Bài phát biểu của đồng chí Dương Văn An - Bí thư Tỉnh ủy tại Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2022

Ngày 07/01/2022, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2022. Đến dự và chỉ đạo Hội nghị,  đồng chí Dương Văn An - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận đã phát biểu chỉ đạo.

Đồng chí Dương Văn An - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận

Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trân trọng đăng tải toàn văn bài phát biểu của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy:

Kính thưa toàn thể Hội nghị!

Chúng ta vừa đi qua năm 2021, một năm đầy khó khăn, thử thách với những cung bậc cảm xúc khác nhau. Giai đoạn đầu năm chúng ta vui mừng vì đón một năm mới an toàn, dù không bắn pháo hoa nhưng không khí Tết vẫn vui, đầm ấm; thành phố Phan Thiết vẫn có chợ hoa, đường hoa đẹp, không có dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn toàn tỉnh. Hoạt động du lịch đầu năm đến 30/4 - 1/5 có sôi động trở lại, kinh tế 6 tháng đầu năm tăng khá, thu ngân sách 6 tháng đã đạt 86% kế hoạch năm. Chúng ta đã tổ chức tốt hoạt động bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021 - 2026 trong toàn tỉnh bảo đảm an toàn cả về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội lẫn an toàn dịch bệnh, với tỷ lệ người đi bỏ phiếu cao, bầu đủ số lượng đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp.

Tuy vậy, chúng ta đã không thể tránh khỏi đợt dịch thứ tư, với tốc độ lây lan nhanh, mạnh và sự khốc liệt của nó ngoài sức tưởng tượng của chúng ta. 03 tháng 7, 8, 9 và nửa đầu tháng 10 là những tháng ngày căng thẳng nhất, áp lực nhất. Chúng ta phải lo khống chế dịch ở La Gi, Phan Thiết - hai vùng đỏ; vừa ngăn chặn lây lan ở các địa bàn khác; vừa phải kiểm soát đường bộ khi Bình Thuận là cửa ngõ vào ra của các tỉnh phía Nam; vừa lo đưa người dân từ tâm dịch trở về quê.

Tác động ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các đồng chí đã biết, tôi không nhắc lại. Song, cũng có may mắn là chúng ta đã làm chủ được tình hình([1]), sớm phục hồi kinh tế, thực hiện đạt và vượt 12/17 chỉ tiêu chủ yếu. Đáng chú ý, thu ngân sách đạt 13.383 nghìn tỷ đồng, vượt 60,86%, trong đó thu nội địa 10.060 nghìn tỷ đồng, vượt 67,0% kế hoạch. Tốc độ giải ngân vốn đầu tư công đạt cao; thu hút đầu tư xã hội tăng khá (8,6%), sản xuất công nghiệp duy trì được tốc độ phát triển, tăng trưởng 6,1%; nông nghiệp mưa thuận, gió hòa, không bị sâu bệnh; các công trình trọng điểm quốc gia như đường cao tốc, dự án cảng hàng không Phan Thiết không bị gián đoạn thi công nhiều, khối lượng thi công cơ bản đảm bảo…

Tôi khái quát lại tình hình của năm để chúng ta thấy được khó khăn, thách thức, kết quả đạt được để nỗ lực hơn nữa trong năm 2022.

Thưa các đồng chí,

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đặt ra chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP cả nhiệm kỳ là từ 7 -7,5%. Đến năm 2025: Bình quân GRDP/người: 4.200 USD - 4.400 USD; thu nhập bình quân người: 1,5 - 1,8 lần so với năm 2020 và nhiều mục tiêu, chỉ tiêu quan trọng khác.

