Kỷ niệm 110 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 - 5/6/2021): Từ cảng Nhà Rồng đến Mác-xây (Pháp)

Tàu Đô đốc Latouche Treville tiếp tục vượt trùng dương mênh mông. Nhịp sóng hòa cùng nhịp đập trái tim, Văn Ba muốn tàu chạy thật nhanh tới đích. Đánh giá sự kiện này, William J. Duiker - nhà ngoại giao, Giáo sư sử học Đại học Penn State đã viết: “Chỗ ở của Thành ở gần bến Nhà Rồng nơi các con tàu xuyên đại dương thường xuyên lui tới. 

Thành quyết định tìm việc làm trên một trong những con tàu đó để ra nước ngoài. Ngày 2/6/1911, một anh thanh niên tên là Ba xuất hiện ở cầu tàu Đô đốc Latouche Treville. Thuyền trưởng Louis Eduard Maisen e ngại nhìn khuôn mặt thông minh nhưng thân hình khá mảnh khảnh của anh. Ba quả quyết là việc gì anh cũng làm được và đã thuyết phục được Maisen cho một chân phụ bếp. Ngày hôm sau, anh bắt tay ngay vào công việc rửa bát, giặt quần áo, lau sàn, nhặt rau và đốt lò. Ngày 5/6, Đô đốc Latouche Treville rời Sài Gòn ra biển Đông… Tại sao Nguyễn Tất Thành lại quyết định rời đất nước?... không nghi ngờ gì, khi rời Sài Gòn tháng 6/1911, anh thanh niên Nguyễn Tất Thành đã hoàn toàn nhận thức được những bất công mà đất nước mình đang phải gánh chịu và trong nước không có lời giải. Biết đâu, anh có thể tìm kiếm được những lời giải ở nước ngoài”[[1]].

Trên tàu, hàng ngày từ bốn giờ sáng, khi mặt trời còn chìm trong biển cả, Nguyễn Tất Thành đã phải thức dậy, quét dọn phòng ăn, đốt lò, đi khuân than cho đủ dùng cả ngày, rồi xuống hầm kho lấy rau, thịt, cá, nước đá… mỗi lần phải vác trên lưng những bao than to, leo bao nhiêu bậc thang trong khi con tàu bồng bềnh, nghiêng ngả, làm cho Văn Ba gầy gò, kiệt sức. Đâu đã hết, Văn Ba còn phải phục vụ cho chủ bếp người Pháp trên tàu, trong lúc chúng ngồi ăn thì Văn Ba phải nhặt rau, rửa bát, tiếp tục xúc than bỏ vào lò. Cứ thế, theo chu trình công việc, Anh phải làm việc quần quật suốt ngày. Trên thân thể thanh mãnh của Anh đầm đìa mồ hôi, bụi than nhem nhuốc, nhưng tiền lương của Anh ít hơn nhân viên trên tàu từ 10 lần, thậm chí đến 20 lần. Song Anh bình thản chịu đựng, vì Anh thấy con đường cứu nước thiêng liêng biết nhường nào. Anh sẵn sàng chấp nhận gian khổ, bất công để đi tìm chân lý. Sau này, có lần nhân câu chuyện kể với các bạn trẻ trong khu Phủ Chủ tịch, Bác nói: “Hồi ấy Bác làm bồi tàu, làm việc từ sáng đến tối, suốt ngày không được cầm đến tờ báo mà xem. Đến đêm mới hết việc, mới được đọc sách, đọc báo. Ban ngày muốn học chỉ còn cách là viết chữ lên mảnh da tay này. Cứ mỗi buổi sáng viết mấy chữ rồi đi cọ sàn  tàu, cọ thùng, đánh nồi, rửa bát, thái thịt, băm rau, vừa làm vừa nhìn vào da bàn tay mà học. Hết ngày, người thì mồ hôi đầm đìa, chữ cũng mờ đi, cuối buổi đi tắm mới xóa được chữ ấy đi, coi như đã thuộc. Sáng mai lại ghi chữ mới”[[2]].

Ngày 6/7/1911, sau chuyến hành trình, Nguyễn Tất Thành đặt chân lên đất Pháp mà điểm đầu tiên là Mác-xây (Marseille). Anh đi tiếp tới Lơ-ha-vơ-rơ (Lơ Havre) - Hải cảng miền Bắc nước Pháp, một thị trấn xinh đẹp bên bờ biển hiện ra trước mắt - thị trấn Xanh-tơ A-đrét-xơ (Sainte Adresse). Anh lên bờ và nhận làm vườn cho gia đình chủ hãng tàu và cùng học tiếng Pháp với cô Sen - một người Việt đang giúp việc cho gia đình này. Ý nghĩ phải nâng cao kiến thức đã thúc đẩy Anh viết đơn xin đi học trường Thuộc địa tại Pháp. Ngày 15/9/1911, Nguyễn Tất Thành viết đơn gửi Tổng thống Pháp và Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp trình bày nguyện vọng muốn vào học Trường Thuộc địa (École Coloniale)[[3]]. Đơn có đoạn viết: “Tôi vinh hạnh, xin một đặc ân với lòng nhân từ cao cả của ông được thu nhận vào học Trường Thuộc địa như một học sinh nội trú. Hiện tại tôi là nhân viên của Hãng Sácgiơ Rêuyni (Chargeurs Réunis) tàu Amiran Latusơ Tơrêvin”[[4]]. Tuy nhiên, Nguyễn Tất Thành đã không được chấp nhận vào học. Không vào được trường học, Nguyễn Tất Thành quyết tiếp tục cuộc hành trình cứu nước. Nhân một ngày kia, người chủ tàu bảo với anh: “Có chiếc tàu chở hàng đi vòng quanh châu Phi, tôi muốn để anh đi cùng, Nguyễn Tất Thành đã vui vẽ nhận lời”. Vào một ngày năm 1912, người thanh niên Nguyễn Tất Thành quyết định xuống tàu của hãng vận tải hợp nhất Sác-giơ Rê-uy-ni (Chargeurs Resunis) bắt đầu cuộc hành trình mới: vòng quanh châu Phi…

