Kỷ niệm 105 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ (09/7/1912 – 09/7/2017)

       Đồng chí Nguyễn Văn Cừ thuộc thế hệ những chiến sĩ cộng sản đầu tiên của Đảng ta, một người cộng sản kiên trung, một nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phẩm chất bất khuất, kiên trung và những cống hiến lớn lao của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ mãi mãi được được Đảng và nhân dân ta ghi nhớ và tôn vinh, là tấm gương bất diệt cho những người cộng sản, cho nhân dân và các thế hệ trẻ Việt Nam học tập, noi theo.

       Đồng chí Nguyễn Văn Cừ sinh ngày 09/7/1912, trong một gia đình nhà nho nghèo, yêu nước ở xã Phù Khê, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Đồng chí là hậu duệ đời thứ 17 của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi. Kế thừa truyền thống yêu nước, hiếu học của dòng họ, lớn lên trên mảnh đất “địa linh nhân kiệt” của xứ Kinh Bắc, phẩm chất cách mạng anh hùng, bất khuất, thông minh, trí tuệ đã hình thành rất sớm trong Nguyễn Văn Cừ từ tuổi thiếu niên.

       Mới 17 tuổi, đồng chí đã trở thành một nhà hoạt động cách mạng chuyên nghiệp, tổ chức và lãnh đạo quần chúng đấu tranh chống áp bức, bóc lột của đế quốc, phong kiến.

       Đầu năm 1928, Nguyễn Văn Cừ được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên.  Cuối tháng 9-1928, Nguyễn Văn Cừ được tổ chức của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên cử đi “vô sản hóa” ở vùng mỏ Quảng Ninh và từ đây, Nguyễn Văn Cừ đã trở thành nhà cách mạng chuyên nghiệp. Với phẩm chất kiên trì, không quản khó khăn và nguy hiểm, Nguyễn Văn Cừ hòa mình vào cuộc sống lao động vất vả, luôn bám sát, gắn bó và cùng sinh hoạt với công nhân nơi đây. Sau một thời gian tuyên truyền, vận động và thử thách, Nguyễn Văn Cừ đã tổ chức và thành lập Chi bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Mỏ than Vàng Danh. Thời gian này, phong trào cách mạng cả nước lên cao, đòi hỏi có sự lãnh đạo của một Đảng Cộng sản thống nhất.

       Ngày 17-6-1929, tại số nhà 312, phố Khâm Thiên, Hà Nội, Hội nghị thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng được tổ chức. Hội nghị quyết định tuyển lựa những người tiên tiến nhất của Hội Thanh niên để kết nạp vào Đảng. Nguyễn Văn Cừ, Lê Văn Lương, Hạ Bá Cang... được công nhận là những đảng viên đầu tiên của  Đông Dương Cộng sản Đảng.

       Cuối tháng 10-1929, Nguyễn Văn Cừ được cử về phụ trách tổ chức đảng ở mỏ than Mạo Khê, nơi có truyền thống đấu tranh và có cơ sở Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên từ rất sớm nhưng hiện đang gặp khó khăn do bị địch đàn áp tàn bạo. Lại một lần nữa, Nguyễn Văn Cừ hòa vào cuộc sống lao động của anh em thợ thuyền nơi đây. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Nguyễn Văn Cừ, phong trào đấu tranh cách mạng ở Mạo Khê từng bước được củng cố và phát triển vững chắc.

       Đầu năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập. Để thực hiện sự thống nhất chỉ đạo, Nguyễn Văn Cừ đã cùng các đồng chí Ngô Gia Tự và Nguyễn Đức Cảnh chỉ đạo thành lập Đặc Khu ủy mỏ Quảng Ninh. Nguyễn Văn Cừ được cử làm đại diện của Xứ ủy tại Đặc khu ủy mỏ. Trên cương vị này, anh trực tiếp truyền đạt các chỉ thị của Xứ ủy đến Đặc khu ủy và giúp đỡ Đặc khu ủy chỉ đạo phong trào, nên phong trào ở đây bùng lên mạnh mẽ, như các cuộc đấu tranh ủng hộ Xô-viết Nghệ Tĩnh, kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga, rải truyền đơn, v.v.. Bọn thực dân hoảng sợ, ra sức đàn áp, khủng bố, đánh phá ác liệt các cơ sở cách mạng.

