27 – 7: ngày Thương binh liệt sĩ

       Trải dài suốt chiều dài lịch sử bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam ta đã vun đắp và gây dựng nên biết bao truyền thống tốt đẹp. “Uống nước nhớ nguồn” là truyền thống nhân nghĩa, là một đạo lí sâu sắc ở đời và có giá trị sâu sắc cho đến tận ngày nay. Ngay từ những ngày đầu trong cuộc chiến đấu ác liệt chống thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta, một số đồng bào và chiến sĩ của ta đã hy sinh anh dũng để bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc. Được sự lãnh đạo của Đảng, lại sẵn tinh thần tương thân tương ái, nhân dân ta đã dành những tình cảm quí trọng nhất cho các gia đình liệt sĩ và anh chị em thương binh...

       Đầu năm 1946, Hội giúp binh sĩ bị nạn (sau đổi thành Hội giúp binh sĩ bị thương) được thành lập ở Thuận Hóa - Huế, ở Hà Nội và một số địa phương khác. Hồ Chủ tịch được bầu là Hội trưởng danh dự. Nhiều cuộc quyên góp ủng hộ quỹ giúp binh sĩ bị thương thu được nhiều kết quả. Ở Hà Nội, trong ngày 2/6/1946, Hội phụ nữ cứu quốc và Hội Nhi đồng Hoàng Diệu tổ chức gắn huy hiệu, đã thu được 45.000 đồng (tiền Đông Dương cũ). Kiều bào ta ở Thượng Hải cũng gửi về số tiền quyên góp được là 12.804 đồng và 100 Mỹ kim ủng hộ binh sĩ thương tật.

       Cuối 1946, cả nước lại dấy lên cuộc vận động “Mùa đông binh sĩ” . Mở đầu phong trào, tại Nhà hát lớn Hà Nội, ngày 17/6/1946, Mặt trận Liên Việt đã tổ chức tuần lễ xung phong "mùa đông binh sĩ". Bác Hồ đã cởi chiếc áo rét đang mặc để tặng thương binh. Noi gương Bác, đồng bào khắp nơi ủng hộ hàng vạn áo quần, mũ, giầy, chăn...

       Từ ngày 19/12/1946, số thương binh, tử sĩ ngày càng tăng thêm. Vấn đề thương binh liệt sĩ trở thành vấn đề lớn. Trước tình hình ấy, Đảng và Chính phủ ta đã nghiên cứu và cho công bố những chính sách đầu tiên về công tác này như: hưu bổng, thương tật, tiền tuất cho gia đình tử sĩ... Ngày 19/7/1947, Chính phủ quyết định thành lập Bộ Thương binh và Cựu binh (sau đổi thành Bộ Thương binh). Trước đó, khoảng tháng 6/1947, một hội nghị quan trọng đã được tổ chức ở xã Phú Minh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên để bàn việc thực hiện chỉ thị của Hồ Chủ tịch về vấn đề chọn một ngày làm ngày Thương Binh để có một dịp đồng bào ta tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái và tỏ lòng yêu mến thương binh. Hội nghị đã quyết định chọn ngày 27/7 là ngày Thương binh toàn quốc, và ngày 27/7/1947 sẽ là ngày Thương binh toàn quốc lần thứ nhất.

       Chiều ngày 27/7/1947, Bác Hồ đã gửi bức thư đầu tiên nhân ngày thương binh, trong đó có những dòng thật vô cùng cảm động "...tôi luôn luôn tin vào lòng nhường cơm xẻ áo của đồng bào ta, tôi chắc rằng ngày thương binh sẽ có kết quả mỹ mãn. Tôi xin xung phong gửi một chiếc áo lụa mà chị em phụ nữ đã biếu tôi, một tháng lương của tôi, một bữa ăn của tôi và của các nhân viên tại Phủ Chủ tịch, cộng là một nghìn một trăm hai mươi bảy đồng...". Cả nước đã hưởng ứng lời kêu gọi của Bác và của Ban tổ chức ngày Thương binh toàn quốc. Kết quả thu được thật không ngờ, toàn quốc đã quyên góp được trên 10 triệu đồng. Trong đó, riêng vùng khu IV cũ đã quyên góp được 6 triệu đồng.

