Một số chính sách mới có hiệu lực từ tháng 1/2022

Từ tháng 1/2022, chính sách mới về giá xăng dầu, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội… sẽ bắt đầu có hiệu lực.

 

Tăng lưu hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội

Theo Nghị định 108 của Chính phủ, từ ngày 1/1/2022, mức lương hưu và mức trợ cấp của những đối tượng đang hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng sẽ chính thức được tăng.

Mức tăng sẽ là 7,4% so với mức lương hưu, mức trợ cấp bảo hiểm xã hội của tháng 12/2021.

Sau khi thực hiện điều chỉnh theo mức tăng nêu trên, mà mức lương hưu, trợ cấp Bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng vẫn thấp hơn 2,5 triệu đồng/tháng, người nghỉ hửu trước năm 1995 còn được tăng thêm với mức như sau:

- Tăng 200.000 đồng/người/tháng nếu có mức hưởng từ 2,3 triệu đồng/người/tháng trở xuống.

- Tăng lên bằng 2,5 triệu đồng/người/tháng nếu có mức hưởng từ 2,3 triệu đồng đến dưới 2,5 triệu đồng/người/tháng.

Bên cạnh đó, mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng sau khi điều chỉnh là căn cứ để tính điều chỉnh lương hưu, trợ cấp ở những lần điều chỉnh tiếp theo.

10 ngày điều chỉnh giá xăng dầu một lần

Từ ngày 2/1/2022, Nghị định 95 sửa đổi Nghị định 83 về kinh doanh xăng, dầu bắt đầu có hiệu lực.

Nghị định 95 quy định giá xăng dầu sẽ được điều chỉnh vào các ngày mùng 1, ngày 11 và ngày 21 hàng tháng (tức là 10 ngày một lần). Nếu trùng vào ngày nghỉ, ngày lễ thì được lùi sang ngày làm việc tiếp theo sau ngày nghỉ; nếu trùng vào dịp nghỉ Tết Nguyên đán thì được lùi sang kỳ điều chỉnh tiếp theo.

Trước đây, Nghị định 83/2014/NĐ-CP quy định khoảng cách giữa hai lần điều chỉnh giá liên tiếp tối thiểu là 15 ngày đối với trường hợp tăng giá, tối đa là 15 ngày đối với trường hợp giảm giá.

Việc rút ngắn khoảng cách giữa hai lần điều chỉnh giá, xăng của Nghị định 95 được cho là nhằm tránh tình trạng tăng giá sốc, giảm giá chậm như hiện nay.

 Quy định mới về kinh doanh xăng dầu

Từ ngày 2/1/2022, Thông tư 17/2021/TT-BCT quy định mới về kinh doanh xăng dầu có hiệu lực.

Bộ Công Thương vừa bổ sung một số quy định mới trong kinh doanh xăng dầu như quy định về điều hành giá xăng dầu; về thiết bị bán xăng dầu quy mô nhỏ và đăng ký hạn mức tổng nguồn xăng dầu tối thiểu hàng năm. Đây là các quy định mới tại Thông tư 17/2021/TT-BCT ban hành ngày 15/11/2021 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 38/2014/TT-BCT quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.

Thông tư 17 bổ sung quy định về "Điều hành giá xăng dầu" như sau: Các mặt hàng xăng dầu nhà nước công bố giá cơ sở là những mặt hàng xăng, dầu được tiêu dùng phổ biến trên thị trường gồm xăng sinh học, xăng khoáng, dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut. Bộ Công Thương xác định từng mặt hàng xăng, dầu tiêu dùng nhiều nhất thuộc các nhóm mặt hàng xăng sinh học, xăng khoáng, dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut để thực hiện công bố giá cơ sở.

Về báo cáo lượng xăng dầu sản xuất trong nước: Định kỳ, trước ngày 29 của tháng cuối Quý, thương nhân đầu mối sản xuất xăng dầu báo cáo sản lượng bán xăng dầu trong nước theo từng chủng loại trong kỳ từ ngày 21 tháng trước liền kề tháng đầu tiên của Quý đến ngày 20 tháng cuối Quý về Bộ Công Thương để tổng hợp tính toán, xác định tỷ trọng (%) sản lượng xăng dầu từ nguồn trong nước và nhập khẩu trong công thức giá cơ sở.

Người dân có thể mở thẻ ngân hàng bằng hình thức online

Từ ngày 1/1/2022, Thông tư số 17/2021/TT-NHNN quy định về hoạt động thẻ ngân hàng bắt đầu có hiệu lực.

Theo đó, Ngân hàng nhà nước đã ban hành Thông tư 17/2021/TT-NHNN ngày 16/11/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động thẻ ngân hàng; trong đó, bổ sung quy định: Tổ chức phát hành thẻ có thể thực hiện phát hành thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước định danh đối với chủ thẻ chính là cá nhân bằng phương thức điện tử.

