Tỉnh Bình Thuận: Công tác Bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ qua 03 năm (2012 -2013) triển khai thực hiện

  • /
  • 8.2.2014 - 12:56

Được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở, trong những năm qua, đội ngũ nữ cán bộ, công chức, viên chức, lao động của tỉnh đã có sự chuyển biến về số lượng và chất lượng.

             Thực hiện Kế hoạch số 119/KH-UBND ngày 11/01/2012 của UBND tỉnh Bình Thuận về bình đẳng giới tỉnh Bình Thuận năm 2012-2015, Ban vì sự tiến bộ của Phụ nữ đã triển khai thực hiện một số mục tiêu, chương trình vì phụ nữ, đạt những kết quả đáng khích lệ, góp phần vào sự phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của tỉnh nhà.

Việc tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị được quan tâm thực hiện. Cán bộ, công chức, viên chức nữ được quy hoạch 981/2.053 nam, chiếm tỷ lệ 32,33% (so với nhiệm kỳ trước tăng 1,21%). Nữ đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, huyện, xã: 927/3.970 nam. Cán bộ nữ tham gia cấp ủy: 59/627, (chiếm tỷ lệ 9,40%). Số lượng nữ là cán bộ lãnh đạo (sở, ngành) là 31/255 nam, là cán bộ lãnh đạo cấp phòng, ban (sở, ngành) là 215 người. Về trình độ học vấn, toàn tỉnh có 01 nữ tiến sĩ/05 tiến sĩ; 33 nữ thạc sĩ/86 thạc sĩ…

Trong lĩnh vực kinh tế, lao động, thực hiện các chủ trương giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo ngày càng được quan tâm rõ rệt. Phụ nữ là hộ nghèo, hộ cận nghèo đều được vay vốn các chương trình của Chính phủ hỗ trợ; qua đó đã giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho phụ nữ vươn lên, tiếp cận các nguồn lực kinh tế, giúp phụ nữ tạo việc làm cho bản thân và phát triển kinh tế gia đình. Bên cạnh đó, phụ nữ trong tỉnh còn được tham gia các lớp học nghề như: thêu gia công, may công nghiệp, vi tính văn phòng, kỹ thuật chế biến món ăn, trồng – chăm sóc – khai thác cao su, thanh long VietGAP...; chị em có điều kiện nâng cao tay nghề, làm việc tại các công ty, doanh nghiệp. Phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm, cùng với sự đầu tư của Nhà nước theo Nghị quyết 04, giải quyết đất sản xuất, vay chăn nuôi bò, nhận khoán bảo vệ rừng… nên thu nhập cơ bản ổn định, đời sống từng bước nâng lên.

Trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, các quyền bình đẳng của phụ nữ đã đạt được những kết quả khá tốt. Phụ nữ và trẻ em gái được tạo điều kiện bình đẳng trong nâng cao trình độ văn hóa và học vấn. Chênh lệch về tỷ lệ học sinh nam – nữ trong tất cả các cấp bậc học được thu hẹp; 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS và phổ cập GDTH- chống mù chữ. Đảm bảo giáo viên nữ đúng 03 năm công tác vùng đặc biệt khó khăn, vùng cao; cán bộ quản lý nữ tối đa là 05 năm được điều chuyển về nơi công tác tốt hơn ở miền xuôi. Trình độ và nhận thức của phụ nữ ngày càng nâng cao, mức độ bất bình đẳng giữa nam và nữ trong giáo dục ngày càng giảm. Sự bình đẳng trong giáo dục làm cho chất lượng nguồn nhân lực của toàn xã hội được cải thiện và nâng lên.

Hệ thống chăm sóc sức khỏe đối với phụ nữ tại địa phương triển khai rộng khắp, các dịch vụ chăm sóc, tư vấn về sức khỏe sinh sản đã được triển khai kịp thời. Công tác chăm sóc sức khỏe phụ nữ, kế hoạch hóa gia đình, phòng chống suy dinh dưỡng ở trẻ em có nhiều tiến bộ, các cấp hội phụ nữ trong huyện đã phối hợp với các ngành liên quan tổ chức các hoạt động như khám phụ khoa, tiêm chủng mở rộng, uống Vitamin A…Hội Phụ nữ cơ sở triển khai thực hiện tốt việc tuyên truyền, vận động gia đình hội viên phụ nữ tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện; triển khai thực hiện có kết quả cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không – 3 sạch”, tổ chức tuyên truyền và cho hội viên, phụ nữ đăng ký thực hiện các tiêu chí cuộc vận động; duy trì sinh hoạt các câu lạc bộ, tổ phụ nữ không sinh con thứ 03. Cơ sở vật chất và trang thiết bị khám chữa bệnh, cung cấp dịch vụ bảo vệ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, nhất là chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ được quan tâm đầu tư. Đến nay, có 100 % trạm y tế cơ sở có nữ hộ sinh, giường bệnh, nguồn nước sạch, điện chiếu sáng và trang thiết bị từng bước nâng cao chất lượng chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, góp phần tích cực thự hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo.

Những năm qua, nhất là từ khi triển khai thực hiện Luật bình đẳng giới, gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, trong đó, nội dung xây dựng gia đình văn hóa được cấp ủy, chính quyền cơ sở triển khai sâu rộng, đều khắp được sự đồng tình hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân, nhất là chị em phụ nữ phấn khởi, tự tin hơn. Nhiều phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, xóa đói giảm nghèo, “Ông bà, cha mẹ mẫu mực con cháu thảo hiền”, “Nuôi con khỏe, dạy con ngoan”, “Gia đình dòng họ hiếu học” được đẩy mạnh. Việc phát động, đăng ký và tổ chức bình xét Gia đình văn hóa hàng năm ở cơ sở được hưởng ứng, số lượng và chất lượng Gia đình văn hóa được nâng lên. Các ngành, địa phương tổ chức các buổi tọa đàm về phòng, chống bạo lực gia đình, tổ chức hội thi, hội thảo nhân ngày Gia đình Việt Nam (28/6). Các cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền cho hơn 8.600 cán bộ các cấp, phát hành hơn 68.000 tờ rơi, hơn 1.100 giờ phát sóng trên hệ thống phát thanh…nội dung về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình; triển khai thực hiện đề án “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt” giúp hội viên phụ nữ trang bị kiến thức về xã hội, về cách thức xây dựng và bảo vệ tổ ấm gia đình.

Qua ba năm 2011-2013, công tác Bình đẳng giới – vì sự tiến bộ của phụ nữ được các cấp, các ngành trong tỉnh quan tâm, tổ chức thực hiện. Công tác Bình đẳng giới tại tỉnh Bình Thuận đã dần đi vào nề nếp; các mục tiêu, chỉ tiêu của chiến lược xây dựng gia đình, đã được triển khai và thực hiện có hiệu quả. 

                                                            Nguyễn Thành Tài


  • |
  • 1187
  • |

Các tin khác

TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN

TƯ LIỆU LỊCH SỬ

THÔNG TIN CÔNG TÁC TUYÊN GIÁO

Bộ câu hỏi trắc nghiệm

SINH HOẠT CHI BỘ