Bình Thuận qua 10 năm triển khai công tác xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

        Gia đình ở nước ta trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã được coi là một vấn đề xã hội lớn, được đánh giá là một trong nhiều biện pháp quan trọng để thúc đẩy sự phát triển bền vững của xã hội.

       Việc tổ chức gia đình tốt và giáo dục trong gia đình chu đáo sẽ có tác động sâu xa đến việc hình thành nhân cách con người, tạo tiền đề quan trọng để cung cấp nguồn nhân lực đáp ứng với yêu cầu của đất nước trong quá trình phát triển. Vì vậy, ngày 21/02/2005 Ban Bí thư Trung ương Đảng có Chỉ thị số 49- CT/TW về “xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

       Sau khi có Chỉ thị 49, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 45- KH/TU, ngày 19/9/2005,  mở hội nghị quán triệt Chỉ thị 49-CT/TW của Ban Bí thư cùng với Kế hoạch số 45-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ cho cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, đồng thời chỉ đạo các cấp ủy, các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể trong tỉnh căn cứ đặc điểm, tình hình của địa phương, đơn vị mình tổ chức quán triệt và xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư, Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Nhìn chung, việc tổ chức học tập, quán triệt Chỉ thị 49- CT/TW của Ban Bí thư trong những năm qua được các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể  luôn quan tâm triển khai sâu rộng, nghiêm túc, kịp thời, nhận thức của đội ngũ  cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và một bộ phận trong nhân dân ngày càng đầy đủ hơn về tầm quan trọng của công tác xây dựng gia đình. Cán bộ, đảng viên luôn nêu cao trách nhiệm gương mẫu vận động gia đình, nhân dân ở địa bàn tham gia xây dựng gia đình theo tiêu chí: ít con, no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc để mỗi gia đình Việt Nam thực sự là tổ ấm của mọi người và là tế bào lành mạnh của xã hội; phát triển gia đình bền vững là nhân tố quan trọng, quyết định sự thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trên địa bàn tỉnh.

       Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị 49 - CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Kế hoạch 45 - KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy,  đến nay có 10/10 huyện, thị, thành ủy, các ngành, các cấp, đơn vị trong tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện công tác xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hoá đất nước. Các cấp uỷ đảng, chính quyền tổ chức quán triệt, lồng ghép cùng với các Nghị quyết, Chỉ thị quán triệt phổ biến ở các cuộc sinh hoạt chi bộ, Đại hội công nhân viên chức, phổ biến nội dung Chỉ thị của Ban Bí thư trong các đợt sinh hoạt kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam (28/6); Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3)… với nội dung vận động xây dựng Gia đình văn hóa, cơ quan, đơn vị có nếp sống văn hoá, văn minh, Quy ước xây dựng Thôn- Khu phố văn hoá.

        Trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị, công tác phối hợp giữa các cấp chính quyền, các ngành, mặt trận, đoàn thể khá tích cực, đồng bộ góp phần đẩy mạnh công tác xây dựng gia đình ở tỉnh đạt kết quả như: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã chỉ đạo các hội, đoàn thể thành viên ở các cấp tập trung thực hiện cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng thôn, khu phố văn hóa gắn với xây dựng gia đình văn hóa ở địa bàn khu dân cư, xã, phường, thị trấn; Sở Tư pháp cùng với các cơ quan Báo Bình Thuận, Đài Phát thanh- Truyền hình tỉnh thường xuyên mở các chuyên mục, chuyên trang tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật, phối hợp tổ chức các lớp tập huấn  nghiệp vụ trang bị kiến thức cơ bản về các chính sách, pháp luật cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở, qua đó giúp việc hòa giải thành công nhiều vụ việc mâu thuẩn, tranh chấp về hôn nhân, gia đình ở địa bàn; Sở Lao động Thương binh - Xã hội tổ chức tập huấn nâng cao năng lực nhận thức về bình đẳng giới, về phòng, chống bạo lực gia đình, vì sự tiến bộ của phụ nữ cho cán bộ trực tiếp làm công tác bình đẳng giới, Hội người cao tuổi tích cực tham gia, tổ chức các hoạt động nhân ngày Gia đình Việt Nam; tổ chức thăm và tặng quà cho các cụ ông, cụ bà từ 80- 90 tuổi trở lên cùng với nhiều hoạt động thiết thực khác nhằm góp phần động viên gia đình, ông, bà mẫu mực, con, cháu thảo hiền xây dựng đời sống gia đình hạnh phúc, bền vững; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn Kế hoạch Liên tịch cùng với các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan và các huyện, thị, thành phố triển khai các hoạt động tuyên truyền về công tác phòng, chống bạo lực gia đình; xây dựng Gia đình toàn năng; tổ chức các giải cầu lông gia đình, tỉnh Bình Thuận hàng năm...; Tỉnh đoàn Thanh niên xây dựng chương trình “Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho nam, nữ thanh niên về trách nhiệm xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc”, đăng tải trên website Tỉnh đoàn, Bản tin Tuổi trẻ Bình Thuận nhiều nội dung về công tác xây dựng gia đình, định kỳ cung cấp cho hội viên, đoàn viên, thanh niên; Sở Giáo dục- Đào tạo chỉ đạo hệ thống các trường học các cấp, nhất là ở bậc học phổ thông lồng ghép nội dung kiến thức phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực học đường, kiến thức về bình đẳng giới, gắn với phong trào xây dựng trường học thân thiện, xây dựng văn hoá học đường; Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh gắn việc thực hiện nhiệm vụ của hội với công tác xây dựng gia đình, công tác Dân số- Kế hoạch hóa gia đình, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, phối hợp ngành Y tế tuyên truyền thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, bà mẹ, trẻ em;  tổ chức cuộc vận động “Phụ nữ cả nước thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm vì sức khỏe gia đình và cộng đồng”, hướng dẫn các cấp hội huyện, thị xã, thành phố tổ chức các lớp tập huấn phòng, chống bạo lực gia đình và Luật Bình đẳng giới cho cán bộ hội cơ sở.

