Đạo đức cách mạng theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước lúc đi xa đã để lại lời di huấn dặn dò về đạo đức cách mạng: “Đảng là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng. Phải thật sự cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Có thể nói, những lời di huấn của Người là tài sản tinh thần vô giá, là nguồn sức mạnh lớn để Đảng ta và nhân dân ta vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức hoàn thành mọi nhiệm vụ trong từng giai đoạn Cách mạng.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng có thể khái quát thành 4 nội dung cơ bản là: Trung với nước, hiếu với dân; Yêu nước thương dân, Cần kiệm, liêm, chính, chí công vô tư và tinh thần quốc tế trong sáng; trong đó, Trung với nước, hiếu với dân và cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư là hai nội dung được Bác đề cập nhiều nhất trong các bài nói, bài viết của mình về đạo đức cách mạng. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đạo đức cách mạng không phải là đạo đức thủ cựu. Nó là đạo đức mới. Đạo đức vĩ đại, nó không vì danh vọng cá nhân mà là vì lợi ích chung của Đảng, của dân tộc, của loài người.”

Hồ Chí Minh còn chỉ ra mối quan hệ giữa các phẩm chất: cần, kiệm, liêm, chính sẽ dẫn đến chí công, vô tư. Ngược lại, đã chí công, vô tư, một lòng vì nước, vì dân, vì Đảng thì nhất định sẽ thực hiện được cần, kiệm, liêm, chính và có được nhiều đức tính tốt khác.

Trong nhiều bài nói, bài viết của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở, người cán bộ, đảng viên phải luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, vì trách nhiệm trước nhân dân chính là một trong những thước đo quan trọng về phẩm chất đạo đức của mỗi cán bộ, đảng viên.

Theo tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng, thì tự phê bình và phê bình là một nguyên tắc không thể thiếu được trong xây dựng nền đạo đức mới - đạo đức cách mạng.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải quan tâm rèn luyện đạo đức cách mạng mà chính bản thân Người là tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng.  Người khẳng định: “Người cán bộ cách mạng phải có đạo đức cách mạng. Phải giữ vững đạo đức cách mạng mới là người cán bộ cách mạng chân chính”.

Thấm nhuần lời dạy của Người, nhiều thế hệ cán bộ, đảng viên đã phấn đấu quên mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân, xứng đáng là người chiến sỹ xung phong có phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng, được quần chúng tin yêu, mến phục. Những cán bộ, đảng viên đó đã “lấy lời dạy của Bác làm phương châm hành động: Trung với Đảng, trung với nước, hiếu với dân, cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; sẵn sàng hiến dâng đời mình cho lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

Đáng tiếc là bên cạnh những tấm gương hy sinh quên mình đó vẫn còn không ít cán bộ, đảng viên thoái hoá, biến chất về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Họ chưa thực hiện nghiêm túc những điều Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: nhiều chuẩn mực, nguyên tắc được Người nêu ra đã không được thực hiện trong cuộc sống. Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) đã chỉ rõ: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước”. Những sai phạm đó đã và đang đưa lại những tổn thất rất lớn cho sự nghiệp cách mạng. Điều đáng lo ngại là những sai phạm đó không những làm thiệt hại lớn đến kinh tế của Nhà nước mà còn làm suy giảm niềm tin trong nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta.

Để chấn chỉnh và kịp thời ngăn chặn thực trạng đó, Đảng ta đã có nhiều văn bản chỉ đạo, lãnh đạo việc chú trọng và tăng cường hơn nữa nhiệm vụ giáo dục đạo đức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay. Cụ thể:

Thứ nhất: Phải tăng cường giáo dục Chủ nghĩa Mác – Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh cho đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Vấn đề giáo dục Chủ nghĩa Mác – Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh cho đội ngũ cán bộ, đảng viên là vấn đề Đảng ta luôn đặt lên hàng đầu trong bất kỳ giai đoạn cách mạng nào. Bởi Đảng ta xác định: Trang bị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên những tri thức cơ bản về Chủ nghĩa Mác – Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh là để giúp cho họ có bản lĩnh và giữ vững bản lĩnh chính trị. Bản lĩnh chính trị vững vàng sẽ giúp cho cán bộ không bị lay động trước những khó khăn, những cám dỗ vật chất. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào người cán bộ vẫn một lòng, một dạ tin Đảng và theo Đảng. Làm được điều đó mới xứng đáng là người “đầy tớ trung thành” của nhân dân.

Thứ hai: Muốn giáo dục đạo đức có hiệu quả, trước hết người cán bộ lãnh đạo quản lý phải là tấm gương cho quần chúng noi theo.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh người cán bộ, đảng viên có đạo đức cách mạng là những người có văn hoá, phải xung phong, gương mẫu làm trước thiên hạ và phải hưởng bổng lộc sau thiên hạ. Cái gì lợi cho Đảng, cho dân thì khó mấy cũng làm, cái gì hại đến Đảng, đến dân thì kiên quyết chống lại. Chính vì vậy, trong bất kỳ cơ quan, tổ chức nào người lãnh đạo, quản lý cũng phải là người gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động. Người cầm quyền phải thanh liêm thì mới cảm hoá được quần chúng. Đặc biệt, người lãnh đạo phải có phẩm chất đạo đức trong sạch, làm gương cho quần chúng noi theo. Quần chúng học tập, tu dưỡng phấn đấu và làm theo lời nói, việc làm của người cán bộ, đảng viên vì họ là cầu nối giữa Đảng và quần chúng. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường dạy cán bộ, đảng viên: “Trước mặt quần chúng không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ quý mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”. “Nếu mình tham ô bảo người ta liêm khiết có được không?. Không được. Mình trước hết phải siêng năng, trong sạch thì mới bảo người ta trong sạch, siêng năng được”.

Thứ ba: Người cán bộ, đảng viên phải không ngừng tự rèn luyện, tự tu dưỡng đạo đức.

Bác nói: “Đạo đức Cách mạng không phải từ trên trời rơi xuống. Nó do đấu tranh rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố, cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong” Để đáp ứng yêu cầu trong công cuộc đổi mới hiện nay, người cán bộ phải không ngừng tu dưỡng đạo đức cá nhân, tự rèn luyện, tự đánh giá, tự điều chỉnh mình theo các giá trị đạo đức. Thực tế chứng minh rằng sự tác động có mục đích của giáo dục chỉ bắt đầu phát huy tác dụng khi có sự hưởng ứng của đối tượng một cách tự giác. Muốn dân tộc phát triển thịnh vượng thì mỗi cán bộ phải ham mê học tập và ứng dụng những điều đã học vào trong thực tiễn có hiệu quả. Người cán bộ không chỉ tu dưỡng đạo đức trong học tập, trau dồi đạo đức cách mạng mà còn phải tu dưỡng, rèn luyện đạo đức trong  tất cả mọi lĩnh vực.

Tóm lại: Tuỳ theo từng thời kỳ cách mạng, Bác Hồ đề ra những yêu cầu đạo đức thích hợp để mọi người phấn đấu, rèn luyện và hoàn thành nhiệm vụ. Có thể nói, đạo đức của Bác Hồ được soi sáng một cách toàn diện, bao gồm mọi lĩnh vực hoạt động, trên mọi phạm vi và mối quan hệ chủ yếu của mỗi người.

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, những điều Người căn dặn về đạo đức vẫn luôn có ý nghĩa trong việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên và mỗi người dân./.

 


Các tin khác

TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN

TƯ LIỆU LỊCH SỬ

THÔNG TIN CÔNG TÁC TUYÊN GIÁO

Bộ câu hỏi trắc nghiệm

SINH HOẠT CHI BỘ