Tự phê bình và phê bình là liều thuốc không thể thiếu trong quá trình xây dựng và phát triển của Đảng ta

Tự phê bình và phê bình là quy luật phát triển của một đảng chân chính và cách mạng. Trước lúc đi xa, trong Di chúc để lại, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh phê bình và tự phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất trong Đảng”. 

 

 

 

 

Trong quá trình hoạt động và phát triển của Đảng đã đạt nhiều kết quả tốt trong công tác phê bình và tự phê bình. Đặc biệt, trong những năm gần đây kể từ khi có Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII, XIII) về xây dựng chỉnh đốn Đảng, việc tự phê bình và phê bình đạt được nhiều kết quả thực chất; về nội hàm chất lượng của các tổ chức Đảng nói chung và cơ sở đảng nói riêng có bước phát triển và nâng lên về chất lượng. Nhiều tổ chức cơ sở đảng và đảng viên chuyển biến rõ nét; đồng thời, qua tự phê bình và phê bình một mặt làm cho Đảng ta ngày càng trong sạch và vững mạnh hơn; cảnh báo, răn đe những đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa; lợi ích nhóm, chủ nghĩa cá nhân  để tự soi, tự sửa  ngày càng tiến bộ.

Tuy nhiên, việc tự phê bình và phê bình ở không ít tổ chức cơ sở đảng, đảng viên còn nặng tính hình thức, qua loa, chiếu lệ; người đứng đầu một số cấp ủy đảng thiếu quyết tâm; đảng viên có tư tưởng né tránh, hoặc phê bình kiểu mũ ni che tai, dĩ hòa vi quý…Bên cạnh một số ít tổ chức cơ sở đảng, đảng viên lại lợi dung việc tự phê bình và phê bình để gây chia rẽ, bè phái, mất đoàn kết nội bộ; phê bình và tự phê bình chưa gắn kết với công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ một cách thực chất. Đảng viên tốt chưa được động viên, khích lệ, phát huy; đảng viên có khuyết điểm, vi phạm, có hạn chế không được chấn chỉnh, góp ý để khắc phục sửa chữa, thậm chí vẫn được khen, biểu dương, đề bạt dưới những vỏ bọc đa dạng để nhằm thực hiện bằng được vì lợi ích nhóm; vì lợi ích và động cơ cá nhân, nhằm lôi kéo, tranh thủ, tạo vây cánh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao; việc tự phê bình và phê bình chưa gắn kết nguyên tắc đảng với các khâu của công tác cán bộ, làm thui chột ý chí đấu tranh, phê bình, tự phê bình trong xây dựng tổ chức đảng và đảng viên, làm xói mòn niềm tin gây hoài nghi với tổ chức đảng, đảng viên nơi sinh hoạt.

Công tác tự phê bình và phê bình luôn mang tính tích cực của sự phát triển; lợi dụng tự phê bình và phê bình, núp bóng tự phê bình và phê bình vì mục đích, động cơ không trong sáng không thể làm cho tổ chức đảng, đảng viên ở đó phát triển lên được; phê bình và tự phê bình theo kiểu, cơ hội, làm giảm uy tín, của Đảng cần phải kiên quyết đấu tranh loại bỏ vì sự trong sạch, vững mạnh và phát triển của Đảng, vì lợi ích quốc gia, dân tộc vì hạnh phúc của Nhân dân. Muốn vậy, việc phê bình và tự phê bình phải bảo đảm các nguyên tắc:

            Một là, phê bình và tự phê bình phải có mục đích tốt đẹp và động cơ trong sáng. Phê bình là làm sáng tỏ vấn đề, giúp nhau phát huy mặt mạnh, mặt tích cực, chỉ rõ hạn chế, yếu kém, tiêu cực của đảng viên để giúp nhau cùng phát triển; làm cho mặt tốt, mặt tích cực lấn át mặt hạn chế, mặt tiêu cực, nghĩa là nhân cái đẹp, dẹp cái xấu; làm cho cái tốt trở thành chủ đạo và lan tỏa trong đồi sống xã hội; làm được như vậy tổ chức cơ sở đảng, đảng viên sẽ đoàn kết chặt chẽ hơn, tính thống nhất cao. Sẽ là điểm tựa vững chắc cho niềm tin phát triển, đồng thời thu hẹp mảnh đất của những đảng viên cơ hội chủ nghĩa

Hai là, phê bình và tự phê bình phải có tổ chức trên tinh thần xây dựng, đoàn kết, bảo đảm sự thống nhất, chỉ rõ những mặt hạn chế, thiếu sót, khuyết điểm của tư tưởng, đạo đức, lối sống; các biểu hiện sai trái bên ngoài của đảng viên đó như tác phong, cử chỉ, thái độ chưa đúng …

Ba là, phê bình và tự phê bình phải khách quan, trung thực, thẳng thắn, chân thành, phải thấu tình, đạt lý; có như vậy đảng viên được phê bình và người phê bình có thể rút ra được nhiều điều bổ ích trong quá trình công tác, và sai phạm phải được xử lý nghiêm minh, không né tránh, đùn đẩy, mới nâng cao hiệu quả của phê bình và tự phê bình.

