Kỷ niệm 110 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 - 5/6/2021): Nguyễn Tất Thành từ Pháp sang Anh

Sau cuộc hành trình đến nhiều nước trên thế giới, Nguyễn Tất Thành theo tàu biển trở về nước Pháp, rồi quyết định sang nước Anh vào cuối năm 1913. Lần đầu tiên đặt chân tới London - thủ đô nước Anh - nơi mà trước đó C. Mác, Ph. Ăng-ghen và V.I. Lê-nin đã từng sống và làm việc.

Tại London, C. Mác đã viết bộ Tư bản, bộ sách mà chính tác giả coi như “một tên lửa đáng gờm nhất bắn vào giới lãnh đạo của tầng lớp thượng lưu”; còn Lút-vích Phoi-ơ-bắc (Ludwig Andreas Feuerbach 1804-1872 là nhà triết học người Đức) đã đánh giá: “Đó là lưởi kiếm của chúng ta, chiếc áo giáp của chúng ta, là vũ khí tiến công và phòng vệ”[[1]]. C. Mác đã cùng với người bạn chiến đấu Ph. Ăng-ghen soạn thảo “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” xuất bản (2/1848). Sự ra đời của “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” đánh dấu sự phát triển vượt bậc của phong trào công nhân - đó là sự phát triển từ tự phát đến tự giác. Tư tưởng khoa học và cách mạng trong văn kiện lịch sử này nhanh chóng thâm nhập vào giai cấp vô sản và lan tỏa trong các tầng lớp nhân dân lao động, trở thành lực lượng vật chất vĩ đại.

Tại nước Anh, C. Mác trực tiếp tiếp xúc với phong trào công nhân Anh. Công nhân Anh lúc bấy giờ đã đạt tới trình độ tổ chức cao, là công nhân đại công nghiệp. Phong trào Hiến chương, một tổ chức bao gồm 50 nghìn người đấu tranh, sau thất bại năm 1842, lại bắt đầu tăng lên vào những năm 1847-1848, đã in sâu trong nhận thức tư tưởng của C. Mác. Nó góp phần để C. Mác phát triển thành những luận điểm về vai trò lịch sử toàn thế giới của giai cấp vô sản. London còn là một trong những trung tâm hoạt động của “Đồng minh những người cộng sản”[[2]]. Nhưng có lẽ dấu ấn in đậm nhất trong cuộc đời của C. Mác ở London là ông đã tìm hiểu cặn kẽ nước phát triển nhất trong các cường quốc tư bản chủ nghĩa lúc ấy, qua đó đã giúp ông hiểu rõ tình hình xã hội tư bản là như thế nào?[[3]] Đó là “những hiện tượng mà trong những nước khác ông chỉ có thể quan sát dưới những hình thức kém rõ ràng và kém hoàn chỉnh hơn”[[4]].

Ph. Ăng-ghen khi đặt chân tới London, đã nói rõ ý định của mình nghiên cứu phong trào công nhân Anh. Tác phẩm nổi tiếng của ông Tình cảnh giai cấp công nhân Anh là kết quả của việc thâm nhập phong trào công nhân Anh mà Ph. Ăng-ghen “mới trở thành người xã hội chủ nghĩa” như V.I. Lê-nin đã nói.

V.I. Lê-nin có mặt ở London từ năm 1902 đến năm 1908, để nghiên cứu đời sống của giai cấp công nhân Anh. Cơ-rup-xcai-a (Krupskaya) - người bạn chiến đấu và người vợ chung thủy của V.I Lê-nin, kể lại: “Chính ở London, V.I. Lê-nin đã bị cuốn hút vào phong trào công nhân”.

Các vị lãnh tụ của giai cấp vô sản thế giới đến London với những hoàn cảnh khác nhau, nhưng đều có một mục đích là tìm hiểu nền đại công nghiệp Anh và phong trào công nhân Anh.

