Tiếng chuông chùa trên sóng

  • /
  • 8.2.2014 - 12:51

Phần lớn các đảo thuộc quần đảo Trường Sa quanh năm chỉ có chiến sỹ hải quân canh giữ biển trời.

Chùa Trường Sa

             Hai, ba năm gần đây, một số đảo lớn có người dân từ đất liền ra đấy sinh sống, có tiếng khóc trẻ thơ, có tiếng ê a đọc bài trong lớp học, đã trở thành điều kỳ diệu. Và rồi càng kỳ diệu hơn khi những ngôi chùa được xây dựng, những nhà sư ra đảo phụng sự Phật pháp.

Cuộc sống các chiến sỹ Hải quân vốn dĩ đã quen chịu đựng thiếu thốn gian khổ về vật chấn lẫn tinh thần; cuộc sống người dân ra đảo sinh sống cũng sẽ dần thích nghi; nhưng đối với các nhà sư, để làm quen được với cuộc sống xa nơi đất liền quả thực khó khăn. Nhưng con đường tu tập, phụng sự Phật pháp gặp nhiều gian nan, đến lúc thành công sẽ đáng trân trọng.

Những suy nghĩ trên càng dội về mãnh liệt khi nghe tiếng chuông chùa Trường Sa ngân nga trong ráng chiều đảo xa.    

Chùa Trường Sa tọa lạc tại thị trấn Trường Sa (đảo Trường Sa Lớn), được khánh thành năm 2010. Lúc đầu, chùa chỉ có cổng tam quan, tòa chính điện. Đến cuối năm 2013, nhà thờ tổ và nhà chư tăng được xây dựng sau chính điện do Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Công ty cổ phần Container Việt Nam cúng dường; ngoài ra, vừa bước qua cổng chùa, nhìn về phía bên phải là đài quan âm do phật tử tỉnh Vĩnh Phúc hiến cúng.

Chính điện chùa Trường Sa được xây dựng theo kiến trúc một gian hai chái có mái cong, đầu đao. Giữa chính điện thờ pho tượng phật bằng đá quý trắng do Liên đoàn Phật giáo Thế giới tặng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng đã tặng lại chùa. Nhà thờ tổ và nhà chư tăng gồm một trệt, một lầu. Trên lầu, gian chính giữa thờ Phật hoàng Trần Nhân Tông, hai gian tả hữu là phòng tăng; dưới trệt, ở giữa là thư viện Phật học với hàng trăm đầu sách, kinh kệ phật giáo, phòng tăng và nhà bếp.  

Trụ trì đời thứ nhất tại ngôi chùa đặc biệt này là Thượng tọa Thích Giác Nghĩa - Ủy viên Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Khánh Hòa. Đầu năm 2014, Đại đức Thích Pháp Đạt - Ủy viên Ban Hoằng pháp Phật giáo tỉnh Khánh Hòa phát tâm nguyện ra đảo tiếp nối làm trụ trì ngôi chùa nơi đảo xa.

Ngồi đối diện với chúng tôi là vị nhà sư có gương mặt thông tuệ, giọng nói chậm rãi và trầm ấm. Đại đức Thích Pháp Đạt cho biết, chính quyền, Mặt trận huyện đảo Trường Sa luôn khuyến khích, tạo điều kiện cho quân dân trên đảo về chùa lễ phật, cầu an. Bốn ngày gồm ba mươi, mùng một, mười bốn và mười lăm âm lịch hàng tháng, quân dân trên đảo đến chùa làm lễ sám hối, cầu an; sau lễ, mọi người nghe giảng về phật pháp hoặc trao đổi một số việc trong cuộc sống. Hàng ngày, thường xuyên có người đến chùa thắp hương cầu an.

Khi chúng tôi có vẻ phân vân về việc tu tập, đời sống sinh hoạt hàng ngày ở đảo xa chắc sẽ khó khăn đối với một nhà sư, Đại đức Thích Pháp Đạt nở nụ cười hiền lành. Sau khi tu học, tốt nghiệp Học viện Phật giáo tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đại đức trở về quê nhà Khánh Hòa, phát tâm nguyện đi đến vùng sâu, vùng xa hoặc hải đảo để tiếp tục con đường đạo pháp. Khi vị sư trụ trì đời thứ nhất trở về đất liền, Đại đức được chấp thuận tâm nguyện ra đảo. Mặc dù mới kế tục trụ trì, nhưng Đại đức đã nhận thấy nơi đảo xa rất phù hợp, thuận lợi với việc tu tập Phật pháp của một nhà sư. Trong sinh hoạt hàng ngày, nhu yếu phẩm thiết yếu dành cho người tu hành được mua từ đất liền gửi ra. Bên cạnh đó, mỗi buổi sáng trên đảo đều tổ chức làm đậu phụ để cung cấp thêm khẩu phần ăn cho cán bộ, chiến sỹ và nhân dân, trong đó có một phần dành cho nhà sư đáng kính.

Trên toàn quần đảo Trường Sa hiện có 03 ngôi chùa, đó là Song Tử Tây, Sinh Tồn và Trường Sa. Đầu năm 2014, đảo Nam Yết đã xây dựng ngôi chùa, chờ đến ngày khánh thành. Tiếng chuông chùa sẽ mãi ngân vang trên sóng Trường Sa thân yêu.

                                                 Nguyên Tài


  • |
  • 912
  • |

Các tin khác

TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN

TƯ LIỆU LỊCH SỬ

THÔNG TIN CÔNG TÁC TUYÊN GIÁO

Bộ câu hỏi trắc nghiệm

SINH HOẠT CHI BỘ