Kỷ niệm 110 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 - 5/6/2021): Từ quê hương đến cảng nhà rồng

Ngày 5/6/1911, Nguyễn Tất Thành, bằng trái tim, khối óc và đôi bàn tay lao động, muốn đánh đuổi thực dân xâm lược, giải phóng đồng bào, bắt đầu vượt trùng dương sóng gió, đi ra nước ngoài, khảo sát tình hình, tìm tòi một con đường giải phóng cho dân tộc Việt Nam. 

Người ra đi còn để trả lời câu hỏi mà dân tộc Việt Nam lúc ấy đặt ra là: đánh đuổi thực dân bằng con đường nào thì thành công? Cuộc hành trình của Người bắt đấu từ giờ phút thiêng liêng đó. Nguyễn Tất Thành ra đi với tư cách là của một người dân mất nước đi tìm con đường đúng giành lại nước. Hành trang của Anh lúc lên đường chẳng có gì ngoài bầu máu nóng yêu nước sục sôi trong Anh, sau này đã đưa Anh tới sự nghiệp vĩ đại: giải phóng Tổ quốc, đồng bào.

Giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX là giai đoạn lịch sử Việt Nam có những biến đổi hết sức to lớn. Thực dân Pháp xâm lược và biến nước ta từ một nước độc lập thành một nước thuộc địa nửa phong kiến. Yêu cầu bức thiết và cháy bỏng luúc này  là: “độc lập dân tộc và người cày có ruộng”. Chế độ phong kiến Việt Nam cùng với hệ tư tưởng Nho giáo ngày càng tỏ ra bất lực trước yêu cầu của công cuộc chống ngoại xâm vì nền độc lập dân tộc. Trong nội bộ giai cấp địa chủ phong kiến có sự phân hóa sâu sắc. Triều đình nhu nhược, cam chịu làm tay sai cho thực dân. Vì vậy các phong trào đấu tranh của nhân dân ta theo ý thức hệ phong kiến (tiêu biểu là phong trào Văn Thân và phong trào Cần Vương) lần lượt đều bị thất bại. Nhân dân lao động gầy gò rách rưới, đói khát, đang quằn qoại dưới ngọn roi của thực dân phong kiến. Chúng đã xúc phạm dân tộc ta bằng sự khinh miệt. An-be Xa-rô (Albert Sarraut) - Toàn quyền Đông Dương thời đó trịch thượng tuyên bố: “Người thợ nặn muốn nặn ra hình người, thì cần phải có đất sét, có đất rồi mới nặn thành người được. Xã hội An Nam cũng ví như đất, còn người Pháp ví như người thợ nặn. Cái tay nước Pháp lấy cái đất nước Nam ấy mà nặn ra người có nhân cách để giữ được quyền lợi, vì đã có luật pháp cao hơn mà che chở cho”[[1]].

Nguyễn Tất Thành sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống yêu nước, thương dân, một địa phương có truyền thống văn hóa “địa linh, nhân kiệt”. Từ lúc tuổi còn nhỏ, Người sớm được tiếp cận với các tư tưởng lớn của phương Đông, hấp thụ vốn văn hóa truyền thống của dân tộc, Hán học và bước đầu tiếp xúc với văn hoá phương Tây. Chứng kiến cảnh khổ cực của người dân mất nước, tinh thần đấu tranh bất khuất,  những trang sử lẫm liệt của cha anh đối đầu với thực dân Pháp. Người càng nung nấu thêm lòng yêu nước, thương dân sâu sắc và hun đúc những hoài bão lớn lao. Nguyễn Tất Thành ngày một lớn dần lên về tầm vóc và suy nghĩ, lần lượt chứng kiến biết bao sự kiện thương tâm giày vò dân tộc.

Tiếng súng chống Pháp của dân tộc ta nổ ra liên tục từ năm 1858, khi thực dân Pháp tấn công và chiếm thành Đà Nẵng. Năm 1859, Pháp chiếm thành Gia Định (Sài Gòn), nhân dân Gia Định nổi dậy chống giặc. Năm 1862, triều đình Huế cúi đầu ký “Hiệp ước hòa bình và hữu nghị”, dâng ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ: Gia Định, Định Tường, Biên Hòa cùng Côn Đảo cho Pháp, gây sự phẫn nộ sâu sắc trong nhân dân. Sỹ phu Nam Kỳ uất ức tuyên bố chống lại Hiệp ước. Năm 1867, Pháp bắt đầu lấn sâu chiếm luôn ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ, rồi buộc triều đình Huế dâng nhiều tỉnh cho chúng, sự phẫn nộ của nhân dân ngày ngày một dâng cao. Năm 1873, Pháp nổ súng đánh chiếm Hà Nội và nhiều tỉnh Bắc Kỳ. Thành Hà Nội thất thủ. Hành động thỏa hiệp này của triều đình Huế vấp phải sức phản ứng mạnh mẽ của nhân dân cả nước, đặc biệt ở hai miền Trung - Bắc Kỳ, nhiều cuộc khởi nghĩa đã nổ ra, vừa chống thực dân Pháp xâm lược, vừa chống triều đình phong kiến thỏa hiệp, đầu hàng:

“Dập dìu trống đánh cờ xiêu,

Phen này quyết đánh cả Triều lẫn Tây”[[2]].