       Ngày 15-2-1931, trên đường đi công tác tại Cẩm Phả, Nguyễn Văn Cừ bị mật thám Pháp bắt, đưa về Sở Mật thám Hòn Gai. Bọn chúng đã dùng đủ mọi thủ đoạn nhà nghề, từ dụ dỗ đến cực hình tra tấn dã man nhưng không khuất phục được ý chí kiên cường, tinh thần kiên định của người cộng sản trẻ tuổi Nguyễn Văn Cừ. Sau đó, chúng đưa Nguyễn Văn Cừ về Nhà lao Hải Phòng rồi Hỏa Lò (Hà Nội).

       Năm 1936, với thắng lợi của Mặt trận nhân dân Pháp, chính quyền thực dân ở Đông Dương buộc phải ân xá tù chính trị phạm. Nhưng phải đến tháng 11-1936, Nguyễn Văn Cừ mới được trả lại tự do với điều kiện chịu sự quản thúc của chính quyền tại nơi cư trú.

       Tháng 3-1937, Nguyễn Văn Cừ tham gia Hội nghị thành lập Xứ ủy Bắc Kỳ lâm thời và được cử vào Ban Thường vụ, rồi được phân công làm đại diện của Xứ ủy bên cạnh Trung ương và theo dõi công tác tuyên truyền.

       Cuối tháng 8-1937, tại Hội nghị Trung ương mở rộng ở Sài Gòn có các đồng chí: Lê Hồng Phong, Nguyễn Chí Diểu, Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai… tham dự Tại Hội nghị này, đồng chí Nguyễn Văn Cừ được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương. Thực hiện sự phân công của Trung ương, đồng chí Nguyễn Văn Cừ trở ra Bắc triệu tập Hội nghị thành lập Liên Xứ ủy Bắc - Trung Kỳ và được bầu vào Ban Thường vụ. Hội nghị đưa ra các biện pháp đẩy mạnh các hình thức đấu tranh công khai và bán công khai cho phù hợp với tình hình mới.

       Tháng 3-1938, đồng chí Nguyễn Văn Cừ dự Hội nghị Trung ương lần thứ năm tại Bà Điểm, huyện Hóc Môn, tỉnh Gia Định. Theo đề nghị của Nguyễn Văn Cừ, Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận Dân chủ Đông Dương. Hội nghị bầu Ban Chấp hành Trung ương gồm 11 ủy viên. Đồng chí Nguyễn Văn Cừ được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Đông Dương khi mới tròn 26 tuổi. Trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, Nguyễn Văn Cừ thể hiện tư chất của một lãnh tụ tài năng, sáng tạo. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của đồng chí, Đảng ta đã kịp thời đề ra những chủ trương, đường lối đúng đắn, phát động cao trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ sục sôi trong cả nước, tạo ra cục diện phát triển mới của cách mạng Việt Nam.

       Năm 1938, nguy cơ của cuộc chiến tranh thế giới đến gần. Với tầm nhìn sáng suốt, Nguyễn Văn Cừ sớm chỉ đạo chuyển hướng chiến lược sang một thời kỳ mới.