Chuyến đi này, Nguyễn Tất Thành bắt đầu in dấu chân mình lên một số nước thuộc địa Pháp. Khi ấy, Pháp đã có cả hệ thống thuộc địa khổng lồ kéo từ châu Á qua châu Phi, đến châu Mỹ và châu Đại Dương, gồm: An-giê-ri, Tuy-ni-di, Xê-nê-gan, Xu-đăng, Bờ Biển Ngà, Công-gô, Ghi-nê, Ma-đa-gát-ca, Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia… Tàu rẽ sóng đưa Nguyễn Tất Thành đến những phương trời và nhiều miền đất lạ… Anh đi, đi rất nhiều, làm bất cứ việc gì để sống và để đi. Đến An-giê-ri - thuộc địa Pháp từ năm 1830, Anh thấy hàng đoàn phụ nữ, trẻ em lũ lượt kéo nhau đi xin ăn. Nhiều người chết gục bên cầu En Căng-ta-ra. Những người còn sống thân hình tiều tụy, áo quần tơi tả. Đến Tuy-ni-di - nước bị Pháp bảo hộ từ năm 1881, Anh chứng kiến những trận roi da mà bọn thực dân giáng vào đầu người nô lệ. Sau này, trong tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp, Nguyễn Ái Quốc kể lại rằng: “Khi chúng coi khinh cả bọn vua quan triều đình, thì chúng coi thường người dân lao động là lẽ đương nhiên. Tại cái xứ sở đau thương này, người ta đã tìm thấy trong những hang động miền En Ghi-ri-na, nhiều người đói lã phải gặm xác những con vật đã chết”.

Đến Đa-ca - thủ đô nước Xê-nê-gan bị Pháp chiếm làm thuộc địa từ năm 1637. Nguyễn Tất Thành thấy biển gầm lên dữ dội, tàu không thể đến sát bến, cũng không thể thả xuồng. Tên thực dân Pháp bắt “mọi đen”[[5]] nhảy xuống biển bơi ra tàu truyền đạt tin tức từ đất liền. Một, hai, ba… “mọi đen” lần lượt nhảy xuống đều chìm trong biển cả. Cảnh tượng này làm anh đau lòng, phẫn uất. Anh rơm rớm nước mắt nói với người bạn đồng hướng: “Tôi thấy người Pháp ở nước Pháp rất tốt. Người Pháp ở thuộc địa độc ác, vô nhân đạo lắm… Ở ta, tôi cũng thấy nhiều cảnh như thế xảy ra ở Phan Rang. Người Pháp cười sặc sụa, trong khi đồng bào ta chết đuối vì chúng nó. Đối với thực dân, tính mạng của người thuộc địa da vàng hay da đen cũng không đáng một xu”[[6]]. Đặt chân lên đất Công-gô, Anh thấy bọn thực dân quát tháo, đẩy thanh niên đi làm bia đỡ đạn cho chúng. Thủ đô Bra-da-vin hoang tàn và chết chóc. Người dân Công-gô trồng nhiều cao lương, nhưng không được ăn, trồng nhiều cà phê nhưng không được uống. Bao nhiêu nông sản do nông dân làm ra đều bị “quan bảo hộ” đem xuất khẩu để thu lợi nhuận.

Rời châu Phi, Người vượt Đại Tây Dương đến nước Mỹ. Những ngày sống ở New York, Nguyễn Tất Thành lui tới khu Hác-lem của người da đen. Tại đây, Anh nhanh chóng nhận ra phía sau tượng “thần Tự do” là tội ác của chủ nghĩa đế quốc. Nhìn những tòa nhà chọc trời ở ngoại ô Ma-ha-than (Manhattan), New York, anh ngậm ngùi than thở: “Những cái tháp cao của tòa nhà đó che lấp ánh mặt trời của nhà những người nghèo”[[7]]. Quan sát trên đất nước “thần Tự do”, Anh khẳng định: “Người da đen là giống người bị áp bức và bóc lột nặng nề nhất trong loài người”[[8]].