Sự căm phẩn trong nhân dân là nguồn gốc nổ ra cuộc khởi nghĩa năm 1874 ở Nghệ Tĩnh, mà lịch sử gọi là “cuộc khởi nghĩa Cờ Vàng năm Giáp Tuất (1874)” với khẩu hiệu: “Bình Tây sát tả”[[3]]: Đi đầu trong cuộc đấu tranh này ở Hà Tĩnh là các văn thân, sĩ phu yêu nước, họ đã đứng lên triệu tập nhân dân quyết tâm vì quê hương đất nước mà sẵn sàng hi sinh bản thân mình. Tiêu biểu trong phong trào “đánh cả Triều lẫn Tây” này trên đất Hà Tĩnh như: Trần Quang Cán, Nguyễn Huy Điển làm chấn động cả nước. Sĩ phu Bắc Kỳ phẩn uất gửi thư tới triều đình, phê phán sự ươn hèn của nhà vua. Năm 1882, thực dân Pháp lại một lần nữa đánh chiếm Hà Nội. Mặc cho tàu chiến Pháp từ bờ sông Hồng thi nhau nã đại bác vào thành, quân và dân trong thành vẫn một lòng chiến đấu. Thành Hà Nội lại mất, Tổng đốc Hoàng Diệu treo mình tự vẫn. Không lâu sau, Pháp đánh vào kinh thành Huế, kinh thành Huế thất thủ. Vua Hàm Nghi rút khỏi kinh thành, truyền hịch kêu gọi văn thân nổi dậy ủng hộ Vua chống Pháp. Phong trào Cần Vương nổ ra trên một quy mô lớn: từ Thái Bình, Hưng Yên, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh đến Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam và lan tới Bình Định. Nhiều căn cứ chống Pháp được dựng lên ở miền núi lẫn đồng bằng.

Những năm đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp bắt đầu khai thác mạnh ở Đông Dương, sự áp bức bóc lột càng tăng cường, đặt ra nhiều chính sách thuế khóa vô cùng tàn nhẫn với nhân dân Việt Nam. Phong trào yêu nước theo khuynh hướng duy tân tiêu biểu là phong trào Đông Du của Phan Bội Châu, phong trào Duy Tân cải lương của Phan Chu Trinh và Đông Kinh nghĩa thục của Lương Văn Can và Nguyễn Quyền. Những hoạt động sôi nổi của các sĩ phu yêu nước tiến bộ, đã tạo nên một thời kỳ vận động yêu nước và cách mạng sôi nổi và hết sức mới mẻ chưa từng có trong lịch sử dân tộc. Các phong trào yêu nước sôi nổi đầu thế kỷ XX mà đỉnh cao là những năm 1906, 1907, 1908 đã ảnh hưởng mạnh đến tầng lớp thanh niên yêu nước, trong đó có người thanh niên Nguyễn Tất Thành. Nhưng sau đó do các sĩ phu không biết tập hợp lực lượng, chưa đề ra được đường lối phù hợp, chưa vượt qua được những hạn chế của lịch sử và thời đại nên các cuộc khởi nghĩa đều bị đàn áp đẫm máu. Không khí bi thương bao trùm:

Đêm sao đêm tối mò mò

Đêm đến bao giờ mới sáng cho?[[4]]

Anh thanh niên Nguyễn Tất Thành lo lắng tới vận mệnh chung của dân tộc. Anh suy tư, trăn trở về tình hình và con đường cứu nước.

Trước thất bại liên tiếp về con đường cứu nước của các bậc tiền bối, Người nhận xét: “Mặc dù khâm phục các vị tiền bối yêu nước nhưng: cụ Phan Chu Trinh chỉ yêu cầu người Pháp thực hiện cải cách dân chủ, dân sinh như thế “chẳng khác gì xin giặc rũ lòng thương”. Cụ Phan Bội Châu hy vọng Nhật giúp đỡ đuổi giặc Pháp, đó là hành động “đưa hổ cửa trước, rước beo cửa sau”. Cụ Hoàng Hoa Thám có thực tế hơn, vì trực tiếp đấu tranh chống Pháp nhưng “cụ còn nặng cốt cách phong kiến”; đối với cuộc vận động cải cách của Đông Kinh nghĩa thục theo xu hướng của Phan Chu Trinh thì giống như việc “quét sơn lên gỗ mục”[[5]].

