Xây dựng niềm tin của Nhân dân đối với Đảng là trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên

       Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, rèn luyện đã lãnh đạo nhân dân ta tiến hành Cách mạng Tháng Tám thành công, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) đánh thắng các cuộc chiến tranh xâm lược, xóa bỏ chế độ thực dân phong kiến, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, tiến hành công cuộc đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền của Tổ quốc. Sinh ra từ trong lòng dân tộc, Đảng ta luôn có mối liên hệ gắn bó mật thiết với nhân dân và điều này đã thực sự trở thành một vấn đề mang tính cốt lõi, thể hiện bản chất và sức sống của Đảng từ ngày thành lập đến nay.

       Trải qua 87 năm xây dựng và trưởng thành, Đảng ta đã lãnh đạo, tổ chức và phát huy sức mạnh to lớn của các tầng lớp nhân dân, giành nhiều thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp cách mạng; từ những ngày đầu khởi nghĩa giành chính quyền đến những năm kháng chiến, kiến quốc, chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, mà đỉnh cao là đại thắng mùa xuân 1975 với “non sông thu về một mối”. Bước vào thời kỳ đổi mới, với mục tiêu xây dựng đất nước “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, bằng những chủ trương, đường lối đúng đắn, Đảng đã lãnh đạo đất nước giành nhiều kết quả cao trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội: Đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao; tình hình chính trị ổn định, quốc phòng, an ninh được tăng cường, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; đời sống xã hội ở nông thôn, miền núi có nhiều thay đổi, khởi sắc, các chương trình mục tiêu, an sinh xã hội được quan tâm và triển khai hiệu quả; quyền “làm chủ” của nhân dân được tăng cường, mở rộng, quyền con người, quyền công dân được Nhà nước công nhận, bảo đảm theo Hiến pháp, pháp luật.  

       Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực đang có những diễn biến phức tạp khó lường; các thế lực thù địch tiếp tục thực hiện âm mưu “Diễn biến hòa bình”, với chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền” và thúc đẩy các hoạt động “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” gây mất ổn định an ninh, chính trị; “mượn danh” góp ý cho Đảng, có lúc công khai phản bác đường lối cách mạng của Đảng; có lúc lại “đổi giọng” sang “kiến nghị với Đảng” phải điều chỉnh, hay chuyển hướng cách mạng cho phù hợp với tình hình thời đại hiện nay… đã ít nhiều tác động, ảnh hưởng, làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng với Nhà nước và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.

       Xác định rõ vai trò, tầm quan trọng của việc giữ mối liên hệ gắn bó mật thiết với nhân dân; Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định “Một trong những nhiệm vụ quan trọng hiện nay là củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước. Cần thẳng thắn thừa nhận, trong bộ máy Nhà nước ta hiện nay có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa làm tròn trách nhiệm… làm giảm sút lòng tin của nhân dân vào bộ máy của Đảng, Nhà nước, làm mất uy tín, tổn hại danh dự của Đảng, thậm chí đe dọa đến sự tồn vong của Đảng”…và vấn đề tăng cường xây đắp mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng với nhân dân chính là giải pháp cấp bách, hữu hiệu nhất để góp phần nâng cao năng lực, sức chiến đấu của Đảng, xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là đội tiên phong của giai cấp công nhân và của cả dân tộc. Để thực hiện được điều này, cần phải có sự đồng sức, đồng lòng và quyết tâm cao độ của hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương mà trước hết phải xác định là trách nhiệm của mỗi người cán bộ, đảng viên, cụ thể:

       Thứ nhất: Mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên rèn luyện tư tưởng, đạo đức cách mạng nhằm nâng cao bản lĩnh chính trị, kiên định với đường lối và sự nghiệp đổi mới của Đảng, trung thành với Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; không dao động trước khó khăn và thử thách; tuân thủ các nguyên tắc của Đảng; không nói, viết và làm trái với chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, ra sức phục vụ lợi ích chung của giai cấp, của nhân dân, luôn đặt lợi ích của Đảng, của nhân dân lên trên lợi ích cá nhân; không ngừng rèn luyện ý thức tổ chức kỷ luật, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải kiên quyết làm đúng chính sách và nghị quyết của Đảng. Cán bộ, đảng viên phải làm gương cho quần chúng, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, phải gương mẫu đi đầu trong việc thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và tuyên truyền sâu rộng đến đông đảo nhân dân về các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước để người dân hiểu và thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của mình. thực hiện tốt những chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước, thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ: "Mỗi cán bộ, đảng viên phải là người thay mặt cho Đảng trước quần chúng, giải thích chính sách của Đảng và của Chính phủ cho quần chúng hiểu rõ và vui lòng thi hành".