Song đại dịch Covid-19 kéo chúng ta lại; chúng ta có năm đầu tiên của nhiệm kỳ không đạt tốc độ tăng trưởng và nhiều khó khăn. Do vậy, ngay từ đầu năm 2022 và các năm còn lại, phải phấn đấu nhiều hơn, cao hơn để bù cho mức tăng trưởng thấp của năm 2021 và vượt qua qua những khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, năm 2022 tình hình dịch bệnh dự báo vẫn còn diễn biến phức tạp, kéo dài, nên việc phấn đấu không phải dễ, đòi hỏi phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn. Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh đã đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng GRDP năm 2022 là trên 7%, tốc độ tăng năng suất lao động 5,94% và những yêu cầu mới về phòng, chống dịch, phục hồi kinh tế, về thu ngân sách, về đầu tư phát triển, về thực hiện các dự án trọng điểm, về phát triển kinh tế - xã hội…

Báo cáo và dự thảo Chương trình hành động của Ủy ban nhân dân tỉnh đã nêu rất rõ các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, kế hoạch phân công các cơ quan, địa phương thực hiện các nhiệm vụ; trong phát biểu thảo luận, các đồng chí cũng đã nêu nhiều nội dung; tôi xin trao đổi thêm một số vấn đề sau:

1. Trước đây, chúng ta thường nhắc đến điểm nghẽn cản trở phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh là:

(i) Về giao thông đối ngoại: Chúng ta không có cao tốc, không có sân bay, không có cảng biển nên việc vận chuyển hàng hóa từ tỉnh Bình Thuận đi các địa phương khác, nhất là các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và quốc tế khó khăn.

(ii) Chồng lấn quy hoạch Titan với các quy hoạch khác, làm ảnh hưởng việc thu hút, kêu gọi đầu tư, nhất là các dự án phát triển các khu du lịch, khu đô thị ven biển ở những nơi có quy hoạch khai thác và dự trữ titan.

Hiện nay, cảng biển đã có, cao tốc, sân bay đã được triển khai thi công và sẽ hoàn thành vào cuối năm 2022, đầu năm 2023; chồng lấn quy hoạch Titan đã có Nghị định số 51/2021/NĐ-CP, ngày 01/4/2021 của Chính phủ quy định về quản lý khoáng sản tại các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia tháo gỡ. Như vậy, những điểm nghẽn về khách quan không còn.

Tôi nghĩ, lâu nay chúng ta không nhận thấy một điểm nghẽn rất quan trọng, nhưng nếu quyết tâm cao, nỗ lực lớn thì giải quyết được; không cần tiền, không cần sự hỗ trợ của Trung ương; đó là những tắc trách trong triển khai chính sách pháp luật của Nhà nước, đó là việc cụ thể hóa các chính sách địa phương, thực hiện thủ tục hành chính của cơ quan Nhà nước. Những vấn đề này thuộc chủ quan của chúng ta, trong đó nhân tố con người (mà cụ thể là cán bộ, công chức, viên chức) có ý nghĩa quyết định. Tôi lấy ví dụ để chứng minh:

* Ví dụ thứ nhất, về 04 chỉ số PAPi, Par Index, SIPAS và PCI qua các năm:

- Về chỉ số PAPI: Năm 2018, Bình Thuận xếp 59/63 tỉnh thành; năm 2019 chúng ta lên được 04 bậc, xếp 55/63; năm 2020, chúng ta tiến thêm 02 bậc nữa, xếp 53/63. Song chúng ta vẫn nằm trong top thấp nhất cả cả nước.

- Về chỉ số PAR Index: Năm 2018 chúng ta xếp vị thứ 42; năm 2019 xuống vị trí 47; năm 2020 tụt hạng xuống 55. Như vậy, chỉ số Par Index ngày càng thụt lùi, Bình Thuận nằm trong nhóm thấp nhất của nước.

- Về chỉ số SIPAS: Năm 2018, chúng ta đứng thứ 58 và 02 năm 2019 và năm 2020 chúng ta xếp thấp nhất nước cuối cùng, 63/63 tỉnh thành.

- Về chỉ số PCI: Chúng ta nằm ở mức độ trên trung bình, xếp thứ 22 năm 2018, xếp thứ 31 năm 2019 và xếp thứ 34 năm 2020. Mặc dù ở mức trên trung bình, nhưng đây là xu hướng tụt hạng.

Chúng ta thấy rằng, những chỉ số trên thuộc về yếu tố chủ quan con người; thứ hạng thấp không thể đổ lỗi cho điều kiện khô hạn, nắng nóng, chồng lấn quy hoạch, giao thông đối ngoại mà hoàn toàn thuộc về con người.