Bốn là, phê bình và tự phê bình phải thường xuyên, liên tục, như Chủ tịch Hồ chí Minh nói là “như rửa mặt hằng ngày”.

Tuy nhiên, trong thực tiễn nguyên tắc tự phê bình và phê bình không phải lúc nào cũng được tiến hành đúng, suôn sẻ và nâng cao hiệu quả; có lúc gặp nhiều khó khăn cản trở do nhận thức của một số không ít đảng viên chưa đúng đắn. Để việc tự phê bình và phê bình ngày càng nâng cao hiệu quả, nhất thiết mỗi một cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên phải thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, thường xuyên nâng cao nhận thức của mỗi cán bộ, đảng viên, của tổ chức cơ sở đảng, người đứng đầu; nâng cao trách nhiệm cá nhân trong việc tiến hành phê bình và tự phê bình trong tổ chức đảng của mình; mọi biểu hiện của phê bình với động cơ không trong sáng, gây mất đoàn kết nội bộ giảm sức mạnh đấu tranh và hoài nghi lẫn nhau; làm giảm sút ý chí trong phê bình và tự phê bình với những đảng viên vi phạm.Việc phê bình và tự phê bình phải thường xuyên, liên tục, nghiêm túc, thực hiện đúng Quy định của Điều lệ Đảng, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII, XIII), những quy định của Đảng, đặc biệt là Kết luận số 14-QĐ/TW của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung và Quy định số 37-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về những điều đảng viên không được làm, làm cơ sở cho việc xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch và vững mạnh hơn.

Hai là, đưa việc phê bình và tự phê bình trở thành thường xuyên và nền nếp trong sinh hoạt Đảng để mỗi cán bộ, đảng viên tự soi, tự sửa; phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm để ngày càng tiến bộ.

Ba là, phát huy dân chủ trong Đảng và giám sát của các đoàn thể chính trị-xã hội trong cơ quan và giám sát của Nhân dân nơi cư trú trong góp ý phê bình cán bộ, đảng viên. Việc phát huy dân chủ trong Đảng và giám sát của các đoàn thể chính trị-xã hội trong cơ quan góp ý phê bình cán bộ, đảng viên phải được cấp ủy, tổ chức đảng quan tâm đúng mức; phải tạo bầu không khí cởi mở, khuyến khích quần chúng và các tổ chức đoàn thể góp ý cho tổ chức đảng và đảng viên; cấp ủy, tổ chức đảng phải biết lắng nghe ý kiến phê bình của quần chúng, Nhân dân. Định kỳ tổ chức đảng, cấp ủy phải tổ chức cho quần chúng góp ý cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng, cấp ủy; tiếp thu nghiêm túc và sữa chữa những khuyết điểm, hạn chế đã được góp ý. Đối với những góp ý chưa đúng phải giải thích; làm sáng tỏ để quần chúng yên tâm trên tinh thần xây dựng và phát triển.

Bốn là, gắn kết chặt chẽ giữa phê bình và tự phê bình với công tác kiểm tra, giám sát để khắc phục kịp thời những hạn chế và phát huy những mặt tích cực. Đặc biệt ngăn chặn kịp thời những hạn chế được chỉ ra qua kiểm tra, giám sát. Trong quá trình kiểm tra, giám sát phải đổi mới nội dung, phương thức để nâng cao và phát huy hiệu quả của công tác tự phê bình và phê bình; chấn chỉnh, khắc phục kịp thời những biểu hiện lệch lạc của tự phê bình và phê bình, nhất là khâu đoàn kết, lợi dụng phê bình để trù dập cán bộ hoặc làm mất uy tín của cán bộ, đảng viên.

Năm là, các cấp ủy, tổ chức đảng cần triển khai sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và quần chúng trong các tổ chức chính trị-xã hội về Kết luận 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung và Quy định số 37-QD/TW về những điều đảng viên không được làm gắn với việc đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.

Sáu là, xử lý nghiêm minh cán bộ, đảng viên sai phạm, vi phạm pháp luật làm gương cho cán bộ, đảng viên và quần chúng noi theo và đặc biệt là xây dựng niềm tin vững chắc của cán bộ, Nhân dân một lòng sắt son theo Đảng.

Tự phê bình và phê bình là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng và đã được khẳng định trong thực tiễn hơn 91 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng. Chỉ có tự phê bình và phê bình nghiêm túc mới có thành công, niềm tin nhân lên và sự ủng hộ của của Nhân dân ngày càng mạnh mẽ và Đảng mới thực sự gắn bó mật thiết với Nhân dân ./.                             


Các tin khác