Kỷ niệm 75 năm ngày Chiến thắng phát xít: 10 trận đánh khốc liệt trong chiến tranh thế giới thứ 2

Chiến tranh thế giới thứ hai (cũng được nhắc đến với tên gọi Đệ nhị thế chiến, Thế chiến II hay Đại chiến thế giới lần thứ hai,...) là một cuộc chiến tranh thế giới thảm khốc bắt đầu từ khoảng năm 1939 và chấm dứt vào năm 1945, diễn ra giữa các lực lượng Khối Đồng Minh và Phe Trục theo chủ nghĩa phát xít.

Hầu hết mọi lục địa trên thế giới đều bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến này, ngoại trừ châu Nam Cực và Nam Mỹ. Chiến tranh thế giới thứ hai là một cuộc chiến tranh toàn diện, kể cả dân thường không ở mặt trận cũng bị đánh bom hàng loạt. Khoảng 70 triệu người đã chết do cuộc chiến này (con số thương vong vẫn tiếp tục được nghiên cứu), kể cả các hành động tàn sát diệt chủng của Đức Quốc xã (Holocaust). Trong số thương vong, 60% người chết là thường dân, chết vì bệnh dịch, nạn đói, nạn diệt chủng và bom đạn. Thiệt hại nặng nhất là Liên Xô từ 23 tới 27 triệu người chết, trong khi theo tỷ lệ dân số là Ba Lan với 16% (5,6 triệu người chết so với 34,8 triệu người trước chiến tranh. Cho đến hiện nay, nó là cuộc chiến có quy mô rộng lớn và gây nhiều tàn phá nhất trong lịch sử nhân loại.

Nguyên nhân cuộc chiến được nêu ra thì có nhiều và là một đề tài đang được tranh cãi, trong đó có Hòa ước Versailles, đại khủng hoảng, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa quân phiệt. Cũng chưa có sự thống nhất trong việc tính ngày bắt đầu cuộc chiến: một số ý kiến cho rằng đó là khi Đức xâm lược Ba Lan vào ngày 1 tháng 9 năm 1939, một số người khác tính ngày Nhật Bản xâm lược Trung Quốc vào ngày 7 tháng 7 năm 1937, còn một số khác thì tính vào một ngày còn sớm hơn nữa: ngày Nhật xâm lăng Mãn Châu vào năm 1931. Cũng một số người khác cho rằng hai cuộc thế chiến thực ra chỉ là một và được chia ra bởi một cuộc ngừng bắn.

Chiến sự xảy ra tại khắp các khu vực: Đại Tây Dương, châu Âu, Bắc Phi, Trung Đông, Địa Trung Hải, Thái Bình Dương, phần lớn Đông Á và Đông Nam Á. Trong đó, chiến sự có quy mô lớn nhất, số người thiệt mạng nhiều nhất diễn ra ở khu vực Đông Âu giữa Liên Xô (một nước thuộc khối Đồng Minh) và phe Trục (gồm Đức Quốc Xã và 8 nước chư hầu của Đức). Cuộc chiến kết thúc tại châu Âu khi Đức đầu hàng vào ngày 8 tháng 5 năm 1945 (theo giờ Berlin, còn theo giờ Moskva là ngày 9 tháng 5) nhưng vẫn còn tiếp diễn tại châu Á cho đến khi Nhật đầu hàng vào ngày 2 tháng 9 năm 1945.

Sau đây là 10 trận đánh được xem là đẫm máu nhất trong Chiến tranh thế giới thứ II.

1. Trận Monte Cassino: Trận chiến Monte Cassino giữa phe Đồng minh và liên quân Đức - Italy vào nửa đầu năm 1944. Cuộc chiến gồm 4 trận đánh nhỏ hơn diễn ra lần lượt vào các tháng 1, 2, 3 và 5. Phe Đồng minh cuối cùng chiếm được thành Rome của Italy nhưng phải trả cái giá rất đắt. Các bên tham chiến hứng chịu thương vong tới hơn 125.000 người.

2. Trận Ardennes: Đây là cuộc tấn công lớn cuối cùng của Đức ở mặt trận phía Tây, được đặt theo khu vực rừng rậm của Bỉ, Pháp và Luxembourg. Dù gây bất ngờ lớn cho quân Đồng minh, cuối cùng, phát xít Đức vẫn thất trận thảm hại. Trận đánh đã khiến 186.369 người thương vong. Với khoảng 840.000 lính tham chiến, đây là trận đánh lớn nhất mà Lục quân Mỹ tham gia trong chiến tranh thế giới thứ 2.