* Ví dụ thứ hai, nếu các đồng chí tự rà soát lại, có thực trạng, một dự án đầu tư từ khi được chấp thuận chủ trương đầu tư, đến khi được giao đất mất nhiều năm, dù đó là đất Nhà nước quản lý. Hoặc từ khi đăng ký đầu tư cho đến khi được chấp thuận chủ trương đầu tư cũng là quá trình rất dài.

Hoặc, một báo cáo đánh giá tác động môi trường của một dự án nộp cho cơ quan có thẩm quyền 5 lần 7 lượt, thời gian kéo dài; đều bị trả hồ sơ, cả 6 tháng trời thậm chí nhiều hơn nữa chưa trình ký được, kể cả dự án do cơ quan Nhà nước làm chủ đầu tư. Khi lãnh đạo tỉnh có ý kiến đốc thúc thì chỉ 01 tuần hoặc 10 ngày sau được phê duyệt được ngay. Điều đó nói lên rằng, không phải quá khó, không phải tốn quá nhiều thời gian, mà vì chúng ta còn quan liêu, lãnh đạm trước đòi hỏi của công việc. Hoặc, có những điều quyết định pháp luật đã rõ, nhưng chúng ta không hiểu hoặc sợ trách nhiệm, cứ “ngâm” ở sở, ngành mình; không giải quyết thủ tục hồ sơ; hoặc cứ hỏi Trung ương rồi chờ, Trung ương hướng dẫn sao thì làm vậy, làm cho công việc bị chậm trễ, doanh nghiệp, người dân chờ đợi. Điều đó, làm cản trở sự phát triển của tỉnh. Đó là chưa kể có những trường hợp cán bộ, công chức tham mưu theo kiểu “hàng hai”, không nhất quán trong tham mưu, đề xuất; chậm thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, của lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh…

Chúng ta cần xem đây là nút thắt, điểm nghẽn, là sự cản trở lớn do chủ quan chúng ta tạo ra; để có biện pháp hữu hiệu khắc phục. Thưa các đồng chí, trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, thì những việc “né tránh trách nhiệm, thiếu trách nhiệm; không còn ý thức hết lòng vì nước vì dân; không làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao; không chịu học tập, lắng nghe, tiếp thu ý kiến góp ý của người khác; chọn việc dễ, bỏ việc khó; quan liêu, xa rời quần chúng, không sâu sát cơ sở; thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân” là thể hiện suy thoái. Chúng ta không thể để tình trạng này kéo dài mãi. Do vậy, đề nghị Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh, Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh, Ban Thường vụ các huyện, thị, thành ủy, Đảng ủy trực thuộc, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, huyện; các cơ quan, ban ngành cần phát động phong trào thi đua học tập, nghiên cứu, nêu cao tinh thần trách nhiệm, nâng cao hiệu quả công việc; năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì việc chung trong đội ngũ cán bộ, công chức.

Tôi mong muốn các đồng chí lãnh đạo, người đứng đầu của các cơ quan, đơn vị, địa phương và mỗi cán bộ, công chức làm việc này với tình cảm và trách nhiệm cao nhất đối với tỉnh, đối với nhân dân và đối với doanh nghiệp, để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Nếu chúng ta có đội ngũ cán bộ, công chức tốt, làm việc hết mình, trách nhiệm, vì công việc chung, nâng cao trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước, chúng ta sẽ tháo gỡ điểm nghẽn thuộc chủ quan nêu trên.

2. Tất cả chúng ta ai cũng thấy cần phải tập trung phục hồi kinh tế để lấy lại đà tăng trưởng và phát triển kinh tế, do dịch bệnh làm cho phát triển chậm lại; nhưng cần có kế hoạch phục hồi một cách thông minh, sáng tạo, khoa học, vừa không để lỡ nhịp, đi sau, về sau trong xu hướng phục hồi chung của cả nước, vừa có tốc độ phục hồi cao hơn và tôi muốn dùng từ “thần kỳ” hơn. Chúng ta thấy tỉnh Bình Thuận đang ở giai đoạn có rất nhiều thời cơ để phát triển. Có người nói, ngày xưa Bình Thuận là cô gái có duyên nhưng ở vùng xa xôi, cách trở, khắc nghiệt, nên ít ai nhòm ngó. Càng lớn, cô gái càng xinh đẹp, đi lại thuận lợi, nhà cửa cũng có chút khang trang hơn, nên giờ chàng trai nào cũng muốn giành. Bình Thuận thực sự là điểm đến hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư tiềm năng.