Vậy còn con đường nào nữa? Đây chính là lúc bối rối nhất của các bậc sĩ phu. Sau này, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong bài: Con đường cứu nước và giải phóng dân tộc trong thời đại ngày nay, là: “Trong suốt gần một thế kỷ thống trị của thực dân Pháp, phong trào cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam không ngừng phát triển, kẻ trước ngã, người sau đứng dậy. Nhưng tất cả những cuộc khởi nghĩa yêu nước ấy đã bị dìm trong máu. Những đám mây đen lại bao phủ đất nước Việt Nam”[[6]]. Đến đây, phong trào cứu nước, giải phóng dân tộc đứng trước một cuộc khủng hoảng, bế tắc cả về lý luận, đường lối và phương thức đấu tranh. Làm thế nào để đánh đuổi được chủ nghĩa thực dân xâm lược, giành lại độc lập cho Tổ quốc, tự do cho đồng bào? Câu hỏi đó ngày đêm nung nấu, day dứt tâm can lớp thanh niên yêu nước thế hệ Nguyễn Tất Thành lúc bấy giờ. Năm 1965, khi trả lời phỏng vấn của nhà văn Mỹ Anna Lui Strong, Người kể lại: “Nhân dân Việt Nam trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi, lúc này thường tự hỏi nhau ai sẽ là người giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Người này nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ. Tôi thì tôi thấy phải đi ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi”[[7]].

Trong những ngày còn ngồi ghế nhà trường ở Huế, Nguyễn Tất Thành đã đọc Rút-xô, Mông-te-xki-ơ (những nhà xã hội học Pháp đầu thể kỷ XVIII), đã góp phần thúc đẩy nhân Pháp tiến đến cuộc Cách mạng năm 1789. Thời điểm đó, thực dân Pháp ở Đông Dương ra lệnh cấm dân thuộc địa không được đọc sách báo tiến bộ, không được phép đọc các tác phẩm của các nhà văn mới, cấm đọc Rút-xô, Mông-te-xki-ơ. Điều này càng làm cho Nguyễn Tất Thành hăm hở đi tìm xem điều gì đang ẩn chứa đằng sau đó. Sau này (năm 1923), Người kể lại với nhà văn Liên Xô Ôxíp Manđenxtam rằng: “Khi tôi độ mười ba tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ Pháp: Tự do, Bình đẳng, Bác ái. Đối với chúng tôi, người da trắng nào cùng là người Pháp. Người Pháp đã nói thế. Và từ thuở ấy, tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những chữ ấy”[[8]].

Cuộc cách mạng dân chủ tư sản Pháp thật sự hấp dẫn Nguyễn Tất Thành, Anh muốn tìm hiểu nó, để xem nó có thể giúp ích gì cho cuộc giải phóng đồng bào mà Anh hằng ôm ấp. Vì vậy có thể  nói, sức hấp dẫn thôi thúc Người ra đi tìm đường cứu nước không phải lá cờ của Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, cũng không phải lá cờ tư sản cải lương của Trung Quốc vào cuối thế kỷ XIX, mà chính là lá cờ cách mạng dân chủ tư sản ở phương Tây. Trào lưu đó đã trở thành một trong chiếc cầu nối để đưa Nguyễn Tất Thành từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa Mác - Lênin. Việc Nguyễn Ái Quốc không theo các con đường cứu nước của các bậc sĩ phu cha anh là Người đã mạnh dạn phá bỏ một “tiền lệ khách quan không còn phù hợp”.

Biết bao hình ảnh diễn ra trên quê hương, Tổ quốc in đậm trong tâm trí Nguyễn Tất Thành trong suốt cuộc hành trình cứu nước. Sự kiện bắt phu đi làm con đường Vinh-Cửa Rào-Trấn Ninh năm 1904, đã làm cho nhân dân Trung Kỳ rên xiết dưới làn roi tàn bạo của thực dân phong kiến. Sự kiện nhân dân Trung Kỳ kháng thuế năm 1908, mà chính Người là người trong cuộc, bị thực dân đàn áp, làm cho anh thương cảm với nỗi thống khổ của đồng bào. Hòa mình và trực tiếp sống trong bối cảnh lịch sử ấy đã đặt ra cho Nguyễn Tất Thành nhiều câu hỏi, “tại sao quần chúng nổi dậy đòi quyền lợi thiết thực nhất, họ đi tay không, không khí giới, họ chỉ yêu cầu giảm thuế mà phải trả một cái giá rất đắt bằng súng đạn. Bọn Pháp phải dùng súng đạn đại quy mô để trả lời họ”[[9]].  Những người thân trong gia đình của Người sống khắc khoải, bần hàn trong cảnh nước mất, nhà tan làm Anh dằn vặt. Người cha thân yêu đã bao năm lận đận việc thi cử, để rồi chuốc lấy cái án xử phạt 100 trượng, giáng 4 cấp từ Tòng Thất phẩm xuống dân thường, cũng chỉ vì bênh vực người nghèo khổ. Cái chết của người mẹ tại Huế năm 1901 vì kiệt sức trong cảnh xa chồng, xa con làm anh không cầm được nước mắt. Sau cái chết của mẹ, gia đình Anh bắt đầu ly tán. Vì vậy, trong xuốt chuyến hành trình “năm châu bốn bể” của mình, không lúc nào người thanh niên Nguyễn Tất Thành quên nhiệm vụ giải phóng đất nước. Trong tâm trí của Người dấy lên tinh thần quật khởi của Nguyễn Trung Trực: “Bao giờ đất này hết cỏ thì người Nam mới hết chống Tây”.

