Một vài suy nghĩ qua việc học tập Bác Hồ về phong cách làm việc nêu gương

        Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ thiên tài, anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hoá thế giới.

        Sự nghiệp, tư tưởng và đạo đức sáng ngời của Người sống mãi trong lòng kính yêu vô hạn của nhân dân Việt Nam. Cuộc đời hoạt động cách mạng của Người mãi mãi là tấm gương cho các thế hệ chúng ta học tập và noi theo.

        Nhằm tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đúng tinh thần Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị; Chỉ thị, kế hoạch, hướng dẫn của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Kế hoạch, hướng dẫn của Ban Thường vụ Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh và các chương trình, kế hoạch của Chi bộ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy về việc học tập chuyên đề năm 2014 “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm”, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; chúng tôi xin nêu một vài nhận thức của mình qua việc học tập Bác Hồ về phong cách làm việc nêu gương của Bác.

       Khi nói về phong cách nêu gương, theo Bác, trước hết phải làm gương trong mọi công việc từ nhỏ đến lớn, thể hiện thường xuyên, về mọi mặt, phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, nói phải đi đôi với làm. Cần nêu gương trên cả ba mối quan hệ: Đối với mình, đối với người và đối với việc. Đối với mình, phải không tự cao tự đại, tự mãn, kiêu ngạo mà luôn học tập cầu tiến bộ, luôn tự kiểm điểm để phát triển điều hay, sửa đổi điều dở của bản thân, phải tự phê bình mình như rửa mặt hàng ngày; đối với người luôn giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết, thật thà, không dối trá, lừa lọc, khoan dung, độ lượng; đối với việc, dù trong hoàn cảnh nào phải giữ nguyên tắc “dĩ công vi thượng” (để việc công lên trên, lên trước việc tư). Triết lý sâu xa của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Cơm chúng ta ăn, áo chúng ta mặc, vật liệu chúng ta dùng, đều do mồ hôi nước mắt của nhân dân mà ra. Vì vậy, chúng ta phải đền bù xứng đáng cho nhân dân”. Cán bộ, đảng viên phải xông xáo, nhiệt tình, sâu sát nhân dân, gương mẫu và dám chịu trách nhiệm trước dân cả về lời nói và việc làm, phải luôn quyết tâm, bền bỉ, chịu đựng gian khổ, quan tâm và tìm mọi cách giải quyết kịp thời, hiệu quả những nhu cầu mà dân đặt ra, kể cả chấp nhận sự hy sinh để bảo vệ dân, phấn đấu vì sự ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Tư tưởng đạo đức ấy đã tạo nên một phong cách nêu gương, tự giác gương mẫu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người suốt đời phấn đấu, hy sinh vì đất nước, vì dân tộc, đời tư trong sáng, cuộc sống riêng giản dị, người mà cả cuộc đời là một tấm gương lớn cho các thế hệ con cháu mãi mãi noi theo.

       Quán triệt những tư tưởng chỉ dẫn của Bác về phong cách làm việc nêu gương, là những cán bộ, đảng viên, chúng ta cần nêu cao trách nhiệm nêu gương cụ thể như sau:

       Thứ nhất là, nêu gương về tư tưởng chính trị. Là những cán bộ, đảng viên  chúng ta cần phải kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối đổi mới của Đảng, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; đi đầu trong đấu tranh với những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Đồng thời, gương mẫu trong thực hiện, tuyên truyền và bảo vệ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của Đảng, Nhà nước và của nhân dân.

        Thứ hai là, nêu gương về đạo đức, lối sống, tác phong thông qua việc thực hiện nghiêm Quy định của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm; mỗi cán bộ, đảng viên phải đi đầu trong đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Bên cạnh đó, cần phải nêu gương về đức khiêm tốn, giản dị; tác phong sâu sát thực tế, gần gũi để thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng chính đáng của quần chúng. Kiên quyết không nhận quà biếu với động cơ vụ lợi dưới mọi hình thức.

       Thứ ba là, phải nêu gương trong tự phê bình và phê bình. Trong tự phê bình và phê bình phải thực sự cầu thị, tự giác, trung thực, chân thành, công tâm, không hữu khuynh, né tránh, chạy theo chủ nghĩa thành tích; khi có khuyết điểm phải nhận và có kế hoạch sửa chữa. Mỗi cán bộ, đảng viên phải có tình đồng chí, thương yêu lẫn nhau; thẳng thắn đấu tranh bảo vệ lẽ phải, bảo vệ người tốt; kiên quyết đấu tranh chống những biểu hiện lợi dụng phê bình với động cơ xấu.

       Thứ tư là, trong mối quan hệ với đồng chí, đồng nghiệp và với nhân dân. Người cán bộ, đảng viên phải nêu cao ý thức phục vụ nhân dân; làm việc với thái độ khách quan, công tâm; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của quần chúng, gần gũi với quần chúng, tạo không khí thi đua sôi nổi giữa các phòng chuyên môn. Kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện vô cảm, quan liêu, cửa quyền, hách dịch và các hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà cho nhân dân.

         Thứ năm là, phải nêu gương về trách nhiệm trong công tác. Người cán bộ, đảng viên phải nêu cao ý thức trách nhiệm, tận tụy với công việc; tích cực học tập, nghiên cứu, tiếp thu và vận dụng có hiệu quả tri thức khoa học, công nghệ hiện đại trong công tác. Đồng thời, phải chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, nói đi đôi với làm, đã nói thì phải làm. Bên cạnh đó, phải hiểu và thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của mình; làm việc có nguyên tắc, kỷ cương, có lý, có tình; không lạm dụng chức vụ, quyền hạn khi giải quyết công việc; Kiên quyết chống tư tưởng cục bộ, bè phái và các biểu hiện cơ hội, thực dụng vì lợi ích cá nhân, “lợi ích nhóm”.

        Thứ sáu là, nêu gương về ý thức tổ chức kỷ luật. Từng cán bộ, đảng viên thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy dân chủ đi đôi với giữ nghiêm kỷ luật trong cơ quan. Đồng thời, phải gương mẫu chấp hành nghị quyết, chỉ thị, quyết định, sự phân công của tổ chức; đi đầu thực hiện nền nếp, các nội quy, quy chế, quy định của cơ quan đề ra.

        Thứ bảy là, phải nêu gương về đoàn kết nội bộ. Người cán bộ, đảng viên hết lòng chăm lo xây dựng và tăng cường đoàn kết nội bộ; quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của đồng chí, đồng nghiệp trong cơ quan; công tâm, hợp tác với đồng chí, đồng nghiệp để không ngừng tiến bộ. Chân thành giúp đỡ đồng chí, đồng nghiệp trong công tác và trong cuộc sống; bảo vệ uy tín, danh dự chính đáng của đồng chí, đồng nghiệp; không tranh công, đổ lỗi, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, khuyết điểm cho người khác; kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện chia rẽ, bè phái, gây mất đoàn kết nội bộ trong cơ quan.

        Có thể nói, muốn trở thành người cán bộ, đảng viên tốt, thì ngoài việc trau dồi kiến thức về trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ và nghiên cứu, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, hơn lúc nào hết, mỗi người chúng ta còn phải học tập trau dồi đạo đức, tác phong theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhất là tác phong làm việc nêu gương của Người để tạo nên một nhân cách mẫu mực để mọi người học tập và noi theo.


Các tin khác

TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN

TƯ LIỆU LỊCH SỬ

THÔNG TIN CÔNG TÁC TUYÊN GIÁO

Bộ câu hỏi trắc nghiệm

SINH HOẠT CHI BỘ