Ranh giới giữa tốt và xấu

Trong nhiều cuộc họp, hội nghị ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương, có những người mạnh dạn đứng lên phát biểu khen ngợi cái tốt, bảo vệ cái tốt, đồng thời phê bình những cái xấu; cũng có người nói rằng một số cán bộ thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh. “Cái tốt” và “cái xấu” có nhiều ý kiến khác nhau và ranh giới cũng mong manh. 

Vậy “cái tốt” là gì? Là những cái phục vụ lợi ích chung của Đảng, của Nhà nước, của dân tộc, những cái tốt không đi ngược lại lợi ích của tập thể; phù hợp với truyền thống, đạo lý và pháp luật quy định. Ngược lại “cái xấu”, chỉ phục vụ cho lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm; trái với luân thường đạo lý, trái với lợi ích tập thể, cộng đồng và trái với pháp luật quy định. Nhưng thực tiễn cho thấy rằng nhiều cái xấu hiện rõ trước mắt chúng ta: Một số người dùng vị trí được giao của mình để triệt hại người khác; người thì thù vặt, định kiến; biến người tốt, việc tốt thành người xấu, việc xấu; một số ăn theo nói leo, phụ họa để dìm người tốt; một số ít đâm bị thóc, chọc bị gạo; vu khống, đổ thừa làm cho người tốt thành xấu. Có người thì tham những, trục lợi, bất chấp quy định pháp luật và đạo lý. Nhưng trên đời này, người tốt vẫn tốt.

 Xưa nay vẫn vậy, kẻ tham sống thì sợ chết; kẻ tham chức thì sợ sai, lo “tranh công, đổ lỗi”; có người yếu kém nhiều mặt nhưng thích lòe, là dối trá nhằm qua mặt nhiều người, cũng là dối trá, đáng khinh bỉ; kẻ bất tài thì thích xu nịnh... Bài học cho những ai sống dựa dẫm, những người dùng của chung, cái chung phân phát cho những người theo mình, cánh hẩu, người được lợi há miệng mắc quai; hình phạt nặng nhất là sau những việc làm không tốt thấy rằng “ăn không ngon, ngủ không yên”, lúc nào cũng “nhất đêm bán kế” luôn nghĩ việc xấu để kìm hãm người khác; không quang minh, chính đại để làm những việc có hại cho nước, cho dân, cho những người xung quanh, một số ít nhân danh dân chủ để làm việc mất dân chủ.

Cách đây một thời gian ngắn, có những chuyện xung quanh Vụ Thiếu tá Trịnh Văn Khoa, người tố cáo tiêu cực ở Công an Quận Đồ Sơn - Hải Phòng. Mặc dù rất yêu nghề Công an, nhưng trước những sự việc sai trái của nhóm cán bộ, chiến sĩ Công an Quận Đồ Sơn làm sai lệch hồ sơ trong vụ việc có dấu hiệu tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Đồng chí xin ra khỏi ngành Công an và làm đơn tố cáo. Nhiều cán bộ chiến sĩ Công an của Quận Đồ Sơn phải ra trước vành móng ngựa. Chỉ có những cán bộ có bản lĩnh, có trách nhiệm, trọng danh dự, có lòng dũng cảm mới đưa những vụ việc tiêu cực ra trước ánh sáng; làm rõ lằn ranh “tốt” và “xấu”. Hay như vụ án Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, do ông Phạm Tấn Lực kỹ sư tố cáo sai phạm, sau 5 năm giám sát, thu thập chứng cứ, đưa ra ánh sáng việc thi công ẩu, chất lượng công trình không bảo đảm. Ông bị dọa nạt, theo dõi, bị mua chuộc từ bỏ tố cáo, nhưng ông đã không chấp thuận. Kết quả 36 người có liên quan sai phạm đã bị pháp luật xử lý hình sự. Có những những chuyện xung quanh ta rất đẹp và nhân văn đó là vụ cháu bé 14 tuổi được cứu sống trong vụ cháy ở Quận Hoàng Mai - Hà Nội, làm ta cảm động và phấn khích; hay những y bác sĩ, chiến sỹ trên tuyến đầu chống dịch; những gương tích cực trong đấu tranh phòng chống tham nhũng; trong công tác cán bộ.... là những tấm gương để cổ vũ chúng ta làm nhiều điều tốt hơn; đấu tranh, phê phán những thói hư, tật xấu, tiêu cực để xây dựng cơ quan, đơn vị, địa phương, xã hội văn minh. Có vụ việc tàn nhẫn, phi nhân tính, như vụ cháu bé 8 tuổi ở Quận Bình Thạnh bị bạo hành đến tử vong. Cơ quan cảnh sát điều tra Quận Bình Thạnh điều tra và khởi tố vụ án hình sự đối với Vũ Quỳnh Trang về tội “hành hạ người khác” và bổ sung thêm về “tội giết người”. Vụ án ở Công ty Việt Á liên quan đến cung ứng thiết bị, sinh phẩm y tế phòng chống dịch Covid-19; vụ “Tịnh thất bồng lai”, đó là những tốt xấu lẫn lộn.... Người tốt, việc tốt là những gương để cỗ vũ chúng ta làm nhiều điều tốt hơn; đấu tranh, phê phán những thói hư, tật xấu, tiêu cực để xây dựng một xã hội văn minh. Cái giá phải trả cho việc làm tốt không phải lúc nào cũng dễ dàng. Chỉ có lòng dũng cảm thôi chưa đủ mà còn phải sáng suốt, tỉnh táo và khéo léo. Vẫn còn một số cơ hội và thực dụng đang chờ sơ hở để lập công và tranh thủ hưởng lợi. Những “việc tốt”, “việc xấu” nêu trên là cơ sở để nhìn nhận vấn đề một cách thấu đáo, vừa bao dung, vừa nhân văn nhưng cũng kiên quyết, phải thượng tôn pháp luật.