       Tháng 7/1951, Hồ Chủ tịch đề xuất chủ trương đón thương binh về làng rất phù hợp với hoàn cảnh nước ta trong kháng chiến chống Pháp. Tính đến 1954, từ khu IV trở ra, hàng vạn thương binh được đồng bào 515 xã ở các địa phương trong vùng đón về chăm sóc phục hồi sức khỏe, ổn định đời sống và công tác...

       Từ 1955, Ngày Thương binh toàn quốc được đổi thành Ngày Thương binh liệt sĩ để thể hiện đầy đủ hơn tình cảm của toàn Đảng, toàn đân đối với tất cả những người đã hy sinh xương máu của mình cho Tổ quốc nở hoa độc lập, kết trái tự do. Cũng từ đó, hàng loạt chính sách chế độ đối với thương binh và gia đình liệt sĩ được ban hành. Và chỉ sau ngày kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ (30/4/1975), thực hiện lời Bác Hồ "ăn quả nhớ người trồng cây" Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra chỉ thị giải quyết vấn đề thương binh và xã hội. Cũng từ 1975, ngày Thương binh - Liệt sĩ đã được tổ chức trên toàn quốc với nhiều hình thức phong phú, có ý nghĩa chính trị sâu sắc.

       Tại tỉnh ta, ngày 17/6/2016, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 2121/KH-UBND về tổ chức các hoạt động kỷ niệm 69 năm ngày Thương binh - liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2016). Thông qua các hoạt động kỷ niệm thể hiện sự tri ân, lòng biết ơn của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với người có công với cách mạng. Tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc và nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhân dân trong việc thực hiện chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước đối với người có công với cách mạng.  Gắn các hoạt động kỷ niệm 69 năm ngày Thương binh - liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2016) hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2017) với các hoạt động thi đua lập thành tích thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp.

       Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND các huyện, thị xã, thành phố trong việc triển khai, tổ chức thực hiện tốt các nội dung của Kế hoạch. Thông tin, tuyên truyền, phổ biến kịp thời các văn bản mới ban hành quy định về chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng đồng thời tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ cấp huyện, cấp xã để thực hiện tốt các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng. Hướng dẫn việc thăm hỏi, tặng quà của Chủ tịch Nước, của tỉnh; chuẩn bị các điều kiện để Lãnh đạo tỉnh đi thăm hỏi, động viên, tặng quà cho các gia đình người có công với cách mạng tiêu biểu đang gặp khó khăn, ốm đau, bệnh tật và cơ sở nuôi dưỡng người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh.

       Tổ chức Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiểu biểu nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2017) theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Hoàn thành việc đề nghị phong tặng và truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng theo quy định tại Nghị định số 56/2013/NĐ- CP ngày 22/5/2013 của Chính phủ trong năm 2016. Phối hợp với Sở Nội vụ tổ chức kiểm tra, hoàn chỉnh hồ sơ, lập danh sách những gia đình đủ điều kiện tiêu chuẩn theo quy định để đề nghị tặng thưởng Huân chương độc lập cho gia đình có nhiều liệt sỹ, phấn đấu hoàn thành trong năm 2016. Hoàn thành việc điều tra thông tin về liệt sỹ, thân nhân liệt sỹ, mộ liệt sỹ và nghĩa trang liệt sỹ trên địa bàn tỉnh trước ngày 27/7/2016. Đẩy nhanh tiến độ cải tạo, nâng cấp Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh.

       Tổ chức thực hiện tốt chế độ điều dưỡng tập trung và tại nhà cho người có công với cách mạng; tiếp tục đưa người có công với cách mạng đi tham quan Thủ đô Hà Nội, viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có biện pháp giải quyết các trường hợp chưa xác nhận là người có công với cách mạng, chưa hưởng đầy đủ chế độ ưu đãi theo quy định. Khẩn trương xem xét, giải quyết những trường hợp khiếu nại tố cáo liên quan tới việc thực hiện chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng.                              


Các tin khác

TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN

TƯ LIỆU LỊCH SỬ

THÔNG TIN CÔNG TÁC TUYÊN GIÁO

Bộ câu hỏi trắc nghiệm

SINH HOẠT CHI BỘ