Khi Nguyễn Tất Thành đặt chân tới nước Anh, Chính phủ Anh đang ráo riết chuẩn bị chiến tranh - (Chiến tranh thế giới lần thứ nhất diễn ra từ ngày 28/7/1914 đến 11/11/1918). Nhiều công xưởng sản xuất máy móc, chuyển sang đúc súng đạn…

Những ngày đầu đến London, Nguyễn Tất Thành thường ở căn nhà số 8, đường Xtê-phơn Tốt-ten-ham (stephen Tottenham) và làm nghề cào tuyết, rồi đốt lò, sau đó chuyển đến làm thuê cho hiệu ăn Các-lơ-tơn (Carlton). Công việc của Nguyễn Tất Thành ở hiệu ăn Các-lơ-tơn cũng gần giống như công việc mà Người đã làm trên tàu Đô đốc Latouche Treville hồi năm 1911 và tranh thủ những lúc có thể để học tiếng Anh. Ở London, tuy làm việc vất vã nhưng Nguyễn Tất Thành luôn theo dõi sát tình hình thời cuộc, thường xuyên liên hệ với một số người Việt Nam yêu nước lúc đó đang sống ở Pháp, thể hiện qua các bức thư Anh viết gửi cụ Phan Chu Trinh:

“Hy Mã[[5]] Nghi bá đại nhơn!

Cháu kính chúc Bác, em Dật[[6]] và ông Trạng[[7]] và các anh em ta ở Paris đều mạnh giỏi. Nay cháu đã tìm được nơi để học tiếng.

Mấy 4 tháng rưỡi nay thì chỉ làm với Tây, nói tiếng Tây luôn luôn. Tuy ở Anh song chẳng khác gì ở Pháp và tháng ngày luống những chỉ lo làm khỏi đói, chớ chẳng học được bao nhiêu. Và cháu ước ao rằng 4, 5 tháng nữa lúc gặp Bác thì sẽ nói và hiểu được tiếng Anh nhiều nhiều.

Bên ta có việc gì mới? Và nếu Bác dịch mấy hồi sau xong[[8]], xin Bác gửi cho cháu.

Chuyến này Bác sẽ đi nghỉ hè đâu?

                                                                                       Nay kính

                                                                    Cuồng điệt[[9]]: Nguyễn Tất Thành”[[10]].

Sự trao đổi thư từ giữa Nguyễn Tất Thành với cụ Phan Chu Trinh được thường xuyên cho đến trước khi cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ và cụ Phan Chu Trinh bị bắt (8/1914). Lá thư tiếp theo Nguyễn Tất Thành viết:

“Kính gởi Nghi bá đại nhơn!

 Tiếng súng đã rền vang và thây người đã phủ trên đất. Năm cường quốc đã vào vòng chiến và chín nước đang đánh nhau. Cháu chợt nhớ đến thư cách đây mấy tháng đã viết về cơn dông bão này. Định mệnh sẽ dành cho chúng ta nhiều bất ngờ và không thể nói trước ai sẽ thắng…

 Các nước trung lập đang còn lưỡng lự và các nước tham chiến chưa rõ được ý họ. Tình hình như vậy ai nhúng mũi vào thì chỉ có thể đứng về phía này hoặc phía kia. Hình như người Nhật có ý nhúng tay vào. Cháu nghĩ trong vòng 3, 4 tháng nữa số phận châu Á sẽ thay đổi và thay đổi nhiều. Mặc kệ những kẻ đang đánh nhau và bạo động, phần chúng ta hãy cứ bình tâm.

 Xin gửi lời thăm Nghi bá và em Dật. Xin trả lời cháu về địa chỉ sau đây:

 Nguyễn Tất Thành, Số nhà 8, Stenphen Totterham Rd.London”[[11]].

Qua các thư này, chúng ta dễ dàng nhận thấy Nguyễn Tất Thành đã và đang theo dõi chiến sự ở châu Âu một cách đặc biệt, phần cuối có đề cập đến châu Á, trong đó có một phần quê hương và đồng bào ta. Anh nói về “cơn giông sấm động” của cuộc chiến tranh thế giới. Tổ quốc Việt Nam sẽ ra sao trước thế cuộc xoay vần. Trong thư anh hỏi cụ Phan “bên ta có việc gì mới?” đã cho thấy Anh rất nóng ruột với tình hình nước nhà.

Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ dữ dội khi nước Anh nhảy vào cuộc chiến (ngày 4/8/1914). Nhận được tin Chính phủ Anh tuyên chiến, ở London náo động, nhân dân đứng chen chúc trước điện Bấc-kinh-ham (Buckingham) nghe ngóng. Người ta vỗ tay hoan hô những binh sĩ đang trên đường hành quân ra trận. Đâu đâu cũng nhằng nhịt biểu ngữ, đòi bảo vệ tự do dân tộc, cứu vãn lấy nền văn minh, đả đảo Đức - Hung… Tiếng cổ động cho lệnh tổng động viên vang lên trên các đường phố. Những người mẹ, người vợ ôm mặt khóc khi nhìn chồng, con của họ mỗi lúc mờ dần trong bụi chiến tranh. Nguyễn Tất Thành theo dõi sát diễn biến của cuộc chiến tranh. Anh dự đoán cuộc chiến có nhiều điều bất ngờ và khó lòng nói trước rằng ai sẽ thắng, vì các nước trung lập phân vân, các nước tham chiến đang giữ kín ý đồ. Vấn đề là nước nào tham chiến chỉ có thể đứng về phe này hoặc phe kia. Anh dự đoán hình như người Nhật Bản có ý định nhảy vào vòng chiến. Và châu Á lúc đó sẽ có cuộc chuyển lay.

Tình hình nước Anh biến động. Lô-ít Gioóc-giơ (L. George) lật đổ Át-qui (M. Asquish) để lên làm thủ tướng. Tình hình ở Anh và trên thế giới làm cho Nguyễn Tất Thành không thể luẩn quẩn trên đất Anh. Nguyễn Tất Thành muốn biết nhiều hơn nữa về tình hình Tổ quốc. Ở nước Anh, tin tức từ Việt Nam sang quá ít ỏi (lúc này cụ Phan Chu Trinh đã bị bắt nên tin tức từ cụ Phan không còn). Anh quyết định trở lại Pháp vào khoảng cuối năm 1917…

                Bài tới: Paris đến Mát-xơ-cơ-va và hành trình trở về Tổ quốc                                                                                                              

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Ban Tuyên giáo Trung ương (2007), 117 Chuyện kể về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

2. Các Mác, Tiểu sử (1975), tập 2. Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.

3. Thu Trang (1991), Nguyễn Ái Quốc tại Paris 1917-1923, Viện Văn hóa Ngệ thuật Việt Nam, Hà Nội.

 


[1] Các Mác. Tiểu sử (1975) t.2. Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr.88.

[2] Thời gian ở Anh, C. Mác và Ăng-ghen liên hệ với một tổ chức bí mật là Đồng minh những người chính nghĩa. Đây là tổ chức của những người Đức lánh nạn chủ yếu là thợ may, về sau có thêm thợ thủ công phát triển từ Pháp, sang Anh, Đức... Tháng 6 - 1847, tại đại hội Đồng minh những người chính nghĩa, theo đề nghị của Ăng-ghen, đổi tên thành tổ chức Đồng minh những người cộng sản. Đồng minh những người chính nghĩa là một tổ chức bí mật của cộng sản Tây Âu, ủng hộ khuynh hướng hoạt động có tính chất âm mưu, còn Đồng minh những người cộng sản đề ra mục đích đấu tranh rõ ràng là: “lật đổ giai cấp tư sản, thiết lập sự thống trị của giai cấp vô sản, thiểu tiêu xã hội tư sản cũ”. Ngoài việc nghiên cứu lý luận C. Mác và Ăng-ghen đặc biệt quan tâm xây dựng một chính đảng độc lập cho giai cấp vô sản.

[3] Thuộc địa của Anh đến năm 1914 đã có khoảng 33,8 triệu Km2 và 393,5 triệu dân.

[4] Các Mác. Tiểu sử (1975) t.2. Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr.171.

[5] Hy Mã là biệt hiệu của Phan Chu Trinh.

[6] Tức Phan Châu Dật-con trai đầu cùng sang Pháp với cụ Phan Châu Trinh.

[7] Tức Phan Văn Trường-lúc đó đang làm Luật sư ở Paris.

[8] Lúc này cụ Phan Chu Trinh đang dịch tập Giai nhân kỳ ngộ.

[9] Người cháu hăng say.

[10] Thu Trang (1991), Nguyễn Ái Quốc tại Paris 1917-1923, Viện Văn hóa Ngệ thuật Việt Nam, Hà Nội, tr. 21.

[11] Thu Trang (1991), Nguyễn Ái Quốc tại Paris 1917-1923, Viện Văn hóa Ngệ thuật Việt Nam, Hà Nội, tr. 25

 


Các tin khác