      Tháng 9-1939, đồng chí trực tiếp triệu tập và chủ trì Hội nghị mở rộng Xứ ủy Bắc Kỳ phổ biến tình hình và quyết định rút ngay một số cán bộ vào hoạt động bí mật, phân công một số cán bộ Xứ ủy và Thành ủy Hà Nội đi xây dựng căn cứ bí mật của Đảng. Nhờ sự nhạy bén đó, khi Toàn quyền Đông Dương ra lệnh đàn áp, khủng bố các hoạt động cách mạng thì các tổ chức đảng đã rút vào hoạt động bí mật, tránh được những tổn thất do kẻ thù gây ra. Cuối năm 1939, đồng chí Nguyễn Văn Cừ trở lại Sài Gòn triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ 6. Hội nghị quyết định chuyển toàn bộ hoạt động của Đảng từ hoạt động công khai sang hoạt động bí mật; chuyển khẩu hiệu đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ sang đấu tranh đánh đổ chế độ thực dân, giành độc lập dân tộc; thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương thay cho Mặt trận Dân chủ Đông Dương…Có thể khẳng định rằng Đảng ta, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, đã nhận thức và xử lý đúng mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp trong cách mạng dân tộc dân chủ. Đó là cơ sở, tiền đề lý luận và thực tiễn để Đảng ta, dưới sự chỉ đạo của Bác Hồ, xây dựng Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (tháng 5-1941), đưa cách mạng Việt Nam đến thành công.

       Giữa lúc cách mạng Việt Nam đang đứng trước bước ngoặt lịch sử mới, Đảng cần những cán bộ tài trí, vững vàng, kiên định để chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua ghềnh thác, thì ngày 18/01/1940, đồng chí Nguyễn Văn Cừ - Tổng bí thư Đảng bị địch bắt trên đường đến cơ quan bí mật của Đảng ở đường Nguyễn Tấn Nghiêm – Sài Gòn. Biết đây là Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Đông Dương, bọn mật thám dùng mọi thủ đoạn từ dụ dỗ đến tra tấn cực hình, nhưng đồng chí không hề khai một lời, chúng đưa đồng chí về giam ở khám lớn Sài Gòn.

       Sau cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ (11/1940), thực dân Pháp điên cuồng đàn áp Cách mạng, ngày 25/3/1941, tòa án binh Sài Gòn đã khép đồng chí Nguyễn Văn Cừ tội “có trách nhiệm tinh thần về cuộc khởi nghĩa” và kết án tử hình đồng chí.

       Sáng sớm  ngày 28/8/1941, đồng chí Nguyễn Văn Cừ - Tổng Bí thư Đảng cộng sản Đông Dương cùng các đồng chí: Hà Huy Tập - nguyên Tổng Bí thư; Võ Văn Tần – Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ; Phan Đăng Lưu- Ủy viên Trung ương Đảng; Nguyễn Thị Minh Khai – Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Gia Định, Lê Hồng Phong… bị thực dân Pháp xử bắn tại trường bắn Hóc Môn, Gia Định.

       Đồng chí Nguyễn Văn Cừ - Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương đã đi vào cõi bất tử giữa tuổi sung sức nhất của cuộc đời - 29 tuổi, với quá trình 12 năm hoạt động cách mạng, trong đó có 2 năm giữ cương vị Tổng Bí thư, và bị địch bắt kết án với tổng số 10 năm tù giam, 50 năm đày biệt xứ, giam giữ 7 năm trong nhiều nhà tù lớn của thực dân. Cuộc đời của đồng chí tuy ngắn ngủi nhưng sự nghiệp thật lớn lao. Xuất phát từ lòng yêu nước, thương nòi, căm thù giặc sâu sắc, đồng chí đã hăng hái ra đi tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, xây dựng một xã hội mới - độc lập, tự do, ấm no và hạnh phúc. Từ đó toàn bộ cuộc đời của đồng chí đã hiến dâng cho sự nghiệp vĩ đại của Đảng và của dân tộc; tin tưởng tuyệt đối vào thắng lợi của Cách Mạng cho đến giây phút cuối cùng của đời mình.

      Đồng chí Nguyễn Văn Cừ là một tấm gương tiêu biểu về tinh thần tự học tập, rèn luyện và trưởng thành qua thực tiễn cách mạng; người cộng sản có tầm nhìn xa rộng, có quyết tâm và nghị lực lớn, một tài năng chính trị kiệt xuất của Đảng ta. Đồng chí có tư duy lý luận sắc sảo, sáng tạo; nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn được Đồng chí giải quyết một cách nhuần nhuyễn, phù hợp với thực tế Việt Nam.

