Đảng các cấp. Thường xuyên nắm bắt tâm tư nguyện vọng của học sinh, đặc biệt là đối với học sinh cá biệt và học sinh có hạnh kiểm yếu.

 Sáu là: Kiểm tra thường xuyên, định kỳ; xây dựng tiêu chí đánh giá công tác triển khai thực hiện GDCD; GDTT, ĐĐ cho học sinh tại các trường học, xem đây là một trong những tiêu chuẩn để bình xét danh hiệu thi đua của các trường.

 

Công tác GDCD; GDTT, ĐĐ cho học sinh nói chung và học sinh khối trung học phổ thông nói riêng là vấn đề quan trọng và đòi hỏi tính cấp bách của xã hội, nó không chỉ dừng lại ở nhận thức về quan điểm, đường lối một cách giáo điều, công thức mà phải trên cơ sở những kiến thức ấy bồi dưỡng cho học sinh tình cảm thắm thiết với dân tộc, phát triển khả năng nhận thức và năng lực hành động thực tiễn. Có như thế thì các yếu tố tri thức - tình cảm - lý trí - hành động mới thể hiện rõ trong công tác GDCD; GDTT, ĐĐ vào thế hệ tương lai, góp phần tạo cho thế hệ trẻ tri thức, tình cảm và đạo đức tốt đẹp để các em trưởng thành và trở thành người có ích cho xã hội.

                                                             

Thế Minh

 


  • |
  • 793
  • |

Các tin khác

TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN

TƯ LIỆU LỊCH SỬ

THÔNG TIN CÔNG TÁC TUYÊN GIÁO

Bộ câu hỏi trắc nghiệm

SINH HOẠT CHI BỘ