Công tác tuyên truyền qua 5 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh Bình Thuận

         Thực hiện Thông báo Kết luận 264-TB/TW ngày 31/7/2009 của Bộ Chính trị về tổ chức cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", ngày 08/10/2009, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã ban hành Hướng dẫn số 94-HD/BTGTU hướng dẫn tuyên truyền thực hiện Thông báo Kết luận của Bộ Chính trị về việc tổ chức Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; đồng thời, biên soạn và phát hành đề cương tuyên truyền Cuộc vận động phục vụ công tác tuyên truyền trên địa bàn tỉnh.

        Qua 5 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động và sự chỉ đạo thực hiện Cuộc vận động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nhìn chung đã tạo chuyển biến về nhận thức và hành động trong hệ thống chính trị của tỉnh. Thể hiện rõ nét là lãnh đạo các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị đã quan tâm chỉ đạo và triển khai tuyên truyền, vận động thực hiện Cuộc vận động trong cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân. Các cơ quan báo chí của tỉnh đã có nhiều nỗ lực phối hợp các ngành sản xuất, kinh doanh thường xuyên quảng bá chất lượng sản phẩm, hàng hóa Việt Nam góp phần nâng cao thương hiệu Việt. Đặc biệt, việc phát hiện và thông tin kịp thời của các cơ quan báo chí về các sản phẩm hàng hóa kém chất lượng, hàng hóa không có nguồn gốc, độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng… đã góp phần làm cho người tiêu dùng nhận thức tốt hơn chất lượng hàng hóa Việt Nam, từ đó đã hướng việc lựa chọn sản phẩm hàng hóa Việt Nam khi mua sắm, tiêu dùng. Xu hướng tiêu dùng hàng Việt tăng lên đã giúp giới doanh nghiệp trong nước, trong tỉnh phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng thế cạnh tranh với hàng ngoại nhập và từng bước chiếm lĩnh thị trường trong nước.

       Các doanh nghiệp sản xuất trong nước ngày càng thể hiện trách nhiệm, đạo đức kinh doanh cao hơn đối với người tiêu dùng; đã sản xuất ngày càng nhiều sản phẩm chất lượng cao, phong phú về chủng loại, mẫu mã đẹp, giá cả phù hợp, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng và được người tiêu dùng Việt Nam tín nhiệm. Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đã nêu cao ý thức ưu tiên sử dụng hàng hoá sản xuất trong nước trong tiêu dùng nên đã tác động tích cực đến việc tuyên truyền, vận động người dân ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng Việt Nam.

       Người tiêu dùng trong tỉnh có xu hướng hướng hành vi tiêu dùng vào hàng hóa Việt Nam khi mua sắm, tiêu dùng, nhất là đối tượng người nghèo, vùng nông thôn. (Kết quả khảo sát ý kiến người tiêu dùng đối với hàng hóa Việt Nam của Ban chỉ đạo cuộc vận động tỉnh ở một số huyện vào tháng 8/2011, cho thấy có 96,7% ý kiến cho rằng sẽ ưu tiên chọn hàng hóa sản xuất trong nước khi mua sắm tiêu dùng). Và, tại siêu thị Co.opMart Phan Thiết và các cơ sở kinh doanh mua bán trên địa bàn tỉnh hàng hóa Việt Nam thường xuyên được bán ra với số lượng lớn…là minh chứng cho xu hướng tiêu dùng hàng hóa thương hiệu Việt của người tiêu dùng trong tỉnh.

        Từ đánh giá trên có thể khẳng định công tác tuyên truyền trong 5 năm qua đã tác động tích cực trong việc làm thay đổi thói quen, hành vi mua sắm của người tiêu dùng trong tỉnh. Và Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã ngày càng thấm sâu vào ý thức tiêu dùng của người Việt Nam.

       Tuy nhiên, bên cạnh đó công tác tuyên truyền và định hướng tuyên truyền vẫn còn một số hạn chế: Công tác tuyên truyền về Cuộc vận động chưa thực sự đi vào chiều sâu, hiệu quả chưa cao. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tuy thường xuyên định hướng tuyên truyền về Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", nhưng do Ban Tuyên giáo Trung ương chưa cung cấp nội dung tuyên truyền bài bản nên việc hướng dẫn, triển khai công tác tuyên truyền Cuộc vận động có những hạn chế, chưa làm chuyển đổi mạnh mẽ ý thức phải tiêu dùng hàng Việt để góp phần phát triển kinh tế đất nước trong người tiêu dùng. Việc phối hợp thông tin, tuyên truyền giữa các thành viên Ban Chỉ đạo Cuộc vận động của tỉnh chưa chặt chẽ, thường xuyên. Vai trò tuyên truyền miệng của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên trong tuyên truyền Cuộc vận động chưa được phát huy đúng mức.

       Thời gian tới, cần đề ra phương hướng, nhiệm vụ công tác tuyên truyền sau: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt làm nhận thức sâu sắc  nhiệm vụ và giải pháp thực hiện cuộc vận động theo Thông báo Kết luận số 264-TB/TW của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 41-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"  đến cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân để Cuộc vận động thực sự đi vào ý thức trong đời sống xã hội. Đồng thời, tăng cường công tác nắm dư luận xã hội xung quanh xu hướng tiêu dùng sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước để tuyên truyền, vận động nâng cao hiệu quả Cuộc vận động; Tăng cường tác động các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dịch vụ, thương mại của tỉnh thường xuyên phối hợp với các cơ quan tuyên truyền và báo chí quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa thương hiệu Việt, giúp người tiêu dùng tiếp cận thông tin hàng hóa chất lượng để lựa chọn khi tiêu dùng; Cần thường xuyên tổ chức khảo sát, thăm dò tâm lý, xu hướng tiêu dùng trong tỉnh (bằng phiếu hỏi) để làm cơ sở cho việc đề ra giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền. Để thực hiện khảo sát, thăm dò xu hướng tiêu dùng, Ban Chỉ đạo tỉnh cần đề xuất tỉnh chi một khoản kinh phí cần thiết nhằm tổ chức thăm dò đúng thực chất.


Các tin khác

TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN

TƯ LIỆU LỊCH SỬ

THÔNG TIN CÔNG TÁC TUYÊN GIÁO

Bộ câu hỏi trắc nghiệm

SINH HOẠT CHI BỘ