Ở một số ít cơ quan, đơn vị có những người vì lợi ích cá nhân, vì động cơ không trong sáng, vì năng lực, trình độ, nhận thức yếu kém, bảo thủ, trì trệ đã lôi kéo hoặc kìm hãm sự phát triển cơ quan, đơn vị, không thấy được những việc làm của mình không tốt, những hạn chế, nhưng lại đổ cho khách quan và nghĩ không tốt cho người khác là tự hại mình, hại tập thể.

Chúng ta biết rằng, mọi việc tốt hay xấu do cán bộ mà ra: “cán bộ là gốc của mọi công việc”, để có cái nhìn thấu đáo về việc này phải kiên quyết loại bỏ những cán bộ yếu kém về trình độ, năng lực “Nhiệt tình cộng với dốt nát thành đại phá hoại” và những cán bộ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, gây bao phiền toái, thậm chí là đi ngược lại lợi ích của nhân dân, của Đảng, của tập thể, gây thiết hại tài sản Nhà nước, sdanh dự tổ chức; triệt hại đồng chí, đồng nghiệp chân chính của mình, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, làm cho “cái tốt”“cái xấu” lẫn lộn. Nếu không tu dưỡng, rèn luyện, không có bản lĩnh, không được cảnh báo thì dễ mắc phải và bị kẻ xấu lôi kéo, là cơ hội cho những người thực dụng, đục nước béo cò; vàng, thau  lẫn lộn. Tuy nhiên, cũng cần cảnh tỉnh và nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên đấu tranh với những người lợi dụng các kết luận, quy định của Đảng, Nhà nước để hạ bệ lẫn nhau vì những động cơ không trong sáng, những việc làm không tốt, làm cho nội bộ xào xáo.

