Kỷ niệm 46 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2021)

Chiến dịch Hồ Chí Minh (26 - 30/4/1975) là đỉnh cao của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Thắng lợi này là thắng lợi vĩ đại, trọn vẹn nhất, kết thúc 30 năm chiến tranh lâu dài, gian khổ chống giặc ngoại xâm của Nhân dân ta.

- Ngày 26/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh chính thức mở màn

- Ngày 27/4/1975, giải phóng Bà Rịa và nhiều địa bàn quan trọng

- Ngày 28/4/1975, phá vỡ các khu phòng thủ, áp sát nội đô Sài Gòn

- Ngày 29/4/1975, cơ bản hoàn thành kế hoạch cho việc tiến công vào nội đô

- Ngày 30/41975, 5h30’ sáng quân ta từ 4 hướng đồng loạt tổng tiến công vào Sài Gòn. Tất cả các cầu và đầu mối giao thông quan trọng trong thành phố đã được các đơn vị đặc công đánh chiếm, khống chế. Các đơn vị xe tăng, thiết giáp, xe cơ giới, các quân quân binh chủng của ta tiến vào như vũ bão. Mũi thọc sâu của Quân đoàn 2 nhanh chóng qua cầu Thị Nghè, tiến thẳng vào Dinh Độc Lập. Xe tăng ta húc đổ cổng sắt. 11h30’ cờ Giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. 13h30, Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng không điều kiện, cũng là khoảnh khắc cuối cùng của cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ kéo dài 21 năm ở Việt Nam, đập tan hơn 1 triệu quân ngụy, lật đổ hoàn toàn chế độ ngụy quyền tay sai của Mỹ ở miền Nam.

Kỷ niệm 46 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước trong niềm vui, niềm tự hào chính đáng, không phải không có những tiếng nói của một số người nào đó cho rằng, hãy chỉ nên nói tới sự hòa giải, hòa hợp dân tộc mà không nên nói tới cụm từ "giải phóng miền Nam" nữa (!). Nói như thế là cố tình đánh tráo khái niệm. Chủ trương nhất quán của Ðảng ta là hòa hợp dân tộc, tạo mọi điều kiện để mỗi người dân Việt Nam ở trong nước cũng như ngoài nước lao động, cống hiến, xây dựng đất nước phát triển, nhà nhà hạnh phúc, an vui. Không ai có thể quên những tội ác dã man của quân xâm lược đã gây ra đối với đồng bào ta trên cả hai miền Nam, Bắc. Điển hình như: giặc Mỹ đã mở cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B.52 oanh tạc, hủy diệt vào Thủ đô Hà Nội, TP. Hải Phòng, Thái Nguyên với dã tâm biến miền Bắc Việt Nam trở lại “thời kỳ đồ đá”, đã tổ chức hàng trăm nghìn cuộc khủng bố, giết hại dã man cán bộ, chiến sĩ, bà con ta ở miền Nam. Làm sao có thể quên cuộc thảm sát ở xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre, biệt kích Hải quân Mỹ (SEAL) đã thảm sát 23 người hầu hết là phụ nữ, trẻ con, có cả phụ nữ đang mang thai. Làm sao có thể quên cuộc thảm sát ở làng Sơn Mỹ, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, giặc Mỹ đã thảm sát 504 dân thường phần lớn là phụ nữ và trẻ em. Trước khi bị sát hại, nhiều người trong số các nạn nhân còn bị cưỡng bức, tra tấn, đánh đập hoặc cắt xẻo các bộ phận trên cơ thể. Cuộc thảm sát chấn động lương tâm nhân loại! Làm sao có thể quên hàng chục nghìn đồn bốt địch mọc lên khắp nơi. Quân địch đã lùa đồng bào vào hàng chục nghìn ấp chiến lược, rải hàng triệu lít chất độc da cam đi-ô-xin xuống khắp miền Nam, mà hậu quả của nó sau hơn nửa thế kỷ vẫn còn. Làm sao có thể quên hàng trăm nghìn tấn bom đạn Mỹ đã trút xuống khắp dải đất miền Trung, miền Bắc, trong đó có trận ném bom rải thảm phố Khâm Thiên tháng Chạp năm 1972 xóa sạch 534 ngôi nhà, giết chết 278 người trong đó có 40 cụ già, 56 em bé. Nhiều gia đình bị bom Mỹ giết cùng một lúc, đó là ngôi nhà số 51 phố Khâm Thiên bảy người trong gia đình không một ai sống sót. Sau trận bom đêm giáng sinh đã có 290 người bị thương, 178 đứa trẻ từ chổ có gia đình, người thân nay trở thành trẻ mồ côi. Bom Mỹ cũng đã giết 31 người tại Bệnh viện Bạch Mai, trong đó có một cô y tá đang mang thai 3 tháng. Lịch sử rõ ràng như thế, sao vẫn còn những tiếng nói lạc lõng? Những ai không tôn trọng lịch sử dân tộc chính là không tôn trọng chính mình.

Tháng 4/1975 mãi là nhân chứng cho lịch sử Việt Nam, nhân chứng sáng đẹp khi cả dân tộc bước sang một trang sử mới. Và giờ đây cả dân tộc vẫn đang trong hành trình đi tìm và làm nên những kỳ tích mới. Những kỳ tích mà không gì có thể thay thế được, đó là con người - con người Việt Nam thông minh, anh dũng, nhân hậu và khoan dung. Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử mà công cuộc đổi mới đem lại đã tạo vị thế mới cho đất nước ta.


Các tin khác