       Thứ hai: Phải tích cực, chủ động gia tham gia phòng chống tham nhũng, lãnh phí và các biểu hiện tiêu cực trong xã hội. Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Đảng nêu rõ: “Thực hiện kiên trì, kiên quyết, có hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí…; ngăn chặn, tiến tới xóa bỏ tận gốc tệ nạn tham nhũng, lãng phí, tạo bước chuyển biến rõ rệt để giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố lòng tin của nhân dân”. Mỗi cán bộ, đảng viên, phải hiểu và nắm chắc mục đích, ý nghĩa, sự cần thiết trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, để thực sự phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong cuộc đấu tranh này bằng lối sống gương mẫu, thực hiện tốt nhiệm vụ của người cán bộ, đảng viên và những điều đảng viên không được làm; gương mẫu trong thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí; gương mẫu thực hiện tốt “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”.

       Thứ ba: Phải nghiêm chỉnh chấp hành kỷ luật khi thi hành công vụ, thường xuyên rèn luyện nâng cao đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm công vụ. Trên thực tế, người cán bộ, đảng viên chỉ có thể thực hiện đúng, đầy đủ chức năng, nhiệm vụ do Luật định khi có niềm tin yêu và sự trung thành tuyệt đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Trong quá trình thực thi công vụ, phải luôn tận tụy, công bằng, rõ ràng và minh bạch, không được vì lợi ích riêng tư mà thiên lệch trong công việc, gây “khó dễ” hay phiền hà cho nhân dân. Thường xuyên học tập, rèn luyện theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, làm việc chủ động, trung thực, trách nhiệm, linh hoạt và sáng tạo; có tinh thần đoàn kết, hợp tác trong công việc; dám làm, dám chịu trách nhiệm, không đùn đẩy trách nhiệm cho người khác; luôn nỗ lực, tích cực phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao nhằm góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ nhân dân, xây đắp củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, với Nhà nước.

       Thứ tư: Phải thực sự tôn trọng, lắng nghe ý kiến của nhân dân, thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ: "Cán bộ và đảng viên phải nâng cao tinh thần phụ trách trước Đảng và trước quần chúng, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Phải yêu kính nhân dân. Phải thật sự tôn trọng quyền làm chủ của nhân dânviệc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”. Thông qua những hành động cụ thể: Tận tụy, trách nhiệm khi giải quyết các công việc, kiến nghị của nhân dân, tích cực tham gia hoạt động ở khu dân cư, đặc biệt phải gương mẫu, tích cực tham gia các phong trào xây dựng địa phương, nhất là phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư" và phong trào "Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc"; tuyên truyền sâu rộng đến đông đảo nhân dân về các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước để người dân hiểu và thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của mình.

       Thứ năm: Mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần cảnh giác, kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch trên mặt trận chính trị tư tưởng; chủ động đấu tranh phòng ngừa, phê phán những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; có ý thức tích cực giữ gìn đoàn kết nội bộ thật tốt, xây dựng mối quan hệ gắn bó máu thịt với nhân dân.tuyên truyền sâu rộng đến đông đảo nhân dân về các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước để người dân hiểu và thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của mình.

       Để xây dựng mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhân dân, thiết nghĩ nếu tất cả cán bộ, đảng viên đều ý thức, tự giác thực hiện tốt các giải pháp này và phấn đấu trở thành tấm gương sáng về đạo đức, nhân cách, lối sống, chí công vô tư trong giải quyết công việc thì mối quan hệ gắn bó giữa Đảng với nhân dân sẽ ngày càng trở nên bền chặt./.


Các tin khác

TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN

TƯ LIỆU LỊCH SỬ

THÔNG TIN CÔNG TÁC TUYÊN GIÁO

Bộ câu hỏi trắc nghiệm

SINH HOẠT CHI BỘ