Quá trình thực hiện kế hoạch phục hồi kinh tế, chúng ta cần tập trung thúc đẩy 03 trụ cột: Công nghiệp, Nông nghiệp, Du lịch; lấy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, cơ cấu lại không gian kinh tế, phát triển kinh tế đô thị, thúc đẩy liên kết vùng, liên kết đô thị - nông thôn là nhiệm vụ trọng tâm. Chúng ta có thuận lợi là Tỉnh ủy vừa ban hành 04 nghị quyết (Nghị quyết về phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao; Nghị quyết về phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết về đẩy mạnh huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đến năm 2025; Nghị quyết về phát triển công nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030) và sắp tới, Tỉnh ủy sẽ ban hành về nghị quyết về chuyển đổi số.

Các đồng chí cần bám Nghị quyết của Tỉnh ủy, soi rọi vào thực tiễn từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương cụ thể để tổ chức thực hiện.

Quá trình đó, các ngành phải thi đua với nhau, hỗ trợ nhau, phối hợp chặt chẽ với nhau và với địa phương trong tổ chức thực hiện. Các địa phương cũng phải thi đua với nhau. Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh có phần thưởng bằng công trình hạ tầng cho những địa phương có cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả trong phục hồi kinh tế, như Chính phủ có phần thưởng tặng công trình hạ tầng về văn hóa cho những huyện, xã đạt chuẩn nông thông mới. 

3. Chúng ta cùng nhận thức với nhau về vai trò, vị trí, ý nghĩa, sự ảnh hưởng của đầu tư công, nhất là trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Trong bối cảnh kinh tế có nhiều khó khăn, đẩy mạnh đầu tư công sẽ giúp tạo cung để kích thích tổng cầu làm cho hoạt động kinh tế theo quy luật cung - cầu hài hòa hơn, từ đó góp phần thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế trở lại sau một thời kỳ khó khăn bởi đại dịch và hệ lụy của nó. Đó chính là phát huy vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Phương châm của Chính phủ là lấy đầu tư công để dẫn dắt, kích hoạt đầu tư tư và đã có nhiều gói đầu tư công quan trọng, nhất là đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Năm 2022, chúng ta có 297 dự án đầu tư công được phê duyệt mới với tổng vốn đầu tư là 2.918 tỷ đồng; giai đoạn 2021 - 2025 có 662 dự án đầu tư công với tổng kinh phí là hơn 20.769 tỷ đồng.

Số dự án và số vốn đầu tư công của chúng ta không nhiều, song cũng không phải quá ít và trong đó có những công trình rất quan trọng, có ý nghĩa rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, người dân đang mong chờ. Dù trong phát biểu, địa phương và cơ quan được giao chủ đầu tư đã nêu quyết tâm trong thực hiện các dự án đầu tư công nhưng qua đánh giá, tiến độ vẫn còn chậm, thủ tục vẫn còn nhiều thời gian, chẳng hạn: Đường 719B, Hàm Kiệm - Tiến Thành vẫn chậm giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công; Dự án hồ Kapet được Quốc hội thông qua năm 2019 vẫn chưa thực hiện được phê duyệt dự án đầu tư và vẫn chưa được giải ngân đồng nào; Dự án kè sông Cà Ty vẫn chưa báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy và do vậy chưa trình Hội đồng nhân dân thông qua. Việc tháo gỡ vướng mắc về bồi thường, giải phóng mặt bằng để đấu giá quỹ đất đối với các dự án đã hoàn thành như Dự án đường 706B vẫn rất chậm, trong khi đó tình trạng tái lấn chiếm, xây dựng trái phép ngày càng phức tạp. Một số dự án nhiệm kỳ trước đã có chủ trương, nhưng từ đó đến nay chưa có động thái gì, như dự án Bảo tàng tỉnh, dự án Khu liên hợp thể thao, dự án Quảng trường tỉnh… Việc này, không phải hoàn toàn thuộc trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh và các sở ngành nhiệm kỳ này, mà của cả nhiệm kỳ trước. Tuy nhiên, tôi nêu ra để chúng ta thấy còn rất nhiều việc. Một năm dịch bệnh, chúng ta phải vừa phòng, chống dịch, vừa giải quyết những vấn đề trước đây, vừa thực hiện những dự án mới, là rất cố gắng. Song, vẫn còn nhiều việc phải làm, với tốc độ nhanh hơn, quyết tâm cao hơn. Ban Thường vụ Tỉnh ủy rất mong các đồng chí dồn sức, dồn lực, các ngành và các địa phương phối hợp với nhau chặt chẽ hơn để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, sớm hoàn thành các công trình - dự án; đưa vào sử dụng, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

