Kỷ niệm 46 năm giải phóng quê hương Bình Thuận (19/4/1975 - 19/4/2021)

Sau 51 ngày đêm (8/3 – 27/4/1975) tấn công và nổi dậy, quân và dân Bình Thuận giải phóng hoàn toàn quê hương, góp phần cùng quân dân cả nước làm nên mùa Xuân đại thắng và chiến dịch Hồ Chi Minh lịch sử. Trong cuộc kháng chiến gian khổ hào hùng ấy, đất và người Bình Thuận đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Khu Lê bất khuất, Tam giác kiên cường, Nam Sơn trung dũng;… đã thắm đẫm máu đào của bao lớp cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang Bình Thuận. Những chiến công của các liệt sỹ muôn đời lưu truyền sử xanh; mãi mãi là niềm tự hào của các thế hệ người dân Bình Thuận.

... Ngày 7/4/1975, Trung đoàn 812 Quân khu VI đã hành quân cấp tốc từ Tuyên Đức đến Hàm Thuận, phối hợp với các lực lượng vũ trang, chính trị của tỉnh và huyện, 2 giờ sáng ngày 8/4/1975 tấn công Chi khu Thiện Giáo (Ma Lâm). Sau gần 1 ngày chiến đấu ác liệt, ta làm chủ chi khu và quận lỵ Ma Lâm, đập tan cứ điểm quan trọng bảo vệ phía Bắc Phan Thiết, làm cho hệ thống đồn bót của địch dọc lộ 8 và các khu vực xung quanh rúng động. Ngày 9/4/1975, các lực lượng vũ trang của ta tiếp tục đánh chiếm các ấp Tân Thành, Bình An, Tầm Hưng, An Phú, Bình Lâm và tiêu diệt đồn Sa Ra. Thế và lực của ta càng lúc càng mạnh, thời cơ giải phóng quê hương đã đến. Để đáp ứng tình hình và nhiệm vụ mới, ngày 9/4/1975 Quân khu VI quyết định thành lập Ban chỉ huy giải phóng Bình Thuận do đồng chí Đỗ Phú Đáp, Tham mưu trưởng Quân khu làm chỉ huy trưởng. Từ ngày 10 – 12/4, Ban chỉ huy đã quyết định đánh chiếm một số mục tiêu then chốt trên đường 8 và đường 1 như Tân Điền, đồn Gộp tập trung lực lượng đánh chiếm yếu khu Phú Long và cầu Phú Long, một vị trí then chốt trong hệ thống phòng thủ ở vành đai phía Bắc của Phan Thiết. Ngày 12/4/1975 địch tung nhiều tiểu đoàn với sự chi viện của pháo binh, máy bay phản kích quyết liệt, song đều bị quân ta đẩy lùi. Đến ngày 13/4/1975, ta đã giải phóng được một vùng nông thôn rộng lớn, làm chủ luôn tỉnh lộ 8, chia cắt quốc lộ 1A ở nhiều đoạn quan trọng, dồn dịch về Phan Thiết trong thế bị cô lập.Sau khi giải phóng Ninh Thuận, đại quân của ta tiến vào Bình Thuận. Quân chủ lực tiến đến đâu, quần chúng nổi dậy phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương truy quét tề điệp, giải phóng xã ấp mình đến đó. Sáng ngày 18/4/1975, các huyện Tuy Phong, Hòa Đa, Phan Lý và Hải Ninh lần lượt được giải phóng. 20 giờ ngày 18/4/1975, quân ta vượt qua cầu Phú Long tấn công vào Phan Thiết với 3 mũi – mũi chủ yếu theo đường 1 đánh vào tiểu khu tòa hành chính rồi theo đường Bình Hưng thọc xuống chặn cửa biển Thương Chánh; mũi thứ 2 từ Phú Long theo đường Phước Thiện Xuân vòng xuống Phú Hài đánh chiếm Lầu Ông Hoàng chặn địch rút chạy về Mũi Né; mũi thứ 3 lách tất cả mục tiêu trong thị xã theo đường 1 thọc lên đánh chiếm Căng Êsêpic. Khi xe tăng của ta xông vào chặn đánh trước cổng Sở chỉ huy tiểu khu và tòa hành chính thì bọn địch hoảng hốt tháo chạy tán loạn. 9 giờ sáng ngày 19/4/1975 Ủy ban quân quản vào tiếp quản Phan Thiết. Cùng thời gian trên, quân dân tỉnh Bình Tuy cũng nhất loạt tấn công địch. Trên đường tiến quân vào Sài Gòn, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 để lại một bộ phận giúp lực lượng Quân khu VI và tỉnh Bình Tuy tiến công giải phóng Hàm Tân vào ngày 23/4. Đêm 26/4, cùng với sự chi viện hải quân và đặc công của trên, lực lượng vũ trang Bình Thuận kết hợp lực lượng vũ trang huyện Tuy Phong dùng thuyền đánh đảo Cù Lao Thu (Phú Quý) cách đất liền 102 km.


Các tin khác