Báo chí thời kỳ sau Cách mạng Tháng Tám 1945 đến 1975

       Báo chí Cách mạng Việt Nam là tiếng nói của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, là diễn đàn tin cậy của nhân dân, đồng thời cũng là vũ khí sắc bén chống lại các thế lực thù địch của cách mạng, đấu tranh chống tiêu cực bảo vệ lợi ích của nhân dân. 91 năm qua, kể từ số báo Thanh niên đầu tiên (21/6/1925), báo chí Việt Nam không ngừng phát triển phong phú và đa dạng.

       Từ tháng 8/1945 trở đi, dưới chế độ dân chủ nhân dân, báo chí cách mạng xuất bản công khai, in ty-pô với số lượng lớn. Báo Cứu quốc xuất bản hàng ngày là tờ báo lớn nhất cả nước. Trong làng báo xuất hiện hai cơ quan mới: Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam và Việt Nam Thông tấn xã (nay là Thông tấn xã Việt Nam).

       Cuối năm 1945, Đảng chuyển vào bí mật, báo Cờ giải phóng ngừng xuất bản; báo Sự Thật ra đời với danh nghĩa cơ quan của Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở Đông Dương.

       Trong năm đầu của chính quyền cách mạng, báo chí phục vụ tích cực cho nhiệm vụ bảo vệ chính quyền non trẻ. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp lần thứ 2 bùng nổ và lan rộng. Báo chí cách mạng có một bộ phận xuất bản công khai ở các vùng tự do và các căn cứ kháng chiến, một bộ phận xuất bản trong vùng địch chiếm. Những văn kiện của Đảng, bài nói và viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo của Đảng được in trên các báo Trung ương và các báo địa phương.

       Ngày 2/6/1950, Hội Nhà báo Việt Nam được thành lập đã đoàn kết rộng rãi các nhà báo trong nước và tháng 7/1950 gia nhập Tổ chức Quốc tế các nhà báo (OIJ).

       Năm 1951, báo Nhân Dân, cơ quan Trung ương của Đảng bắt đầu xuất bản, tạp chí Cộng sản, tạp chí Sinh hoạt nội bộ, báo Quân đội Nhân dân ra đời. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi, nước ta tạm thời chia làm 2 miền với 2 nhiệm vụ chiến lược khác nhau nhưng có một nhiệm vụ chung: Đánh đổ đế quốc Mỹ và tay sai, hoàn thành cách mạng giải phóng dân tộc.

      Báo chí của ta hình thành báo chí tự do ở miền Bắc và báo chí xuất bản bí mật bất hợp pháp ở vùng địch tạm chiếm ở miền Nam. Trong điều kiện mới, báo chí miền Bắc có những bước tiến vượt bậc.

Báo Nhân Dân ra hàng ngày, in với số lượng lớn nhất bằng kỹ thuật tiên tiến. Trung ương cho ra tạp chí lý luận, lúc đầu là Học tập, sau đổi là tạp chí Cộng sản. Nhiều cơ quan nghiên cứu khoa học, tuyên truyền, lý luận, tổ chức, kỹ thuật và các tỉnh đều xuất bản báo.

       Sau ngày thống nhất đất nước, báo chí ở nước ta đã phát triển khá nhanh về số lượng và chất lượng, hình thành hệ thống thông tấn, báo chí, phát thanh, truyền hình rộng khắp cả nước. Theo thống kê mới đây, cả nước hiện có 67 đài phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương, trong đó có 02 đài quốc gia là Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, 01 đài của ngành (Đài Truyền hình KTS VTC); 64 đài phát thanh và truyền hình địa phương với 172 kênh chương trình phát thanh và truyền hình (99 kênh truyền hình, 73 kênh phát thanh).

        Về đội ngũ cán bộ báo chí, cả nước hiện có trên 17000 người làm báo chuyên nghiệp được cấp thẻ, 19000 Hội viên Hội nhà báo Việt Nam, sinh hoạt tại các chi hội, liên chi hội...

       Hoạt động của báo chí trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước, trong quá trình hội nhập quốc tế và cơ chế thị trường, trong thời đại bùng nổ thông tin đang phát triển không ngừng. Đứng trước những yêu cầu mới, báo chí cách mạng Việt Nam mãi mãi kiên định mục tiêu lý tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, thực hiện tốt chức năng báo chí là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, tổ chức xã hội và là diễn đàn của nhân dân.

                                                                                       


Các tin khác

TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN

TƯ LIỆU LỊCH SỬ

THÔNG TIN CÔNG TÁC TUYÊN GIÁO

Bộ câu hỏi trắc nghiệm

SINH HOẠT CHI BỘ