3. Trận Kursk: Đây là chiến thắng quyết định của Hồng quân Liên Xô trên mặt trận Phía Đông, Trận đánh Kursk chứng kiến loạt đấu xe tăng lớn nhất trong toàn cuộc chiến tranh. Theo các con số do Liên Xô đưa ra, phát xít Đức tổn thất tới 500.000 người. Quân đội Liên Xô tiếp tục tiến lên, giải phóng hầu hết lãnh thổ Ukraine vào giữa năm 1943.

4. Trận đánh Kharkov lần 2: Kharkov là thành phố có tầm quan trọng chiến lược ở Ukraine. Nơi đây chứng kiến giao tranh dữ dội vào mùa thu năm 1941, khi quân Đức đánh chiếm thành phố này. Một năm sau, Hồng quân Liên Xô mở cuộc tấn công lớn để tái chiếm thành phố. Không may cho Hồng quân, lực lượng Đức Quốc xã ở đây vẫn còn rất mạnh và chúng đủ khả năng tổ chức phòng ngự - phản công mãnh liệt. Chiến thắng này khiến Đức tự tin thái quá. Đây có thể là một trong các nguyên nhân khiến Đức về sau suy yếu dần trên mặt trận phía Đông.

5. Trận Luzon: Luzonlà đảo lớn nhất ở Philippines, có tầm quan trọng chiến lược rất lớn đối với Mỹ. Năm 1945, quân Mỹ được phép mở một cuộc tấn công vào Luzon (bị Nhật Bản chiếm vào năm 1942). Trận đánh lớn tại đảo này diễn ra từ ngày 9/1-15/8/1945, đã gây thương vong cho đôi bên hơn 332.000 quân.

6. Trận tấn công nước Pháp: Chiến dịch tấn công nước Pháp đánh dấu sự kết thúc của Chiến tranh “Giả vờ” - giai đoạn đầu của chiến tranh thế giới thứ 2. Quân Đức dễ dàng hạ quân Pháp, dù nước này nhận được hỗ trợ từ lực lượng viễn chinh của Anh và các sư đoàn Bỉ, Hà Lan. Theo các nhà sử học, chiến dịch tấn công nước Pháp của Đức đã khiến hơn 469.000 người thương vong.

7. Trận Narva: Các nhà sử học chia trận chiến này thành 2 giai đoạn, tổn thất lên tới hơn 550.000 quân. Cuối cùng, sau nhiều tháng kịch chiến, Hitler cho rút toàn bộ quân khỏi Estonia. Hàng chục nghìn người đã tử trận, đặc biệt là bên phía Hồng quân. Phía Liên Xô hứng chịu thương vong lớn khi đối mặt các cuộc phản kích của quân Đức.

8. Trận Moscow: Trận đánh tại thủ đô của Liên bang Xô Viết đã gây tổn thất lớn cho hai phía. Phía Liên Xô hứng chịu 650.000 thương vong, trong khi quân đội Đức Quốc xã mất khoảng 150.000 người chỉ trong khoảng 20 ngày giao tranh.

9. Chiến dịch công phá Berlin: Trận công kích lớn cuối cùng trong Thế chiến 2 ở châu Âu - trận Berlin - chứng kiến sự sụp đổ của quân đội Đức, sự tự sát của Hitler và chiến tranh kết thúc. Tại hang ổ cuối cùng, phát xít Đức cố thủ trong từng tấc đất trước khi bị quân đội Liên Xô đánh tan. Sau nhiều trận chiến đẫm máu, cuối cùng, Hồng quân chiếm được tòa nhà Quốc hội Đức ngày 30/4/1945.

10. Trận Stalingrad: Đây là trận chiến đẫm máu nhất trong chiến tranh thế giới thứ hai, diễn ra năm 1943. Theo sử sách, hơn 1,7 triệu người phải bỏ mạng, riêng Liên Xô có hơn 1 triệu người chết hoặc bị thương. Trong trận này, Hitler có ý đồ giành thế thượng phong ở mặt trận phía Đông.


Các tin khác

TIN NỔI BẬT