Không thể kể hết ra đây ngững nước thuộc địa mà Nguyễn Tất Thành đã đặt chân tới. Tuy nhiên, cuộc khảo sát thực tế, phong phú của Anh tại các nước thuộc địa của Pháp đã  giúp cho Anh nhìn rõ hơn, sát hơn bộ mặt tên thực dân đi “khai hóa văn minh”. Qua cuộc khảo sát này, Anh rút ra kết luận: “Trên thế giới không có dân tộc chiến bại nào bị đàn áp và hành hạ như người dân thuộc địa”[[9]]. Anh nhìn rõ cảnh áp bức dân tộc và áp bức giai cấp đè nặng lên màu da. Đối với bọn thực dân, tính mạng người thuộc địa sao mà rẽ rúng, không đáng một xu, Anh nhìn rõ bản chất tàn bạo của những tên thực dân đối với nhân dân thuộc địa, nhìn rõ mâu thuẫn đối kháng giữa nhân dân các nước thuộc địa với bọn đế quốc. Anh luận chứng: “Ở tất cả các nước thuộc địa, nhân dân bản xứ đều bị tư bản đế quốc chủ nghĩa Pháp bóc lột không ngừng”[[10]]. Qua đó, Anh thấy vấn đề “quyền các dân tộc” trở thành vấn đề cấp bách đối với nhân dân các nước thuộc địa. Anh thấy sự cần thiết liên minh chiến đấu, tình đoàn kết hữu ái giữa các nước thuộc địa anh em. Sau này Người đã rút ra kết luận xác đáng: “Trên đời này chỉ có hai giống người, giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một mối tình hữu ái là thật mà thôi: tình hữu ái vô sản”[[11]].

Sự xích lại gần nhau giữa Nguyễn Tất Thành với nhân dân các nước thuộc địa là sự xích lại ngày càng gần nhau giữa dân tộc Việt Nam với các dân tộc trên thế giới. Độc lập, tự do của mỗi dân tộc chỉ có thể thắng lợi triệt để khi nó hòa đồng với cuộc đấu tranh của các dân tộc bị áp bức. Lúc này, tuy Nguyễn Tất Thành chưa gặp chủ nghĩa Mác - Lênin, song trong tư tưởng cứu nước của Người rõ ràng đã có bước phát triển mới…

Sau cuộc hành trình đến nhiều nước trên thế giới, Nguyễn Tất Thành theo tàu biển trở về nước Pháp, rồi đến năm 1913, Người quyết định sang nước Anh…

Thái Sơn

Bài tới: Rời nước Pháp đến nước Anh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Ba lần nói chuyện với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Báo Nhân Dân, số 4062, ngày 18/5/1965.

2. Ban Tuyên giáo Trung ương (2008), Chủ tịch Hồ Chí Minh, một huyền thoại kỳ vĩ -  Bút tích, hình ảnh và những câu chuyện về phẩm cách của Người, Nxb Hồng Đức, Hà Nội.

3. Hồ Chí Minh (1980), Toàn tập, tập 1, Nxb Sự Thật, Hà Nội.

4. Hồ Chí Minh (1995), Toàn tập, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

5. Trần Dân Tiên (2004), Những mẫu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Nghệ An.

 


[[1]] Theo Đỗ Hoàng Linh (9/2013), http://ditichhochiminhphuchutich.gov.vn, Nguyễn Tất Thành và hành trình tìm đường cứu nước qua nhận định của các học giả nước ngoài, tr. 1.

[[2]] Ban Tuyên giáo Trung ương (2008), Chủ tịch Hồ Chí Minh, một huyền thoại kỳ vĩ - Bút tích, hình ảnh và những câu chuyện về phẩm cách của Người, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, tr. 198.

[[3]] Trường Thuộc địa (École Coloniale) được thành lập năm 1885 tại Pari với mục đích đào tạo những công chức để gửi sang các nước thuộc địa làm việc. Học viên chủ yếu là người Pháp, rất ít người của các nước thuộc địa, trừ một số do chính quyền ở thuộc địa gửi sang.

[[4]] Đơn ngày 15/9/1911 của Nguyễn Tất Thành gửi Tổng thống Pháp. Bản chụp bút tích lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

[[5]] Thường được sử dụng với ý nghĩa khinh miệt, xúc phạm và phân biệt chủng tộc khi thực dân Pháp dùng để gọi những người da đen.

[[6]] Trần Dân Tiên (2004), Những mẫu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Nghệ An, tr. 24.

[[7]] Ba lần nói chuyện với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Báo Nhân Dân, số 4062, ngày 18/5/1965.

[[8]] Hồ Chí Minh (1980), Toàn tập, tập 1, Nxb Sự Thật, Hà Nội, tr. 269.

[[9]] Hồ Chí Minh (1980), Toàn tập, tập 1, Nxb Sự Thật, Hà Nội, tr. 373.

[[10]] Hồ Chí Minh (1980), Toàn tập, tập 1, Nxb Sự Thật, Hà Nội, tr. 223.

[[11]] Hồ Chí Minh (1995), Toàn tập, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.266.


Các tin khác