Từ Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An, hướng về phương Nam, sau một thời gian dừng chân dạy học tại Trường Dục Thanh, Phan Thiết, ngày 05/6/1911, tại cảng Sài Gòn, trên con tàu La-tút-sơ Tơ-re-vin-lơ (Amiral Tatouche Tréville) người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành - lấy tên là Văn Ba đã quyết tâm ra đi thực hiện hoài bão giải phóng nước nhà khỏi ách nô lệ của thực dân, đế quốc: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đây là tất cả những điều tôi hiểu”[[10]]. Chính vì vậy, Anh không quản ngại với biết bao nhọc nhằn để vươn lên tự khẳng định. Chỉ cần xem công việc mà Anh phải làm ở trên tàu (Amiral Tatouche Tréville) cũng đủ thấy nỗi gian lao trên con đường cứu nước.

Thái Sơn

Bài tới: Từ cảng Nhà Rồng đến Mác-Xây

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Báo Lục tỉnh Tân Văn, từ số 621, 5/5/1919 đến số 623, 9/5/1919.

2. Báo Nhân Dân, số ra ngày 18/5/1965.

3. Hội Nhà Văn (1980), “Bài ca chống Pháp năm Giáp Tuất (vô danh)”, trong Vè Nghệ Tĩnh, Nxb Văn học, Hà Nội.

4. Hồ Chí Minh (1996), Toàn tập, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

5. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

6. Hồ Chí Minh (2006), Biên niên tiểu sử, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

7. Trần Dân Tiên (1975), Những mẫu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Sự Thật, Hà Nội.

8. Trần Dân Tiên (1984), Những mẫu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Sự Thật, Hà Nội.

 


[[1]] Tuyên bố của An-be-xa-rô, năm 1919, đăng báo Lục tỉnh Tân Văn, từ số 621, 5/5/1919 đến số 623, 9/5/1919.

[[2]] Hội Nhà Văn (1980), “Bài ca chống Pháp năm Giáp Tuất (vô danh)”, trong Vè Nghệ Tĩnh, Nxb Văn học, Hà Nội, tr. 56.

[[3]] “Bình Tây sát tả”: nhằm mục tiêu đánh đuổi giặc Pháp xâm lược cùng lúc với việc chống lại sự đầu hàng của triều đình phong kiến nhà Nguyễn.

[[4]] Nhà thơ cận đại, hiệu Long Tài, không rõ năm sinh, năm mất. Quê làng Hạ Hồi phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội). Ông là học trò của Tế tửu Quốc tử giám Khiếu Năng Tĩnh, nổi tiếng thông minh, văn chương xuất sắc. Tính ông khảng khái, nhiệt tình yêu nước, nên khi thi đỗ tú tài gặp lúc giặc Pháp xâm lược ông không ra làm quan, ở nhà dạy học làm thầy thuốc. Ông làm thơ rất nhiều phần lớn chứa chan niềm thương dân lo nước, kích thích nhân dân tranh đấu cho sự sống còn của dân tộc, chống lại ách thống trị của thực dân Pháp. Ông mất lúc 52 tuổi. Thơ ông chứa chan tình cảm, thương yêu người đồng loại và biểu hiện được tâm chí mình.

[[5]] Trần Dân Tiên (1975), Những mẫu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Sự Thật, Hà Nội, tr.12-13.

[[6]] Hồ Chí Minh (1996), Toàn tập, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.314.

[[7]] Báo Nhân Dân, số ra ngày 18/5/1965.

[[8]] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.461.

[[9]] Trần Dân Tiên (1984), Những mẫu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Sự Thật, tr.13.

[[10]] Hồ Chí Minh (2006), Biên niên tiểu sử, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.112.


Các tin khác