       Năm 1939, trước nguy cơ phát xít và Chiến tranh thế giới lần thứ hai, thực dân Pháp trở mặt đàn áp phong trào dân chủ, những phần tử tờrốtkít giả danh cách mạng cũng ra mặt chống phá Đảng Cộng sản. Trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã chỉ đạo và tiến hành một cuộc đấu tranh kiên quyết, sâu rộng trên mặt trận tư tưởng, lý luận, nhằm chống bọn tờrốtkít và củng cố sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ Đảng. Với bút danh Trí Cường, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã viết tác phẩm “Tự chỉ trích”. Đây là một đóng góp quan trọng về lý luận vào công tác xây dựng Đảng cả về tư tưởng, chính trị và tổ chức. Tác phẩm ra đời đã đáp ứng kịp thời yêu cầu của tình hình mới, khi Đảng ta vừa hoạt động bí mật, vừa hoạt động công khai; vừa chống “tả”, vừa chống “hữu”nhằm đi đến sự đoàn kết thống nhất trong Đảng. Tác phẩm thể hiện tư duy sắc sảo của một lãnh tụ già dặn về chính trị; vừa tranh luận, vừa thuyết trình một cách sáng tỏ đường lối, chính sách của Đảng - những khía cạnh biện chứng giữa cái trước mắt và cái lâu dài, giữa sách lược và chiến lược, đánh tan mọi sự mơ hồ, lẫn lộn lúc bấy giờ. Trong tác phẩm “Tự chỉ trích”, đồng chí Nguyễn Văn Cừ cho rằng: đối với một đảng chính trị, việc mắc phải khuyết điểm, thậm chí sai lầm là khó tránh khỏi. Điều quan trọng là phải biết tự phê bình, “công khai, mạnh dạn, thành thực vạch những nhầm lỗi của mình và tìm phương châm sửa đổi... để làm tăng uy tín và ảnh hưởng của Đảng, để cho Đảng càng được thống nhất và củng cố, để đưa phong trào phát triển lên, đưa cách mạng tới thắng lợi; chứ không phải đặt cá nhân mình lên trên Đảng... vin vào một vài khuyết điểm mà mạt sát Đảng, phá hoại ảnh hưởng của Đảng, gieo mối hoài nghi, lộn xộn trong quần chúng, gây mầm bè phái chia rẽ trong hàng ngũ của Đảng”; không giấu giếm khuyết điểm; cũng không để kẻ địch và các phần tử xấu lợi dụng phá hoại,... Những tư tưởng đó của đồng chí Nguyễn Văn Cừ đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng, cho lý tưởng cao đẹp của Đảng. Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí là một mẫu mực về phẩm chất cao quý của người cộng sản. Bất kỳ ở đâu, sống giữa những người bạn phu mỏ, hay bạn tù Côn Đảo, dù là đảng viên hay lúc giữ cương vị cao nhất của Đảng, đồng chí luôn thể hiện là người cán bộ có đạo đức cách mạng trong sáng, giản dị, gương mẫu trong cuộc sống, có tác phong chan hòa, gần gũi với mọi người, có khả năng tập hợp, đoàn kết cán bộ, đảng viên và nhân dân, được nhân dân yêu mến và cảm phục.

       Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ thuộc thế hệ những người cộng sản đầu tiên thời kỳ đấu tranh vận động thành lập Đảng ta. Cuộc đời hoạt động cách mạng tuy ngắn ngủi, song Nguyễn Văn Cừ, một chiến sĩ cộng sản kiên trung, một lãnh tụ tài năng của Đảng, đã hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta. Sự nghiệp cách mạng vẻ vang của đồng chí Nguyễn Văn Cừ  - Tổng Bí thư thứ tư của Đảng ta - đã góp phần rất quan trọng trong xây dựng nền tảng chính trị, tư tưởng và tổ chức của Đảng Cộng sản Việt Nam./.  


Các tin khác

TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN

TƯ LIỆU LỊCH SỬ

THÔNG TIN CÔNG TÁC TUYÊN GIÁO

Bộ câu hỏi trắc nghiệm

SINH HOẠT CHI BỘ