Nâng cao hiệu quả công tác dân vận của cơ quan nhà nước các cấp

       Thực hiện Kết luận số 114-KL/TW của Ban Bí thư. Công tác dân vận của cơ quan Nhà nước các cấp trong tỉnh tiếp tục có những đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động. Nổi rõ là việc công khai các thủ tục hành chính, hoạt động của chính quyền và các cơ quan quản lý Nhà nước; hoạt động của cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức đã có những chuyển biến tích cực trong quản lý điều hành, thực thi công vụ theo phương châm gần dân, sát cơ sở, nắm bắt tình hình, tổ chức đối thoại trực tiếp với nhân dân; kịp thời giải quyết những khó khăn, kiến nghị, bức xúc của nhân dân. Qua thực hiện công tác dân vận đã góp phần tích cực trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của địa phương, tạo sự đồng thuận và tạo niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

       Việc tiếp công dân được các sở, ban, ngành, chính quyền các cấp duy trì thực hiện theo quy định. Trong năm 2016, các cấp, các ngành đã xây dựng kế hoạch tiếp tục triển khai công tác bồi dưỡng, tập huấn về kỹ năng, nghiệp vụ tuyên truyền cho cán bộ, công chức, viên chức về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo... nhằm nâng cao trình độ nhận thức của cán bộ, công chức, người làm công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; ban hành 25 văn bản chỉ đạo về công tác khiếu nại, tố cáo; tổ chức 12 lớp tuyên truyền, tập huấn với 998 người tham dự.

       Hoạt động hòa giải ở cơ sở được cấp ủy, chính quyền các địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện khá hiệu quả, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa bàn dân cư. Trong năm, đã tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn cho trên 2.560 hòa giải viên; tiếp nhận và tổ chức hòa giải thành 1.673 vụ/2.276 vụ, đạt 73,5%..

       Thực hiện công tác dân vận nhằm nâng cao năng lực quản lý Nhà nước, đạo đức công vụ, văn hóa công sở, tác phong làm việc, quy tắc ứng xử, sửa đổi lề lối làm việc theo hướng dân chủ hóa, công khai hóa và chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Đến nay, hầu hết các cơ quan Nhà nước đã xây dựng ban hành Quy chế văn hóa công sở và đạo đức công vụ của công chức, viên chức tại cơ quan, đơn vị.

       Để có cơ sở đánh giá, xếp loại xét thi đua, khen thưởng trong công tác dân vận, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tham mưu, hướng dẫn việc xây dựng các nội dung bảng tiêu chí; trong đó quy định phải có nội dung về thực hiện tốt công tác dân vận, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở là một trong những nội dung để đánh giá, xếp loại tổ chức đảng, cá nhân đảng viên, cán bộ công chức hàng năm. Năm 2013, UBND tỉnh đã khen thưởng cho 40 tập thể và 20 cá nhân điển hình, tiêu biểu trong phong trào thi đua “Dân vận khéo”; năm 2015, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức tuyên dương, khen thưởng 37 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực.

       Nhìn chung, việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển  khai thực hiện Kết luận số 114-KL/TW của Ban Bí thư về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới đã tạo được sự chuyển biến về nhận thức của các cấp ủy, nâng cao hiệu quả công tác dân vận của cơ quan Nhà nước, chính quyền các cấp; nhiều cuộc vận động và phong trào thi đua yêu nước được đẩy mạnh triển khai thực hiện; vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị, địa phương và tinh thần làm chủ, thái độ phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngày càng tốt hơn.

       Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện đó là: Công tác tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến nghị quyết, chương trình hành động ở các đơn vị, địa phương chưa thật sự sâu kỹ; trong tuyên truyền, quán triệt chưa tập trung liên hệ cụ thể giữa thực hiện công tác dân vận với thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác chuyên môn của đơn vị, địa phương nên chưa tạo được sự chuyển biến căn bản, đồng bộ về nhận thức, trách nhiệm trong chỉ đạo, thực hiện công tác dân vận; một số đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức chưa quan tâm thực hiện công tác dân vận trong quá trình thực thi công vụ.

       Từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo và giám sát, đánh giá kết quả thực hiện, có thể rút ra một số kinh nghiệm bước đầu như sau: Trước hết, phải tổ chức học tập, quán triệt cho cấp ủy, tổ chức cơ sở Đảng, chính quyền các cấp, cơ quan, đơn vị và đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức nhận thức đầy đủ, sâu sắc, nắm chắc các chủ trương, quan điểm của Đảng, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phương châm, phương pháp công tác dân vận gắn với công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.

       Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; nhất là chú trọng phát huy dân chủ của cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân gắn với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; công khai minh bạch các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan trực tiếp đến quyền lợi, nghĩa vụ của công dân.

       Thực hiện tốt phương châm “Công tác dân vận phải đi trước một bước” gắn với thực hiện tốt việc phân công, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị; trong đó cơ quan Nhà nước phải đóng vai trò trung tâm phối hợp; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị – xã hội, Hội quần chúng làm nòng cốt trong công tác vận động quần chúng nhân dân. Nơi nào có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, Hội quần chúng thì nơi đó làm tốt công tác dân vận, phát huy tốt quyền làm chủ của nhân dân trong việc tham gia quản lý xã hội.

       Để công tác dân vận của các cơ quan Nhà nước đạt hiệu quả cao, người cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ phải công tâm, thạo việc, có tinh thần trách nhiệm, gương mẫu đi đầu trong mọi phong trào để nhân dân tin tưởng, noi theo./.                                                                        


Các tin khác

TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN

TƯ LIỆU LỊCH SỬ

THÔNG TIN CÔNG TÁC TUYÊN GIÁO

Bộ câu hỏi trắc nghiệm

SINH HOẠT CHI BỘ