Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Thuận với công tác tuyên truyền phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”

       Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” là một trong những phong trào rộng lớn mang tính chất toàn dân, toàn diện, toàn quốc, đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của toàn bộ hệ thống chính trị trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện.  Đối với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Thuận, trong năm qua, công tác tuyên truyền về Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” năm 2016 đạt một số kết quả đáng khích lệ.

       Thông qua việc chỉ đạo tổ chức tuyên truyền các ngày lễ, kỷ niệm, sự kiện chính trị, giao ban dư luận xã hội, giao ban báo chí, định hướng công tác tuyên truyền hàng tháng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thường xuyên chỉ đạo, định hướng các cơ quan thuộc khối Tuyên giáo, các cơ quan báo chí của tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đưa chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của tỉnh, gắn với tuyên truyền việc thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “đền ơn đáp nghĩa”, “Xóa đói giảm nghèo”,… trên địa bàn tỉnh và chỉ đạo tuyên truyền việc thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) và Kết luận số 51-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội.

       Để đẩy mạnh và đưa Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh Bình Thuận đi vào thực chất, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và các cơ quan thuộc khối Tuyên giáo đã có nhiều nỗ lực trong hoạt động phối hợp với các ngành chức năng như: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Mặt trận, các tổ chức chính trị- xã hội và các cơ quan báo chí của tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu nhằm phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, nhất là xây dựng, tôn vinh các phong trào từ thiện, nhân đạo, “Xóa đói giảm nghèo”, “Đền ơn đáp nghĩa”, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, góp phần xây dựng đời sống văn minh, tiến bộ tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

       Các cơ quan báo chí của tỉnh đã thường xuyên đưa tin, bài tuyên truyền biểu dương, giới thiệu nhân rộng các mô hình xây dựng đời sống văn hóa tiến bộ, gương người tốt, việc tốt về thực hiện nếp sống văn minh trong đời sống xã hội, trong việc cưới, việc, tang, lễ hội… phản ánh, phê phán, đấu tranh mạnh mẽ với các hành vi, lối sống vi phạm pháp luật, trái với thuần phòng, mỹ tục của dân tộc, tập tục lạc hậu, mê tín, dị đoan trong việc cưới, việc tang, lễ hội, hoặc các hành vi lợi dụng lễ hội để kinh doanh trục lợi, gây hại đến văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.  

       Nhìn chung, Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đang được duy trì trên các địa bàn dân cư và trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Các hoạt động tự quản, xây dựng nếp sống văn minh, tiến bộ trên các địa bàn thôn, khu phố, trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hoặc hoạt động phối hợp với các cơ quan chức năng đấu tranh phòng, chống các tệ nạn xã hội; bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ gìn vệ sinh môi trường, giúp nhau giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống đang trở thành một hoạt động tích cực trong tất cả cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.

       Tuy nhiên, việc thực hiện Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" ở một số địa phương còn hiện tượng hình thức, chạy theo thành tích. Chất lượng nhiều thôn - khu phố văn hóa chưa đúng thực chất; an ninh trật tự xã hội còn diễn biến phức tạp, nhất là tệ nạn ma túy, vi phạm pháp luật về an toàn giao thông, trộm cướp; thiết chế văn hóa, thể thao ở các vùng nông thôn chưa được đầu tư đúng mức…Những hạn chế trên làm cho sự phát triển của Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" chưa toàn diện, thiếu bền vững.

       Trong năm 2017 và những năm sắp đến, thiết nghĩ các ngành, các cấp, các địa phương cơ quan, đơn vị, nhất là cộng đồng các khu dân cư trên địa bàn toàn tỉnh cần rà soát và đánh giá lại những việc đã làm được, những gì còn tồn tại, hạn chế để đưa chất lượng và hiệu quả việc thực hiện phong trào này đi vào thực chất hơn nữa để góp phần vào việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đạo lý gia đình “gia phong” của từng gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư./.


Các tin khác

TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN

TƯ LIỆU LỊCH SỬ

THÔNG TIN CÔNG TÁC TUYÊN GIÁO

Bộ câu hỏi trắc nghiệm

SINH HOẠT CHI BỘ