Tìm hiểu về Tết Nguyên Đán

       Từ xưa đến nay trong một năm, nước ta có rất nhiều ngày lễ, tết quan trọng như: Nguyên Đán, Thanh Minh, Đoan Ngọ, Trung Thu…nhưng có lẽ, Tết Nguyên Đán là Tết lớn nhất và quan trọng nhất. Tết Nguyên Đán (theo tiếng Hán, “Nguyên” là sự khởi đầu, sơ khai; “Đán” là buổi sáng sớm) có nguồn gốc từ Trung Quốc từ 2852 năm (Trước Công nguyên) thời Tam Hoàng Ngũ Đế.

       Tết Nguyên đán du nhập vào Việt Nam, được người Việt cải biến thành của mình, cho phù hợp với nền văn minh nông nghiệp trồng lúa nước. Theo cha ông ta, Tết là “tiết” (tức thời gian), do nhu cầu trồng lúa nên thời gian một năm được chia thành “24 tiết” khác nhau và tiết quan trọng nhất là tiết khởi đầu một chu kỳ canh tác, tức là tiết Nguyên Đán. Dần dần, “tiết” Nguyên Đán đọc trại thành “Tết” Nguyên Đán như ngày nay.

       Đối với người Việt xưa, trong năm làm việc vất vả, Tết đến là mở hội tưng bừng, diễn ra nhiều ngày. Khi đó, cuộc sống còn khó khăn, Tết đến là tổ chức ăn uống, nên còn gọi là “ăn Tết”. Ai cũng dành những món ngon nhất, đồ tốt nhất cho ngày Tết. Cả năm làm ăn khó khăn, nhưng đến ngày cuối năm (30 Âm lịch hoặc 29 Âm lịch đối với tháng thiếu) đều sắm mâm lễ vật cúng tổ tiên, mời ông bà về ăn Tết vui cùng con cháu. “Ăn Tết” đã in sâu vào trong tâm thức người Việt cho đến tận hôm nay.

       Người Việt xưa có tục dựng nêu ăn Tết vào ngày 23 tháng Chạp. Đây là ngày ông Táo về trời, không có mặt trong nhà, nên ma quỷ thường hay hiện lên để quậy phá con người. Để trừ tà ma, người ta chặt một cây tre dài khoảng từ 5 đến 6 m, bỏ bớt lá, để nguyên ngọ. Trên ngọn được treo nhiều thứ (tùy theo từng vùng miền), thường thì có vàng mã, bầu rượu làm bằng rơm, cá chép cắt bằng giấy, dải cờ vải màu đỏ, hay một chiếc khánh bằng đất nung nhỏ để mỗi khi gió thổi tạo âm thanh… Cây nêu cùng với tiếng leng keng của cái khánh đất báo hiệu cho ma quỷ biết, đây là đất, là nhà của con người, không được tới quấy nhiễu. Đến ngày mùng 7 tháng Giêng, hết tết thì hạ nêu, mọi công việc trong năm trở lại bình thường.

       Tết Nguyên đán ngoài tục trồng nêu còn nhiều lễ, nghi khác như: ngày 23 tháng Chạp, cúng tiễn ông Táo về trời báo cáo với Ngọc Hoàng những việc làm của gia chủ trong năm qua; ngày 24 tháng Chạp, người ta đi tảo mộ tổ tiên, ông bà; ngày 30 tháng Chạp, gia đình làm mâm cúng tổ tiên mời ông bà về ăn tết (còn gọi là cúng tất niên)…Trong ngày Tết còn có tục: Xông đất (đạp đất) tức là người đến nhà đầu tiên trong năm; Chúc tết tức là con cháu chúc thọ ông bà thêm một tuổi mới, được ông bà mừng tuổi lì xì bằng tiền bỏ trong bao giấy đỏ; Xuất hành là đi ra khỏi nhà vào đầu năm mới theo phương hướng đã định trước để mong mang lại may mắn cho bản thân và gia đình; Khai bút là lễ nghi của những quan lại, kẻ sĩ, thầy đồ ngày xưa chọn ngày tốt để viết chữ lên trang giấy trắng bằng mực tàu, ý nghĩa mong muốn sự nghiệp làm quan, việc học hành ngày càng phát triển.

       Vài nét sơ lược về Tết Nguyên Đán xưa có thể nhận thấy rằng, ông bà ta đón tết rất lớn, trang trọng, ấm cúng với nhiều lễ nghi còn lưu truyền đến hôm nay. Ngày nay, do điều kiện vật chất, cuộc sống được nâng lên, nên Tết Nguyên Đán đã phai dần việc “ăn Tết” mà chuyển sang “chơi Tết”. Tết đến, nhiều gia đình ở thành phố, có điều kiện kinh tế thường tổ chức đi du lịch, tham quan, nghỉ ngơi. Cũng có nhiều gia đình về quê thăm cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Tết ngày nay, cũng không còn tục dựng nêu vào 23 tháng Chạp, thay vào đó là treo cờ Tổ quốc trong mấy ngày Tết. Việc ăn uống cũng không còn trở thành chủ đạo, quan trọng như trước nữa. Cuộc sống hiện nay, công việc diễn ra hàng ngày nên cũng không có thời gian để người ta nghỉ ngơi, vui chơi kéo dài như trước. Tết ngày nay, thường được xem là nghỉ Tết nhiều hơn ăn Tết./.


Các tin khác

TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN

TƯ LIỆU LỊCH SỬ

THÔNG TIN CÔNG TÁC TUYÊN GIÁO

Bộ câu hỏi trắc nghiệm

SINH HOẠT CHI BỘ