4. Chúng ta đã bước sang giai đoạn sống chung với dịch Covid-19, ngành y tế và các địa phương cần vừa bám các quy định của Bộ Y tế vừa căn cứ đặc điểm địa phương để có biện pháp thích ứng phù hợp, không chủ quan nhưng cũng không máy móc, áp dụng các biện pháp cứng nhắc. Chúng ta phải nêu cao quyết tâm không để dịch bệnh bùng phát, không để y tế quá tải, hạn chế số ca tử vong. Đồng thời, thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội, quan tâm hỗ trợ, chăm lo tốt hơn cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, những người bị ảnh hưởng, tác động bởi đại dịch…

5. Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, các ngành, địa phương quan tâm đến lĩnh vực văn hóa - xã hội, quan tâm đầu tư cho văn hóa tương xứng với sự phát triển kinh tế. Trung ương vừa mới tổ chức Hội nghị văn hóa toàn quốc, tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu rất sâu sắc, trong đó nhấn mạnh: “Văn hóa là bản sắc của dân tộc, văn hóa còn là dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất”, “Văn hóa là nguồn lực nội sinh của sự phát triển”. Do vậy, chúng ta cần phải quan tâm đầu tư cho văn hóa nhiều hơn, tương xứng với kinh tế, chính trị, xã hội; để gìn giữ vun đắp xây dựng những giá trị văn hóa tốt đẹp của quê hương và con người Bình Thuận, tạo nền tảng tinh thần, động lực, nguồn lực nội sinh cho sự phát triển. Đẩy mạnh các hoạt động giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống trong gia đình, nhà trường và xã hội, bồi dưỡng, nâng cao ý thức, ứng xử và hành vi chuẩn mực văn hóa trong nhân dân, nhất là trong thanh niên, thiếu niên và nhi đồng.

6. Chúng ta đang xây dựng Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Định hướng, mục tiêu, tầm nhìn quy hoạch đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến. Tôi chỉ nói một ý, chúng ta cần suy nghĩ và làm sớm là quy hoạch phát triển đô thị. Nhìn lại về hiện trạng đô thị, chúng ta thấy rằng các đô thị của chúng ta chưa đẹp, chưa sạch, chưa văn minh. Đề nghị thành phố Phan Thiết phải xung kích, đi đầu trong chỉnh trang đô thị, xây dựng đô thị Phan Thiết thực sự hiện đại, văn minh, xanh, sạch, đẹp, hướng đến đô thị văn minh, xứng tầm là trung tâm du lịch thể thao biển trọng điểm của tỉnh. Thị xã La Gi cũng vậy, để sớm đạt được mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã đã nêu, là trở thành thành phố trực thuộc tỉnh, cần phải có nhiều nỗ lực, quyết tâm, đầu tư chỉnh trang, xây dựng và phát triển thị xã. Tiếp đến là các thị trấn, lấy chỉnh trang đô thị làm mẫu, tạo hiệu ứng lan tỏa để xây dựng nông thôn mới Xanh - Sạch - Đẹp - Thông minh.

Thưa các đồng chí!

Nhân dịp những ngày đầu năm 2022, thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, xin chúc các đồng chí và gia đình một năm mới mạnh khỏe, hạnh phúc, nhiều thành công.

 

 


([1]) Trong giai đoạn dịch bùng phát mạnh nhất, 18 tỉnh phía Nam là vùng đỏ, Bình Thuận vẫn là vùng xanh, là vùng đệm kết nối các tỉnh phía Nam.


Các tin khác