Năm Tân Sửu sắp kết thúc, những gì làm cho danh dự, uy tín tổ chức, cá nhân bị suy giảm; chưa tốt cho dân, cho nước cần được loại bỏ, để lại phía sau. Những điều tốt, việc tốt cần được nhân lên trong năm Nhâm Dần, để “cái tốt” lấn át “cái xấu”, làm cho cơ quan, đơn vị, xã hội sáng hơn trong muôn màu sắc rực rỡ. Chúng ta vượt khó qua một năm chống chọi với đại dịch Covid-19 và nhiều khó khăn thách thức khác để năm Nhâm Dần gặt hái những thành tựu to lớn hơn vì con người và cho con người mà đầu tiên phải là công tác cán bộ “Cái gốc của mọi công việc”, chúng ta có quyền hy vọng về một đổi thay vượt bậc của cơ quan, đơn vị, địa phương và của xã hội; làm cho những mục tiêu cao cả mà Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra đi vào cuộc sống. Xuân đã đến, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng thắng lợi mới, mừng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Phá bỏ những cản trở trên bước đường đi tới ấm no hạnh phúc, Đảng ta đã đưa ra những kết luận, quy định (KL14, KL 21, Quy định 37 .... ) nhằm bịt những lỗ hổng còn sót lại để làm cho mỗi cán bỗ, đảng viên phấn đấu, góp phần vun đắp cho cuộc sống này tốt đẹp hơn, không có đất cho những kẻ cơ hội, kẻ xấu trốn thoát, để xây dựng Đảng ta trong sạch và vững mạnh; xây dựng một xã hội Việt Nam phát triển hùng cường trên bước đường đi tới ấm no, hạnh phúc. Đồng thời, những cán bộ chân chính cũng cần phải thấy rằng: một số cán bộ nhìn óng ánh chưa chắc đã vàng, nhìn đàng hoàng chắc gì là tử tế, còn những tiêu cực là không nên. Để tránh được những điều đó, nên nhớ và hiểu rằng sống đẹp là ở cái tâm, chứ không phải thâm ở cái đầu; cán bộ, đảng viên gương mẫu đi đầu.

Phải kiên quyết đưa ra khỏi hệ thống chính trị những cán bộ không tốt, không chịu học tập, lắng nghe, tiếp thu ý kiến hợp lý của người khác, bao biện, trốn tránh. Trong tự phê bình dấu giếm, không dám nhận khuyết điểm. Có khuyết điểm thiếu thành khẩn, không tự giác nhận kỷ luật. Cục bộ, bè phái, kèn cựa dịa vị, tranh chức, tranh quyền. Ganh ghét, đố kỵ, so bì, tị nạnh, không muốn người khác hơn mình. Đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức. Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, mất đoàn kết nội bộ. Tham vọng quyền lực, tiếm quyền, lạm quyền, lộng quyền, nói nhiều, làm ít, làm ngược lại với lời nói. Thiếu gương mẫu trong công tác. Phong cách, lối sống không hội nhập; bảo thủ, trì trệ, dị ứng với cái mới, cái tiến bộ. Những biểu hiện trên là suy thoái về tư tưởng chính trị nghiêm trọng, ngược với ý Đảng, lòng dân, là những “cái xấu” cần loại khỏi bộ máy Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị.

Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: “lãnh đạo quan trọng nhất là lãnh đạo tư tưởng”; phải hiểu tư tưởng của mỗi cán bộ để giúp đỡ thiết thực trong công tác. Vì “tư tưởng thông suốt thì làm việc tốt, tư tưởng nhùng nhằng thì không làm được việc”; còn tư tưởng không trong sáng thì luôn làm những việc đen tối. Cán bộ, đảng viên có tư tưởng đó là thoái hóa về tư tưởng chính trị và đạo đức lối sống, làm ảnh hưởng đến tổ chức đảng, đảng viên. Vì Đảng là Mùa Xuân bất tận. Cái tốt là chủ đạo, nảy nở lấn át và triệt tiêu cái xấu. Sự độc đoán về tư tưởng của một người là bóp chết sự sáng tạo của nhiều người, cách áp đặt đơn phương sẽ được thay thế bằng đối thoại, cùng bàn bạc, cùng giải quyết.

Thực tiễn là thước đo chân lý, chính thực tiễn buộc lý luận, chủ trương, đường lối phải thay đổi, nếu không muốn trở thành lực cản bước tiến của cơ quan, đơn vị, địa phương, của xã hội, là có tội lớn đối với tập thể, nhân dân, với đất nước. Không thể nhắm mắt giáo điều làm theo những thứ được cho là tối ưu và bất biến để phủ định và dùng quyền lực để xóa bỏ những nhân tố mới, triệt tiêu sáng tạo… lúc nào cũng tự cho mình là đúng trong một mớ suy nghĩ hỗn độn, rối rắm, trống rỗng, thiếu thực tiễn, đó là bài học của ngày xưa.

Đôi khi nhiều người làm “việc tốt” mà không cần tới sự ghi công. Nhưng cũng tiếc rằng giữa ranh giới “cái tốt”“cái xấu” nhiều khi bị đánh tráo bởi những tấm lòng và tính cách không tốt. Nhưng thực tiễn cũng đã chứng minh rằng “chỉ có người tốt mới làm được việc tốt mà thôi”./. 

                                                                                         

 

 


Các tin khác