Thu nhập dưới 2 triệu đồng/tháng ở thành phố được coi là nghèo

Đây là nội dung của Nghị định 07/2021/NĐ-CP về chuẩn nghèo đa chiều, thay thế cho Quyết định 59 đã được ban hành từ năm 2015.

Cụ thể, từ năm 2022, hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2 triệu đồng trở xuống ở thành thị và từ 1,5 triệu đồng trở xuống ở nông thôn; thiếu hụt 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên được coi là hộ nghèo.

Trước đây, ở thành thị, hộ gia đình phải có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ đủ 900.000 đồng trở xuống; hoặc trên 900.000 đồng - 1,3 triệu đồng và thiếu hụt từ 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên thì mới được coi là hộ nghèo.

Còn ở nông thôn, hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ đủ 700.000 đồng trở xuống; hoặc trên 700.000 đồng - 01 triệu đồng và thiếu hụt từ 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.

Sửa đổi, bổ sung quy định giao nhận, bảo quản, vận chuyển tiền mặt

Từ ngày 8/1/2022, Thông tư 19/2021/TT-NHNN quy định về giao nhận, bảo quản, vận chuyển tiền mặt, tài sản quý, giấy tờ có giá trị sẽ bắt đầu có hiệu lực.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 19/2021/TT-NHNN ngày 24/11/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2014/TT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về giao nhận, bảo quản, vận chuyển tiền mặt, tài sản quý, giấy tờ có giá trị.

Quy định mới về quản lý, bảo trì công trình hàng không

Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Thông tư 24/2021/TT-BGTVT ngày 22/11/2021 quy định về quản lý, bảo trì công trình hàng không thay thế Thông tư số 48/2016/TT-BGTVT.

Theo Thông tư, công trình hàng không sau khi đưa vào khai thác sử dụng phải được quản lý, khai thác và bảo trì theo quy định. Thời gian thực hiện quản lý và bảo trì được tính từ ngày nghiệm thu bàn giao đưa công trình vào khai thác sử dụng.

Thông tư quy định, chi phí bảo trì công trình hàng không được thực hiện theo Điều 35 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP; Thông tư số 14/2021/TT-BXD. Việc quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì công trình hàng không thực hiện theo các quy định của pháp luật tương ứng nguồn vốn đảm bảo cho công tác bảo trì công trình hàng không.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/1/2022.

Quy định mới về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay

Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Thông tư số 29/2021/TT-BGTVT ngày 30/11/2021 quy định chi tiết về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/1/2022.

Thông tư quy định, người khai thác cảng hàng không, sân bay phải cung cấp dịch vụ xe dẫn tàu bay yêu cầu của người khai thác tàu bay. Thông tư cũng quy định người khai thác cảng hàng không, sân bay có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay lập phương án vận hành tàu bay trên đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ tàu bay, cập nhật vào tài liệu khai thác sân bay, trừ trường hợp áp dụng tạm thời trong giai đoạn cải tạo, nâng cấp, sửa chữa công trình.

Thay đổi mức phạt với nhiều vi phạm liên quan đến hóa đơn

Theo Nghị định 102 của Chính phủ quy định phạt từ 4 - 8 triệu đồng đối với trường hợp lập hóa đơn, nhưng không ghi đầy đủ các nội dung bắt buộc trên hóa đơn theo quy định, trong khi trước đây không có quy định xử phạt về hành vi này.

Tương tự, với hành vi làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập nhưng chưa khai thuế, Nghị định 102 cũng quy định phạt từ 4 - 8 triệu đồng và các bên phải lập biên bản ghi nhận việc mất, cháy, hỏng hóa đơn. Trước đây, hành vi này cũng không có quy định xử phạt.

Đáng chú ý, Nghị định mới tăng thời hiệu xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa đơn lên 2 năm, thay vì 1 năm như cũ. Nghị định 102 có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.

Xử phạt ô tô kinh doanh vận tải không lắp camera giám sát

Theo Nghị quyết 66 năm 2021 của Chính phủ, bắt đầu từ ngày 1/1/2022, nếu ô tô kinh doanh vận tải không lắp camera giám sát sẽ bị xử phạt.

Đáng lẽ, quy định xử phạt nêu trên sẽ được áp dụng từ ngày 1/7/2021 theo Nghị định 100 năm 2020, tuy nhiên sau đó Chính phủ tiếp tục ra Nghị quyết 66 tạm ngưng việc xử phạt nêu trên hết hết ngày 31/12/2021.

Ttừ ngày 1/1/2022, ô tô kinh doanh vận tải gồm: taxi, xe khách, xe buýt, xe hợp đồng… bắt buộc phải lắp camera giám sát, nếu không sẽ bị xử phạt từ 1 - 2 triệu đồng.

 

 

 


Các tin khác