        Qua đó, nhiều địa phương, các cấp chính quyền cùng với các hội, đoàn thể còn làm tốt công tác thăm hỏi, giúp đỡ những gia đình nghèo, khó khăn, vận động hộ gia đình trên địa bàn dân cư tham gia các phong trào: Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; xây dựng gia đình hiếu học, xã hội học tập, gia đình thể thao; tuyên truyền giáo dục trong một bộ phận nhân dân xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu trong hôn nhân, lối sống, sinh hoạt không lành mạnh trong gia đình, cộng đồng; định kỳ hàng năm tỉnh và các huyện, thị, thành phố tổ chức sơ, tổng kết biểu dương, khen thưởng các gia đình văn hóa tiêu biểu, dòng họ hiếu học; các hội đoàn thể ở xã, phường, thôn, khu phố thường xuyên trao đổi các kinh nghiệm nuôi dạy con cái, chăm sóc người già, người khuyết tật, phổ biến kiến thức về xây dựng gia đình qua các cuộc họp, sinh hoạt, câu lạc bộ ở khu dân cư.

         Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị, toàn tỉnh đã có 8/10 huyện, thị, thành phố thành lập Ban Chỉ đạo công tác gia đình. Đã xây dựng được 86 “Địa chỉ tin cậy” và 106 “Đường dây nóng” của mô hình phòng, chống bạo lực gia đình tại cộng đồng; toàn tỉnh có 76/127 xã, phường, thị trấn có Ban Chỉ đạo mô hình phòng, chống bạo lực gia đình; có 82/705 thôn, khu phố có câu lạc bộ gia đình hoạt động nề nếp. Hiện có 05/10 huyện, thị, thành phố đã triển khai xây dựng chương trình hành động thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam, tỉnh Bình Thuận đến năm 2020; có 3/10 huyện thị, thành phố thành lập Ban quản lý “Đề án tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam đến năm 2020”. Tục tảo hôn giảm dần qua từng năm: 2006 có 77 trường hợp, năm 2007 có 63 trường hợp đến năm 2008 có 39 trường hợp. Tỷ lệ gia đình qui mô nhỏ có từ 1- 2 con ngày càng tăng, thể hiện qua tỷ lệ tăng dân số tự nhiên từ 1,39% năm 2005 xuống còn 1,16% năm 2009 và còn 0,95% vào năm 2014; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên từ 21,7% năm 2005 xuống còn 14,6% vào năm 2014; tỷ lệ gia đình được công nhận gia đình văn hoá đạt 84% vào năm 2005, năm 2010 đạt 86,91%, năm 2014 đạt 89,6%; số vụ bạo lực gia đình cũng giảm theo các năm, năm 2009 có 1863 vụ, năm 2014 còn 779 vụ.

     Bên cạnh  những kết quả đạt được, một số cấp ủy, chính quyền ở cơ sở chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác xây dựng gia đình trong giai đoạn hiện nay; việc quản lý công tác gia đình ở các cấp còn lúng túng, vai trò của mặt trận và các đoàn thể chưa được phát huy đúng mức. Nhận thức của người dân tuy có chuyển biến, nhưng vẫn còn không ít gia đình chưa thể hiện vai trò trách nhiệm trong việc xây dựng gia đình chuẩn mực. Kinh phí chi cho hoạt động công tác gia đình thấp so với yêu cầu, nhiệm vụ. Một bộ phận gia đình, nhất là các gia đình ở vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn ỷ lại, chưa ý thức tự vượt khó vươn lên; nhiều gia đình còn thiếu trách nhiệm trong việc chăm lo, giáo dục con, cháu và các thành viên trong gia đình. Tình trạng dân di cư đến vùng biển, miền núi để lao động, sinh sống cũng làm nảy sinh nhiều phức tạp, khó khăn cho công tác quản lý, xây dựng gia đình tại địa phương.

       Để xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa phát triển mạnh mẽ và rộng khắp thì cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, tiếp tục quán triệt sâu kỹ các quan điểm mục tiêu và tổ chức thực hiện tốt 06 nhiệm vụ, 06 giải pháp đã đề ra trong Chỉ thị 49-CT/TW, ngày 21/02/2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; tiếp tục tăng cường công tác truyền thông, giáo dục với nội dung, hình thức phù hợp cho từng khu vực, từng vùng và từng nhóm đối tượng trong cộng đồng, tiếp tục giáo dục nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, hội viên làm cho mọi người dân thấy được ý nghĩa và tầm quan trọng của vị trí gia đình hiện nay, ý nghĩa của công tác xây dựng gia đình trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

       Như vậy, xây dựng gia đình theo chuẩn mực no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc không chỉ tạo sự tiến bộ toàn diện cho mọi gia đình, mọi người mà cái cốt lõi đó chính là việc tạo nên điểm tựa vững chắc cho mỗi tế bào xã hội. Gia đình vẫn được coi là một trong những giá trị tinh thần vô cùng quý giá của xã hội, cần được giữ gìn và phát huy.

                                                                                 


Các tin khác

TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN

TƯ LIỆU LỊCH SỬ

THÔNG TIN CÔNG TÁC TUYÊN GIÁO

Bộ câu hỏi trắc nghiệm

SINH HOẠT CHI BỘ