Thăm, chúc Tết Nhôvrêr’He - Tết mừng bông lúa trĩu hạt tại xã Phan Tiến - huyện Bắc Bình

       Sáng ngày 24/01/2016, Đảng ủy - Hội đồng nhân dân - Ủy Ban nhân dân - Ủy Ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam xã Phan Tiến, huyện Bắc Bình đã tổ chức Tết Nhôvrêr’He  (Tết mừng bông lúa trĩu hạt) cũng là Tết cổ truyền của người dân tộc Raglai. Thăm và chúc tết nơi đây có đại diện Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Tỉnh Đoàn, Ban Dân tộc, Hội Cựu Chiến binh tỉnh ….  

       Bà con ở nơi đây không thờ tổ tiên, không có tôn giáo chính thống và tin theo thuyết đa thần, tôn sùng đấng tối cao vô hình được mệnh danh là Giàng (còn gọi là Nhang); Song ở sắc tộc nào cũng vậy, Giàng lúa được coi là vị thần linh phổ biến trong lễ thức nông nghiệp trải suốt quá trình một mùa rẫy.

       Tết Nhôvrêr’He là tết mừng bông lúa trĩu hạt về nhà làm lễ cúng Thần lúa, thay vì kéo dài suốt tháng đã rút gọn còn 3 ngày vào giữa tháng chạp âm lịch sau ngày gặt hái. Rạng sáng ngày rằm, người Raglai nào cũng lấy một ít lúa mẹ từ bồ thóc đầy đem rửa sạch, rang khô bỏ vào cối giã. Chày làm bằng loại tre đá cắm chọc vào một thân cây được khoét lỗ tạo nên âm thanh vang rộn. Gạo giã xong đem nấu nồi cơm mới cúng tạ thần lúa, tạ ông bà, cầu mong mùa lúa tới có thóc đầy bồ. Chỉ sau lễ cúng này, lúa trong bồ mới được lấy ra dùng hằng ngày; Do tín ngưỡng “vạn vật hữu linh” nên đồng bào thường hay cầu cúng mong được mọi sự may mắn, tốt lành, trừ bỏ tai họa. Lễ cúng nhỏ chỉ cúng gà, lễ cúng lớn thu hút cả buôn làng tham dự, nhất thiết phải có heo hay trâu.

       Lễ đầu lúa, uống rượu cần để mừng Giàng cho mùa bội thu, mừng báo đáp trọn vẹn công ơn của người đã khuất, động viên nhau lao động sản xuất qua những lời dân ca giàu tình cảm. Hiện nay, những luật tục tiến bộ trong hôn nhân kết hợp với luật hôn nhân gia đình đã tạo nên nét văn hóa đẹp của người dân nơi đây./.


Các tin khác

TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN

TƯ LIỆU LỊCH SỬ

THÔNG TIN CÔNG TÁC TUYÊN GIÁO

Bộ câu hỏi trắc nghiệm

SINH HOẠT CHI BỘ